Bộ Công Thương đề xuất các giải pháp đảm bảo cung ứng điện, xăng dầu

Minh Châu
21:55 - 04/07/2023
Công dân & Khuyến học trên

Để bảo đảm cung ứng điện, xăng dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng của người dân trong thời gian tới, Bộ Công Thương đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như sau:

Bộ Công Thương đề xuất các giải pháp đảm bảo cung ứng điện, xăng dầu - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023. Ảnh: VGP

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì ngày 4/7/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết:  Để bảo đảm cung ứng điện, xăng dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng của người dân trong thời gian tới, Bộ Công Thương đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như sau:

Bộ Công Thương đề xuất giải pháp bảo đảm cung ứng điện 

Thứ nhất, tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển nguồn trọng điểm và truyền tải liên miền; chỉ đạo, đôn đốc chủ đầu tư các nhà máy điện kịp thời khắc phục sự cố, bảo đảm các điều kiện để khai thác tối đa công suất các nhà máy.

Thứ hai, thực hiện tốt công tác điều tiết, vận hành hệ thống điện, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả (Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Nội vụ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các đơn vị liên quan khẩn trương chuyển giao đơn vị quản lý Trung tâm A0 theo chỉ đạo của Chính phủ).

Thứ ba, tăng cường giám sát, đôn đốc các tập đoàn (TKV, PVN) và các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm nguồn cung than, dầu, khí và các vật tư, nguyên liệu đầu vào để phục vụ các nhà máy điện hoạt động ổn định;

Thứ tư, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để thúc đẩy tiến độ các dự án nguồn trọng điểm và dự án truyền tải, lưới điện; tiếp tục phê duyệt thỏa thuận giá tạm thời để các nhà máy điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp tham gia nối lưới.

Thứ năm, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn điều tiết lượng nước các nhà máy thủy điện đáp ứng nhu cầu phát điện và điều hòa nước của hạ du, đặc biệt trong mùa bão lũ;

Thứ sáu, khẩn trương xây dựng Kế hoạch triển khai Quy hoạch Điện 8 và đẩy mạnh các biện pháp khuyến khích, hướng dẫn người dân sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Bộ Công Thương sẽ đẩy nhanh việc hoàn thiện, trình Chính phủ phê duyệt 3 quy hoạch Ngành liên quan đến năng lượng (Quy hoạch năng lượng quốc gia, Quy hoạch hạ tầng dự trữ xăng dầu quốc gia và Quy hoạch khai thác khoáng sản) để các địa phương và nhà đầu tư có cơ sở triển khai các dự án. 

Bộ Công Thương đề xuất các giải pháp đảm bảo cung ứng điện, xăng dầu - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tham dự và phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023. Ảnh: VGP

Đồng thời, tập trung xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Điện; chiến lược phát triển năng lượng sạch (như: Hydrogen, amoniac xanh); hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi), Luật phát triển năng lượng tái tạo và các cơ chế, chính sách về mua bán điện trực tiếp, chính sách xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển điện lực, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, với các giải pháp nêu trên, cần có thời gian để thực hiện, vì vậy trong ngắn hạn để bảo đảm đủ nguồn điện phục vụ sản xuất và tiêu dùng thì một trong những giải pháp quan trọng, cấp thiết nhất hiện nay vẫn là phải thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp tăng cường tiết kiệm điện theo đúng Chỉ thị số 20 ngày 8/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Giải pháp bảo đảm cung ứng xăng dầu

Thứ nhất, thường xuyên rà soát, điều chỉnh phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu theo từng Quý, phù hợp với năng lực và khả năng đáp ứng của từng doanh nghiệp đầu mối nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống;

Thứ hai, tăng cường theo dõi, giám sát, đôn đốc các doanh nghiệp đầu mối nghiêm túc thực hiện kế hoạch phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu theo đúng số lượng, tiến độ (đặc biệt trong thời gian Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn tạm dừng hoạt động trong 55 ngày để bảo dưỡng, từ ngày 25/8/2023); đồng thời, phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu tại các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối và các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm;

Thứ ba, chỉ đạo PVN đôn đốc, giám sát các nhà máy lọc dầu chủ động chuẩn bị các phương án để bảo đảm hoạt động ổn định, cung cấp đủ nguồn hàng ra thị trường theo cam kết; đồng thời, chuẩn bị các phương án (cả về kỹ thuật, nhân lực, vật tư, nguyên liệu) để hoạt động hết (và vượt) công suất nhằm tăng thêm nguồn cung cho thị trường;

Thứ tư, chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối chủ động tính toán sản lượng xăng dầu thiếu hụt từ nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn trong giai đoạn bảo dưỡng để xây dựng kế hoạch tạo nguồn cung ứng xăng dầu cho hệ thống phân phối và thị trường, không được để xảy ra tình trạng gián đoạn, đứt gãy nguồn cung;

Thứ năm, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc cập nhật, điều chỉnh kịp thời các chi phí kinh doanh xăng dầu, đồng thời điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới, sử dụng linh hoạt, hiệu quả công cụ Quỹ Bình ổn giá theo quy định của pháp luật, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 83 và Nghị định 95 về quản lý kinh doanh xăng dầu theo hướng tuân thủ quy luật của thị trường và tiệp cận giá với thị trường thế giới.