Bị can Nguyễn Phương Hằng có thể đối diện với mức án 7 năm tù?
Bị truy tố về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", dư luận đặt câu hỏi bị can Nguyễn Phương Hằng phải đối diện với mức án nào?
Bị can Nguyễn Phương Hằng đối diện với mức án nào với tội danh bị khởi tố?
Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua đã ban hành cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Phương Hằng (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam) và 4 đồng phạm về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".
Trước bản cáo trạng trên, dư luận đặt câu hỏi: Theo quy định của pháp luật, bị truy tố về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", bị can Nguyễn Phương Hằng sẽ phải đối mặt với hình phạt bao nhiêu năm tù giam?
Trước hết cần biết rằng, pháp luật Việt Nam luôn ghi nhận quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình của công dân. Công dân Việt Nam có quyền bày tỏ quan điểm, thái độ, ý kiến của mình đối với các vấn đề xã hội thông qua truyền thông, báo chí và trang mạng xã hội.
Đồng thời, Nhà nước cũng tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm việc thực hiện các quyền tự do dân chủ cho công dân Việt Nam.
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, việc mỗi tổ chức hay cá nhân bày tỏ ý kiến, quan điểm của riêng mình thông qua việc thiết lập và sử dụng tài khoản mạng xã hội là một xu thế tất yếu.
Tuy nhiên, nguyên tắc chung là việc thực hiện quyền tự do dân chủ của một tổ chức hay cá nhân phải nằm trong khuôn khổ pháp luật, không được xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.
Do đó, khi thực hiện quyền tự do ngôn luận thì công dân cũng phải tôn trọng quyền tự do được bảo vệ về danh dự nhân phẩm của chủ thể khác.
Mặt khác, pháp luật luôn tôn trọng và bảo vệ những tư tưởng, nguyện vọng của mỗi tổ chức và cá nhân khi đưa lên công khai trên phương tiện truyền thông, trên mạng xã hội nếu phù hợp với tinh thần xây dựng và thượng tôn pháp luật, phù hợp với chuẩn mực đạo đức và truyền thống văn hóa của dân tộc.
Nhưng nếu đi quá giới hạn của quyền tự do dân chủ hoặc lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm đến các quyền lợi hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và cá nhân thì đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Chẳng hạn như, cá nhân núp dưới danh nghĩa bảo vệ quyền tự do dân chủ để sử dụng mạng xã hội với mục đích xấu, động cơ không trong sáng, chà đạp lên quyền lợi hợp pháp của tổ chức và cá nhân khác, xâm phạm đến Nhà nước thì đều phải chịu các chế tài xử phạt tương ứng đó là bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Những hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân được thể hiện dưới nhiều hình thức đa dạng như: bịa đặt, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác; thu thập, sử dụng trái phép thông tin của người khác và đe dọa uy hiếp tinh thần của họ...
Bị can Nguyễn Phương Hằng có những phát ngôn gây sốc trên không gian mạng
Theo cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Phương Hằng, trong một khoảng thời gian dài, thông qua các tài khoản mạng xã hội, bị can Hằng đã tổ chức nhiều buổi phát trực tiếp nội dung thông tin mang tính chủ quan, không được kiểm chứng, xâm phạm đến bí mật đời tư của người khác. Những video phát sóng trực tiếp của bị can Nguyễn Phương Hằng đã thu hút lượt tham gia của đông đảo người dùng mạng xã hội.
Trong đó có nhiều buổi phát trực tiếp, bị can Nguyễn Phương Hằng đã lợi dụng sức ảnh hưởng của bản thân, đi quá giới hạn của quyền tự do ngôn luận, dùng những ngôn từ thiếu chuẩn mực và có dấu hiệu nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhiều người khác.
Điều 331 Bộ luật Hình sự quy định như thế nào?
Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" như sau:
1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Căn cứ theo Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" có khung hình phạt như sau:
- Khung 1: Phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với chủ thể nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
- Khung 2: phạt tù từ 02 năm đến 07 năm đối với hành vi phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Theo tội danh này, thì không có định lượng xâm phạm như thế nào và ở mức độ nào thì mới cấu thành tội phạm. Vì vậy, người nào chỉ cần có các hành vi xâm phạm đến quyền, lợi ích của người, tổ chức khác, Nhà nước thì đã có dấu hiệu phạm tội.
Hành vi của bị can Nguyễn Phương Hằng được thực hiện trên mạng xã hội và gây bức xúc trong dư luận trong suốt một thời gian. Vậy nên nếu cơ quan chức năng xác định được đây là hành vi gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì mức hình phạt cao nhất mà nữ doanh nhân này phải đối diện có thể lên đến 7 năm tù.
Ngày 28/4/2023, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã thụ lý vụ án Nguyễn Phương Hằng cùng 4 đồng phạm về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".
Theo nội dung vụ án, từ khoảng tháng 3/2021, thông qua các tài khoản mạng xã hội, bà Phương Hằng đã tổ chức nhiều buổi livestream phát ngôn trực tiếp về chuyện bí mật đời tư cá nhân và những nội dung gây ảnh hưởng uy tín, danh dự của 10 cá nhân, gồm ông Võ Nguyễn Hoài Linh (nghệ sĩ Hoài Linh), bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh), bà Ðặng Thị Hàn Ni (cựu nhà báo - luật sư, thạc sĩ luật Hàn Ni), ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Ðàm Vĩnh Hưng), bà Trần Thị Thủy Tiên (ca sĩ Thủy Tiên) cùng chồng là Lê Công Vinh, ông Nguyễn Đức Hiển (phó tổng biên tập báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh), bà Ðinh Thị Lan, bà Lê Thị Giàu, bà Trương Việt Hà.
Bà Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố, tạm giam từ ngày 24/3/2022.
Trong thời gian Tòa án thụ lý giải quyết vụ án này, ông Nguyễn Quang Tuấn (con trai bà Nguyễn Phương Hằng) đã có đơn gửi đến các cơ quan tố tụng, trong đó có Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh để tố giác về việc ông Huỳnh Uy Dũng (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Văn hóa Đại Nam) đồng phạm với bà Hằng.
Ngày 1/6/2023, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ bị can Nguyễn Phương Hằng và 4 đồng phạm trong vụ án lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Lý do trả hồ sơ là để làm rõ 3 nội dung trong vụ án:
Thứ nhất, đối với yêu cầu bồi thường của một số cá nhân trong vụ án, hồ sơ chưa thể hiện đầy đủ chứng cứ. Vì vậy, cần thu thập thêm chứng cứ. Nếu không có chứng cứ bổ sung, tòa án sẽ xử lý theo quy định pháp luật.
Thứ hai, các buổi livestream của Nguyễn Phương Hằng tại nhà riêng và một số địa điểm tại Công ty cổ phần Đại Nam đều có sự xuất hiện của ông Huỳnh Uy Dũng (ông Dũng ngồi cùng Nguyễn Phương Hằng). Tuy nhiên, Cơ quan Cảnh sát điều tra và Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chưa làm rõ có hay không vai trò đồng phạm của ông Huỳnh Uy Dũng trong vụ án.
Theo Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, dù đơn tố cáo của 10 người trong vụ án không đề cập đến ông Huỳnh Uy Dũng nhưng cần phải làm rõ để giải quyết vụ án toàn diện, khách quan.
Thứ ba, ngoài tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân đã bị Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh truy tố đối với bị can Nguyễn Phương Hằng và 4 đồng phạm, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị làm rõ hành vi có dấu hiệu làm nhục, vu khống người khác theo điều 155, 156 Bộ luật Hình sự.
Ngày 26/7/2023, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị truy tố Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm.
Về hành vi của ông Huỳnh Uy Dũng, Cơ quan điều tra xác định chưa đủ cơ sở cấu thành tội phạm. Theo cáo trạng, Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có cùng quan điểm với Cơ quan điều tra về hành vi của ông Huỳnh Uy Dũng.
Ngày 18/8, Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành cáo trạng truy tố bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam) và 4 đồng phạm về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google