Bệnh đậu mùa khỉ không mới
Tổ chức y tế thế giới (WHO) xác nhận bệnh đậu mùa khỉ đã có ở hơn 20 nước, trong đó, Anh và Tây Ban Nha ghi nhận nhiều ca bệnh nhất. Bệnh được phát hiện từ năm 1958.
Năm 1958, khi nhận thấy có hai đợt phát bệnh gần giống thủy đậu trên khỉ nuôi để nghiên cứu bệnh đậu mùa ở Copenhagen, Đan Mạch - nên gọi là "đậu mùa khỉ" (đậu khỉ).
Người đầu tiên mắc đậu khỉ là cậu bé 9 tuổi người Cộng hòa dân chủ Congo năm 1970, cậu sống trong vùng đã thanh toán bệnh đậu mùa từ 1968. Sau đó, bệnh xuất hiện trên người ở Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Bờ Biển Ngà, Gabon, Liberia, Nigeria, Cộng hòa Congo và Sierra Leone.
Tháng 7.2003, Cục kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC) Mỹ nhận báo cáo về 71 ca đậu khỉ ở 6 tiểu bang Wisconsin, Indiana, Illinois, Missouri, Kansas và Ohio. Phần lớn bệnh nhân từng tiếp xúc với chó chăn cừu hoặc người đã mắc đậu khỉ, trong đó các ca nhiễm virus đậu khỉ từ chó chăn cừu đều sống ở Illinois.
CDC phát hiện những con chó này lây bệnh từ chuột khổng lồ Gambian, chuột sóc và cầy thảo nguyên có nguồn gốc Ghana, được nhập khẩu và phân phối ở Mỹ cho những người thích nuôi thú cưng.
Sau điều tra, CDC kết luận đợt dịch đậu khỉ này xuất phát từ động vật hoang dã nhiễm hoặc nghi nhiễm đậu khỉ được nhập khẩu ồ ạt... CDC Mỹ đã cách ly các gia đình có người mắc đậu khỉ, khuyến nghị an tử tất cả vật gặm nhấm nuôi tiếp xúc với động vật nhiễm virus đậu khỉ; cấm nhập khẩu các loài gặm nhấm có khả năng mang virus đậu khỉ.
Bệnh đậu khỉ mắc lẻ tẻ trên người và được coi như dịch tản phát lưu hành ở Châu Phi, nhiều nhất ở Cộng hòa dân chủ Congo. Nhưng từ 2016, ở các nước Sierra Leone, Liberia, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Congo và Nigeria tỷ lệ mắc bệnh đã gấp 20 lần trước đây.
Từ đầu năm đến nay, châu Phi đã có ít nhất 1.400 ca bệnh và 56 tử vong. Người ta cho là do WHO ngừng tiêm chủng đậu mùa từ 1980, bởi những người đã tiêm vaccine đậu mùa, thậm chí trên 25 năm trước, đều ít mắc đậu khỉ. Ngoài ra, châu Phi ngày càng gia tăng phá hoại môi trường sống của các loài động vật mang virus đậu khỉ.
Lần này, ca đậu khỉ đầu tiên được công bố là nam nhân viên y tế London, Anh, nhiễm đậu khỉ ngày 19.5.
Trong cuộc họp báo ngày 9.6, Giám đốc WHO - Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng, trước khi đậu khỉ lan rộng vào tháng 5, bệnh đã được cảnh báo, nhưng không được quan tâm do cho là "bệnh của nước nghèo".
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói, 29 nước trước đây bệnh chưa từng lưu hành đã ghi nhận nhiều ca nhiễm, số ca đậu khỉ ngoài vùng lưu hành (Âu, Mỹ) hiện hơn 1.000; cả vùng lưu hành (châu Phi) và Âu, Mỹ đã có hơn 60 tử vong tính từ đầu năm.
Bệnh đậu khỉ do Monkeypox virus, chi Orthopoxvirus, họ Poxviridae gây ra. Chi Orthopoxvirus có khoảng 12 loại, gồm Variola virus (gây đậu mùa ở người: V.major; V.minor) và các virus gây đậu mùa bò, ngựa… Virus đậu khỉ lây truyền động vật - người qua dịch tiết như nước bọt, dịch nhày đường thở hoặc tiếp xúc với dịch tiết từ vết đậu trên da bị vỡ.
Lây người - người khó xảy ra hơn, qua các giọt nước bọt và hơi thở khi đối mặt lâu, nhưng cũng đã phát hiện lây trong viện. Tiến sĩ Rosamund Lewis, Trưởng nhóm kỹ thuật đậu khỉ của WHO cho biết, ở các nước bệnh không lưu hành trước đây, virus chủ yếu lây lan ở người quan hệ tình dục đồng giới và có rất ít ca bệnh ở phụ nữ.
Hầu hết mắc đậu khỉ là trẻ em, tỷ lệ tử vong ở châu Phi từ 4 - 22%. Biểu hiện ban đầu là sốt, đau đầu, ớn lạnh, sưng hạch bạch huyết, rất mệt mỏi. Sau 1 - 3 ngày nổi mụn nước ngứa ngáy đầu tiên ở mặt, rồi lan toàn thân, hóa mủ. Bệnh tương đối lành tính nhưng có thể biến chứng nhiễm trùng da, viêm phổi, lú lẫn; nếu nhiễm trùng mắt có thể mất thị lực.
Cần phân biệt đậu khỉ với thủy đậu - do Varicella zoster virus (HHV-3), họ Herpesviridae gây ra. Thuỷ đậu thường mắc ở trẻ và hiếm khi trầm trọng; nốt thủy đậu trên da chứa dịch trong, không hóa mủ. Có thể biến chứng nhiễm khuẩn da, mô mềm; viêm phổi; viêm não, hội chứng Reye (bệnh não cấp tính, gan to; rối loạn chức năng gan); viêm màng não vô khuẩn; viêm gan; tiêu chảy, viêm họng, viêm tai giữa; hiếm gặp hơn là suy thượng thận, viêm cầu thận, viêm cơ tim, biến chứng mắt. Bệnh nặng hoặc tử vong thường ở người lớn suy giảm miễn dịch liên quan đến tế bào lymfo T, dùng corticosteroid hoặc hóa trị liệu.
Việt Nam đã thanh toán đậu mùa từ 1978 nên không đề cập đến bệnh này.
Bs Nguyễn Văn
Ảnh: Nốt đậu khỉ trên tay em bé
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google