Bịt "kẽ hở" từ văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định

Viêt Dương
00:22 - 09/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Làm tốt công tác kiểm toán, rà soát văn bản sai quy định là góp phần bịt "kẽ hở", ngăn chặn tham nhũng, lãng phí

Bịt "lỗ hổng" từ văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định - Ảnh 1.

Đoàn Giám sát của Quốc hội làm việc với Kiểm toán Nhà nước. Ảnh: quochoi.vn

Kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 872 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định

Tại cuộc  làm việc với Đoàn Giám sát của Quốc hội về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngày 5/7, Kiểm toán Nhà nước cho biết đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 872 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn, kịp thời khắc phục “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách, tránh thất thoát, lãng phí, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia. Đồng thời, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với nhiều tập thể, cá nhân có sai phạm theo quy định của pháp luật.

Phần lớn các văn bản do Kiểm toán Nhà nước phát hiện, kiến nghị là các văn bản quy định tại cấp cơ sở, đơn vị dự toán, ban hành quy định chưa phù hợp với quy định của pháp luật hoặc chưa ban hành quy định để quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Vì vậy, qua kiểm toán đã góp phần giữ vững kỷ cương, kỷ luật ngân sách  nhà nước, giúp cho việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công theo đúng các quy định của pháp luật, ngăn ngừa có hiệu quả thất thoát, lãng phí.

Nguyên nhân của tình trạng nhiều văn bản phải sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ là do hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất còn chưa đồng bộ, chậm được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện; nhiều nội dung còn bất cặp, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, là kẽ hở để các tổ chức, cá nhân liên quan có thể trục lợi gây lãng phí, tham nhũng trong quản lý, sử dụng đất, nhất là đất khu đô thị.

Bịt "lỗ hổng" từ văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định - Ảnh 2.

Hà Nội dừng triển khai 82 dự án BT. Ảnh: Infonet

Điều dễ nhận thấy là những hạn chế, vướng mắc về quy định của pháp luật trong xác định giá đất đang tiềm ẩn nhiều rủi ro cho công tác xác định giá đất. Do xác định giá đất không phù hợp với giá thị trường, nên ngân sách Nhà nước thất thu. 

Nhiều dự án được giao đất nhưng việc xác định giá đất kéo dài, chậm huy động nguồn thu ngân sách Nhà nước, làm chậm trễ việc triển khai thực hiện dự án, gây lãng phí nguồn lực đất đai, làm giảm hiệu quả đầu tư, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Về cơ chế thực hiện dự án theo hình thức BT, kết quả kiểm toán một số dự án BT cho thấy, các dự án BT thực chất là sử dụng nguồn lực ngân sách Nhà nước nhưng không quy định phải là dự án cần thiết, thực sự cấp bách là chưa phù hợp với các quy định hiện hành. 

Làm tốt việc rà soát, sửa đổi, hủy bỏ văn bản sai quy định là góp phần bịt "kẽ hở" trong cơ chế quản lý, tích cực đấu tranh có hiệu quả với tệ tham nhũng, lãng phí, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền vững mạnh, củng cố lòng tin của nhân dân.

Hầu hết các dự án BT đều lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu, làm giảm sự cạnh tranh và tiềm ẩn rủi ro nếu chọn phải nhà đầu tư không đủ năng lực. Thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức giao đất đã giải phóng mặt bằng có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, không thông qua hình thức đấu giá, là chưa phù hợp với quy định của Luật Đất đai năm 2013 và là kẽ hở dẫn đến thất thoát ngân sách;….

Cơ chế quản lý tài chính, quy định một số khoản chi còn thiếu nhất quán hoặc chưa phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, nhưng chưa được  phát hiện hoặc sửa đổi kịp thời. Kết quả kiểm toán giai đoạn 2016 -2021 cho thấy, nhiều bộ, ngành, địa phương chậm ban hành cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn định mức để triển khai thực hiện.

Nâng cao chất lượng kiểm toán, tiếp tục rà soát văn bản sai quy định

Mặc dù những kết luận, kiến nghị của Kiểm toán chỉ phản ánh được số lượng, không cung cấp được thông tin chi tiết về nội dung của các kết luận, kiến nghị cụ thể; kết quả kiến nghị sửa đổi, hủy bỏ, bổ sung các văn bản về chế độ, định mức, tiêu chuẩn cũng chưa được cụ thể, chi tiết hóa, nhưng từ thực tế trên, có thể thấy tính cấp bách của việc tiếp tục rà soát để phát hiện thêm những văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ, xác định trách nhiệm cụ thể của tổ chức, cá nhân ban hành văn bản sai quy định. 

Đồng thời, cần nâng cao chất lượng kiểm toán, rà soát văn bản sai quy định để sửa đổi đúng thực chất, có hiệu quả. các văn bản do cơ sở ban hành không còn "kẽ hở" cho tham nhũng, lãng phí có cơ hội trục lợi

Làm tốt việc rà soát, sửa đổi, hủy bỏ văn bản sai quy định là góp phần bịt "kẽ hở" trong cơ chế quản lý, tích cực đấu tranh có hiệu quả với tệ tham nhũng, lãng phí, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền vững mạnh, củng cố lòng tin của nhân dân.