Bà Nguyễn Phương Hằng được giảm án còn 2 năm 9 tháng tù

Hồng Ngọc
21:08 - 04/04/2024
Công dân & Khuyến học trên

Ngày 4/4, tại phiên xét xử phúc thẩm vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, bị cáo Nguyễn Phương Hằng (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam) được giảm án từ 3 năm tù xuống còn 2 năm 9 tháng.

Bà Nguyễn Phương Hằng được giảm án còn 2 năm 9 tháng tù- Ảnh 1.

Phiên xử phúc thẩm xem xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo trong vụ án Nguyễn Phương Hằng. Ảnh: VOV

Bị cáo Nguyễn Phương Hằng không kháng cáo vẫn được giảm án

Theo đó, Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên án bị cáo Nguyễn Phương Hằng được giảm án từ 3 năm tù xuống còn 2 năm 9 tháng tù; Đặng Anh Quân (giảng viên Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh) giảm án xuống còn 1 năm tù. Huỳnh Công Tân (Trưởng phòng Truyền thông Công ty Cổ phần Đại Nam), Nguyễn Thị Mai Nhi (trợ lý của Nguyễn Phương Hằng) và Lê Thị Thu Hà (nhân viên Công ty Cổ phần Đại Nam) giảm xuống còn 1 năm tù về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo khoản 2, điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” do Nguyễn Phương Hằng (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam) cùng các đồng phạm thực hiện do có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của 4 đồng phạm là: bị cáo Đặng Anh Quân (giảng viên Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh), Huỳnh Công Tân (Trưởng phòng Truyền thông Công ty Cổ phần Đại Nam), Nguyễn Thị Mai Nhi (trợ lý của Nguyễn Phương Hằng) và Lê Thị Thu Hà (nhân viên Công ty Cổ phần Đại Nam). 

Riêng bị cáo Nguyễn Phương Hằng, dù không kháng cáo và đang chấp hành án tù nhưng vẫn được triệu tập đến phiên tòa để phục vụ công tác xét xử. 

Ngoài ra, còn 2 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan kháng cáo là: Đinh Thị Lan và Đặng Thị Hàn Ni. Chỉ có Đinh Thị Lan có mặt, còn Ni đang chấp hành án tù nên xin xét xử vắng mặt. Tuy nhiên, tòa cũng bác đơn kháng cáo của Đinh Thị Lan và Đặng Thị Hàn Ni.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Thị Mai Nhi khai sau bản án sơ thẩm đã nộp tiền khắc phục hậu quả; gia đình có công với cách mạng, đang nuôi con nhỏ, có công việc và nơi cư trú ổn định nên xin được hưởng án treo. 

Lê Thị Thu Hà khai là nhân viên (của bà Hằng) nên chỉ làm theo chỉ đạo; bản án sơ thẩm cáo buộc về hành vi, tội danh là phù hợp và xin hưởng án treo. 

Huỳnh Công Tân cũng nhận thức rõ được hành vi sai phạm từ khi khởi tố và cho biết có nhân thân tốt, việc ổn định nên xin tòa xem xét cho hưởng án treo.

Đinh Thị Lan cho rằng trong vụ án này mình là bị hại nên kháng cáo toàn bộ bản án và cho rằng tòa sơ thẩm bỏ lọt nhiều hành vi có dấu hiệu phạm tội đối với Nguyễn Phương Hằng.

Tuy không có kháng cáo nhưng Luật sư của Nguyễn Phương Hằng cũng đã cung cấp thêm một số chứng cứ mới liên quan đến việc khắc phục toàn bộ thiệt hại, hậu quả của vụ án và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại mức án đã tuyên đối với thân chủ mình.

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh nêu quan điểm bản án cáo buộc Đặng Anh Quân và 3 bị cáo khác là đồng phạm giúp sức cho Nguyễn Phương Hằng là đúng người, đúng tội, không oan sai.

Đại diện Viện Kiểm sát cũng đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm và không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo về tội danh và hình phạt; đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của những người liên quan về việc xác định lại tư cách tố tụng.

Trước đó, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm ngày 21/9/2023, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Phương Hằng 3 năm tù giam; Đặng Anh Quân 2 năm 6 tháng tù; Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà và Huỳnh Công Tân cùng 1 năm 6 tháng tù về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo khoản 2, điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Theo Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, hành vi của các bị cáo trong vụ án nêu trên đã vi phạm Luật An ninh mạng năm 2018 và Nghị định số 72/2013/NĐ-CP; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Cụ thể, các bị cáo tuy nhận thức được hành vi của mình nhưng đã cố ý thực hiện nhiều buổi livestream xúc phạm, xuyên tạc, vu khống, xâm phạm đến danh dự, uy tín của nhiều người. Vì vậy, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng cần phải xử lý nghiêm để giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung.

Trong vụ án nêu trên, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhận định bị cáo Nguyễn Phương Hằng có vai trò chủ mưu, khởi xướng và thực hiện. Các bị cáo Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà, Huỳnh Công Tân là đồng phạm giúp sức.

Riêng bị cáo Đặng Anh Quân cho rằng mình bị oan, nhưng căn cứ vào các chứng cứ thu thập được, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xác định bị cáo đã vi phạm quy định của Luật An ninh mạng, lợi dụng quyền tự do dân chủ xúc phạm người khác.