Bắc Giang: Bắt 22 đối tượng giả danh bác sĩ, bán thuốc với giá "trên trời", thu lợi gần 75 tỷ đồng

Hồng Ngọc
08:14 - 18/12/2023
Công dân & Khuyến học trên

Công an Bắc Giang vừa bắt giữ 22 đối tượng giả danh y, bác sĩ tư vấn, quảng cáo không đúng sự thật, bán thuốc cho người bệnh với giá cao. Chỉ trong vòng hơn 1 năm, nhóm đối tượng này đã bán khoảng 80.000 đơn hàng thực phẩm chức năng cho hơn 20.000 người, thu lợi bất chính gần 75 tỷ đồng.

Bắc Giang: Bắt 22 đối tượng giả danh bác sĩ, bán thuốc với giá "trên trời", thu lợi gần 75 tỷ đồng- Ảnh 1.

Lực lượng chức năng khám xét tại nơi làm việc của các đối tượng. Ảnh: Công an tỉnh Bắc Giang

Lập công ty, giả danh y, bác sĩ lừa đảo bán thực phẩm chức năng giá cao cho hơn 20.000 người

Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, trước đó, Bà Trịnh Thị Oanh (57 tuổi) đã đến Công an huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang trình báo sự việc được một đối tượng tự giới thiệu là Hoàng Anh Đức - Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội lừa, chiếm đoạt 237 triệu đồng bằng hình thức bán thực phẩm chức năng. 

Theo đó, bà Oanh được đối tượng này tư vấn mua rất nhiều loại thuốc. Vì trong người có bệnh nên bà Oanh rất tin tưởng mua về sử dụng nhưng càng uống thuốc càng thấy mắt sưng to. Bà Oanh cho biết, đối tượng "Đức - Giám đốc Bệnh viện” tư vấn phải kết hợp 5-6 loại, cứ tích cực uống sẽ khỏi. Nếu muốn khỏi nhanh thì có nấm linh chi tốt, đắt mà chỉ mình bác sĩ mới lấy được, có giá 1,2 triệu đồng/kg. Tin lời quảng cáo nên bà Oanh đã gom tiền đặt mua 2 tạ nấm linh chi, tuy nhiên sau khi chuyển tiền thì không liên lạc được với đối tượng Đức.

Bắc Giang: Bắt 22 đối tượng giả danh bác sĩ, bán thuốc với giá "trên trời", thu lợi gần 75 tỷ đồng- Ảnh 2.

Lực lượng chức năng khám xét kho hàng. Ảnh: Công an Bắc Giang

Đó chỉ là 1 trong số hàng nghìn bệnh nhân trên cả nước bị lừa đảo với thủ đoạn tương tự, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình điều trị bệnh và gây thiệt hại rất lớn về tài sản của các bệnh nhân.

Sau nhiều ngày nắm tình hình, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an tỉnh Bắc Giang đã xác định được đối tượng “Đức - Giám đốc” là nhân viên công ty Bảo Long Dược, có địa chỉ tại Hà Nội chuyên giả làm bác sĩ đi quảng cáo để lừa bán thuốc. 

Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an huyện Tân Yên và các đơn vị nghiệp vụ đã đồng loạt khám xét khám xét khẩn cấp chỗ ở, nơi làm việc và những nơi liên quan của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bảo Long Dược gồm: Trụ sở chính tại số 10B, ngõ 88, đường Tô Vĩnh Diện, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội (do Nguyễn Thị Hiền làm Giám đốc); Văn phòng làm việc tại tầng 4, số nhà 118, Nguyễn Ngọc Nại, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội; Văn phòng làm việc tại tầng 6, số 116, Trung Liệt, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội; Phòng 403, 603, số 212, đường Kim Giang, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội và Phòng 404, số 1, ngõ 212, đường Kim Giang, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Tại các nơi kiểm tra, lực lượng chức năng thu giữ 287 thùng chứa các loại thuốc, 68 bộ máy tính và laptop các loại, 267 điện thoại và các giấy tờ, tài liệu liên quan đến hành vi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các đối tượng. Theo đó, cơ quan công an xác định, vợ chồng Nguyễn Thị Hiền (27 tuổi, trú tại Lào Cai) và Đặng Văn Thắng (29 tuổi, trú tại Phú Xuyên, Hà Nội) cùng quản lý Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bảo Long Dược.

Bắc Giang: Bắt 22 đối tượng giả danh bác sĩ, bán thuốc với giá "trên trời", thu lợi gần 75 tỷ đồng- Ảnh 3.

Đối tượng Đặng Văn Thắng. Ảnh: Công an tỉnh Bắc Giang

Các đối tượng đã tổ chức thành lập công ty lấy tên là “Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bảo Long Dược”, có bộ phận hành chính và bộ phận kinh doanh được tổ chức quản lý chặt chẽ, hoạt động theo hình thức đa cấp, lợi dụng danh tiếng, tên tuổi của các y, bác sĩ giỏi, có tiếng từng công tác tại các bệnh viện, trung tâm y tế lớn để lừa đảo bằng hình thức quảng cáo, tư vấn không đúng sự thật về tình trạng bệnh tật của bệnh nhân để bán thuốc, thực phẩm chức năng với giá cao gấp từ 10 đến 15 lần để chiếm đoạt tài sản của bệnh nhân. 

Theo đó, giá nhập về chỉ 30.000-40.000 đồng/hộp nhưng bán cho người bệnh với giá từ 1-3 triệu đồng/hộp tùy theo loại bệnh, nghĩa là khi đến tay người bệnh, giá bán đã gấp hàng chục lần giá gốc.

Bắc Giang: Bắt 22 đối tượng giả danh bác sĩ, bán thuốc với giá "trên trời", thu lợi gần 75 tỷ đồng- Ảnh 4.

Một số mẫu thuốc được thu giữ. Ảnh: Công an tỉnh Bắc Giang

Các sản phẩm của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bảo Long Dược chủ yếu là các thực phẩm chức năng, một số trong số đó là sản phẩm mà Thắng đặt sản xuất ở nhà máy sản xuất dược như: Bình Mộc Giáp (Công ty Bảo Long Dược), An Mộc Vương (Công ty Win Big), Giáp Nam Bình (nhập từ nhà máy Bách Thảo Dược),… ngoài ra còn nhập các sản phẩm thuốc nam không rõ nguồn gốc ở Ba Vì, Hà Nội để bán như: Giáp Nhất Khang, Bách Vị Nam,… Các sản phẩm này vợ chồng Thắng, Hiền đặt từ các xưởng gia công thuốc nam, sau đó thuê họ in nhãn mác sản phẩm theo yêu cầu của vợ chồng Thắng. Còn thực tế thực phẩm chứa thành phần hóa dược gì, công dụng thế nào thì vợ chồng Thắng không biết, cũng không biết thực tế sản phẩm có tính năng, tác dụng gì hay không.

Như vậy, chỉ trong vòng hơn một năm, từ tháng 10/2022 đến khi bị bắt, nhóm đối tượng này đã bán thành công khoảng 80.000 đơn hàng thực phẩm chức năng giả cho hơn 20.000 bị hại ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước thu về gần 75 tỷ đồng. 

Hiện cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Tân Yên đang tạm giữ đối với 22 đối tượng để điều tra, xử lý về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự.

Lưu ý khi mua và sử dụng thực phẩm chức năng

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế từng đưa ra khuyến cáo người tiêu dùng cần cảnh giác với những người giới thiệu là bác sĩ, lương y, tư vấn bệnh, tư vấn dùng thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe có thể khỏi bệnh.

Cục An toàn thực phẩm cảnh báo, việc tin theo các nội dung quảng cáo sai sự thật khiến người bệnh không đến ngay các cơ sở y tế để được khám, chữa bệnh kịp thời sẽ bỏ qua giai đoạn điều trị khỏi bệnh, không những tổn thất về kinh tế mà còn tổn hại tới sức khỏe.

Hành vi quảng cáo sai sự thật này không chỉ gây bức xúc dư luận, khiến người mua "tiền mất tật mang" mà còn ảnh hưởng tới danh tiếng, uy tín của bác sĩ và các cơ sở y tế.  

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời.

Người dân có thể tra cứu thông tin liên quan đến công bố và quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe tại Cổng công khai y tế của Bộ Y tế hoặc Cục An toàn thực phẩm trước khi quyết định chọn mua sản phẩm.

Đồng thời, đọc kỹ nhãn sản phẩm, trên nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe luôn ghi dòng chữ: "Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh"; xem rõ về thành phần, tác dụng của sản phẩm để sử dụng cho phù hợp và bảo đảm sức khỏe.

Người dân nên chọn mua các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có ghi tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và nhà sản xuất sản phẩm rõ ràng. Mua sản phẩm phải có hóa đơn/đơn hàng của người bán để làm bằng chứng cho việc mua bán hàng hóa giữa hai bên.

Tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"

Theo Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" được quy định như sau:

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.