Bất động sản Thanh Hóa: Vị trí “yết hầu” trong tứ giác phát triển phía Bắc
Với vị trí quan trọng trong tứ giác phát triển của phía Bắc, Thanh Hóa đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ trong việc tạo nhiều thuận lợi về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển để trở thành cực tăng trưởng mới, thu hút nguồn lực đầu tư từ cả nguồn ngân sách Nhà nước và khu vực tư nhân.
Tại tọa đàm “Sự trỗi dậy của bất động sản Thanh Hóa” do TheLEADER tổ chức ngày 10/5, PGS. Trần Đình Thiên - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, những chính sách, cơ chế của Thanh Hóa đã và đang thu hút nhiều nguồn lực, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn.
Hạ tầng giao thông đồng bộ sẽ là xung lực cho BĐS Thanh Hóa bứt phá
Hiện nay, Thanh Hóa sở hữu hệ thống hạ tầng, giao thông kết nối với 43 dự án trọng điểm và đang được dồn lực đầu tư ngày càng hoàn thiện: Tuyến đường bộ ven biển kết nối với các tỉnh; cao tốc Thanh Hoá - Hà Nội, Ninh Bình - Thanh Hoá, Nghi Sơn - Sao Vàng và các tuyến đường giao thông trong tỉnh.
Đặc biệt trong tương lai gần khi đường cao tốc Hà Nội – Thanh Hóa hoàn thành toàn tuyến sẽ rút ngắn khoảng cách di chuyển từ Hà Nội đến Thanh Hóa chỉ còn khoảng hơn 2 tiếng lái xe. Sân bay Sao Vàng đã được phê duyệt quy hoạch thành Cảng hàng không quốc tế cấp 4E công suất 5 triệu hành khách/năm, có chức năng dự bị cho sân bay Nội Bài.
Nhờ những thế mạnh về hạ tầng kết nối, du lịch và phát triển công nghiệp... Thanh Hóa đang trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn với sự xuất hiện hàng loạt đại đô thị tỷ USD của Vingroup, Sun Group, Flamingo, Eurowindow, T&T Group...
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho rằng, thị trường bất động sản Thanh Hóa đang có sự phát triển mạnh mẽ, vươn lên top đầu trong thị trường bất động sản mới nổi ở Việt Nam. “Có 3 phân khúc là đô thị, du lịch, công nghiệp được quan tâm đầu tư ở tỉnh này. Hiện nay các hoạt động giao dịch bất động sản đang được đẩy mạnh ở khu vực thành phố Thanh Hóa, Sầm Sơn với mức giá tăng khoảng 20-25%”, ông nói và đánh giá mức giá tăng như vậy là phù hợp.
Ông Đính cho rằng: Tại Thanh Hóa, dự án đất nền chưa được quan tâm theo hướng đầu tư xây dựng, chủ yếu vẫn là giao dịch mua đi bán lại. “Các hoạt động này làm đẩy giá đất địa phương tạo ra rào cản kìm hãm sự thu hút các nhà đầu tư lớn”, ông nhìn nhận.
Cần kiểm soát việc “thổi giá” để BĐS Thanh Hóa phát triển bền vững
Ông Đỗ Quý Duy - Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Hải Phát cho rằng, xu thế trong năm 2022-2023 với việc kiểm soát tín dụng bất động sản sẽ khiến cho các dòng tiền đầu tư ở các tỉnh lẻ quay về các tỉnh, thành phố trung tâm như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
“Bên cạnh đó, việc kiểm soát tín dụng này cũng khiến các thị trường mới nổi hình thành các bong bóng bất động sản. Tại Thanh Hóa cũng xuất hiện tình trạng này, một số khu vực có giá đất tăng tới 200%/năm gây nhiều hệ lụy phát triển dự án của các chủ đầu tư lớn”, ông nói.
Về mặt quy hoạch, ông Duy đánh giá quy hoạch ở tỉnh Thanh Hóa đa dạng nhưng thiếu chiều sâu. Chẳng hạn, bất động sản công nghiệp khoảng 5.000 ha nhưng các khu công nghiệp rời rạc không tạo thành một hệ sinh thái như ở Bắc Ninh, Bắc Giang.
“Giao dịch bất động sản tại Thanh Hóa vẫn chủ yếu giữa người dân trong tỉnh. Họ đầu cơ, lướt sóng, bỏ cọc dẫn đến các nhà đầu tư chưa mặn mà với bất động sản đô thị ở tỉnh này”, ông nói.
Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, Tổng giám đốc RB Land, trong năm 2021-2022, thị trường bất động sản Thanh Hóa gặp một số vấn đề như: Người dân địa phương đua nhau đấu giá đất, hạ tầng các dự án đấu giá kém, người dân đấu giá cao gấp 2-3 lần sau đó bỏ cọc...
“Giai đoạn đầu năm 2021, số tiền bỏ cọc của những nhà đầu tư tham gia đấu giá ở Thanh Hóa lên đến 720 tỷ đồng”, ông dẫn chứng và cho rằng thị trường Thanh Hóa có nhiều tiềm năng phát triển nhưng có nhiều hạn chế trong ngắn hạn, nhất là với những nhà đầu tư có ý định "lướt sóng". Ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, chính quyền tỉnh này cần quan tâm quản lý các hoạt động mua bán đất ở, phân lô, tách thửa các dự án chưa đấu giá, sau đấu giá cần yêu cầu nhà đầu tư tham gia xây dựng công trình.
Theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, giá đất nền nhiều khu vực ở Thanh Hoá đầu năm 2021 tăng trung bình 40-60% so với cuối năm 2020. Giá đất mặt bằng đô thị, ven biển Thanh Hóa dao động ở ngưỡng 12-15 triệu đồng/m2, có nơi trên 20 triệu đồng/m2, cao gấp 2-3 lần so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, có những lô đất ven biển Sầm Sơn, mức giá tăng gấp 4-5 lần so với 5 năm trước.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google