Về hưu cả chục năm nay nhưng bà Nhung lúc nào cũng tất bật với công tác khuyến học – khuyến tài trong vai trò Chủ tịch Hội Khuyến học phường Hạ Đình. So với chủ tịch hội khuyến học của các phường khác, hoạt động của bà Nguyễn Thị Nhung có phần đặc biệt hơn.
Bởi cứ mỗi năm, bà lại mở lớp dạy nghề mới, kỹ năng mới, miễn phí cho người dân: lớp làm hoa voan; hoa đá; hoa giấy; thảm len; lớp dạy đan khăn len, mũ len, áo len; đan đồ dùng bằng sợi giả mây; đan túi xách thời trang; tái chế ống hút nhựa, chai lọ nhựa đã qua sử dụng 1 lần thành những đồ dùng hữu ích.
Tháng 6 này, lớp học xâu hạt cườm, làm móc chìa khóa, vòng đeo tay của bà Nhung sẽ bế giảng. Vậy là tròn 10 kỹ năng nghề đã được bà Nhung chia sẻ đến nhân dân trong phường Hạ Đình và các phường lân cận của quận Thanh Xuân (Hà Nội).
Cuối năm 2012, bà Nhung đến tuổi về hưu, ngay năm sau bà được bầu đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội Khuyến học phường Hạ Đình, đồng thời là Phó Giám đốc Trung tâm Học tập cộng đồng phường theo cơ chế cơ cấu hợp lý.
Ở hai vai trò đều liên quan đến sự học, bà Nhung luôn trăn trở về việc sẽ mở lớp học gì có thể ứng dụng được và thiết thực với người dân. Bởi bà hiểu khuyến học - khuyến tài không chỉ là vận động kinh phí, trao học bổng, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn hay tuyên dương khen thưởng học sinh, sinh viên có thành tích cao trong học tập, mà còn là tạo điều kiện, cơ hội, thúc đẩy người lớn học tập suốt đời.
"Muốn vậy thì phải có kỹ năng để cho người dân học. Mà kỹ năng đó cũng phải rất thực tế, có thể ứng dụng ngay vào trong cuộc sống đời thường, thì họ mới tham gia chứ cứ hô hào chung chung, không ai người ta nghe", bà Nhung nói. Ý tưởng mở lớp dạy nghề miễn phí cho người dân bắt đầu từ những suy nghĩ đó.
Quan sát thị trường khi ấy, hoa voan, hoa đá đang được xã hội ưa chuộng, các cửa hàng bán đồ trang trí đều bày bán và tiêu thụ tốt sản phẩm này. Do đó, bà Nhung đã mày mò cách làm trên mạng, tự nhập nguyên liệu về rồi thực hành làm hoa cho thuần thục.
Bà có khả năng đặc biệt tiếp thu nhanh và sáng tạo cách làm để sản phẩm luôn đẹp tự nhiên. Từ những mối quan hệ của mình, bà tìm kiếm nguồn nguyên liệu giá cả phải chăng nhất, nhập về cho lớp học thực hành và sẵn sàng giới thiệu nguồn cho học viên nào muốn làm thêm tăng thu nhập cho gia đình.
Khi đã nắm vững kỹ thuật, tìm được đầu vào cho sản phẩm, "cô giáo" Nhung bắt tay vào biên soạn tài liệu hướng dẫn cách làm để phát cho học viên. Bà chụp hình từng bước, rồi chèn thêm hình ảnh, nêu rõ cách làm chi tiết, tỉ mỉ, học viên nào quên có thể mở bài ra xem lại cách làm.
Thời gian đầu, điều bà Nhung lo nhất là lớp học mở ra không có học viên. Nếu vậy thì bao tâm huyết của bản thân sẽ "đổ sông đổ bể". Vậy nên bà đã kết hợp nhiều biện pháp tuyên truyền vận động như gửi thông báo mở khóa học đến các tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Người khuyết tật và tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phường, phối hợp nhờ tổ dân phố dán thông báo trên bảng tin của các khu dân cư để hội viên, con em hội viên đăng ký với chi hội trưởng đi học.
Với vai trò chủ tịch Hội khuyến học, bà Nhung còn tổ chức hội nghị tuyên truyền, vận dụng công tác "Dân vận khéo". Nhờ đó mà lớp học làm hoa voan đầu tiên năm 2014 được khai mạc với trên 30 hội viên tham gia, trong đó có gần 1/2 lớp học là hội viên thuộc hội người khuyết tật. Vào buổi khai giảng, đại diện lãnh đạo phường và các hội đều có mặt động viên, các học viên rất phấn khởi, tự tin bước vào học tập.
Kinh phí khai giảng lớp học do Trung tâm học tập cộng đồng phường hỗ trợ, học viên không phải đóng học phí, chỉ đóng vài chục nghìn mua nguyên liệu để học và làm thực hành. Sau khóa học, sản phẩm của học viên làm ra lại được mang về nhà sử dụng.
Kết thúc khóa học, mọi người đều rất phấn khởi khi được "cô giáo" chỉ bảo tận tình, tỉ mỉ và kiên nhẫn, để tự tay mình có thể tạo ra những sản phẩm trang trí, sinh động, đẹp mắt. Không dừng lại ở mẫu, bà Nhung luôn sáng tạo các kiểu dáng khác nhau cho phù hợp với nhu cầu sử dụng của mỗi người.
Chiếc làn đi chợ bà sử dụng ống nhựa dẻo trong suốt làm quai dài hơn bình thường để tăng tính thẩm mĩ, khiến chúng như chiếc túi xách để đi du lịch. Hay sợi giả mây được đan tạo ra những chiếc giỏ đựng hoa nhỏ xinh, rổ đựng hành tỏi lạ mắt...
Khi có kỹ năng tạo ra các sản phẩm mang giá trị sử dụng, đáp ứng ngay trong sinh hoạt đời thường của mỗi gia đình, học viên nào cũng vui mừng và càng vui hơn khi những sản phẩm như: khăn, mũ len, làn đi chợ, túi xách từ sợi giả mây có thể gửi tặng bạn bè, người thân, ý nghĩa hơn bất kỳ món quà đắt tiền nào bởi chúng chứa đựng công sức, tình cảm của chính người tặng. Giá trị vật chất tuy nhỏ, nhưng cái được từ các lớp học này rất lớn, đó là đem lại đời sống tinh thần giúp mọi người sống vui, sống khỏe, sống có ích cho gia đình và cả xã hội.
Tiếng lành đồn xa, những năm sau đó, học viên đăng ký lớp dạy nghề của bà Nhung được duy trì và phát triển, số học viên các lớp tăng dần theo từng năm, đặc biệt lớp học xâu hạt cườm năm 2023 đã có trên 60 học viên tham gia. Người ít tuổi nhất 18, người lớn tuổi nhất cũng đã gần 80. Tính từ đó đến nay đã có hơn 700 lượt người tham dự học các lớp hướng dẫn nghề của bà Nhung.
Có người khuyết tật theo học bà Nhung từ lớp dạy nghề đầu tiên được mở từ năm 2014, hiện đã rất thành công trong kinh doanh sản phẩm hoa. Với niềm đam mê, yêu thích nghề, cựu học viên đó đã truyền đạt hướng dẫn cho nhiều lớp nghề của người khuyết tật quận Thanh Xuân.
Công việc thường ngày bận rộn, nhiều tối ăn cơm xong, người phụ nữ 66 tuổi này còn ngồi xem video hướng dẫn, vừa mò mẫm đan lát, thử nghiệm làm sản phẩm mới. Chồng, con bà thấy vậy, đôi lần cũng trách móc, nhắc nhở, bảo bà nghỉ ngơi, giữ gìn sức khỏe. Biết là vậy, nhưng lòng đam mê và niềm phấn khởi được chia sẻ, nhất là việc học này đã tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ phong trào học tập suốt đời khiến bà không thể dừng lại.
Tuổi già cũng chỉ mong có vậy là vui và cảm thấy mình có ích - bà Nhung chia sẻ.
Bà Đoàn Thị Ánh Hồng (sinh năm 1964, đường Khương Đình, phường Hạ Đình, Hà Nội) là người khuyết tật, một trong những học viên đầu tiên lớp làm hoa voan của "cô giáo" Nhung. Bà kể, ban đầu chỉ tham gia lớp học cho biết nhưng không ngờ lại tìm được sự niềm đam mê của mình ở sản phẩm hoa thủ công này.
Cùng với sự hướng dẫn của "cô giáo", bà Hồng nhanh chóng nắm được kỹ thuật và làm được sản phẩm đẹp. Sau lớp học đó, bà đã tự mày mò, làm ra nhiều sản phẩm thủ công khác như làm hoa đá, hoa giấy, được nhiều người ưa thích, mua về trang trí. Với kỹ năng tốt và sản phẩm thủ công mĩ nghệ chất lượng, bà Hồng được một trung tâm mời về dạy lại cho trẻ khuyết tật, rồi chính bà cũng mở thêm 2 lớp dạy làm hoa miễn phí cho thanh niên và chị em phụ nữ khuyết tật của quận Thanh Xuân.
Mỗi năm, lớp dạy nghề của bà Nhung cứ thế đông hơn. Đợt cao điểm nhất là 60 học viên trong một lớp, ngồi dàn hết phòng học. Có năm, bà phải mở đến 2, 3 lớp, bởi không chỉ dạy cho người dân trong phường mà một số phường khác của quận Thanh Xuân cũng mời bà về để chia sẻ.
Sự thích thú, ham học hỏi của người dân khiến bà Nhung nhiều khi cũng phải bất ngờ xúc động. Vào năm 2022, trong buổi dạy đầu tiên của lớp học ở phường Khương Trung (Thanh Xuân, Hà Nội), trời đổ cơn mưa như trút nước xuống lòng thành phố. Có học viên nọ đã ngoài 70 tuổi, nghe đến lớp học của "cô giáo" Nhung thì thích lắm, mang cả cháu nội đi cùng vì để cháu ở nhà đi học thì không có ai trông nom.
Hết giờ học, mưa vẫn nặng hạt, nhiều đoạn đường ngập thành sông, nước cao đến quá đầu gối, mọi người đều bì bõm lội ra về. Chỉ riêng vị học viên 70 tuổi với cháu nội còn ở lại vì sợ chở cháu về gặp ổ voi, ổ gà, không nhìn rõ đường mà tránh có thể tai nạn.
"Lúc đấy tôi xúc động lắm. Hẳn là người ta phải hứng thú với cái mình dạy, vui khi ở lớp học này thì mới mang cả cháu đến đây", bà Nhung giọng đầy cảm kích đề nghị được chở cháu của học viên đó hết đoạn đường ngập nước để 2 bà cháu được trở về nhà an toàn.
Trong một lần khác, cũng ở phường Khương Trung, lớp học được bố trí khai giảng tại hội trường lớn của Ủy ban Nhân dân phường, nhưng vì có hội nghị đột xuất quan trọng hơn cần sử dụng, lớp học của bà Nhung phải di chuyển đến nhà hội họp của khu dân cư số 5 của phường.
Trong căn phòng rộng chưa đầy 30 mét vuông, hơn 50 học viên rải ghế ngồi san sát nghe bà hướng dẫn nghề đan túi đeo chéo bằng len. Vì phòng nhỏ, được thiết kế dài hơn bình thường, cũng không có micro nên bà Nhung phải chia lớp ra làm 2 nửa, hướng dẫn cách làm xong cho người phía trên rồi tiếp tục hướng dẫn xuống nhóm phía dưới. Có mệt hơn, vất vả hơn những ngày khác, nhưng tinh thần học tập của người dân nơi đây đã cảm kích làm bà quên hết cả mệt mỏi.
Để mở được một khóa học nghề, trước đó một năm, bà Nhung đã phải dựa theo kế hoạch hoạt động của Hội Khuyến học và của Trung tâm Học tập cộng đồng phường, kết hợp với quan sát thị trường, thị hiếu của người dân cùng các chủ trương, chính sách của cấp ủy, chính quyền để suy nghĩ tìm một nghề hoặc kỹ năng nghề phù hợp.
Năm 2020, hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa hạn chế dùng túi nilon trong sinh hoạt, bà Nhung đã tìm đến các sản phẩm tái chế từ rác thải nhựa và quyết định chọn mở lớp hướng dẫn tái chế ống hút nhựa và chai lọ nhựa đã qua sử dụng 1 lần thành các đồ dùng trang trí cho không gian mỗi gia đình.
Năm 2021, hưởng ứng cuộc vận động chị em phụ nữ dùng làn đi chợ, không sử dụng túi nilon, bà Nhung đã nghĩ ngay đến nguyên liệu đan làn đi chợ bằng sợi nhựa PPC. Sản phẩm nhựa cao cấp này tuy rất phổ biến ở những vùng miền nam, miềm trung, nhưng hiếm thấy tại Hà Nội, bà đã quyết định tìm nguyên liệu và mở lớp hướng dẫn nghề đan đồ dùng bằng sợi giả mây.
Các sản phẩm được ra đời với nhiều mẫu mã, kiểu dáng khác nhau, bền, đẹp, đã góp phần giảm thiểu rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường.
Hàng năm những đợt rét đậm, rét hại kéo dài, bà đã trăn trở làm gì để chia sẻ được với các học sinh ở các vùng núi có khó khăn. Bà tham mưu đề xuất, khởi xướng và được Đảng ủy, Ủy ban Nhân dân phường Hạ Đình giao cho Hội Khuyến học phường làm nòng cốt thực hiện "Chương trình Khăn ấm Hạ Đình".
Bà Nhung đã mở nhiều lớp học đan khăn, mũ, áo len. Phong trào học tập được đẩy mạnh, những năm 2016 đến 2019 phong trào đan len được lan tỏa rộng khắp phường, người người đan len, nhà nhà đan len và mỗi năm đã có trên 2.000 khăn, mũ, áo len cùng sách vở, giày dép, chăn len được đem gửi tặng tận tay các em học sinh ở các vùng núi có khó khăn như Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái. Tổng số áo, mũ len đã gửi tặng các học sinh là trên 6.000 chiếc.
Lớp học miễn phí này vừa giúp người dân có thêm kỹ năng nghề vừa tích cực đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong nhân dân, góp phần nâng cao dân trí trong phường. Bà Nhung nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, hội khuyến học từ cấp quận đến Trung ương về những đóng góp tích cực của mình.
Thấy được kết quả từ những lớp học này đem lại, bà Nguyễn Thị Nhung không giấu được niềm vui sướng bởi ngay cả khi đã về hưu, bà vẫn có thể làm được nhiều việc có ích góp phần xây dựng cộng đồng học tập tích cực xung quanh mình.
Nhưng dẫu vậy, bà Nhung vẫn luôn trăn trở về sự phát triển của công tác khuyến học tại địa phương. Bởi sức người có hạn. Những lớp dạy nghề, kỹ năng nghề cho người lớn như bà Nhung đang làm sẽ không thể đáp ứng được hết các nhu cầu học tập đa dạng của cộng đồng.
Không chỉ học nghề, những kiến thức, kỹ năng về tâm lý, ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm cũng cần được đến gần với mọi người. Và các lớp học của Trung tâm Học tập cộng đồng cần có những giáo viên tâm huyết, chuyên môn sâu để truyền đạt, chứ hướng dẫn nghề không chuyên như bà Nhung là chưa đủ.
Vị Chủ tịch Hội Khuyến học phường Hạ Đình chỉ mong, sự học của người lớn được các cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm nhiều hơn nữa, Nhà nước sẽ có các chính sách, đầu tư phù hợp cho các trung tâm học tập cộng đồng, mà rộng ra là tạo điều kiện tốt hơn nữa để thu hút, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào học tập suốt đời, tạo lên sức lan tỏa xây dựng một xã hội học tập có chất lượng.
Còn về phần mình, người phụ nữ 66 tuổi này vẫn hằng vui với niềm hy vọng đóng góp thật nhiều hơn nữa cho công tác khuyến học – khuyến tài, tự học và mở thêm nhiều lớp dạy kỹ năng nghề miễn phí trong những năm tới. Bà Nhung tự nhủ, nếu khi nào còn sức khỏe, kể cả không làm công tác khuyến học nữa, khi địa phương cần, bà sẵn sàng tự nguyện giúp trung tâm học tập cộng đồng của các phường hướng dẫn những lớp học như thế.