Bão số 3: Quảng Ninh hoãn cuộc họp không cấp bách, Hải Phòng đảm bảo công trình, an toàn đê điều
Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh vừa có văn bản hỏa tốc yêu cầu đình hoãn các cuộc họp không thật cấp bách để tập trung ứng phó bão số 3 (Yagi), Hải Phòng cũng thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng: tuyệt đối không lơ là chủ quan, mất cảnh giác, dẫn đến thiệt hại về người và tài sản.
Chiều 5/9, bão số 3 đang ở trên khu vực phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 500 km về phía Đông. Cường độ bão mạnh cấp 16 (cấp siêu bão), giật trên cấp 17. Đây là cơn bão được nhận định rất mạnh, hoàn lưu rộng.
Tại Quảng Ninh, thực hiện Công điện số 87/CĐ-TTg ngày 05/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 3 năm 2024, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các địa phương và Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện; các chỉ đạo của Tỉnh ủy; Công điện và các chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, tuyệt đối không lơ là chủ quan, mất cảnh giác.
Tỉnh Quảng Ninh cũng đình hoãn các cuộc họp không thật cấp bách, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phân công từng lãnh đạo trong Ban Thường vụ, Thường trực Ủy ban nhân dân trực tiếp xuống các địa bàn trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, kiểm tra công tác phòng, chống bão, lũ; Bí thư cấp ủy, Chủ tịch Ủy ban dân các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nếu chủ quan, lơ là trong lãnh đạo chỉ đạo, chậm triển khai ứng phó với bão, lũ dẫn đến thiệt hại về người và thiệt hại lớn về tài sản.
Theo dõi chặt chẽ và thông tin về diễn biến của bão, tuyên truyền về ảnh hưởng của bão để nhân dân biết, phối hợp với chính quyền thực hiện các biện pháp chủ động phòng tránh; thông báo cho các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, đảm bảo an toàn.
Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho nhân dân và du khách trên các đảo, khu vực ven biển, khu nuôi trồng thủy sản trên biển, khu neo đậu tránh trú. Di dời người dân (ưu tiên người già, trẻ nhỏ, phụ nữ) ở các khu nuôi trồng thủy sản về nơi an toàn trước 16h00 ngày 6/9/2024; tuyệt đối không để lại người trên các lồng bè, chòi canh... khi bão đổ bộ.
Tập trung chằng chống nhà cửa, nhà xưởng, thiết bị, cây xanh, xong trước 16h00 ngày 6/9/2024. Thực hiện cấm biển từ 11 giờ 00 ngày 6/9/2024.
Sở Giáo dục và Đào tạo căn cứ tình mưa, bão chủ động chỉ đạo học sinh các cấp học trên địa bàn toàn tỉnh nghỉ học nếu cần thiết để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, triển khai phương án phòng, chống bão, mưa lớn, ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất; thông tin kịp thời, đầy đủ đến giáo viên, phụ huynh và học sinh, nhất là vùng ven biển, sông, suối, đập, đê điều... để chủ động các biện pháp phòng tránh.
Tại Hải Phòng, để đảm bảo an toàn cho các công trình đê điều đang thi công, sáng 4/9, thành phố Hải Phòng yêu cầu đối với Dự án Cải tạo mặt đê kết hợp làm đường giao thông đoạn đê hữu sông Thái Bình (từ xã Tân Liên đến cầu Hàn), huyện Vĩnh Bảo giao Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Bảo khẩn trương tập trung chỉ đạo thi công Dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ, sớm hoàn thành Dự án đưa vào sử dụng.
Chủ động rà soát, phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có biện pháp đảm bảo an toàn giao thông (cắm biển báo, cọc tiêu, vuốt nổi trơn thuận,...) tại các vị trí cống dưới đê thuộc đoạn tuyến của Dự án nhưng chưa thực hiện nối dài cống theo mặt cắt đê. Thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông trong suốt quá trình thi công theo đúng quy định.
Đối với Dự án đầu tư xây dựng củng cố, bảo vệ và nâng cấp tuyến đê biển I, đoạn K0+000 đến K11+500 và từ K17+000 đến K17+591, Phó Chủ tịch giao Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ; thực hiện các biện pháp khơi thông, tạo rãnh thoát nước mặt đê để đảm bảo không bị trữ nước trên mặt đê khi có mưa lớn, gây ảnh hưởng đến chất lượng thi công, an toàn giao thông trên đê.
Về Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đê biển Nam Đình Vũ thuộc Khu kinh tế Đình Vũ Cát Hải, giao Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị và khu kinh tế, khu công nghiệp khẩn trương chỉ đạo đơn vị thi công thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản đang thi công Dự án; thực hiện các biện pháp gia cố công trình, hạn chế thấp nhất thiệt hại đối với các đoạn đê đang thi công dở dang.
Thành phố Hải Phòng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đôn đốc, kiểm tra các Chủ đầu tư các dự án có liên quan đến đê điều thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn công trình, an toàn đê điều phòng chống bão.
Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết, lúc 16 giờ ngày 5/9, vị trí tâm siêu bão Yagi trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 400km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 16 (184-201km/h), giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 12km/h.
Theo Tổng cục Khí tượng thuỷ văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, dự báo bão số 3 sẽ duy trì cấp 16, giật trên cấp 17 đến khi di chuyển vào vùng biển phía Đông của đảo Hải Nam.
Khoảng đêm 6/9, bão sẽ vượt qua khu vực phía Bắc đảo Hải Nam di chuyển vào vịnh Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá. Khoảng chiều đến đêm 7/9, bão di chuyển vào đất liền các tỉnh Bắc Bộ, sau đó di chuyển sang phía Tây Bắc Bộ, suy yếu thành vùng áp thấp và tan dần.
"Các trung tâm dự báo bão quốc tế đều có chung nhận định, bão số 3 tiếp tục duy trì cấp siêu bão đến khi vào đến vùng ven biển phía Đông đảo Hải Nam. Sau đó, bão số 3 di chuyển vào vịnh Bắc Bộ còn mạnh cấp 13-14, giật cấp 16, khi ảnh hưởng đất liền cường độ khả năng còn mạnh cấp 9-12, giật cấp 13-14", Tổng cục Khí tượng thuỷ văn thông tin.
Tác động của siêu bão, Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 11-14, vùng gần tâm siêu bão đi qua cấp 15-16, giật trên cấp 17, biển động dữ dội, sóng biển cao 7-9m, vùng gần tâm siêu bão 10-12m.
Từ khoảng trưa 6/9, vùng biển phía Đông của vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vĩ) gió mạnh dần lên cấp 6-7,
Từ tối và đêm cùng ngày, vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô) gió mạnh dần lên cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13-14, giật cấp 17, biển động dữ dội. Trưa 6/9, khu vực này sóng cao 2-4m, sau tăng lên 3-5m, vùng gần tâm bão đi qua 6-8m.
Từ đêm 6/9 và gần sáng 7/9, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-12, giật cấp 14, sóng cao 2-3m, sau tăng lên 2-4m, vùng gần tâm bão 3-5m. Sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11 (thời điểm gió mạnh nhất trong khoảng từ trưa đến tối 7/9)./-strong/-heart:>:o:-((:-hNgoài ra, ven biển từ Thanh Hoá đến Quảng Ninh cần đề phòng nước dâng do bão cao từ 0,5 (Thanh Hoá) - 1,8m (Quảng Ninh) vào chiều và đêm 7/9 và hiện tượng nước rút do bão từ 0,5 (Thanh Hoá) - 1m (Quảng Ninh) vào sáng cùng ngày.
Các khu vực neo đậu tàu thuyền, khu nuôi trồng thuỷ sản, các tuyến đê, kè biển trong vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và nước dâng/rút do bão. Vùng trũng, thấp ở ven biển, cửa sông đề phòng nguy cơ ngập do nước dâng và sóng lớn.
Cũng theo cơ quan khí tượng, từ đêm 6/9 đến sáng 9/9, Bắc Bộ và Thanh Hoá có thể xuất hiện một đợt mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông, tổng lượng mưa phổ biến 100-350mm, có nơi trên 500mm. Mưa lớn nhất ở phía Đông Bắc Bộ tập trung trong ngày và đêm 7/9, Tây Bắc Bộ từ tối 7/9 đến đêm 8/9).
Mưa lớn nguy cơ gây ngập úng tại các vùng trũng, thấp, lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc. Ảnh hưởng của hoàn lưu bão rộng, cần đề phòng dông, lốc và gió giật mạnh cả trước và trong khi bão đổ bộ.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google