Biện pháp nâng cao hiệu quả giáo dục giới tính cho học sinh Trung học cơ sở

Đinh Thị Thanh Vân - Vũ Việt Kường (Trường Đại học Hùng Vương)
06:00 - 29/12/2022
Công dân & Khuyến học trên

Giáo dục giới tính là một nội dung giáo dục đặc biệt nhằm giúp thế hệ trẻ tiến tới những giá trị "chân, thiện, mỹ"; là một bộ phận góp phần giáo dục con người hình thành và phát triển nhân cách một cách toàn diện.

Biện pháp nâng cao hiệu quả giáo dục giới tính cho học sinh Trung học cơ sở - Ảnh 1.

Trong thời kỳ "mở cửa" giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trên thế giới cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, việc giáo dục giới tính cho học sinh càng trở nên quan trọng và cấp bách.

Giáo dục giới tính được xác định là một nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông nói chung và cấp trung học cơ sở nói riêng. Tuy nhiên đây vẫn được coi là vấn đề nhạy cảm, khó nói và nhiều né tránh.

Giáo dục giới tính

Giáo dục giới tính là một lĩnh vực rất phức tạp. Có nhiều quan niệm, nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này.

Theo định nghĩa của ngành y tế, giáo dục giới tính là một thuật ngữ rộng miêu tả việc giáo dục về giải phẫu sinh dục, sinh sản, quan hệ tình dục, sức khoẻ sinh sản, các quan hệ tình cảm, quyền sinh sản và các trách nhiệm, tránh thai và các khía cạnh khác của thái độ tình dục loài người.

Giáo sư Trần Trọng Thuỷ, Giáo sư Đặng Xuân Hoài cho rằng, giáo dục giới tính có phạm vi rất rộng lớn, tác động toàn diện đến tâm lí, đạo đức con người, "là hình thành tiêu chuẩn đạo đức của hành vi có liên quan đến lĩnh vực thầm kín của đời sống con ngưòi, hình thành những quan niệm đạo đức lành mạnh giữa em trai và em gái, thanh nam và thanh nữ, giáo dục những sự "kiềm chế có đạo đức", sự thuần khiết và tươi mát về đạo đức trong tình cảm của các em."

Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Ngọc Oánh đã kết luận: "Giáo dục giới tính là quá trình giáo dục con người (thanh thiếu niên), nhằm làm cho họ có nhận thức đầy đủ, có thái độ đúng đắn về giới tính và quan hệ giới tính, có nếp sống văn hoá giới tính, hướng hoạt động của họ vào việc rèn luyện để phát triển nhân cách toàn diện, phù hợp với giới tính, giúp cho họ biết tổ chức tốt nhất cuộc sống riêng cũng như xây dựng gia đình hạnh phúc, xã hội phát triển".

Tại sao phải giáo dục giới tính cho học sinh Trung học cơ sở?

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khảo sát 19 chương trình giáo dục giới tính trường học ở nhiều nước, tất cả đều cho thấy trẻ vị thành niên có hoạt động tình dục trễ hơn, giảm hoạt động tình dục, biết cách sử dụng các biện pháp ngừa thai một cách hiệu quả và hoàn toàn không thúc đẩy trẻ có hoạt động tình dục sớm và nhiều hơn. Giáo dục giới tính hiệu quả nhất khi thực hiện trước khi trẻ bước vào tuổi hoạt động tình dục. Các bước tích cực này sẽ giúp khuyến khích trẻ không hoạt động tình dục sớm và biết cách sinh hoạt tình dục một cách an toàn, giảm thiểu thai ngoài ý muốn ở các em. Cuộc sống hoàn toàn không dễ dàng đối với trẻ vị thành niên, nhất là trong hoàn cảnh kinh tế xã hội hiện nay, đặc biệt đối với những trẻ không được chuẩn bị đầy đủ để đối mặt với các vấn đề đặc thù của lứa tuổi. Thực trạng hiện nay đã và đang cho thấy điều đó. Nếu chúng ta mong đợi trẻ vị thành niên những quyết định đúng đắn, có trách nhiệm trước những cạm bẫy và thách thức của xã hội, chúng ta phải đảm bảo trẻ vị thành niên được cung cấp đầy đủ thông tin, kỹ năng và phương tiện để quyết định và các giá trị chúng cần tôn trọng và thực hiện.

Mục tiêu của giáo dục giới tính là chuẩn bị cho tuổi mới lớn về tâm lý trước phát triển sinh lý, về nhận thức để định hình nhân cách, tạo sức mạnh nội tâm đề kháng trước những bùng nổ giới tính của bản năng có thể gây hại cho bản thân, xung quanh. Giáo dục những hiểu biết về tâm lý, sinh lý, vệ sinh tuổi dậy thì, những biến đổi và khác biệt về tính cách em trai em gái do các hocmon từ các tuyến sinh dục gây ra; giáo dục kỹ năng giao tiếp ứng xử trong quan hệ giữa bạn trai, bạn gái ở tuổi vị thành niên với cha mẹ, anh em trong gia đình; hiểu biết sâu sắc các giá trị của tình bạn, tình yêu, hiểu biết những thất bại tâm lý và các nguy hại lâu dài phải gánh chịu nếu vượt qua trái cấm; giáo dục bạn trai biết tự trọng, tôn trọng bảo vệ bạn gái, có bản lĩnh biết tự kiềm chế để chứng minh cho một tình yêu lành mạnh nếu nó chớm nở; giáo dục kỹ năng phòng vệ trước các áp lực nội tại đến từ hai phía, đặc biệt giáo dục kỹ năng phòng vệ cho các em gái và rất nhiều nội dung khác xoay quanh tâm lý giới tính tuổi mới lớn giúp các em tự tin, tự chủ, tự hoàn thiện nhân cách, tự nhận thức để thay đổi hành vi, vững vàng nói "không" trước cám dỗ của bản năng ở độ tuổi phát dục. Như vậy giáo dục tình dục tiếp cận giới trẻ ở hai độ tuổi khác nhau nên nội dung khác biệt rất lớn, khiến không thể thay thế hay lồng ghép vào nhau được.

Nhiệm vụ của giáo dục giới tính ở trường phổ thông bậc Trung học cơ sở bao gồm:

Giáo dục ý thức trách nhiệm xã hội trong quan hệ giới tính con người.

Giáo dục khả năng hiểu biết những đặc điểm giới tính trong quá trình cùng hoạt động chung với các bạn khác giới. Biết tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau.

Bồi dưỡng những hiểu biết về hành vi tốt xấu, cái cho phép và cái không phải vượt qua trong quan hệ với ngưòi khác giới. Biết tự đánh giá hành vi của mình trong quan hệ với người khác giới.

Bồi dưỡng những hiểu biết đúng đắn về sự trưởng thành sinh lí của con người (bao gồm nội dung, những dấu hiệu thực sự thể hiện của nó).

Bồi dưỡng ý thức trách nhiệm đối với sức khoẻ của bản thân và của người khác, ý thức được tác hại của việc kết hôn sớm.

Bồi dưỡng tinh thần phê phán và thái độ không khoan nhượng đối với những tàn tích và quan điểm đạo đức phong kiến tư sản trong phạm trù quan hệ giới tính. Như vậy, nhiệm vụ của giáo dục giới tính bao gồm cả việc truyền thụ tri thức về giới tính, về mối quan hệ nam nữ và các mối quan hệ khác (với người lớn, với gia đình, xã hội, bản thân…) và cả việc giáo dục những phẩm chất đạo đức, những hành vi cư xử với mọi người, nhất là làm cho các em biết được những hành vi tốt và xấu, đúng và sai trong quan hệ với người khác giới, những tri thức và quan niệm đúng đắn về đời sống giới tính của con người.

Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã chỉ ra giáo dục giới tính cho học sinh có hai nhiệm vụ cơ bản:

Thứ nhất, giáo dục giới tính giúp con người biết phê phán, bác bỏ những quan niệm, nhận thức sai về giới tính và giáo dục giới tính như:

- Phê phán, bác bỏ những nhận thức không đúng đắn về bản năng sinh dục, về quan hệ tình dục, về khuynh hướng "giải phóng tình dục", "cách mạng tình dục" hoặc xu hướng tiêu cực, phó mặc mọi chuyện "cho nó đến đâu thì đến", dẫn đến sự tan vỡ của nhiều cuộc hôn nhân.

- Phân tích, phê phán những tư tưởng và những hành vi không lành mạnh: quan hệ tình dục bừa bãi, yêu nhau, lấy nhau, bỏ nhau quá dễ dàng, thiếu ý thức trách nhiệm đối với việc xây dựng gia đình, xã hội giống nòi, chỉ chạy theo khoái cảm…

- Giải quyết được những băn khoăn e ngại, cho rằng giáo dục giới tính sẽ chỉ làm cho thanh thiếu niên bị kích thích không lành mạnh, chỉ làm cho các em hư hỏng. Cần phải làm cho mọi người thấy rằng, bản năng tính dục có sức thúc đẩy mãnh liệt đến độ, nếu ta không giáo dục cho con người, thì bản thân họ, đến một lúc nào đó, sẽ tự tìm hiểu, tự đi với những vấn đề đó qua nhiều nguồn thông tin không chính thức, và như vậy, sẽ có thể dẫn tới những hậu quả không tốt.

Thứ hai, giáo dục giới tính phải giúp cho con người hình thành được những tri thức, những quan niệm đúng đắn, khoa học, phù hợp, có tác dụng tốt cho họ và xã hội. Bao gồm:

- Tri thức đúng đắn khoa học về sinh lí cơ thể, đời sống tinh dục, cả về cấu tạo, chức năng, cả về các giai đoạn phát triển của nó… để họ có thể vận dụng những tri thức này vào cuộc sống, vào việc bảo vệ sức khoẻ, sắc đẹp và đời sống hạnh phúc.

- Những tri thức đúng đắn khoa học về đời sống tâm lí, tâm lí tính dục, tâm lí giới tính…

- Những tri thức đúng đắn khoa học về tình yêu, hôn nhân, đời sống gia đình, về đạo lí, tâm lí xã hội, về cách cư xử và xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với mọi người, với người khác giới, với người yêu, người vợ, người chồng, cha mẹ, con cái, việc sinh đẻ và nuôi dạy con cái.

- Chính sách dân số của Nhà nước. Có thể đi đến kết luận, nhiệm vụ của giáo dục giới tính bao gồm:

Hình thành và trang bị cho thế hệ trẻ những tri thức khoa học, thái độ và quan niệm đúng đắn về những hiện tượng của đời sống giới tính, sinh lí tính dục, về cấu trúc và chức năng của các hệ cơ quan của cơ thể, nhất là hệ cơ quan sinh dục; về sự cư xử đúng đắn, về những vấn đề đạo đức giới tính, thẩm mỹ giới tính, tình yêu, hôn nhân và đời sống gia đình…

- Giúp cho các em có bản lĩnh vững vàng bước vào đời sống xã hội, biết bảo vệ, giữ gìn sức khoẻ cho người bạn và cho chính mình, có khả năng chống chọi lại những cạm bẫy, quyến rũ của lối sống ăn chơi đồi truỵ, biết phê phán, bác bỏ những quan niện không đúng về tình yêu, tình dục, quan hệ tình dục quá sớm hoặc buông xuôi, cả nể, dẫn tới quan hệ tình dục bừa bãi, yêu nhau, bỏ nhau quá dễ dàng.

- Giúp cho các em biết trân trọng và bảo vệ những giá trị cao cả và thiêng liêng của tình bạn thân thiết và gắn bó, của tình yêu sâu nặng và chung thuỷ, biết được cái hay cái đẹp của nếp sống văn hoá văn minh.

- Chuẩn bị về tinh thần và khả năng thực tiễn cho thế hệ trẻ, giúp cho họ phát triển nhân cách toàn diện, biết cách tổ chức và xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần xây dựng và thúc đẩy xã hội phát triển, giàu mạnh.

Các yêu cầu cơ bản của giáo dục giới tính

- Yêu cầu về lứa tuổi: phải căn cứ vào lứa tuổi để có những biện pháp tác động thích hợp, có mục tiêu và nội dung tri thức khác nhau

- Tính liên tục: Tính liên tục ở đây là những hệ thống mang tính liên thông với nhau. Mỗi hệ thống được các em đón nhận để chuẩn bị khả năng tư duy tốt hơn cao hơn.

- Tính logic: Tính logic đảm bảo cho sự phát triển từ đơn giản đến phức tạp, từ chỗ chưa toàn diện đến chỗ toàn diện hơn.

- Quan điểm toàn diện: Đảm bảo khả năng phát huy mọi mặt tư duy của con người.

Những nguyên tắc của giáo dục giới tính

Việc giáo dục giới tính cho thanh niên học sinh là vấn đề quan trọng, cần thiết, tuy nhiên cũng là một lĩnh vực phức tạp và tế nhị. Vì vậy, ngoài việc phải đảm bảo những nguyên tắc chung như: tính khoa học, tính giáo dục, tính thực tiễn… như các môn học khác, cần phải chú ý thêm những vấn đề sau đây:

Giáo dục giới tính phải gắn liền với giáo dục đạo đức, giáo dục nhân cách, hình thành thế giới quan khoa học. Giáo dục giới tính phải gắn liền với việc giáo dục và hình thành nếp sống sinh hoạt lành mạnh, lối sống văn hoá văn minh. Cần phải xác định rằng, đó là một trong những mục tiêu cơ bản của giáo dục giới tính.

Giáo dục giới tính phải được thực hiện một cách toàn diện cả về sinh lí giới tính, tâm lí giới tính, thẩm mĩ giới tính, xã hội giới tính. Không nên chỉ tập trung vào những vấn đề sinh lí tính dục mà coi nhẹ các vấn đề tâm lí xã hội giới tính.

Phải kết hợp việc giảng dạy tri thức khoa học với việc hình thành thái độ đúng đắn. Khi giảng dạy những "vấn đề nhạy cảm", không nên chỉ tập trung mô tả các sự kiện, hiện tượng một cách "trần trụi", "sống sượng", mà cần chú ý kết hợp với việc hình thành ý thức đạo đức, phê phán những biểu hiện sai trái.

Phải kết hợp việc truyền thụ những tri thức lí luận với những kiến thức thực tiễn nhất là những vấn đề thực tiễn trong đời sống sinh hoạt của thanh niên, học sinh.

Giáo dục giới tính phải được thực hiện một cách phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí của lứa tuổi, của lớp học, của yêu cầu giáo dục đặc trưng thích hợp với đối tượng, phải phù hợp với phong tục tập quán của từng vùng, từng địa phương.

Biện pháp nâng cao hiệu quả giáo dục giới tính cho học sinh Trung học cơ sở

 Một là, tăng cường công tác bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ

Nhà trường cần có kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên, định kỳ cho đội ngũ giáo viên tham gia giáo dục giới tính ở các trường trung học cơ sở ngay trong mỗi năm học và trong dịp hè hàng năm nhằm bổ sung những kiến thức và phương pháp mới khi tham gia vào giáo dục giới tính trong nhà trường.

Hai là, nâng cao chất lượng giảng dạy lồng ghép các nội dung giáo dục giới tính trong chính khóa

Nâng cao chất lượng việc giảng dạy lồng ghép các nội dung giáo dục giới tính trong chính khóa thông qua việc tăng cường áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực và tăng thêm thời gian cho các nội dung này trong các môn sinh học, địa lí, giáo dục công dân. Các phương pháp dạy học tích cực có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc truyền tải các nội dung giáo dục giới tính - sức khỏe sinh sản, bởi như chúng ta biết, đây là những vấn đề rất nhạy cảm, khó trình bày trước đông người. các phương pháp giảng dạy tích cực theo nhóm, trò chuyện, giải quyết vấn đề... tỏ ra có hiệu quả. Tăng thêm thời gian cho việc lồng ghép giảng dạy giáo dục giới tính thể hiện qua các môn như: Sinh học, Địa lý, Giáo dục công dân và nói rõ quy chế giảng dạy về thời gian tăng thêm được sử dụng như thế nào.

Ba là, tăng cường các hoạt động ngoại khóa về giáo dục giới tính

Ngại đề cập một cách trực tiếp đến những vấn đề nhạy cảm như giao hợp, tình dục... vẫn là một hiện tượng khá phổ biến ở các trường Trung học cơ sở hiện nay. Đây là một đặc điểm của văn hóa phương Đông, chứ không phải do thái độ không ủng hộ việc giáo dục học sinh về những vấn đề này. Trong điều kiện thời gian nội khóa hạn hẹp, lại tùy thuộc vào khả năng tích hợp lồng ghép của mỗi giáo viên nên các hoạt động ngoại khóa trở nên quan trọng. Các hình thức ngoại khóa vừa sinh động, vừa tạo ra sự chủ động tích cực của người học. Các hình thức này vừa là sự nối tiếp của nội khóa, vừa là sự nâng cao các kiến thức thu được trong nội khóa. Mặt khác, các hoạt động ngoại khóa dễ dàng gắn được và đáp ứng nhu cầu của mỗi nhóm đối tượng học sinh nên dễ thu hút học sinh. Do đó, cần lựa chọn hình thức hoạt động ngoại khóa phù hợp và cần coi các hình thức này như là các hình thức bắt buộc. Các hoạt động ngoại khóa cần được quản lý chặt chẽ như nội khóa và vẫn cần sự hướng dẫn của giáo viên các môn học có liên quan và sự cộng tác của các bộ phận khác trong nhà trường.

Bốn là, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ tư vấn tâm tư vấn lý học đường trong trường Trung học cơ sở

Qua thực tế cho thấy đây không chỉ là những vấn đề được giảng dạy trên lớp, càng không phải chỉ là nói giáo lý. Công tác này vừa phải chú ý bề nổi, vừa phải chú ý bề sâu. Học sinh cần được giáo dục thông qua tư vấn với những kiến thức đầy đủ đúng đắn và với lời khuyên kịp thời, dễ chấp nhận để từ đó xác định đúng thái độ và có quyết định phù hợp với từng hoàn cảnh. Thành viên Tổ tư vấn phải là những người có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn, thường xuyên được bồi dưỡng kiến thức về giới tính có uy tín với học sinh, am hiểu về tâm lý lứa tuổi để các em có thể tin tưởng tìm đến khi gặp vướng mắc, khó khăn để hỏi ý kiến về những vấn đề thầm kín, riêng tư này.

Năm là, nhà trường đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động giáo dục giới tính

Bố trí phòng tư vấn tâm lý đảm bảo tính riêng tư, kín đáo, dễ tiếp cận và phù hợp để tổ chức hoạt động tư vấn; trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu, học liệu cần thiết để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ tư vấn.

Sáu là, đẩy mạnh sự phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong hoạt động giáo dục giới tính cho học sinh

Tham gia công tác giáo dục học sinh không chỉ có giáo viên mà còn rất nhiều lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường. Lực lượng giáo dục trong nhà trường gồm: Công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh… Lực lượng giáo dục ngoài nhà trường gồm: gia đình, chính quyền địa phương, công an, Hội Phụ nữ, y tế, Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ... huy động sức mạnh tổng hợp của tất cả các lực lượng vào công tác giáo dục giới tính cho học sinh. Đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm cần phải phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả với gia đình trong việc giáo dục học sinh, trong đó có vấn đề giáo dục giới tính. Cán bộ quản lý các trường phải phối hợp với "Ban đại diện cha mẹ học sinh" để vận động các bậc cha mẹ học sinh thường xuyên giữ mối liên hệ và kết hợp với nhà trường để có biện pháp giáo dục phù hợp về mọi mặt cho từng đối tượng học sinh.

Kết luận

Giáo dục giới tính là một vấn đề cấp bách đối với học sinh Trung học cơ sở trong giai đoạn hiện nay. Giáo dục giới tính góp phần giáo dục sức khoẻ, chống lại các bệnh tật, nhất là đường tình dục, giáo dục về tính dục, giáo dục về tình yêu, hôn nhân và gia đình, về sự sinh sản, giáo dục thái độ tôn trọng đối với những người khác giới.

Giáo dục giới tính có quan hệ mật thiết với quá trình giáo dục xã hội góp phần giáo dục định hướng nhân cách con người phát triển toàn diện trong mỗi xã hội, để cùng chung sống với nhau và chung sức xây dựng một xã hội văn minh, giàu đẹp. Giáo dục giới tính được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau, có thể là lồng ghép nhiều nội dung hơn vào môn Sinh học, Giáo dục công dân, Giáo dục thể chất… hay đưa nội dung vào một số buổi ở môn hoạt động ngoài giờ hay mỗi học kì tổ chức mời các chuyên viên tư vấn về nói chuyện, trao đổi với học sinh… cần có sự đồng hành của cả xã hội, từ khi trẻ bắt đầu đến trường cho đến khi có đủ kiến thức để tự bảo vệ hoặc chịu trách nhiệm về việc mình làm. Việc nâng cao hiệu quả của giáo dục giới tính trong nhà trường phổ thông nói chung và ở cấp Trung học cơ sở nói riêng là một yếu tố cơ bản, có ý nghĩa quyết định trực tiếp để xây dựng nhân cách con người trong xã hội ngay khi chuẩn bị và bước vào tuổi vị thành niên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2017), Thông tư 31/20117/TT-BGD&ĐT ngày 18/12/2017 Thông tư hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2014), Thông tư số 04/2014/TT-BGDDT ngày 28/2/2014 quy định quản lí hoạt động giáo dục kĩ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa.

3. Bùi Ngọc Oánh (2008), Tâm lí học giới tính và giáo dục giới tính, Nxb Giáo dục Việt Nam, TP. HCM.

4. Bùi Ngọc Sơn, Trần Thị Thu Hường (2007), Giáo dục giới tính tuổi vị thành niên, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

5. Đào Thị Oanh (2006), Tâm lí học giới tính và giáo dục giới tính, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

6. Đào Xuân Dũng, Đỗ Tất Hùng (1996), Giáo dục giới tính, Nxb Thanh niên, Hà Nội.

7. Mai Văn Hưng, Nguyễn Thị Thanh Nga (2015), Bàn về giáo dục giới tính tuổi dậy thì cho học sinh trung học cơ sở, Tạp chí Giáo dục, số Đặc biệt tháng 7, tr.87-89.