Áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông có xu hướng suy yếu dần
Tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 8 hiện nằm trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông. Trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới có xu hướng suy yếu dần thành vùng áp thấp.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 7 giờ ngày 23/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 19,9 độ Vĩ Bắc; 118,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49km/giờ), giật cấp 8, di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ 15-20km/h.
Trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 20km và suy yếu dần thành vùng áp thấp.
Đến 7 giờ - ngày 24/10, trung tâm vùng áp thấp mạnh dưới cấp 6 ở vào khoảng 18,5 độ Vĩ bắc – 113,6 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 270km về phía Bắc Đông Bắc. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới từ 17,5 -21,5 độ Vĩ Bắc, phía Đông kinh tuyến 113,0 độ Kinh Đông. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai đạt cấp 3 tại khu vực Bắc Biển Đông.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8, biển động, sóng biển cao 2-4m.
Chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do áp thấp nhiệt đới trên biển
Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, giảm thiểu thiệt hại, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã ban hành Công điện số 36 ngày 22/10/2022.
Nội dung công điện đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, Bộ, ngành chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau: Theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền (bao gồm cả tàu vận tải, tàu du lịch) đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới được xác định từ vĩ tuyến 17,5 đến 21,5 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 112,5 độ Kinh Đông (vùng nguy hiểm được điều chỉnh trong các bản tin dự báo).
Tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu, thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; sẵn sàng các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, tài sản tại khu nuôi trồng thủy, hải sản. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống…
Bộ Công An cũng đã có Công điện số 20/CĐ-V01 ngày 22/10/2022 chỉ đạo các đơn vị trực thuộc từ Quảng Ninh đến Khánh Hoà chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới.
Theo báo cáo nhanh số 399/BC-CQTT ngày 23/10 của Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Bộ đội Biên phòng, tính đến 6 giờ 30 phút ngày 23/10, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 59.719 tàu/270.561 lao động biết diễn biến, hướng đi của áp thấp nhiệt đới để di chuyển phòng tránh, trong đó có 31 tàu/320 lao động hoạt động ở khu vực Bắc Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa (Quảng Nam 03 tàu/99 lao động; Quảng Ngãi 18 tàu/151 lao động; Bình Định 10 tàu/70 lao động).
12 tỉnh/thành phố bao gồm Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa đã có Công điện, văn bản để triển khai chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới và gió mạnh trên biển.
Từ ngày 21/9 đến 20/10/2022, trên khu vực Biển Đông đã xuất hiện 3 cơn bão, bao gồm: Cơn bão số 4-NORU từ ngày 26-29/9, cơn bão số 5-SONCA từ ngày 13-15/10 và cơn bão số 6-NESAT từ ngày 16-20/10.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo: Từ ngày 21/10 đến 20/11/2022, trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện 2 hoặc 3 xoáy thuận nhiệt đới và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ. Thời kỳ cuối tháng 10 và đầu tháng 11/2022, không khí lạnh có xu hướng hoạt động suy yếu hơn; khoảng tuần giữa tháng 11/2022, không khí lạnh có xu hướng hoạt động gia tăng hơn về cường độ và tần suất.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google