Bắt giữ 12 đối tượng đánh bạc trong các lô cốt kiên cố
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 12 bị can về các tội "Tổ chức đánh bạc" và "Đánh bạc".
Theo Cổng TTĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh, Thượng tá Đặng Quốc Thiện, Trưởng Công an huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh cho biết đơn vị vừa tổ chức phá chuyên án, bắt giữ thành công 12 đối tượng đánh bạc chuyên nghiệp, thu giữ hơn 300 triệu đồng tiền mặt và nhiều tang vật khác có liên quan.
Tổ chức đánh bạc trong các lô cốt kiên cố
Cụ thể, qua công tác nắm tình hình, Công an huyện Thạch Hà phát hiện trên địa bàn có một ổ nhóm đánh bạc chuyên nghiệp bằng hình thức xóc đĩa, hoạt động rất tinh vi do Lê Văn Nam (sinh năm 1968) cùng con trai là Lê Cao Cường (sinh năm 1990) cầm đầu, trong đó Lê Văn Nam là đối tượng cộm cán, có nhiều tiền án, tiền sự.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan Công an xác định đối tượng Lê Văn Nam cùng con trai là Lê Cao Cường thường tụ tập các con bạc, tổ chức đánh bạc tại nhà riêng của mình ở Tổ dân phố 9, thị trấn Thạch Hà và lưu động tại nhiều địa điểm khác nhau. Khu vực đánh bạc thường được bố trí một cách kiên cố, hệ thống cửa chính và cửa sổ được gia công bằng nhiều lớp cửa sắt, trang bị hệ thống camera giám sát, bố trí người canh gác và thường hoạt động trong một khoảng thời gian nhất định từ 1,5 giờ đến 2 giờ đồng hồ, sau đó thay đổi địa điểm khác nhằm qua mắt lực lượng chức năng.
Do các đối tượng tổ chức đánh bạc trong các lô cốt kiên cố nên quá trình đấu tranh, bắt giữ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với tinh thần đấu tranh trấn áp tội phạm, Công an huyện Thạch Hà đã tập trung lực lượng, phương tiện quyết tâm đấu tranh, triệt xoá ổ nhóm đánh bạc nói trên.
Theo đó, ngày 17/2 Công an huyện Thạch Hà đã huy động 30 cán bộ, chiến sỹ đột kích vào địa điểm đánh bạc tại nhà riêng của đối tượng Lê Văn Nam trên địa bàn Tổ dân phố 9, thị trấn Thạch Hà, bắt quả tang 12 đối tượng khi đang thực hiện hành vi đánh bạc bằng hình thức xóc đĩa.
Tại hiện trường, cơ quan Công an thu giữ số tiền hơn 300 triệu đồng, 12 điện thoại di động, 1 xe ô tô 7 chỗ, 1 thiết bị điều chỉnh con vị cùng nhiều tang vật khác có liên quan.
Danh tính 12 đối tượng được xác định gồm: Lê Văn Nam (sinh năm 1968); Lê Cao Cường (sinh năm 1990); Nguyễn Văn Thọ (sinh năm 1976); Hoàng Văn Tài (sinh năm 1982); Trương Hoài Nam (sinh năm 1984) cùng trú tại thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà; Nguyễn Văn Chỉnh (sinh năm 1982), Phạm Văn Hải (sinh năm 1988); Phạm Tiến Dũng (sinh năm 1993); Lê Đình Đạt (sinh năm 1995) cùng trú tại xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà; Nguyễn Đức Vũ (sinh năm 1982); Nguyễn Viết Trúc (sinh năm 1986) cùng trú tại xã Thạch Long, huyện Thạch Hà; Lê Quý Phố (sinh năm 1982) trú tại xã Thạch Ngọc, huyện Thạch Hà.
Tại cơ quan Công an, các đối tượng đã khai nhận hành vi phạm tội của mình. Lê Văn Nam được xác định là đối tượng đầu sỏ, ngoài việc tổ chức đánh bạc Nam còn cho các con bạc vay tiền, thu tiền lãi, lấy tiền hồ. Đặc biệt, Lê Văn Nam còn sử dụng hình thức đánh bạc "bịp" bằng cách gắn thiết bị điện tử giúp đối tượng biết trước kết quả con vị trong mỗi lần xóc đĩa, để lừa các con bạc trong quá trình chơi.
Ngày 26/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 12 bị can về các tội "Tổ chức đánh bạc" và "Đánh bạc". Trong đó, khởi tố Lê Văn Nam về tội "Tổ chức đánh bạc"; Lê Cao Cường và Trương Hoài Nam về hai tội "Tổ chức đánh bạc" và "Đánh bạc", 9 bị can còn lại khởi tố về tội "Đánh bạc".
Điều 321 – Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 quy định về Tội đánh bạc như sau:
1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên;
c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Điều 322 – Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 quy định về Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc như sau:
1. Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:
a) Tổ chức cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc tổ chức 2 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên;
b) Sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu hoặc quản lý của mình để cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc cho 2 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên;
c) Tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trong cùng 1 lần trị giá 20.000.000 đồng trở lên;
d) Có tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc; có lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc hoặc phân công người canh gác, người phục vụ khi đánh bạc; sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện để trợ giúp cho việc đánh bạc;
đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc hành vi quy định tại Điều 321 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 321 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên;
c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để phạm tội;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google