Bộ đội Tên lửa Phòng không: Huấn luyện thần tốc, đánh thắng trận đầu

Nguyễn Năng Lực
10:30 - 24/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Theo giáo trình của chuyên gia Liên Xô, để đào tạo một kíp chiến đấu tên lửa phòng không­­­­­­­, thời gian huấn luyện cơ bản không dưới 6 tháng. Nhưng bộ đội ta đã gấp rút học ngày học đêm, chỉ sau hai tháng rưỡi đã ra quân đánh thắng trận đầu.

Ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ gây ra "sự kiện Vịnh Bắc bộ", lấy cớ mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, ném bom miền Bắc.

Quân dân miền Bắc bước vào cuộc chiến đấu mới, chống lại lực lượng không quân hùng hậu, hiện đại nhất thế giới lúc bấy giờ. Bộ đội cao xạ, lực lượng dân quân tự vệ, với vũ khí còn thô sơ, đã gây tổn thất đáng kể cho Không lực Hoa Kì. 

Tuy nhiên, Không lực Mỹ vẫn chiếm ưu thế trên tầng cao, mặc dù lúc này, trên bầu trời đã xuất hiện những cánh én bạc máy bay MiG của Không quân Nhân dân Việt Nam.

Tháng 2/1965, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô) Alexei Kosygin sang thăm Việt Nam. Trong chuyến thăm này, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đạt được thỏa thuận, Liên Xô đồng ý giúp Việt Nam 2 trung đoàn tên lửa phòng không và 4,5 cơ số đạn.

Ngày 24/7/1965 - Ngày truyền thống của Bộ đội Tên lửa Phòng không: Khẩn trương huấn luyện, đánh thắng trận đầu - Ảnh 1.

Chiến sĩ Trung đoàn 236 chuẩn bị chiến đấu. Ảnh: Năng Lực

Tổ hợp tên lửa phòng không SA-75

Loại tên lửa Liên Xô giúp ta là tên lửa SA-75, thường gọi là SAM-2, do Viện Thiết kế tên lửa KB-1 (Tổng công trình sư A.A.Raspletin) nghiên cứu chế tạo và ngày 7/11/1957 đã xuất hiện tại lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ.

Tổ hợp tên lửa SAM-2 trở nên nổi tiếng lần đầu tiên khi ba phân đội SA-75 bắn 14 quả đạn, hạ một máy bay do thám Lockheed U-2 của Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA), bắt sống Trung úy Power khi chiếc máy bay này đang bay do thám trên không phận của Liên Xô ở độ cao 20.000m vào ngày 1/5/1960.

SA-75 là tổ hợp tên lửa đất đối không tầm cao, điều khiển bằng hệ thống radar ba tác dụng. Tổ hợp gồm 3 xe khí tài (xe Điều khiển, xe Tính toán, xe Thu phát) và một đài radar nhìn vòng, 6 bệ phóng...

Đạn tên lửa dùng trong hệ thống SAM-2 là V-750 có tốc độ bay đạt Mach 3. Đầu đạn tên lửa V-750 khoảng 65m (ở độ cao lớn, khí quyển loãng, bán kính tiêu diệt mục tiêu có thể lên đến 250m). Khi cách mục tiêu khoảng 60m, hiệu ứng vô tuyến sẽ kích hoạt ngòi nổ sát thương gây nổ đạn. Khi đầu đạn được kích nổ sẽ sinh ra nhiệt lượng rất lớn, sóng xung kích mạnh và tạo ra hàng chục nghìn mảnh đạn để tiêu diệt mục tiêu. Đạn V-750 có hai tầng: Động cơ đẩy sử dụng nhiên liệu rắn; động cơ hành trình sử dụng nhiên liệu lỏng để duy trì quỹ đạo bay.

SA-75 có thể tiêu diệt các mục tiêu bay ở độ cao từ 300m đến 27.000m; khi cần có thể diệt các mục tiêu mặt đất, mặt nước ở cự ly tới 20km. SA-75 có nhiều biến thể và được cải tiến nhiều lần để nâng cao tính năng chiến thuật, kỹ thuật, nhất là khả năng chống nhiễu.

Ngày 24/7/1965 - Ngày truyền thống của Bộ đội Tên lửa Phòng không: Khẩn trương huấn luyện, đánh thắng trận đầu - Ảnh 2.

Kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 77, Trung đoàn 257 (Sư đoàn 361) tại trận địa Chèm (Hà Nội) trong Chiến dịch "Hà Nộ i- Điện Biên Phủ trên không", tháng 12-1972. Ảnh tư liệu

Sở dĩ phải giới thiệu về tính năng cũng như chiến tích của loại tên lửa SAM-2 mà Liên Xô giúp ta, vì trong thời gian đó, SAM-2 là loại tên lửa phòng không tầm cao vào loại hiện đại nhất, đòi hỏi những người sử dụng phải có trình độ khoa học kĩ thuật khá cao.

Chạy đua với thời gian

Tháng 4/1965, bộ khí tài Tên lửa SAM-2 đầu tiên do Liên Xô viện trợ về đến căn cứ Mỏ Chén (Sơn Tây).

Ngày 1/5/1965, Quân chủng Phòng không - Không quân công bố quyết định thành lập Trung đoàn Tên lửa 236. Ngày 3/5/1965, Trung đoàn bước vào huấn luyện theo chương trình chuyển binh chủng với thời gian 6 tháng, do chuyên gia Liên Xô trực tiếp giảng dạy. 

Quân đội Xô viết đã cử những sĩ quan, chiến sĩ giỏi nhất sang giúp ta. Trong số đó có hai tiểu đoàn trưởng là Đại úy Ylinik và Đại úy Magiaep là hai sĩ quan đã trực tiếp đánh trận ngày 1/5/1960, bắn rơi chiếc máy bay trinh sát tầm cao U-2 của Cơ quan Tình báo Hoa Kì xâm phạm vùng trời Liên Xô.

­­­­­­­­ Do yêu cầu chiến đấu đòi hỏi rất khẩn trương nên công tác tổ chức được tiến hành gấp rút. Đơn vị vừa tiếp nhận khí tài, vừa triển khai công tác huấn luyện. Phương châm là học những nội dung thiết thực, học thực hành trước để sớm có thể ra trận. Do chỉ có một bộ khí tài để huấn luyện, các kíp phải luân phiên nhau thực hành nên trung bình mỗi ngày phải học từ 14 đến 15 giờ, trong khi nhiệt độ trong cabine có lúc lên tới 45 độ C. 

Với thành tích xuất sắc trong cuộc chiến tranh chống Mỹ xâm lược và đặc biệt trong Chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" cuối tháng 12/1972, ngày 11/1/1973, Bộ đội Tên lửa Phòng không là binh chủng đầu tiên của Quân đội được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.

Bộ đội tên lửa lứa đầu tiên phần lớn là sinh viên các trường đại học, nhiều người là kĩ sư đã được đào tạo tại Liên Xô. Với tinh thần hiếu học và danh dự của người chiến sĩ, bộ đội đã không quản ngại khó khăn, vất vả, quyết tâm học tập, rèn luyện tốt, từng bước tích lũy kiến thức mới mẻ, dần dần làm chủ khí tài

Được gần hai tháng, Quân chủng nhận được chỉ thị của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp: "Các đồng chí Trung đoàn 236 phải nhanh chóng nắm lấy vũ khí, khí tài để sớm ra quân chiến đấu và chiến đấu thắng lợi".

Thực hiện chỉ thị của Đại tướng Tổng tư lệnh, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng cùng Trung đoàn 236 đã quyết tâm rút ngắn thời gian huấn luyện từ 6 tháng xuống 2 tháng 15 ngày. Ngày 18/7, Trung đoàn kết thúc huấn luyện, toàn đơn vị nhanh chóng bắt tay vào công tác chuẩn bị chiến đấu.

Máy bay ném bom chiến lược B-52 trên trời và dưới hồ Hữu Tiệp (Hà Nội). Ảnh: TL

Với sự giúp đỡ của chuyên gia Liên Xô, sự hiệp đồng chặt chẽ với cao xạ, radar và lực lượng nhân dân địa phương, 15h53 ngày 24/7/1965, tại trận địa Chùa Ghề (Yên Kỳ, Trung Hà) và trận địa Vô Khuy (Ngọc Nhị, Suối Hai), hai tiểu đoàn 63 và 64 (Trung đoàn 236), mỗi tiểu đoàn phóng 2 quả tên lửa, đã bắn rơi cả tốp 3 máy bay F-4 "Con ma" của không quân Mỹ ở độ cao 7.000m, trong đó có chiếc F-4C rơi tại chỗ là chiếc thứ 400 bị bắn rơi ở miền Bắc. Đây là trận đầu ra quân đánh thắng của Bộ đội Tên lửa Việt Nam.

Ngày 24/7/1965 được lấy làm Ngày Truyền thống của Bộ đội Tên lửa phòng không.

Trong 8 năm chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, các đơn vị Tên lửa phòng không SA-75 của ta đã đánh 3.452 trận, phóng 5.857 đạn, bắn rơi 788 máy bay, (bình quân tiêu thụ 7,4 đạn/máy bay) trong tổng số 2.635 máy bay do Quân chủng PK-KQ và 4.181 chiếc bị quân và dân ta bắn rơi trên miền Bắc.

Riêng trong Chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" tháng 12/1972, các tiểu đoàn hỏa lực SA-75 đã đánh 192 trận, phóng 334 tên lửa, bắn rơi 7 máy bay chiến thuật các loại, 29 máy bay ném bom chiến lược B-52 của Không quân Mỹ trên tổng số 34 chiếc B-52 bị hạ trong chiến dịch, chiếm 88,2% tổng số B-52 bị bắn rơi, bắt sống và tiêu diệt nhiều giặc lái B-52. Tất cả 16 chiếc B-52 rơi tại chỗ đều do tên lửa SA-75 bắn hạ.

Ngày 24/7/1965 - Ngày truyền thống của Bộ đội Tên lửa Phòng không: Khẩn trương huấn luyện, đánh thắng trận đầu - Ảnh 5.

Chiến sỹ Sư đoàn Phòng không 367 triển khai sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: TTXVN

Với thành tích xuất sắc trong cuộc chiến tranh chống Mỹ xâm lược và đặc biệt trong Chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" cuối tháng 12/1972, ngày 11/1/1973, Bộ đội Tên lửa Phòng không là binh chủng đầu tiên của Quân đội được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.

Đã có 6 sư đoàn Phòng không; 15 lượt trung đoàn Tên lửa; 22 tiểu đoàn Tên lửa và 41 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Đến nay, Binh chủng Tên lửa Phòng không Quân đội Nhân dân Việt Nam đã được trang bị nhiều loại tên lửa hiện đại, đủ sức mạnh bảo vệ bầu trời Tổ quốc.

Nguồn: Tổng hợp
Bình luận của bạn

Bình luận