Bộ Chính trị chỉ định Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham gia Quân ủy Trung ương

Hồng Ngọc
19:03 - 03/07/2023
Công dân & Khuyến học trên

Ngày 3/7, Quân ủy Trung ương tổ chức Hội nghị lần thứ 6, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Bí thư Quân ủy Trung ương chủ trì Hội nghị.

Bộ Chính trị chỉ định Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham gia Quân ủy Trung ương - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị Quân ủy Trung ương lần thứ 6, nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Bộ Quốc phòng

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham gia Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ 2020-2025

Tại Hội nghị, thừa ủy quyền của Bộ Chính trị, Đại tướng Phan Văn Giang đã công bố quyết định của Bộ Chính trị chỉ định Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham gia Quân ủy Trung ương và Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ 2020-2025.

Theo báo Dân trí, Quân ủy Trung ương do Bộ Chính trị chỉ định, đặt dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Nhân sự của Quân ủy Trung ương gồm một số ủy viên trung ương công tác trong và ngoài quân đội.

Đứng đầu Quân ủy Trung ương là Bí thư Quân ủy Trung ương. Chức vụ này hiện do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kiêm nhiệm. Phó Bí thư Quân ủy Trung ương do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang đảm nhiệm.

Bộ Chính trị chỉ định Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham gia Quân ủy Trung ương - Ảnh 2.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng hoa chúc mừng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Bộ Quốc phòng

Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 23 người. Trong đó, Thường vụ Quân ủy Trung ương có 7 người, gồm 3 lãnh đạo chủ chốt là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (Bí thư Quân ủy Trung ương), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Phạm Minh Chính.

4 nhân sự còn lại gồm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang (Phó Bí thư Quân ủy Trung ương); Đại tướng Lương Cường - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Thượng tướng Nguyễn Tân Cương - Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Thượng tướng Võ Minh Lương - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Quân ủy Trung ương có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất để Ban Chấp hành Trung ương quyết định vấn đề đường lối, nhiệm vụ quân sự và quốc phòng; lãnh đạo mọi mặt trong quân đội.

Bộ Chính trị chỉ định Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham gia Quân ủy Trung ương - Ảnh 3.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Bộ Quốc phòng

Quân ủy Trung ương có trách nhiệm phối hợp và hướng dẫn các cấp ủy trực thuộc Trung ương thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về quân sự, quốc phòng.

Trước khi được Bộ Chính trị chỉ định tham gia Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã được chỉ định tham gia Đảng ủy Công an Trung ương và Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương nhiệm kỳ 2020-2025.

Quân đội tiếp tục khẳng định vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân

Theo Cổng Thông tin điện tử Bộ Quốc phòng, Hội nghị đã đánh giá, thảo luận kết quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và xây dựng Đảng bộ Quân đội trong 6 tháng đầu năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023.

Theo đó, 6 tháng đầu năm 2023, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và cấp ủy, chỉ huy các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân đoàn kết, thống nhất, chủ động khắc phục khó khăn, hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ.

Bộ Chính trị chỉ định Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham gia Quân ủy Trung ương - Ảnh 4.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Bộ Quốc phòng

Quân đội tiếp tục khẳng định vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, “thế trận lòng dân” và khu vực phòng thủ vững chắc; là lực lượng chủ yếu trong phòng thủ dân sự, phòng, chống, khắc phục sự cố, thiên tai, thảm họa và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.

Chất lượng công tác giáo dục quốc phòng, an ninh, hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên được duy trì nghiêm túc, hiệu quả; công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ đủ chỉ tiêu, đúng quy định, bảo đảm chất lượng. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm an toàn các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước.

Bộ Chính trị chỉ định Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham gia Quân ủy Trung ương - Ảnh 5.

Đại tướng Phan Văn Giang - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Bộ Quốc phòng

Bên cạnh đó, hoạt động thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong Quân đội được đẩy mạnh. Công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng được triển khai chủ động, linh hoạt; tích cực tham gia hoạt động giữ gìn hòa bình Liên Hợp Quốc, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, được quốc tế ghi nhận đánh giá cao.

Bên cạnh đó, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng có nhiều chủ trương, giải pháp hiệu quả xây dựng Đảng bộ Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị. Tổ chức tốt việc nghiên cứu, quán triệt, học tập, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Đảng, nhất là các nghị quyết, kết luận về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. 

Nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân đội 

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã thực hiện tốt chức năng tham mưu chiến lược với Đảng, Nhà nước về quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta đã giữ vững thế chủ động chiến lược, không để bị động bất ngờ, khôn khéo xử lý tình huống, ngăn ngừa nguy cơ xung đột, nhất là các tình huống trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, đề xuất rất sát những chủ trương đối sách, giải pháp cơ bản, lâu dài trước những tác động của thế giới đối với Quân đội và giải pháp xây dựng Quân đội trong tình hình mới, nhất là xây dựng nhân tố chính trị tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ.

Bộ Chính trị chỉ định Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham gia Quân ủy Trung ương - Ảnh 6.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Bộ Quốc phòng

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong 6 tháng đầu năm 2023, cũng còn một số hạn chế, khuyết điểm; trong đó đáng lưu ý là còn để xảy ra vụ việc nghiêm trọng, vẫn còn tình trạng bệnh "thành tích", giấu giếm khuyết điểm; xử lý một số vi phạm, vụ việc phức tạp, nhạy cảm chưa kịp thời, triệt để.

Tổng Bí thư đề nghị tập thể Quân ủy Trung ương tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo; kiên quyết khắc phục bằng được những hạn chế, khuyết điểm mà các đồng chí đã chỉ ra; không để các thế lực xấu, thù địch, lợi dụng hạn chế, khuyết điểm để thổi phồng, xuyên tạc, hạ thấp uy tín của Quân đội, thực hiện âm mưu "phi chính trị hoá" Quân đội.

Chúng ta phải chú trọng bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ quân đội theo tinh thần "7 dám": dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, và dám hành động vì lợi ích chung.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Bí thư Quân ủy Trung ương

Về phương hướng lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng 6 tháng cuối năm 2023, Tổng Bí thư nhấn mạnh, tình hình thế giới và khu vực dự báo sẽ tiếp tục còn có những diễn biến phức tạp, khó lường, tác động không nhỏ tới công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của chúng ta.

Để phát huy và nâng cao hơn nữa kết quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và xây dựng Đảng bộ Quân đội trong 6 tháng cuối năm 2023, Tổng Bí thư đề nghị Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng một số vấn đề sau:

Một là, tập trung lãnh đạo toàn quân chủ động nắm chắc tình hình, tham mưu đúng, trúng, kịp thời các giải pháp để xử lý thắng lợi các tình huống, kể cả tình huống trên không, trên biển, biên giới và nội địa. Tiếp tục giữ vững thế chủ động chiến lược, không để bị động, bất ngờ. Đồng thời, tích cực nghiên cứu, tham mưu với Đảng, Nhà nước ban hành các nghị quyết, pháp luật về quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, phòng thủ dân sự.

Hai là, lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân thực hiện thật nghiêm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu; chủ động về phương án, chuẩn bị tốt mọi mặt, ứng phó thắng lợi với các thách thức an ninh phi truyền thống; tham gia phòng, chống, khắc phục các hậu quả thiên tai; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ cao nhất tính mạng, tài sản của Nhân dân. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân đội, làm nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh.

Ba là, bảo đảm đầy đủ, kịp thời hậu cần, kỹ thuật, đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng hiện đại, lưỡng dụng để đáp ứng được nhu cầu trang bị cho các đơn vị.

Bốn là, nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng theo đúng tinh thần Kết luận của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo.

Năm là, tiếp tục xây dựng Đảng bộ Quân đội thật sự trong sạch, vững mạnh; chú trọng bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ quân đội theo tinh thần "7 dám": "dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, và dám hành động vì lợi ích chung".

Sáu là, lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị thật tốt mọi mặt để hướng tới kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước trong năm 2024; trong đó, tập trung kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.

Bên cạnh đó, tiến hành thật tốt, sâu rộng công tác giáo dục, tuyên truyền để nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế hiểu sâu sắc hơn nữa về lịch sử oai hùng, truyền thống vẻ vang, chiến công hiển hách của Quân đội ta trong suốt 80 năm qua dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự đùm bọc, che chở, giúp đỡ của Nhân dân, sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.