Bộ Giáo dục và Đào tạo họp triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em”

PV
19:42 - 11/01/2023
Công dân & Khuyến học trên

Ngày 11/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em”.

Bộ Giáo dục & Đào tạo: Họp triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em” - Ảnh 1.

Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em”.

Chương trình nhân văn và ý nghĩa

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh nhấn mạnh: “Chương trình sóng và máy tính cho em rất nhân văn và ý nghĩa đối với học sinh trước tình hình Covid-19 khi phải học chương trình trực tuyến. Theo đó, chương trình đặc biệt quan tâm trực tiếp đối 3 đối tượng học sinh là: con hộ nghèo, cận nghèo và con mồ côi cha hoặc mẹ do Covid-19”.

Thứ trưởng ghi nhận và đánh giá nỗ lực, cố gắng của các đơn vị đã bàn giao máy tính và vận động nguồn kinh phí; đặc biệt là sự phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các địa phương.

Báo cáo kết quả triển khai chương trình, ông Phạm Văn Sinh – Phó Vụ trưởng Vụ Cơ sở vật chất – Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Đến nay, có 92.629 máy tính bảng được tài trợ từ các doanh nghiệp viễn thông đã giao cho học sinh ở 24 tỉnh sử dụng. Số tiền 510,77 tỷ đồng chuyển về cho 17 Sở Giáo dục và Đào tạo để mua 204.308 máy tính bảng đang được các địa phương triển khai, bàn giao cho học sinh, dự kiến hoàn thành trong quý I/2023.

Sau khi đại dịch được kiểm soát, Vụ Cơ Sở vật chất đã khảo sát thực tế tại một số tỉnh phía Nam, Tây Nguyên và Tây Bắc, sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, học sinh sử dụng máy tính để tra cứu bài giảng điện tử, thông tin trên mạng phục vụ cho việc học tập; học trực tuyến một số môn theo kế hoạch của giáo viên bộ môn.

“Đặc biệt, các em còn dùng máy tính để tham dự các cuộc thi trực tuyến do Bộ, Sở, ngành, địa phương phát động như: Violympic Toán, Violympic tiếng Anh, Violympic Vật lý, Trạng nguyên toàn tài, Trạng nguyên Tiếng Việt, Cuộc thi em yêu biển đảo quê hương…”, ông Phạm Văn Sinh nói.

Một số hạn chế trong quá trình triển khai

Cũng trong cuộc họp này, ông Phạm Văn Sinh chỉ ra những hạn chế gặp phải trong quá trình triển khai chương trình như: Học sinh chỉ được hỗ trợ gói cước 3G trong thời gian 3 tháng, tuy nhiên đa số hộ gia đình nghèo không có điều kiện để duy trì gói cước dẫn đến hạn chế việc sử dụng máy tính bảng tại gia đình. Một số nơi vẫn chưa có sóng điện thoại nên học sinh không truy cập được vào mạng khi ở nhà.

Một số tỉnh như Hà Tĩnh, Gia Lai, Điện Biên, Lai Châu..., Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài Chính đang trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Hai tỉnh Quảng Nam và Sơn La chậm nhận được tiền, Vụ Cơ Sở vật chất đang phối hợp với các nhà tài trợ để thực hiện chuyển tiền. Riêng tỉnh Gia Lai, Sở Tài chính tham mưu chưa đúng, đề ra nhiều thủ tục rườm rà dẫn đến chưa có hướng dẫn rõ ràng mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều văn bản gửi UBND tỉnh đôn đốc.

Sau khi nghe ý kiến từ các đơn vị, Thứ trưởng Ngô Thị Minh lưu ý, các tỉnh chú ý đến chất lượng, cấu hình máy tính bảng để đảm bảo khi trao cho học sinh sử dụng.

Bên cạnh đó, các tỉnh cần rà soát, kiểm tra chặt chẽ đối tượng được thụ hưởng. Cần lưu tâm việc máy tính có đến đúng đối tượng hay không. Không được để tình trạng quy thành tiền để trao cho học sinh...

Nếu những đơn vị nào chưa có phương án hoặc gặp khó khăn có thể trao đổi với Vụ Cơ sở Vật chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cùng phối hợp để hỗ trợ, tháo gỡ cho địa phương.

Được biết, liên quan đến chương trình "Sóng và máy tính cho em", ngày 20/12/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Trị và 10 tỉnh khác, yêu cầu đôn đốc triển khai chương trình trên.

Trong văn bản, Bộ nhấn mạnh, quá trình thực hiện chương trình, việc mua sắm đã kéo dài suốt từ đầu năm 2022 đến nay vẫn chưa hoàn thành, một số nơi có biểu hiện chiếm dụng tiền tài trợ để gửi ngân hàng lấy lãi. Nguyên nhân do các cơ quan tham mưu của tỉnh, đặc biệt là Sở Tài chính, đã rất lúng túng, thiếu trách nhiệm, tạo ra nhiều thủ tục rườm rà, không đúng thẩm quyền.

Nguồn: Giáo dục và Thời đại