Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh kỹ thuật số toàn cầu 2022 nhấn mạnh yếu tố an ninh mạng

05:51 - 09/10/2022
Công dân & Khuyến học trên

Đan Mạch lần đầu tiên được xếp hạng cao nhất sau khi tăng ba bậc so với năm trước, tiếp theo là Mỹ và Thụy Điển, theo một báo cáo hàng năm của Viện Phát triển quản lý quốc tế.

Đan Mạch vượt lên trên Mỹ, xếp vị trí đầu bảng

Đan Mạch dẫn đầu bảng xếp hạng toàn cầu về năng lực cạnh tranh kỹ thuật số năm 2022 do Viện Phát triển quản lý quốc tế có trụ sở tại Thụy Sĩ (IMD) công bố ngày 7/10. 

Báo cáo năm nay cũng nêu bật ưu tiên của các nền kinh tế trong lĩnh vực kỹ thuật số, tập trung vào các biện pháp đảm bảo an ninh mạng.

IDM bắt đầu thực hiện báo cáo này từ năm 2017. Đây là lần đầu tiên Đan Mạch vươn lên vị trí số 1 trong 6 năm qua. Quốc gia này đã tăng 3 bậc so với năm ngoái, vượt lên trên Mỹ. Đây là lần đầu tiên Mỹ bị xếp ở vị trí thứ 2 kể từ năm 2017.

Bảng xếp hạng năm nay dựa trên 54 chỉ tiêu, được thu thập từ dữ liệu do các nền kinh tế cung cấp và các cuộc khảo sát do IDM thực hiện.

Các tiêu chí được chia làm 3 nhóm chính: mức độ sẵn sàng trong tương lai (sẵn sàng khai thác chuyển đổi kỹ thuật số), kiến thức (đánh giá năng lực hiểu và phát triển các công nghệ mới) và công nghệ (khả năng phát triển các công nghệ kỹ thuật số mới).

Đánh giá của IDM cho biết Đan Mạch được đánh giá cao về "mức độ sẵn sàng khám phá chuyển đổi kỹ thuật số", xếp thứ nhất về độ nhanh nhạy của các doanh nghiệp, hoạt động tích hợp công nghệ thông tin, trong khi xếp thứ 5 về thái độ thích nghi và tiếp thu công nghệ mới. Đan Mạch cũng là một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới, xét về nguồn nhân lực kỹ thuật số và lĩnh vực giáo dục đào tạo.

Mỹ sụt 1 bậc so với năm ngoái. Theo đánh giá của IDM, dù bị tụt hạng nhưng Mỹ vẫn còn nhiều không gian để nâng cấp hơn nữa, xét về các kỹ năng, kiến thức để khám phá, hiểu và xây dựng các công nghệ mới.

Thụy Điển giữ nguyên vị trí thứ 3, Thuỵ Sĩ tăng 1 bậc, xếp thứ 5. Thụy Sĩ được đánh giá là đang trên đường trở thành quốc gia kỹ thuật số phát triển hoàn chỉnh, với cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, các quy định, điều hành của chính phủ và thái độ đối với kỹ thuật số được xếp ở mức hài lòng. Tuy nhiên, theo IDM, yếu tố quan trọng đưa đến thành công trong tương lai phải là đưa ra được một chương trình nhận dạng kỹ thuật số quốc gia, điều mà những nền kinh tế xếp hạng cao như Đan Mạch, Singapore đang làm.

Singapore, Hàn Quốc thăng hạng, Nhật Bản tụt hậu

Ở châu Á, Singapore tăng 1 bậc so với năm ngoái, xếp ở vị trí thứ 4. Hàn Quốc tăng 4 bậc để lên vị trí thứ 8. Hong Kong (Trung Quốc) đứng thứ 9, tiếp theo là Đài Loan (Trung Quốc) và Trung Quốc ở vị trí 17. Trong khi đó, Nhật Bản tụt một bậc so với một năm trước đó xuống vị trí thứ 29.

Trong các tiêu chí xếp hạng năm nay có 2 tiêu chí mới là năng lực đảm bảo an ninh mạng của chính phủ và mức độ bảo vệ quyền riêng tư của luật pháp. IDM cho biết vấn đề an ninh mạng, cả ở cấp chính phủ và doanh nghiệp, ngày càng trở nên quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa, những bước tiến trong lĩnh vực công nghệ kỹ thuất số, cùng với đại dịch toàn cầu đã khiến các nền kinh tế liên kết nhiều hơn, tương tác giữa các doanh nghiệp và cá nhân được chuyển lên không gian mạng nhiều hơn, từ đó làm gia tăng số vụ tấn công mạng.

Bảng xếp hạng toàn cầu về năng lực cạnh tranh kỹ thuật số đánh giá 63 nền kinh tế về năng lực tiếp thu và khám phá các công nghệ kỹ thuật số mới để thúc đẩy chuyển đổi kinh tế trong doanh nghiệp, chính phủ và xã hội.

Nguồn: TTXVN, imd .org