Bão Noru đã tăng 2 cấp và tiếp tục mạnh lên, có thể giật cấp 16 khi vào Biển Đông

PV
22:11 - 24/09/2022
Công dân & Khuyến học trên

Trong vài giờ qua, bão Noru đã tăng lên 2 cấp lên cấp 11, giật cấp 14. Qua ảnh vệ tinh lúc 15 giờ chiều 24/9, bão đã có cấu trúc, di chuyển nhanh, đang tiếp tục mạnh lên và diễn biến phức tạp.

Bão có thể giật cấp 16 khi vào gần bờ biển Thừa Thiên Huế - Quảng Nghãi 

"Đây là một cơn bão rất mạnh, càng vào giữa Biển Đông càng mạnh. Dự báo cấp bão mạnh nhất trên Biển Đông khoảng cấp 12 - 13, giật cấp 16, thậm chí còn có thể mạnh hơn. Bão di chuyển rất nhanh, khoảng 24 giờ nữa (chiều 25/9) sẽ đi vào Biển Đông và có khả năng gây mưa lớn tại khu vực Trung Bộ", Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm nhấn mạnh.

Tổng cục Khí tượng Thủy văn cũng nhận định Noru là cơn bão mạnh, tốc độ di chuyển nhanh và phạm vi ảnh hưởng rộng lớn cả khu vực Trung Bộ và còn phức tạp khi đi vào Biển Đông.

Hồi 19 giờ ngày 24/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,5 độ Vĩ Bắc; 126,0 độ Kinh Đông, cách đảo Lu-Dông (Philippines) khoảng 480km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (118-133km/giờ), giật cấp 15.

Dự báo đến 19 giờ ngày 25/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 120,7 độ Kinh Đông trên khu vực đảo Luzon (Philippines). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (89-117km/giờ), giật cấp 14.

Bão Noru di chuyển nhanh, đã tăng 2 cấp và đang tiếp tục mạnh lên - Ảnh 1.

Tổng cục Khí tượng Thủy văn tổ chức họp trực tuyến thảo luận về diễn biến cơn bão gần Biển Đông Noru.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 13,0 đến 19,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 117,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy. 

Đến 19 giờ ngày 26/9, vị trí tâm bão ở khoảng 16,4 độ Vĩ Bắc; 115,9 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 460km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (103-133km/giờ), giật cấp 15.

Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 đến 48 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 13,5 đến 20,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 112,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão Noru di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 25-30km, có xu hướng mạnh thêm.

Đến 19 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 109,8 độ Kinh Đông, cách Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi khoảng 140km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (118-149km/giờ), giật cấp 16.

Do ảnh hưởng của bão, từ khoảng chiều 25/9, ở vùng biển phía Đông khu vực Bắc và Giữa Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11; sóng biển cao từ 4-6m; biển động rất mạnh.

Trong 72 đến 120 giờ, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ 20-25km/giờ, cường độ suy yếu dần và ảnh hưởng đến khu vực Trung Bộ.

Chủ động ứng phó với diễn biến của bão

Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão, mưa lớn để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia khuyến cáo, chính quyền, người dân và Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương đặc biệt tại khu vực miền Trung cần theo dõi chặt chẽ và cập nhật thường xuyên các thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia và hệ thống dự báo địa phương.

Bên cạnh đó, chính quyền và các đơn vị chức năng cần cung cấp nhanh, kịp thời các thông tin dự báo thiên tai cho người dân, chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống thiên tai bằng các hình thức khác nhau và vận động, tuyên truyền cũng như thực hiện lệnh cấm tuyệt đối đối với người dân hoạt động tại các khu vực có nguy cơ rủi ro cao dễ xảy ra lũ quét, sạt lở đất...

Người dân trong khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng thiên tai cần theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia; cần tìm hiểu thêm về những thiên tai trong khu vực mình sinh sống như xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ, sạt lở đất, lụt.

Người dân cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn công tác ứng phó, phòng, chống thiên tai của chính quyền địa phương; cập nhật thường xuyên thông tin dự báo khí tượng thuỷ văn mới nhất trên các phương tiện truyền thông đại chúng của Trung ương và địa phương để chủ động ứng phó. Người dân cần chuẩn bị đầy đủ các đồ dùng và trang bị cần thiết cho phòng, tránh thiên tai khi có cảnh báo.

Sáng 24/9, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã ban hành Công điện số 29/CĐ-QG chỉ đạo ứng phó bão Noru và mưa lớn kéo dài. Các tỉnh miền Trung như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng đã phát công điện khẩn ứng phó với bão Noru đang di chuyển nhanh, diễn biến phức tạp.

Nguồn: tổng hợp