Công dân khuyến học

Bắt nhóm đối tượng lừa đảo gần 10.000 tỉ đồng qua sàn tiền ảo

Bắt nhóm đối tượng lừa đảo gần 10.000 tỉ đồng qua sàn tiền ảo

Trang Linh

Trang Linh

10:50 - 28/05/2025
Công dân & Khuyến học trên

Công an tỉnh Đồng Nai vừa triệt phá đường dây lừa đảo qua sàn giao dịch tiền ảo Matrix Chain (MTC), với số tiền các đối tượng chiếm đoạt ước tính lên tới gần 10.000 tỉ đồng

Bắt nhóm đối tượng lừa đảo gần 10.000 tỉ đồng qua sàn tiền ảo- Ảnh 1.

Công an tỉnh Đồng Nai thu giữ nhiều tang vật liên quan vụ án. Ảnh: Công an Đồng Nai

Từ đầu năm 2024, Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an tỉnh Đồng Nai phát hiện một nhóm đối tượng hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng thông qua việc lập sàn giao dịch tiền ảo MTC - Matrix Chain. 

Nhóm này lôi kéo người dân đầu tư bằng cách quảng bá lợi nhuận "khủng", cam kết thu nhập thụ động siêu cao, tổ chức các sự kiện, khóa huấn luyện và hệ thống đa cấp phân chia theo khu vực từ Bắc vào Nam.

Mặc dù MTC thực chất là đồng tiền ảo không có giá trị pháp lý và không được cấp phép tại Việt Nam, các đối tượng vẫn tạo dựng vỏ bọc chuyên nghiệp, sử dụng nhiều kênh mạng xã hội như Telegram, Facebook để dụ dỗ hàng chục nghìn người đầu tư.

Các đối tượng bị bắt giữ gồm: Nguyễn Quốc Hùng (sinh năm 1984, trú tại quận Long Biên, Hà Nội); Bùi Thị Thanh Nga (sinh năm 1991, trú tại huyện Thanh Trì, Hà Nội); Hồ Long Trí (sinh năm 1980, trú tại huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh); Đinh Hữu Hay (sinh năm 1991, trú tại Hoài Nhơn, Bình Định); Thân Văn Hiệp (sinh năm 1982, trú tại phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai).

Đồng thời triệu tập nhiều đối tượng khác để làm rõ hành vi giúp sức, tiếp tay trong quá trình tổ chức mô hình đa cấp lừa đảo này.

Thủ đoạn của nhóm đối tượng lừa đảo gần 10.000 tỉ đồng qua sàn tiền ảo 

Bắt nhóm đối tượng lừa đảo gần 10.000 tỉ đồng qua sàn tiền ảo- Ảnh 2.

Đối tượng Nguyễn Quốc Hùng cầm đầu đường dây lừa đảo. Ảnh: Công an tỉnh Đồng Nai

Theo lời khai ban đầu của các đối tượng, từ tháng 2/2023, Nguyễn Quốc Hùng liên hệ với nhóm lập trình viên ẩn danh trên Telegram để thuê viết phần mềm đồng tiền ảo MTC trên nền tảng ví điện tử “SafePal”, với giá 20.000 USDT (khoảng 520 triệu đồng). Sau đó, Hùng cùng Bùi Thị Thanh Nga góp vốn để vận hành hệ thống.

Mỗi người tham gia buộc phải nạp 1 USDT để mở ví, số tiền này được phân chia: 40% chi trả hoa hồng cho các “trưởng nhóm” vùng, 5% dùng để tổ chức sự kiện quảng bá, còn lại 55% được Hùng và Nga rút ra chi tiêu cá nhân. Khi đồng MTC được đưa lên sàn giao dịch PancakeSwap, Hùng giữ lại một ví riêng để thao túng giá, nhằm dụ dỗ người chơi đầu tư thêm và tiếp tục chiếm đoạt tài sản.

Nhóm đối tượng còn tạo lập hàng loạt ví phi tập trung dưới tên của Hùng, Nga và em gái Nga là Bùi Thị Thanh Hoa để rút tiền từ người chơi, sau đó bán cho các cá nhân giao dịch USDT tự do. Số tiền chiếm đoạt được, Hùng và Nga đầu tư mua bất động sản tại nhiều tỉnh, thành như Hà Nội, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hưng Yên, Thái Nguyên… với các tài sản đều đứng tên Nga, bố mẹ ruột của Nga hoặc người thân.

Bắt nhóm đối tượng lừa đảo gần 10.000 tỉ đồng qua sàn tiền ảo- Ảnh 3.

Công an lấy lời khai Bùi Thị Thanh Nga. Ảnh: Công an cung cấp

Tính đến khi bị triệt phá, hệ thống MTC đã thu hút hơn 138.000 tài khoản đăng ký, số tiền các nạn nhân nạp vào lên tới 394 triệu USDT – tương đương hơn 10.000 tỉ đồng.

Điều 174 Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản."

- Đối với các hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản thì sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 290 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù.

Điều 290. Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản

1. Người nào sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử thực hiện một trong những hành vi sau đây, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 173 và Điều 174 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;

b) Làm, tàng trữ, mua bán, sử dụng, lưu hành thẻ ngân hàng giả nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;

c) Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản;

d) Lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản;

đ) Thiết lập, cung cấp trái phép dịch vụ viễn thông, internet nhằm chiếm đoạt tài sản.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Có tính chất chuyên nghiệp;

d) Số lượng thẻ giả từ 50 thẻ đến dưới 200 thẻ;

đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

e) Gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

c) Số lượng thẻ giả từ 200 thẻ đến dưới 500 thẻ.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên;

c) Số lượng thẻ giả 500 thẻ trở lên.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản."

Bình luận của bạn

Bình luận

icon icon