Bắc Mê một chuyến đi

img

Bắc Mê - cái tên vừa nhắc đến thì dân bản địa cũng phải nhìn chúng tôi với con mắt ái ngại. Để đi được tới huyện này, trước hết bạn phải vượt qua được những cám dỗ của những địa danh nổi tiếng khác, sau là vượt qua một quãng đường khá "nhọc nhằn" và nguy hiểm.

Khi biết chúng tôi tới không phải đi du lịch, mà chỉ muốn tìm một điểm trường để giúp đỡ các em học sinh nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số, thì mọi người đều gật gù vì lựa chọn Bắc Mê là chính xác.

Làm bạn với những khúc cua "tay áo"

Thử thách lớn nhất của chúng tôi là quãng đường đồi núi liên tục cứ dài đẵng đẵng. Một chặng đường dài đầy những khúc cua tay áo, nhiều đoạn đất đá hai bên vẫn còn lở, nếu đi vào trời mưa thì chỉ có nước... xuống hố. Để đến được trung tâm huyện Bắc Mê, nơi cách thành phố Hà Giang khoảng 50km, bạn chỉ có thể đi một con đường độc đạo vòng quanh những ngọn núi rất hiểm trở này. Đây là một con đường sẽ rất đáng nhớ với bất cứ tài xế nào về độ thử thách tay lái.

Vừa qua khỏi đất đồng bằng, những cánh rừng nguyên sinh hiện ra trước mắt cùng với một màu xanh mát của bóng cây. Mùa này, những con suối đều cạn. Cây cối trong rừng cũng không có nhiều loại. Nhiều nhất vẫn là dương xỉ, loại cây được người dân bản địa gọi bằng một cái tên khác là "rau dớn" hay còn gọi là móng rồng. Loài cây mọc dại khắp nơi này lại chính là loại thực phẩm chính của dân làng.

Người ta đi hái rau rừng, lấy phần ngọn của dương xỉ luộc và chấm muối. Ăn nhiều rau quá mà không có thịt thì người nó cứ teo đi, những đôi chân phải leo nhiều đồi - núi trở nên khô cứng như đá. Liếc mắt trộm nhìn anh Nguyễn Minh Thư - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Bắc Mê, cũng là người trong thôn đi cùng đoàn, tôi thấy một bàn tay gân guốc đỏ quạch như màu đất. Anh kể có người bạn cùng tuổi anh trong thôn chẳng biết có do thiếu chất không mà bị thần kinh, ngày nào cũng đi từ đỉnh đồi xuống chân rồi lại đi ngược lại...


Phần đường nối giữa các thôn từ phía huyện Bắc Mê lên điểm trường chúng tôi muốn tới ở thôn Giáp Yên, thị trấn Yên Phú, huyện Bắc Mê phải đi qua rất nhiều thôn bản nghèo như Bản Lạn, Yên Cư...với cung đường chỉ toàn đất đỏ, có những đoạn gạch đá lổn nhổn.

Rất nhiều những điểm trường trên đường chúng tôi qua, huyện Bắc Mê. Ảnh: Tuyết Trinh.

Những con đường cứ sâu hun hút và liên tục cua đèo, xe chúng tôi đi qua nhiều vùng khô hạn, đất sỏi cằn cỗi, chẳng có cây gì sống được ngoài cây cọ, cây chẩu cao, chẩu lùn và thấp thoáng một chút trạng nguyên với những cánh hoa nở đỏ thắm. Phải đi rất lâu, chúng tôi mới tìm được một nóc nhà, hay một vườn sắn nhỏ, một bãi ngô đủ thu hoạch ăn cho một gia đình. "Đặc sản" của Bắc Mê chỉ có đất đỏ và những viên đá lộn nhộn. Vực thẳm cũng nhiều khiến xe của chúng tôi lắc lư và chao đảo liên tục.

Đi được tới trung tâm huyện, chúng tôi phải bỏ lại các xe gầm thấp, cùng đi với xe của UBND huyện bằng chiếc xe "hai cầu" và 2 chiếc xe máy số mới có thể "cân tiếp" đoạn đường đất xuyên rừng 5km còn lại để tới được điểm trường Giáp Yên nằm sâu trong núi...

Bắc Mê - một vùng núi rừng... sỏi đá

Có thể nói, đi Hà Giang mà trải nghiệm những khúc cua "đổ đèo" thì không có gì lạ, nhưng những khúc cua và độ "vòng vèo" của cung đường tới Bắc Mê thì có độ thử thách nhiều hơn so với các tuyến đường huyện khác. Thực lòng trong mỗi người đều cảm thấy khá hoang mang, lo sợ nhưng nghĩ tới điểm trường mà chúng tôi đến để giúp các em nhỏ thì chúng tôi lại bình tĩnh hơn, giống như một nguồn động viên tràn đầy sinh lực để vượt qua những trở ngại trên đường.

Đường đi khó sẽ không khó, vì điểm đến của chúng tôi là điểm trường Giáp Yên - gặp gỡ và giúp đỡ cho các em học sinh nghèo và các thày cô giáo nhiều tâm huyết. Ảnh: Tuyết Trinh.

Thực ra, nếu muốn chọn một địa bàn huyện nghèo để giúp đỡ ở Hà Giang không khó, nhưng chỉ có nhiều nhất ở huyện Bắc Mê, các điểm trường (không phải là trường học, nó chỉ là những nơi các thầy cô gom học sinh vào các lớp để dạy vì địa bàn các gia đình tản mát, các em học sinh ở rất xa) thì còn nhiều. Những điểm trường ở Bắc Mê trải dài theo đường chúng tôi qua: điểm trường Nà Cắp, Lùng Xoăn, Yên Cư, Lùng Càng hay Giáp Yên... Chúng tôi đã chọn điểm trường có khoảng cách vào loại xa nhất để đến, đó là điểm trường Giáp Yên, thị trấn Yên Phú, huyện Bắc Mê.

Chị Phạm Hương một cán bộ Tỉnh cùng đi với chúng tôi chia sẻ: Do địa bàn đồi núi khá hiểm trở, Giáp Yên còn nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, họ cũng không thể đi khỏi nơi sinh sống của mình. Nhiều em không đi lớp mà vẫn phải ở nhà làm việc nhà, trông em, giúp bố mẹ. Những trẻ trai, trẻ gái lớn lên một chút là lại lấy vợ, lấy chồng sớm, rồi lại sinh con... cũng rất khó để thay đổi!".

Thế mới biết, để có được một điểm trường có học sinh đến học là cả một "kì tích" đối với các thày cô giáo nơi đây. Cô Đinh Thị Thúy - hiệu trưởng trường Tiểu học Vĩnh Phú cho biết: "Các con đi học tới những điểm trường đều phải đi bộ quãng đường núi rất xa, có nơi xa tới cả 5-7km. Mỗi lần đi học, các em đều phải mang theo phần ăn trưa của mình. Trong đó, chủ yếu chỉ có chút cơm nắm và ít rau rừng. Ăn trưa tại lớp và ngủ trưa cũng trên các phòng học đã cũ".

Hà Giang  - Ảnh 4.

Nơi các thày cô và các em học sinh nghỉ trưa rất đơn sơ và thiếu thốn. Ảnh: Tuyết Trinh.

Năm 2006, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai dự án giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đã dựng điểm trường nơi đây có thêm khu nhà 5 phòng học. Ảnh: Tuyết Trinh.

Trò chuyện với các anh Bồn Văn Bình - Bí thư chi bộ thôn giáp Yên, anh Phàn Văn San - Trưởng thôn giáp Yên đều là những cán bộ gắn bó xây dựng thôn từ rất lâu kể cho chúng tôi nghe về những ngày đầu thị trấn cũng đã được đầu tư xây dựng cơ sở trường học khang trang, tuy nhiên thôn Giáp Yên là thôn vùng 3, cách thị trấn 12 km, giao thông lại còn khó khăn. Số học sinh trong độ tuổi đông. Các gia đình còn nhiều khó khăn cuộc sống gắn với cây chè và làm ruộng, việc những đứa trẻ học tại thôn là cần thiết để chúng vừa đi học vừa giúp bố mẹ trông em! Với địa hình đồi núi có độ dốc lớn, nên canh tác năng xuất không cao là lý do khiến đời sống bà con nơi đây gặp nhiều khó khăn...

Trước đó, điểm trường Giáp Yên cũng chỉ đơn sơ vài chiếc lán tạm bằng gỗ ghép, trát nền và vách đất. Các em và thày cô đều phải học trong đó, ăn ngủ cũng trong đó, chỉ có sàn đất, một vài tấm ván gỗ, vách thưa gió lùa... có lẽ ngày nắng còn đỡ, ngày mưa thì chắc tất cả phải nghỉ học.

Niềm vui đã đến khi vào năm 2006, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai dự án giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đã dựng điểm trường nơi đây có thêm khu nhà 5 phòng học với 1 sân chơi nhỏ xinh, vừa đủ để các em có không gian vui chơi. Tuy nhiên, từ đó tới nay, kể cả khu nhà này cũng đã cũ theo thời gian... Cần lắm một cơ sở có thể chăm sóc hỗ trợ học tốt cho gần 60 em học sinh và các thày cô giáo.

Những em bé dân tộc Dao xếp hàng rất ngoan chào chúng tôi tới. Các em rất đều ngoan ngoãn cảm ơn khi được nhận quà từ nghệ sỹ Minh Tâm. Ảnh: Tuyết Trinh.

Anh Ma Văn Tỏe - Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Bắc Mê rất đau đáu khi phải nhớ về những ngày vất vả vận động các nguồn tài trợ khắp nơi: "Ở đây toàn bộ dân trong thôn 100% đều là người dân tộc Dao, bà con chủ yếu làm nghề nông khá vất vả, không có điều kiện tiếp cận với nhiều nguồn thông tin. Cán bộ huyện chúng tôi cũng rất thương cảm, nhờ có các anh chị trong Hội chữ thập đỏ Tỉnh, các nguồn tài trợ đã được kết nối, liên lạc. Chúng tôi rất vui khi nhận được sự hỗ trợ của quý đoàn".

Vậy là, dưới sự dẫn dắt và kết nối của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hà Giang do chị Phạm Thị Tân - Chủ tịch Hội, nghệ sỹ Minh Tâm đã tài trợ cho chuyến đi, các anh chị cán bộ Hội chữ Thập đỏ hướng dẫn, đoàn chúng tôi có đại diện là nghệ sỹ ưu tú Kim Oanh, anh Nguyễn Văn Thanh và các cán bộ Công an kinh tế Hà Nội đã cùng chung tay giúp đỡ cho điểm trường Giáp Yên số tiền 300 triệu đồng. Số tiền đủ để lên kế hoạch xây lớp học mới, có các công cụ hỗ trợ cho điểm trường. 

Qua trao đổi, chúng tôi cũng được biết điểm trường hiện có 58 học sinh đều chưa bao giờ được tiếp cận máy tính, các môn học công nghệ, nên chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm những cánh tay nối dài để tiếp sức cho thày cô và các em học sinh nơi đây 1 phòng học với khoảng 5-7 chiếc máy tính.

Hà Giang  - Ảnh 6.

Nghệ sỹ ưu tú Kim Oanh và các bạn bè trao tặng phần quà 300 triệu đồng cho cô Đinh Thị Thúy - hiệu trưởng trường Tiểu học Vĩnh Phú. Đại diện chứng kiến có anh Ma Văn Tỏe - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê, chị Phạm Thị Tân - Chủ tịch Hội chữ thập đỏ Tỉnh Hà Giang và nhiều anh chị lãnh đạo khác. Ảnh: Tuyết Trinh.

Tâm sự với chúng tôi, anh Tỏe còn cho biết thêm, hiện nay trên địa bàn cũng có được 2 trường tiểu học tiêu chuẩn ở thị trấn, nhưng cũng còn rất nhiều điểm trường khó khăn. Hầu hết các thày cô giáo cũng là người dân tộc Dao, vừa phải dạy học, vừa phải dỗ dành, chăm sóc các em khi tới trường và kiên trì theo đuổi sự nghiệp học tập. Các thày cô cũng mong lắm các em được học hành tới nơi tới chốn, để sau này có thể thay đổi cuộc sống và xây dựng quê hương, thôn bản ngày một đổi mới và khấm khá hơn.

Hà Giang  - Ảnh 7.

Anh Tỏe - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê tâm sự với Nghệ sỹ Kim Oanh. Ảnh: Tuyết Trinh.

Ngắm những trang phục của các em học sinh và thày cô giáo, những đôi dép nhựa cũ mòn trên những đôi chân gày guộc, bé nhỏ... Chúng tôi không thể hình dung được những bàn chân bé xíu ấy phải đi mỗi ngày cả chục km đường rừng để học cái chữ. Nghĩ tới những món ăn xa hoa nơi thành thị, những cuộc vui chơi đầy đủ ấm êm, trong lòng mình cảm thấy có chút xót xa và xấu hổ. Giá mình có thể tìm đến những nơi như miền đất Bắc Mê xa xôi này sớm hơn. 

Ngắm những đôi chân đi dép bé nhỏ phải đi mỗi ngày hàng chục km đường rừng núi hiểm trở mà thương các em nhiều. Ảnh: Tuyết Trinh.

Chúng tôi cũng biết đã có không ít các nhà tài trợ khắp nơi từ trong và ngoài nước cũng đang làm những công việc như chúng tôi đang làm. Nhưng có lẽ bao nhiêu nữa cũng chẳng đủ.

Thày giáo và các em học sinh lớp 3, lớp 4 trong giờ học điểm trường Giáp Yên - huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Tuyết Trinh.

Chị Thu Hương - cán bộ Tỉnh đi cùng đoàn tâm sự: "Em trai mình làm giáo viên cứ mỗi lần về nhà lại mang đủ thứ bánh kẹo lên để động viên bọn trẻ con đi học! Nhiều em ở xa cũng có hoàn cảnh đáng thương. Cứ mỗi một quả đồi mới có một gia đình ở tản mát, đi vận động cũng khó khăn nên làm các thày cô giáo ở đây cũng khá vất vả. Bằng mọi giá ta phải thúc đẩy được tinh thần học tập của các gia đình và thế hệ con cái của họ thì cuộc sống mới tốt lên được."

Hà Giang  - Ảnh 10.

Cô giáo Đinh Thị Thúy - hiệu trưởng trường Tiểu học Vĩnh Phú chia sẻ với nghệ sỹ Minh Tâm. Ảnh: Tuyết Trinh.

Quay trở về với điểm trường Giáp Yên - trường tiểu học Yên Phú, thị trấn Yên Phú, huyện Bắc Mê, chúng tôi đã trao đổi với các cán bộ thôn, trực tiếp nhờ các anh chị trong Hội chữ Thập đỏ Tỉnh Hà Giang làm việc với lãnh đạo Huyện Bắc Mê giúp đỡ tư vấn, lựa chọn các phương án xây dựng, mua sắm vật liệu và trang thiết bị hoàn chỉnh. Cùng với đội ngũ thợ của thôn tiếp quản, vận chuyện và trực tiếp triển khai công trình điểm trường trong thời gian 2 tháng. Để vào năm học mới 2023 - 2024 này, sẽ có được phòng học mới khang trang hơn cho các em.

Hy vọng, với một hệ thống phòng học tiêu chuẩn cấp 4, gồm 2 phòng học 4 gian, được lát gạch, sơn sửa hoàn thiện, có đủ hệ thống cửa tận dụng được tài trợ từ các nơi sẽ là một kết quả tốt đẹp và ý nghĩa trong thời gian tới để các em học sinh và các thày cô giáo nơi đây có những ngày học tập tốt đẹp hơn.

Tạm biệt Yên Phú, chúng tôi trở về trên dòng sông Gâm êm đềm. Đón chúng tôi là một chiếc thuyền máy neo từ địa bàn thôn Giáp Yên, thị trấn Yên Phú đi dọc bờ sông để cả đoàn có chút thời gian ngắn ngắm nhìn cảnh đẹp nơi đây. Dòng nước trong xanh uốn lượn quanh những rặng núi rừng nguyên sinh đẹp như tiên cảnh đã phần nào giúp chúng tôi vơi đi những mỏi mệt sau chặng đường dài...

Hà Giang  - Ảnh 11.

Sẽ nhớ mãi những ánh mắt ngây thơ và yêu quý này. Ảnh: Tuyết Trinh.

Tới giờ cơm trưa, bác thuyền chài đã chuẩn bị cho chúng tôi một mâm cơm trắng với mấy chú cá ngạch - loài cá bé hai cha con người lái thuyền bắt trên sông. Cá đem rim mắm, bày ra cùng với măng rừng luộc tuy đắng vô cùng nhưng chúng tôi lại ăn rất ngon, loáng một cái đã hết veo...

Thuyền chúng tôi qua dòng nước sông Gâm, qua cầu Trượng Tân, thị trấn Giáp Yên, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Tuyết Trinh.

Cứ để thuyền trôi theo dòng...trong giấc mơ trưa cùng nắng gió núi rừng, mỗi chúng tôi thả cho tâm trí mình trôi về những ngày đang tới... Chắc chắn, chúng tôi muốn trở về đây nhiều lần nữa, để có thể xây thêm nhiều điều trường, nhiều nhà lớp học tốt hơn, mới hơn, đầy đủ hơn cho các em và những thế hệ tiếp nối. 

Hi vọng sau này, các em sẽ trở thành những người cán bộ giỏi, những trí thức tân tiến, biết đóng góp tài năng, tri thức của mình xây dựng thôn bản ngày sau sẽ giàu mạnh. Để các gia đình nơi đây sẽ có được một tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn.