Bệnh đậu mùa khỉ - Vì sao đáng lo ngại?

T.A (tổng hợp)
15:04 - 28/05/2022
Công dân & Khuyến học trên

Cho đến nay, đã có khoảng 300 trường hợp được xác nhận hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh đậu mùa khỉ ở khoảng 20 quốc gia, trong đó có nhiều quốc gia mà trước đây chưa hề xuất hiện loại vi rút này.

Bệnh đậu mùa khỉ đã vượt ra khỏi châu Phi

Bệnh đậu mùa khỉ là bệnh do vi rút đậu mùa khỉ gây ra. Vi rút này có cấu trúc và tính chất gây bệnh tương tự như vi rút gây bệnh thủy đậu, nhưng bệnh cảnh lâm sàng thường nhẹ nhàng hơn. Bệnh đậu mùa khỉ lần đầu tiên được phát hiện ở người tại Cộng hòa Dân chủ Congo vào năm 1970.

Bệnh đậu mùa khỉ - Vì sao đáng lo ngại? - Ảnh 1.

Bệnh đậu mùa khỉ khó lây hơn, triệu chứng nhẹ hơn và ít tử vong hơn so với bệnh đậu mùa. Ảnh: Sức khoẻ và đời sống

Bệnh này trước đây thường phổ biến ở các vùng phía Tây và Trung Phi và lây lan chủ yếu qua tiếp xúc gần gũi, như lây truyền từ người qua người khi tiếp xúc, qua vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và qua tiếp xúc với các vật dụng bị nhiễm mầm bệnh như chăn, ga, gối, nệm. Bệnh thường diễn tiến nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người bị suy giảm miễn dịch. Thời gian ủ bệnh từ 5-21 ngày. Bệnh có triệu chứng tương tự bệnh đậu mùa, tuy nhiên hay gặp tổn thương da toàn thân và có hạch to. Triệu chứng bệnh xuất hiện bao gồm sốt, nhức đầu, đau cơ, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh và mệt mỏi.

Cho đến khi bùng phát gần đây, bệnh đậu mùa khỉ hiếm khi xuất hiện ở những nơi khác trên thế giới. Tuy nhiên, điều đáng báo động là cho đến nay đã có khoảng 20 quốc gia ở cả châu Mỹ, châu Âu, châu Á, trước đây chưa từng ghi nhận sự xuất hiện bệnh đậu mùa khỉ, vừa qua đã báo cáo bùng phát dịch bệnh, với hơn 200 trường hợp nhiễm được xác nhận hoặc nghi ngờ, chủ yếu ở châu Âu, như Anh, Pháp, Đức, Đan Mạch, Bỉ, Italy, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Mỹ, Canada và Australia… 

Ngày 7/5, Anh là quốc gia ghi nhận ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên; ngày 22/5, Đức thông báo đã ghi nhận 2 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ tại thành phố Berlin; ngày 23/5, Bộ Y tế Đan Mạch thông báo về ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại nước này. Bệnh nhân là một nam giới trong độ tuổi trưởng thành vừa từ Tây Ban Nha về nước... 

Mới đây nhất, ngày 27/5, Bộ Y tế Argentina đã xác nhận hai trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ở Mỹ Latinh. Bệnh nhân đầu tiên có sức khỏe tốt và những người tiếp xúc gần với cá nhân đó đã được kiểm soát lâm sàng và dịch tễ học, không có triệu chứng cho đến nay. Một trường hợp khác là một công dân Tây Ban Nha đến Argentina hôm thứ tư và bắt đầu phát triển các vết loét vào ngày hôm sau. "Bệnh nhân trong tình trạng chung tốt, được cách ly và được điều trị triệu chứng", Bộ Y tế Argentina cho biết.

Hầu hết các trường hợp nhiễm được báo cáo trên khắp thế giới cho đến nay đều không nghiêm trọng. Mặc dù không phải tất cả, nhưng nhiều người được chẩn đoán trong đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện nay là nam giới có quan hệ tình dục đồng giới. 

Bệnh đậu mùa khỉ có thể được kiểm soát nếu hành động ngay từ bây giờ

Theo tin của Reuters, Sylvie Briand, Giám đốc Ủy ban Phòng chống rủi ro truyền nhiễm toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phát biểu trước cuộc họp thường niên của cơ quan Liên hợp quốc: "Chúng tôi nghĩ rằng nếu chúng ta áp dụng các biện pháp phù hợp ngay bây giờ, chúng ta có thể có thể ngăn chặn điều này một cách dễ dàng".

Trong một cuộc họp với các quốc gia thành viên, bà Briand nói  "Chúng tôi nghĩ rằng ưu tiên chính hiện nay là cố gắng ngăn chặn sự lây truyền này ở các nước chưa xuất hiện bệnh". Các biện pháp cần thiết bao gồm phát hiện sớm, cách ly các trường hợp và truy vết. Rosamund Lewis, Trưởng ban thư ký bệnh đậu mùa của WHO thuộc Chương trình Khẩn cấp của WHO cũng cho biết: "Điều tra trường hợp, truy vết, cách ly tại nhà sẽ là những lựa chọn tốt nhất".

Bên cạnh đó, các quốc gia thành viên cũng nên chia sẻ thông tin về các kho dự trữ vắc xin đậu mùa thế hệ đầu tiên bởi cũng có thể có hiệu quả chống lại bệnh đậu mùa khỉ. Bà Brian nói: "Chúng tôi không biết chính xác số lượng liều vacxin có sẵn trên thế giới là bao nhiêu và đó là lý do tại sao chúng tôi khuyến khích các quốc gia đến gặp WHO và cho chúng tôi biết tình hình kho dự trữ của họ". 

Mới đây, các nhà khoa học tại Bệnh viện Đại học Liverpool NHS Foundation Trust (Anh) cho biết, ít nhất có một thuốc kháng virus có triển vọng chống lại bệnh đậu mùa khỉ. Phát hiện này dựa trên nghiên cứu về một ca bệnh ở Anh và nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet Infectious Diseases.

Các nhà nghiên cứu phát hiện thuốc kháng vi rút tecovirimat của SIGA Technologies Inc có thể rút ngắn các triệu chứng và thời gian lây nhiễm cho người khác. Đây là loại thuốc chống vi rút đậu mùa và đậu mùa khỉ đầu tiên được phê duyệt ở Mỹ.  

Hiện tại, các quan chức của WHO khuyến cáo không nên tiêm chủng đại trà, mà đề xuất tiêm chủng diện hẹp nếu có vacxin, cho những người tiếp xúc gần với người bị nhiễm bệnh.

Ngành y tế khuyến cáo người dân tránh tiếp xúc gần gũi với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng nhiễm mầm bệnh. Thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường, che miệng khi ho, hắt hơi.  

Người có các triệu chứng nghi ngờ cần chủ động tự cách ly và tránh quan hệ tình dục. Người xác định mắc bệnh cần được cách ly y tế đến khi điều trị khỏi bệnh. Người đến các quốc gia có bệnh đậu mùa khỉ cần tránh tiếp xúc với động vật có vú bị bệnh như động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng (chết hoặc sống) có thể chứa vi rút này; không nên ăn hoặc tiếp xúc với động vật hoang dã; không ăn thịt động vật chưa nấu chín kỹ hoặc ăn sản phẩm từ động vật bị nhiễm bệnh.

Bình luận của bạn

Bình luận