"Ban công của mẹ" - thư viện thiếu nhi miễn phí giữa lòng Hà Nội
Vốn là người yêu thích đọc sách, lại nhận được sự ủng hộ từ gia đình, chị Nguyễn Thu Hương (Ba Đình, Hà Nội) quyết định mở thư viện sách thiếu nhi miễn phí mang tên "Ban công của mẹ" dành cho các em nhỏ nhằm tạo không gian cho các em đọc sách đồng thời lan tỏa văn hóa đọc.
Từ đam mê đọc sách - mở thư viện miễn phí
Cứ các ngày trong tuần, thư viện "Ban công của mẹ" lại tấp nập những tiếng cười của các bậc phụ huynh đến mượn, trả sách cho con tại căn nhà nơi góc phố nhỏ giữa lòng Hà Nội. Đây là điểm đến cuối tuần của các em nhỏ khi rời xa mạng xã hội, được bố mẹ đưa đến "Ban công của mẹ" để đọc sách.
Thư viện chính thức đi vào hoạt động từ năm 2019, ban đầu thư viện chỉ ở tầng 2 do chị Nguyễn Thu Hương đang mở cửa hàng kinh doanh. Sau vài tháng, chị quyết định đóng cửa hàng để tiện chăm sóc con cái, thư viện cũng được mở rộng thêm dưới tầng 1 tạo không gian rộng rãi cho các bạn đọc.
Thư viện rộng khoảng 40m vuông, 2 tầng, không gian khá là rộng rãi và thoải mái. Với hơn 10 nghìn đầu sách đủ các thể loại như khoa học, lịch sử, văn học, đặc biệt là sách tiếng Anh… do chính tay chị chọn lọc và được xếp ngay ngắn trên kệ.
Giữa cái sự nhộp nhịp, đông đúc của Hà Nội, các bạn nhỏ có thể đến đây tìm một góc bình yên.
Hành trình xây dựng thư viện sách của chị Hương được khởi tạo rất tự nhiên. Hồi bé chị rất đam mê đọc sách. Đến khi lấy chồng, lập gia đình thì chị thường xuyên mua sách và đồng hành cùng con trong suốt quá trình con trưởng thành. Đến nay, khi bé thứ hai nhà chị đã bước vào lớp 1, gia đình chị đã có một kho tàng sách, truyện tranh thiếu nhi khổng lồ.
Chia sẻ về ý tưởng mở thư viện, chị Hương cho hay: "Từ bé tôi cũng là một người rất nghiện sách, thích đọc sách và mua sách rất nhiều, tôi giữ gìn sách rất tốt và nâng niu sách. Mùa hè năm 2019, tôi nhận ra tủ sách gia đình có rất nhiều quyển sách tôi đã đọc xong, để mãi trên tủ sách thì rất là lãng phí, mà mang tặng thì thực sự phải gặp đúng người cần và trân quý sách nữa.
Nếu tôi tạo được một tủ sách để ai cần đến đọc sách, đọc xong lại để quyển sách đó lại cho người khác đọc tiếp, thì mới là giống như mình xây dựng được cả 1 cái cần câu tri thức về lâu dài cho mọi người".
Ở lứa tuổi của chị, nhiều người chọn chăm lo gia đình và làm kinh tế. Nhưng chị Hương lại muốn làm việc có ích giúp cho cộng đồng bằng cách lan tỏa tri thức.
Khi được hỏi về ý nghĩa của tên thư viện, chị Hương chia sẻ chân thành: "Thư viện thành lập được là nhờ sự ủng hộ của mẹ tôi. Đây cũng là nhà của bố mẹ tôi nữa. Nên "Ban công của mẹ" cũng vì đây là nhà của mẹ, là chốn về ấm áp tin tưởng của tôi mỗi khi tôi cần sự giúp đỡ, cũng là nơi tôi xây dựng cho các con tôi, có 1 thư viện gia đình để mình đọc sách và học cách chia sẻ với các bạn nhỏ khác. Vừa là mẹ tôi vừa là mẹ của con tôi. Cái tên này tạo cho tôi cảm giác thân thương, quen thuộc như kiểu luôn luôn có mẹ ở đây", chị Hương tâm sự.
Câu nói truyền cảm hứng chị Hương thích nhất là "Logic sẽ đưa bạn đi từ A đến B còn trí tưởng tượng sẽ đưa bạn đi tới bất cứ đâu." của ông Albert Einstein một nhà bác học thiên tài với sức sáng tạo vô cùng mãnh liệt.
Khi mở thư viện, chị Hương chỉ tốn khoảng tầm 20 triệu để đóng tủ sách ở tầng 2. Còn nhà và sách đều là của gia đình. Các kệ sách dưới tầng 1 đều được chị tái sử dụng lại từ các tủ gỗ để đồ, để giày.
Ban công của mẹ - chốn bình yên của phụ huynh và con cái
Đến hè năm 2023, thư viện bắt đầu hoạt động hiệu quả hơn cho đến bây giờ. Chị Hương thường xuyên hướng dẫn để các mẹ có thể tự ghi lại thông tin sách mượn, nhắn tin báo với chị khi chị ko có mặt ở thư viện. Hiện tại thư viện hoạt động khá tự chủ, mọi người đến với thư viện rất tự giác. Chị Hương là người hỗ trợ việc xếp sách lên giá đúng vị trí khi phụ huynh trả sách. Kết quả hiện giờ thì có hơn 100 gia đình ở xa là thường xuyên đến mượn, trả sách.
"Tôi cảm thấy rất vui khi được tự chính tay mình sắp xếp các đầu sách lên kệ. Bởi lúc đó, bản thân tôi cảm thấy rất vui và bớt căng thẳng sau ngày dài", chị Hương nói.
Ngoài việc đọc ở thư viện, thì chị Hương cũng tạo điều kiện cho mượn sách về nhà nhưng cũng gặp không ít khó khăn vì nhiều em chưa có ý thức giữ sách để sách bị rách, ướt…. "Mới đầu, còn rất khó khăn khi tôi chưa biết cách xử lý khi cho mượn sách về nhà. Nhưng bây giờ, khi em nào làm hỏng đều phải đền bằng cách bù một cuốn sách ở nhà cho thư viện", chị Hương cho hay.
"Em rất thích đến đây đọc sách vào cuối tuần. Ở đây có nhiều cuốn sách tiếng Anh mà em yêu thích. Đến đây, không gian rất là thoải mái và rộng rãi. Ngoài việc tranh thủ đọc tại thư viện, bố mẹ hay mượn cho em nhiều quyển khác nữa để về nhà đọc", Mạnh Khôi (11 tuổi) chia sẻ.
Để tạo cho con nhỏ những thói quen tốt, nhiều bậc phụ huynh cũng chọn cách rời xa mạng xã hội, điện thoại để đồng hành cùng con đến "Ban công của mẹ".
"Tôi biết đến thư viện này từ đầu năm. Cứ cuối tuần rảnh rỗi, hai mẹ con tôi đều đến đây đọc và mượn sách. Mỗi lần mượn nhà tôi mượn tầm 5-6 cuốn để về nhà đọc. Khác với những thư viện khác thì ở đây rất thoải mái, không gian ấm cúng, chị chủ lại rất nhiệt tình nữa. Ở đây đủ các loại đầu sách để cho các bé và các mẹ cùng đọc", Chị Đặng Thị Huyền Trang cho hay.
Hiện tại, trang thư viện "Ban công của mẹ" trên Facbook có hơn 5 nghìn người theo dõi. Ở đó, chị Hương luôn chia sẻ các đầu sách hay, các hoạt động đọc sách của các bạn nhỏ khi các bạn đến thư viện. Cũng như các tâm sự, khoảnh khắc của các con khi phụ huynh chia sẻ với thư viện.
Thư viện mở cửa từ 7 giờ đến 21 giờ tất cả các ngày trong tuần, từ thứ hai đến chủ nhật.
Sau khi mở "Ban công của mẹ", thì mong nguyện lớn nhất của chị Hương là thư viện sẽ giống như mẹ, luôn ấm áp và hạnh phúc. Chị mong muốn có thể lan tỏa văn hóa đọc đến các bạn nhỏ cũng như có thể gìn giữ và duy trì được thư viện sách càng lâu càng tốt.
"Trước mắt của tôi là khi các bạn nhà tôi còn đang đi học thì các con giúp tôi giới thiệu sách với các bạn, viết cảm nhận sau khi đọc sách, giới thiệu các quyển sách đã đọc lên trang Facebook thư viện. Tôi muốn con tôi rèn luyện làm việc này để vừa giúp ích cho thư viện và vừa tốt cho kĩ năng đọc hiểu, viết của con.
Nhưng ngoài ra khi các bạn lớn rồi, tự chủ động làm việc được rồi thì tôi muốn các con vẫn tiếp nối truyền thống cho đi của gia đình, tiếp tục xây dựng và phát huy thư viện, chăm nom thư viện, giúp đỡ và chia sẻ tiếp với mọi người. Nếu không có gì bất ngờ xảy ra thì tôi sẽ luôn muốn duy trì thư viện sách miễn phí với mọi người mãi mãi".
"Điểm tựa" từ người mẹ luôn ủng hộ con
Cô Đoàn Doãn Thị Bích Vân (64 tuổi) – mẹ của chị Hương tâm sự "Nhà cũng có rất nhiều sách, thấy con có nguyện vọng muốn mở thư viện tôi liền đồng ý. Quan điểm của tôi khi dạy con cái là phải biết cho đi, biết giúp đỡ mọi người. Nên nghe con tâm sự vậy tôi rất ủng hộ.
Lúc đầu, khi mọi người đến nhiều tôi chưa quen lắm. Nhưng dần dần tôi thấy vui khi thấy các cháu đến và tôi coi như con cháu trong nhà, và khuyến khích các cháu tích cực đọc sách. Nhờ ý tưởng này của con gái mà nhà tôi luôn nhộn nhịp tiếng cười, cũng như góp ích được cho xã hội".
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google