Ba điểm Việt Nam-Trung Quốc kỳ vọng nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư Tập Cận Bình

Trần Vũ
14:15 - 10/12/2023
Công dân & Khuyến học trên

Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nêu 3 điểm mà cả Việt Nam-Trung Quốc đều kỳ vọng nhân chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 12-13/12 tới.

Chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh Việt Nam-Trung Quốc kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ hợp tác đối tác chiến lược toàn diện (2008 - 2023). Đây là chuyến thăm Việt Nam thứ ba của ông Tập Cận Bình trên cương vị Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc.

Quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, Trung Quốc-Việt Nam là phương hướng ưu tiên trong quan hệ đối ngoại của mỗi nước 

Ba điểm Việt Nam-Trung Quốc kỳ vọng nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư Tập Cận Bình- Ảnh 1.

Việt Nam-Trung Quốc là hai nước có nhiều điểm tương đồng: cùng chung biên giới, là 2 nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo, có quan hệ hữu nghị truyền thống, có lợi ích ngày càng gắn bó. Cả hai nước đều coi trọng quan hệ với nhau, đều xác định quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, Trung Quốc-Việt Nam là phương hướng ưu tiên trong quan hệ đối ngoại của mỗi nước.

Kể từ khi hai bên thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện (năm 2008) đến nay, quan hệ hai Đảng, hai nước đã phát triển ngày càng thực chất, vững chắc và toàn diện trên mọi lĩnh vực, cụ thể:

Quan hệ chính trị phát triển mạnh mẽ, trao đổi cấp cao và các cấp được tăng cường. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc hai nước thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi mật thiết. Tháng 10/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm Trung Quốc sau Đại hội lần thứ XX Đảng Cộng sản Trung Quốc, theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hai nhà lãnh đạo đã chỉ đạo định hướng phát triển quan hệ Việt Nam-Trung Quốc.

Ngày 25/7/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Diễn đàn Davos mùa Hè, đồng thời thực hiện chuyến thăm chính thức Trung Quốc đầu tiên sau khi giữ chức Thủ tướng, đánh dấu quan hệ Việt Nam - Trung Quốc bước vào giai đoạn mới.

Tiếp đó, tháng 10/2023, Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế "Vành đai và Con đường" lần thứ ba. Đây là chuyến công tác Trung Quốc và cũng là hoạt động đối ngoại đa phương đầu tiên của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trên cương vị mới. 

Các chuyến công tác, gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện sự coi trọng cao độ, ưu tiên hàng đầu của Đảng, Nhà nước ta trong việc phát triển quan hệ với Trung Quốc.

Cùng với phát triển quan hệ chính trị, hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư Việt Nam - Trung Quốc ngày càng đi vào chiều sâu. Trung Quốc 20 năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và hiện nay Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới (sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc).

Kim ngạch thương mại song phương tăng 09 lần từ mức 20 tỷ USD năm 2008 lên gần 180 tỷ USD năm 2022. Riêng năm 2023, Trung Quốc đã vươn lên vị trí thứ tư trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Trao đổi với VOV, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhận định, giao lưu nhân dân và hợp tác giữa các địa phương diễn ra sôi động, đạt nhiều thành quả thiết thực. Đến nay, đã có gần 60 tỉnh/thành của Việt Nam thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với các địa phương Trung Quốc. Các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, địa phương hai bên đã thiết lập và tổ chức định kỳ nhiều cơ chế, chương trình hợp tác.

Trước khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, Trung Quốc nhiều năm liên tục dẫn đầu về lượng du khách đến Việt Nam, trung bình cứ 03 khách quốc tế đến Việt Nam thì có 01 khách Trung Quốc.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, Việt Nam-Trung Quốc đạt nhiều thành quả trong việc xây dựng đường biên giới trên bộ Việt Nam-Trung Quốc hòa bình, hữu nghị và hợp tác, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội các địa phương biên giới hai bên.

Hai bên cũng nỗ lực duy trì đàm phán, tăng cường hợp tác, nhằm cùng các bên liên quan kiểm soát bất đồng, quản lý khác biệt phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực.

Nguồn: Tổng hợp: VOV, TTXVN