Bình dân học vụ số - hành trình tri thức trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Bình dân học vụ số sẽ tiến hành các hoạt động huấn luyện, đào tạo, học tập suốt đời trong môi trường giáo dục số, tạo ra hệ sinh thái giáo dục chuyển đổi số một cách triệt để. Điều này cho thấy Bình dân học vụ số là cách tổ chức học tập suốt đời trong xã hội mang tính hiện đại.


Ở thời điểm năm 1945, sứ mệnh thiêng liêng của Bình dân học vụ là làm cho mọi người dân Việt Nam đều phải biết chữ quốc ngữ. Điều đó thể hiện quyết tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Cách mạng lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà: Tiêu diệt "giặt dốt" (xoá nạn mù chữ cơ bản) cùng với tiêu diệt giặc đói và giặc ngoại xâm - 3 loại giặc nguy hiểm đang đe doạ sự tồn tại của Chính phủ Cách mạng và sự tồn vong của nền độc lập Quốc gia.
Ngày 4/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn dân tham gia Bình dân học vụ: "… Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân mạnh nước giàu, mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ. Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ, hãy góp sức vào Bình dân học vụ. Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học cho biết…"
Bình dân học vụ thực chất là một cuộc cách mạng về giáo dục. Nó đã giải phóng con người ra khỏi tình trạng dốt nát, trao cho dân quyền làm chủ bản thân và đất nước trên cơ sở có được những hiểu biết cần thiết để tham gia kháng chiến, đẩy mạnh sản xuất, loại bỏ những tàn dư lạc hậu và phản động trong đời sống nô lệ mà trước cách mạng, thực dân Pháp và triều đình phong kiến đã áp đặt trên toàn xã hội.
Chỉ trong vòng hơn một năm sau ngày Tuyên bố độc lập, cả nước đã có 2,5 triệu người thoát nạn mù chữ. Đến năm 1952, khi đất nước đang ở giai đoạn chiến tranh ác liệt chống bọn thực dân Pháp xâm lược, chiến dịch xoá nạn mù chữ cơ bản đã được hoàn thành. Phong trào Bình dân học vụ chuyển sang giai đoạn Bổ túc văn hoá.

Ngày 18/11/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có buổi nói chuyện với những người đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Trong bài phát biểu, Tổng Bí thư Tô Lâm đã gợi mở mấy nhiệm vụ lớn mà ngành giáo dục phải thực hiện cho bằng được.
Nhiệm vụ 1: Hoàn thành sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo, hoàn thành mục tiêu tạo nguồn nhân lực cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc (trong nhiệm kỳ Đại hội XIV của Đảng).
Nhiệm vụ 2: Xoá hoàn toàn nạn mù chữ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, trong đồng bào dân tộc thiểu số. Phát động phong trào "Bình dân học vụ số" trong giai đoạn chuyển đổi số quốc gia.
Bình dân học vụ số mà Tổng Bí thư Tô Lâm nói ở đây (2025) so với Bình dân học vụ được đặt ra sau Cách mạng tháng Tám (1945) có cùng một mục tiêu là "diệt dốt", cùng một phương thức tiến hành là vận động cả nước tham gia, không một người dân nào đứng ngoài cuộc.
Trong cả 2 cuộc vận động này, đạo lý ứng xử trong học tập đều được nhấn mạnh là: Mọi người đều là bạn của nhau. Mọi người đều là học trò của nhau. Mọi người đều là thầy dạy học của nhau.
Trong công cuộc diệt dốt, người biết bảo người chưa biết. Người biết có thể già hơn, song cũng có thể là người trẻ hơn so với người chưa biết; Người biết có thể là người đạt trình độ vượt trội đối với người chưa biết, nhưng sẽ không ít trường hợp chỉ hơn nhau một thông tin, một kinh nghiệm, một ý tưởng mới. Người xưa từng dạy: 3 người cùng đi với ta trên một đoạn đường, ít sẽ có một người là thầy của ta.
Bình dân học vụ trước đây và Bình dân học vụ số ngày nay đều yêu cầu mọi người dân hiểu và nhận thức sâu sắc một điều cơ bản: "nghèo tri thức (Knowledge Poverty) là nguồn gốc của cái nghèo đa chiều (nghèo thu nhập, nghèo nhân văn)" và đều khuyên rằng, cần làm giàu tri thức trước khi muốn có nhiều tiền bạc, đất đai, nhà cửa…
Cả Bình dân học vụ truyền thống lẫn Bình dân học vụ số đều muốn thay đổi thái độ cổ truyền với cái giàu tiền của. Trong đời sống xã hội mà sự mưu sinh rất khó khăn, hầu như người dân đều lo kiếm tiền để sống, để làm giàu, hiếm người lo kiếm chữ (thông tin, kiến thức, tri thức) để mưu cầu đời sống hạnh phúc lâu dài, bền vững.

Một câu chuyện xảy ra cách đây không lâu. Elon Musk (sinh ngày 28/6/1971) là một kỹ sư, nhà tài phiệt, nhà phát minh, doanh nhân công nghệ, nhà từ thiện người gốc Nam Phi. Ông là cố vấn cao cấp của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, và chính Tổng thống Trump đã chọn Elon Musk - CEO Tesla và nhà sáng lập Công ty công nghệ sinh học Vivek Ramaswamy làm đồng lãnh đạo Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE).
Elon Musk hiện là người giàu có nhất thế giới, vượt qua Bill Gates. Theo thống kê của Forbes, tài sản hiện nay của Musk là 474 tỉ USD (Tài sản của Bill Gates hiện là 148 tỉ USD).
Một lần, Elon Musk đưa cậu con trai về vùng quê để con trải nghiệm cái nghèo khó của nông thôn. Sau năm ngày, Elon Musk đón con và hỏi cảm nhận của nó về đời sống ở nơi mà ông cho là nghèo khó.
Con ông cho biết, ở nhà chỉ nuôi có một con chó và một con mèo, còn ông nông dân cho cậu bé ở mấy ngày có cả đàn chó. Nó kể rằng, ở nhà, vườn thì nhỏ, bao quanh bởi 4 bức tường, còn ở nông thôn, sân và vườn rộng mênh mông, chẳng cần xây tường che chắn. Ở nhà bể bơi hẹp, còn ở quê, tắm ở hồ nước trong veo, nhiều bầy cá bơi lội tung tăng, khó mà bơi qua bờ bên kia. Ở nhà, ban đêm cần nhiều đèn, ra phố lại càng nhiều đèn hơn, còn ở quê, những đêm đẹp trời, trăng sáng vằng vặc cùng muôn ngàn vì sao lấp lánh, soi sáng đường nông thôn…
Và con trai Elon Musk kết luận: Nhà ta không giàu có như nhà ở nông thôn.
Kết luận ấy buộc Elon Musk phải suy ngẫm câu nói của Radolfo Costa: "Có quá nhiều người nghèo đến nỗi thứ duy nhất họ có là tiền bạc".

Nông dân Đồng bằng sông Cửu Long bón phân cho lúa bằng cách điều khiển drone trên cánh đồng. Ảnh: Trương Thuý Hằng
Hôm nay, toàn dân học tập tại các lớp, các khoá học hoặc tự học theo cách thức của Bình dân học vụ số. Họ sẽ giàu có về tri thức, họ sẽ sở hữu bộ óc thông tuệ, và rồi họ sẽ là nguồn nhân lực tri thức để đất nước cất cánh trong kỷ nguyên mới.
Bình dân học vụ trước đây và Bình dân học vụ số hôm nay đều mang sứ mạng diệt dốt, nhưng ngày trước, diệt dốt là nhiệm vụ xoá nạn mù chữ quốc ngữ, học nhanh và hiệu quả để đọc thông viết thạo, làm được 4 phép tính cơ bản, tiếp cận được đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Từ đó, mọi người tham gia vào mọi việc mà cuộc kháng chiến đòi hỏi nếu được cử ra tiền tuyến. Còn nếu làm việc ở hậu phương thì hết lòng, hết sức tăng gia sản xuất, tạo mọi nguồn lực tất cả cho tiền tuyến và xây dựng vùng an toàn làm hậu cứ vững chắc cho tiền phương.
Còn tại thời điểm hiện nay, cái dốt cần nhanh chóng xoá đi là sự mù công nghệ đang cần áp dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, an ninh quốc phòng, quản lý xã hội, giáo dục và y tế…
Cái dốt đó là "kẻ thù" kìm hãm sự phát triển, làm chậm lại quá trình hội nhập quốc tế, làm đời sống xã hội tụt hậu so với những bước tiến của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Cái dốt của thời nay còn thể hiện ở sự mù kỹ năng lao động khi công nghệ mới được ứng dụng vào sản xuất; mù chữ thực dụng – nghĩa là có học nhưng không làm được; mù nghề khi nghề mới xuất hiện mà không có kiến thức và kỹ năng để lựa chọn; mù ngoại ngữ nên không đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm đòi hỏi hoặc giao dịch thiếu hiệu quả khi vấp phải rào cản về ngoại ngữ.
Cái dốt của thời đại ngày nay còn bộc lộ ở sự thiếu những tri thức mới mặc dù sống trong tình trạng ngập đầu trong biển cả thông tin.
Rutherford D. Rogers nói rất đúng: "Chúng ta đang chết đuối trong thông tin nhưng lại đói tri thức".
Trước đây cũng như ngày nay, Bình dân học vụ thời nào cũng yêu cầu người dân phải học mọi lúc, mọi nơi, học kịp thời những gì mình thấy cần, bổ sung ngay kiến thức khi phát hiện giữa hiểu biết của mình với điều mới mẻ cần phải biết ở thế giới bên ngoài đang có một khoảng cách, gọi là khoảng cách tri thức (Knowledge gap).
Ông cha ta có nhiều người nổi tiếng về chăm học, hiếu học, học mọi lúc mọi nơi. Điển hình là nhà bác học Lê Quý Đôn (1726-1784), thời nhỏ có tên là Lê Danh Phương, tự Doãn Hậu, hiệu Quế Đường, làm quan thời Lê Trung Hưng, được mệnh danh là "nhà bác học lớn" của Việt Nam. Khi ông mất, Tham Tụng Bùi Huy Bích thay mặt triều đình Lê - Trịnh và những học trò của ông để đọc lời điếu. Trong lời điếu này có một câu ngắn gọn nhưng nói lên đầy đủ việc học tập của ông: "Học vấn sâu rộng, văn chương lỗi lạc thông minh nhất đời, trước tác không biết mệt. Nước Nam ta trong khoảng hai trăm năm nay mới có một người như thế".
Nhà bác học Lê Quý Đôn đã nói đến sự học: "Đạo chẳng đâu xa mà ngay trong sự vật, sự vật nào cũng có. Đạo xa đến tận trời, đạo lan khắp mặt đất. Đạo gần thì hàng ngày thường ở các công việc, chẳng công việc gì không có lý của đạo.
Đối với đạo ấy, người quân tử không thể không biết. Học đạo cốt để trau dồi tri thức, hỏi đạo là cốt để phân biệt, ôn cũ biết mới, đôn hậu để trọng lễ, tự nhiên thông suốt, xét kỹ các lẽ hiểu biết từ tình đến mệnh của trời đất phúc cho, tình nghĩa nhập thần đem về áp dụng, tất cả đều do sự học hỏi ấy".
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là một con người mẫu mực về học tập suốt đời trong mọi thời gian và không gian cho phép. Năm 1959, trong chuyến thăm Indonesia theo lời mời của Tổng thống Sukanno. Tại đây, Người đã đến nói chuyện với sinh viên Trường Đại học Padjadjaran.

Những bài viết của nhà bác học Lê Quý Đôn và của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đây cho ta thấy rằng, trong bất cứ sự vật nào, sự kiện nào, hiện tượng nào cũng đều chứa đựng những điều ta cần học hỏi. Bình dân học vụ là cách học chữ ở mọi lúc mọi nơi, đồng thời cũng là cách học làm mọi lúc mọi nơi.
Bình dân học vụ dạy ta rằng, trong học tập, ta đừng bao giờ để con người mình bị giam chặt vào lớp học để tiếp thu những điều chỉ dừng lại ở học thuyết trừu tượng, ở những lý thuyết khô cứng xa rời thực tế. Bình dân học vụ mở ra các lớp học, nhưng sau các lớp học là nhà hát, là nhà văn hoá, thư viện, nhà bảo tàng, phòng thí nghiệm, xưởng hội hoạ… những nơi ta đến là nơi giúp ta học.
Ngay trong những cánh rừng, trên đồi cỏ, tại những cánh đồng, bãi biển… chỗ nào cũng có nội dung của các bài học về xã hội, địa chất, sinh học, địa lý và lịch sử… Thậm chí khi ra chợ mua con cá, mớ rau, vào trang trại trồng rau sạch, tới cửa hàng ăn uống, ta cũng có những bài học về hướng nghiệp, khởi nghiệp, cách xã giao, sự tôn trọng con người và lao động…
Cho nên, đứng giữa đất trời bao la, trên đồng cỏ mênh mông hoặc vượt qua sa mạc nóng bỏng… đâu đâu cũng có điều mới lạ, ngửa mặt nhìn lên trời, cúi đầu ngó xuống đất, quay trái và quay phải, ta có thể học được vô vàn điều mới lạ.
Người xưa nói: Có trèo lên đỉnh núi mới thấy được trời cao đến nhường nào; có chui xuống hang sâu mới thấy đất dày ra sao; có học thì mới thấy, tri thức mênh mông mà ta không bao giờ thâu tóm được hết.

Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và Bình dân học vụ số
Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia. Vấn đề này không phải là hoàn toàn xa lạ, mà cái mới chính ở sự coi phát triển khoa học, công nghệ như một khâu đột phá, tạo ra sự bứt phá của nền kinh tế, sự chuyển biến mạnh mẽ về lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Đây là một xu thế tất yếu để đất nước vươn tới tầm cao phát triển bền vững.
Trước hết, Bình dân học vụ số phải góp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tương lai và nhân lực tại chỗ, tạo năng lực nội sinh của khoa học và công nghệ. Chất lượng nhân lực của chúng ta hiện giờ còn tỏ ra yếu kém không chỉ so với các nước lớn trên thế giới, mà ngay với một số nước trong khu vực cũng vậy.
Theo một thống kê gần đây, năng suất lao động của Việt Nam bằng 15,4% của Mỹ; 19,1% của Pháp; 21,6% của Anh; 24,7% của Hàn Quốc; 26,3% của Nhật…
Trong khu vực Đông Nam Á, năng suất lao động của Việt Nam tương đương với năng suất lao động của Lào.
Hai là, cần phải xem lại rồi đổi mới triệt để về nội dung và phương pháp giáo dục, đào tạo, đoạn tuyệt với cách học chỉ thiên về lý thuyết, hơn nữa lại là lý thuyết kinh viện, mang tính giáo điều, không thoát ra khỏi kinh nghiệm của người đi trước, từ đó xây dựng cho người học những lối tư duy sáng tạo sau đây:
Tư duy khác biệt (Different Thinking) là lối suy nghĩ độc lập, sáng tạo và vượt ra khỏi những khuôn mẫu thông thường. Nó cho phép chúng ta nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau, tìm ra những giải pháp mới mẻ và độc đáo.
Tư duy đột phá (Breakthrough) là cách suy nghĩ giải quyết vấn đề theo những cách mới mẻ, không bị giới hạn bởi bất cứ điều gì, khám phá cách làm độc đáo để tìm đến kết quả ngoài mong đợi, không ngại thử nghiệm và chấp nhận rủi ro.
Cách suy nghĩ này gồm 4 phương pháp:
Suy nghĩ ngoài khuôn khổ (Think Outside the Box) là cách nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ. Thực hiện Brainstorming (động não) và kỹ thuật liên tưởng tự do. Áp dụng tư duy thiết kế (Design Thinking).
Tư duy ngược (Reverse Thinking) là cách giải quyết vấn đề theo hướng ngược lại so với tư duy thông thường, thay vì xem người ta làm gì để đạt mục tiêu bằng cách tìm xem những người không đạt mục tiêu đã dùng giải pháp gì.
Ba là, trên nền tảng đổi mới tư duy, học tập thường xuyên, cập nhật tri thức hiện đại và hoàn thiện kỹ năng, để tạo ra năng lực làm chủ những công nghệ cốt lõi và xác định được những công nghệ chiến lược.
Công nghệ cốt lõi (Core Technology) không chỉ là những công nghệ hiện đại, mà nó còn gồm cả một tập hợp các kỹ năng, kiến thức, quy trình, tạo nên một lợi thế cạnh tranh khác biệt so với đối thủ. Người ta gọi tắt là công nghệ lõi, có trường hợp gọi là công nghệ then chốt (Key Technology). Công nghệ chiến lược (Strategic Technology) là công nghệ đã hoặc sẽ có tiềm năng đóng góp cho chiến lược phát triển chung, đồng thời cũng là mục tiêu mà tổ chức hay quốc gia mong muốn phát triển và làm chủ được chúng.
Để tạo ra những đột phá, các nhà lãnh đạo buộc phải học tập, nâng cao trình độ của người đứng đầu mà một yêu cầu hàng đầu đối với họ là tư duy chiến lược (Strategic Thinking). Kiểu tư duy này thể hiện ở lối suy nghĩ một cách có định hướng và hợp lý, phân tích có hiệu quả các yếu tố, các biến số quan trọng ảnh hưởng tới sự phát triển lâu dài của tổ chức, doanh nghiệp hay tập thể công tác.

Học mọi nơi, mọi lúc, học tập suốt đời là mục tiêu của Bình dân học vụ số. Minh hoạ: unsplash
Trong đào tạo cán bộ, để hình thành tư duy chiến lược cho học viên, cần có kế hoạch huấn luyện những kỹ năng tư duy chiến lược, bao gồm:
- Kỹ năng phân tích
- Kỹ năng giao tiếp
- Kỹ năng giải quyết vấn đề
- Kỹ năng lập kế hoạch và quản lý
2. Chuyển đổi số và Bình dân học vụ số
Khác với Bình dân học vụ truyền thống, Bình dân học vụ số sẽ tiến hành các hoạt động huấn luyện, đào tạo, học tập suốt đời trong môi trường giáo dục số. Bản thân Bình dân học vụ số phải là một hệ sinh thái giáo dục chuyển đổi số một cách triệt để. Điều này cho thấy Bình dân học vụ số là cách tổ chức học tập suốt đời trong xã hội mang tính hiện đại.
Trước hết, trong Bình dân học vụ số, công việc đầu tiên là số hoá thông tin (Digitization). Đó là quá trình chuyển đổi thông tin trên giấy và các quy trình thủ công thành định dạng kỹ thuật số, trong đó thông tin được tổ chức thành các bit (đơn vị thông tin nhỏ nhất trong bộ nhớ của máy tính) và các byte (chuỗi một số xác định thường là tám bit, dùng làm đơn vị cơ bản để biểu diễn cho một ký tự).
Bước thứ hai trong số hoá là số hoá quy trình (Digitalization). Đây là quy trình liên quan đến các ứng dụng để tích hợp các dữ liệu, phân tích và đưa ra các chỉ số cụ thể. Digitalization hướng vào mục tiêu có thể áp dụng các thông tin đã được số hoá theo những cách thức khác nhau, từ đó làm thay đổi cơ bản những quy trình trong các hoạt động kinh doanh, sản xuất và dịch vụ.
Song, để khoa học và công nghệ đạt tới mức đột phá, tạo ra những thay đổi đột ngột và sự khác biệt lớn thì việc số hoá thông tin và số hoá quy trình là chưa đủ. Cần phải thực hiện đầy đủ yêu cầu chuyển đổi số (Digital Transformation). Đó là số hoá tổng thể và toàn diện các hoạt động của một hệ thống. Đây là cấp độ cao nhất của số hoá. Trong chuyển đổi số, vấn đề cơ bản là luôn luôn đổi mới công nghệ trên cơ sở xác định rõ mục tiêu chiến lược của hoạt động nhằm thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới trên quy mô lớn.
Đổi mới và sáng tạo là lẽ sống của mọi hoạt động. Không làm được hai điều này thì con người và tổ chức sẽ tụt hậu, suy thoái và bị gạt ra khỏi dòng chảy của văn hoá và văn minh trong kỷ nguyên mới.
Sản phẩm cuối cùng của Bình dân học vụ số là Công dân học tập – người lao động học tập suốt đời để trở thành lao động tri thức hoá (Knowledge Worker), những người dám nói, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước dân, trước Đảng, trước Nhà nước. Hành trình học tập suốt đời của họ sẽ giúp họ trở thành một nhân cách song toàn về Đức và Tài, đủ năng lực và phẩm chất góp phần vào sự vươn mình của dân tộc trong kỷ nguyên mới.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google