Artemis: Khẳng định vị thế hàng đầu của Hoa Kỳ trong không gian

Quang Minh
15:16 - 04/04/2023
Công dân & Khuyến học trên

Ngày 3/4, NASA công bố 4 phi hành gia tham gia vào phi hành đoàn của tàu Artemis II, dự kiến thực hiện sứ mệnh vào cuối năm 2024. Artemis II sẽ đưa 4 phi hành gia này bay tới Mặt Trăng, làm nhiệm vụ kéo dài 10 ngày.

Artemis: Khẳng định vị thế hàng đầu của Hoa Kỳ trong không gian - Ảnh 1.

Chương trình Artemis là một dự án của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) nhằm đưa con người trở lại Mặt Trăng vào năm 2024 và thiết lập một cơ sở thường trú ở đó vào năm 2030. Ảnh: NASA

Bước tiến quan trọng của NASA nhằm đưa con người trở lại Mặt Trăng

Mục tiêu chính của sứ mệnh là kiểm tra các hệ thống và khả năng hoạt động của tàu vũ trụ Orion và tên lửa SLS, hai thành phần quan trọng của chương trình Artemis.

Trong quá trình bay tới Mặt Trăng, phi hành đoàn sẽ thực hiện một số thí nghiệm khoa học và công nghệ liên quan đến môi trường không gian cận Mặt Trăng và các tác động của nó đối với con người và thiết bị.

Phi hành đoàn cũng sẽ có cơ hội quan sát Mặt Trăng từ khoảng cách gần nhất kể từ năm 1972 và ghi lại những hình ảnh và dữ liệu quý giá cho các nghiên cứu về Mặt Trăng trong tương lai.

Sứ mệnh Artemis II là một bước tiến quan trọng trong kế hoạch của NASA nhằm đưa con người trở lại Mặt Trăng vào năm 2025 và chuẩn bị cho các chuyến bay thám hiểm sao Hỏa trong thập kỷ tiếp theo.

Những thành viên của phi hành đoàn

Bốn thành viên của phi hành đoàn Artemis II đều có nhiều kinh nghiệm, với ba người trong số họ là người Mỹ và đã từng bay vào vũ trụ trước đó, phi hành gia Canada là thành viên thứ tư.

Artemis: Khẳng định vị thế hàng đầu của Hoa Kỳ trong không gian - Ảnh 2.

Các thành viên phi hành đoàn của sứ mệnh Artemis II (từ trái qua phải) là Christina Hammock Koch, Reid Wiseman (ngồi), Victor Glover và Jeremy Hansen. Ảnh: NASA

Người đứng đầu trong nhiệm vụ lần này là Reid Wiseman - một phi công hải quân. Trong nhiệm vụ trước đó tới Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), Reid đã có 165 ngày sống trong không gian và hoàn thành kỷ lục 82 giờ thí nghiệm chỉ trong một tuần. Reid cũng là trưởng văn phòng phi hành gia Mỹ từ năm 2020 đến năm 2023.

Phi hành gia thứ hai là Victor Glover. Sau hơn 3.000 giờ bay trên hơn 40 loại máy bay khác nhau, Glover đã được chọn vào đội phi hành gia vào năm 2013. Anh từng tham gia nhiệm vụ Crew-1, nhiệm vụ đầu tiên sử dụng tên lửa và tàu vũ trụ của SpaceX để đưa các phi hành gia lên trạm vũ trụ quốc tế ISS.

Người phụ nữ duy nhất trong phi hành đoàn lần này là chuyên gia Christina Hammock Koch. Cô từng thực hiện 328 ngày trong không gian, nhiều hơn bất kỳ người phụ nữ nào khác, trong suốt ba chuyến thám hiểm ISS. Cô cũng đã tham gia 6 chuyến đi bộ ngoài không gian khác nhau, trong đó có 3 chuyến đi bộ ngoài không gian đầu tiên toàn nữ phi hành gia. Koch là một kỹ sư thương mại, trước đây từng làm việc tại Trung tâm Chuyến bay Không gian Goddard của NASA.

Phi hành gia cuối cùng là người Canada, Jeremy Hansen. Dù chưa thực hiện chuyến bay vào vũ trụ nào, những anh đã tham gia vào các chương trình mô phỏng không gian như NEEMO 19, trong đó anh ấy sống trong một cơ sở dưới đáy đại dương để mô phỏng việc khám phá không gian sâu. Trước khi được chọn vào đội phi hành gia Canada năm 2009, anh là phi công lái máy bay F-18 trong Lực lượng Không quân Hoàng gia Canada.

Giống như các phi hành gia tàu vũ trụ Apollo, 3 người trong số họ bắt đầu sự nghiệp với tư cách là phi công quân sự. Hai người, Ried và Glover đều là những phi công thử nghiệm đã được đào tạo giống như hầu hết các phi hành gia Apollo.

Trong khi đó, nữ chuyên gia Koch với chuyên môn kỹ thuật là hình mẫu điển hình cho các phi hành gia hiện đại. Vị trí chuyên gia về sứ mệnh không gian giúp những người có nền tảng khoa học hơn có thể thực hiện chuyến bay vào vũ trụ.

Mục tiêu đưa con người đến sao Hỏa vào những năm 2030

Chương trình Artemis là một dự án của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) nhằm đưa con người trở lại Mặt Trăng vào năm 2024 và thiết lập một cơ sở thường trú ở đó vào năm 2030.

Chương trình gồm ba giai đoạn chính: Artemis I, Artemis II và Artemis III. Artemis II là chuyến bay có người lái đầu tiên của Orion xung quanh Mặt Trăng, diễn ra vào năm 2023. Artemis III là chuyến bay có người lái đưa hai phi hành gia đến bề mặt Mặt Trăng, trong đó một trong hai sẽ là phụ nữ đầu tiên bước chân lên Mặt Trăng, dự kiến diễn ra vào năm 2024.

Artemis cũng sử dụng một số công nghệ và hệ thống mới, như tên lửa SLS (Space Launch System), tàu vũ trụ Orion, Gateway (một trạm không gian quỹ đạo Mặt Trăng), HLS (Human Landing System) và xSuit (bộ đồ bảo hộ cho phi hành gia trên Mặt Trăng).

Artemis được cho là một phần của chiến lược khám phá vũ trụ của NASA và Hoa Kỳ, nhằm tăng cường vị thế hàng đầu của Hoa Kỳ trong không gian, thúc đẩy sự hợp tác quốc tế, tạo ra các cơ hội kinh tế mới và phát triển các kiến thức khoa học và công nghệ mới.

Chương trình là bước đệm cho mục tiêu lâu dài của NASA là đưa con người đến sao Hỏa vào những năm 2030.

Bốn phi hành gia trên tàu Artemis II sẽ là những người đầu tiên quay trở lại vùng lân cận của Mặt Trăng kể từ năm 1972. 

Chuyến bay sẽ đưa tàu vũ trụ Orion đi một vòng quanh Mặt Trăng. Trong chuyến bay, phi hành đoàn sẽ theo dõi tàu vũ trụ và thử nghiệm một hệ thống liên lạc mới cho phép họ gửi nhiều dữ liệu hơn và liên lạc với Trái đất dễ dàng hơn các hệ thống trước đó.

Nguồn: TTXVN/Tổng hợp