Áp đặt, ném đá … nên chăng?

Nguyễn Hoài Bắc -Việt kiều Canada
23:49 - 22/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Một học sinh đầy tiềm năng, là học sinh yêu quê hương và chiến thắng chính mình để được các trường đại học danh tiếng của Hoa Kỳ chấp nhận. Đó là niềm tự hào của gia đình, của các thầy cô giáo. Vì vậy, học sinh đó không cần quan tâm đến sự áp đặt của những người mang nặng tư tưởng cực đoan, ngáng trở sự phát triển.

Áp đặt, ném đá … nên chăng? - Ảnh 1.

Nữ sinh Tăng Vân Khanh

Mấy hôm trước, có đường link của 1 trang facebook gửi vào "tường" nhà tôi, với nội dung facebooker phê phán một bài luận trong hồ sơ săn học bổng đại học ở Mỹ của cháu gái Tăng Vân Khanh hiện đang học lớp 12 Trường trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Trãi, tỉnh  Hải Dương.

Nội dung bài viết của facebooker này nêu ra quả là vấn đề rất lớn, nghiêm trọng. Theo facebooker này, cháu học sinh sử dụng câu từ  tiếng Anh "Vietnam War -Chiến tranh Việt Nam" là …không chuẩn mực, là …rũ bỏ công lao của cha ông, là mất gốc, thậm chí là …phản động …vv và vv...

Tò mò và cũng có một phần bức xúc, tôi đã tìm đọc bài viết của cháu gái bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh. Tôi là một người đã đi qua chiến tranh, đã sống và làm việc trong thời bao cấp, thời mở cửa hiện nay, và từng sống và làm việc ở nước tư bản; đã đi qua nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, đã đọc và xem tương đối nhiều các tác phẩm Đông -Tây; cũng là một người chịu khó học hỏi trong từ điển tiếng Anh của Mỹ và Anh xuất bản; cũng luôn tìm các từ, các thuật ngữ trên Google… Cần khẳng định rằng, thông tin, kiến thức trên Google là kho tàng không giới hạn về mọi lĩnh vực trong cuộc sống đương đại mà không có bất cứ nhà bác học, học giả nào từ cổ chí kim có thể sánh bằng, dù chỉ bằng một phần rất nhỏ. Với góc nhìn của mình, tôi có mấy nhời với Facebooker đó như sau: 

Bài viết của cháu gái sinh năm 2004, đến nay chưa tròn 18 tuổi, có một cách luận rất hay, phải nói là khá lạ về cuộc sống ngày trước của cha ông, về chiến tranh, về con người. Sự tàn phá của chiến tranh thật khủng khiếp với tất cả con người, làng mạc, thành quách khi nó đi qua. Với con người, chiến tranh không chỉ phá hủy về thể xác mà huỷ hoại cả tâm hồn. Được biết, bài luận là yếu tố quan trọng trong hồ sơ săn học bổng và đã được 7 trường đại học của Mỹ đồng ý cấp học bổng, nếu tính tổng trị giá bằng tiền Việt hay đô la Mỹ thì cũng rất lớn mà trước đến nay học sinh Việt Nam ít ai giành được.

Vì sao nên nỗi? Một học sinh đã nỗ lực hết mình, vượt qua bản thân để có bài luận  ngắn gọn, súc tích với cách nhìn đa chiều, chạm đến trái tim người đọc, chạm đến trái tim hội đồng tuyển sinh của các trường đại học nổi danh ở Mỹ để được trúng tuyển, lại bị một vài facebooker ném đá, nâng quan điểm và chính trị hoá chỉ vì câu chữ "Vietnam War- Chiến tranh Việt Nam"! Facebooker muốn cháu phải viết là "Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam" thì mới là…yêu nước, mới là …căm thù đế quốc Mỹ muôn đời, mới là …nhớ công ơn của ông cha (?!). Thiết nghĩ, đó là cách nhìn phiến diện, cực đoan, áp đặt. Không ai trong thế hệ chúng ta được phép quên những mất mát, đau thương của dân tộc do kẻ xâm lược gây ra trong chiến tranh. Nhưng chiến tranh đã đi qua nửa thế kỷ, tức là gần 3 thế hệ. Chiến tranh kết thúc, chúng ta đã chiến thắng, người Việt Nam đã giành lại được độc lập dân tộc. Ngay từ sau chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975, chúng ta đã tiến hành thiết lập hàn gắn vết thương chiến tranh, hòa hợp dân tộc, hướng tới tương lai hòa bình, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Ngày nay, tư duy đó, mong muốn đó vẫn đang được thực hiện. Và con cháu chúng ta phải được học hành, được ra nước ngoài học tập những gì tiến bộ, những gì hữu ích cho chính mình và cho đất nước. Vậy nên, nếu cứ mang tư tưởng thủ cựu, cực đoan, chính trị hóa câu chữ của lớp con cháu đang đi trong dòng chảy hội nhập thế giới, là ngáng trở xu thế, là có thể phá bỏ thành quả của nhiều thế hệ sau chiến tranh đã và đang cố gắng hàn gắn vết thương chiến tranh, hoà hợp, hướng tới tương lai như mong muốn của các nhà lãnh đạo hai nước Việt Nam và Hoa kỳ.

Mạn phép xin hỏi, không biết facebooker này đã đọc hoặc tra cứu được bao nhiêu từ điển tiếng Anh, bao nhiêu tài liệu của thế giới nói về chiến tranh ở Việt Nam để có đủ kiến thức kết tội cháu học sinh, để gây áp lực tiêu cực không chỉ cho cháu mà còn cho cả gia đình cháu, nhà trường cháu đang học?

"Chiến tranh Việt Nam – Vietnam War" là câu từ thông dụng trên tất cả các báo chí thế giới, trên các trang chính trị quan trọng toàn cầu để nói về cuộc chiến tranh  Việt Nam chống Mỹ từ năm 1954 đến 1975, nên cháu học sinh chưa đầy 18 tuổi có sử dụng câu chữ này trong bài luận tiếng Anh cũng là điều rất bình thường. Cháu được sinh ra sau 30 mươi năm khi chiến tranh đã đi qua, những mảnh ghép về chiến tranh chỉ qua sách vở, qua lời người lớn kể. Nhưng nhận thức và sự tìm hiểu của cháu về chiến tranh ở Việt Nam thật phong phú, nhân văn. Cháu yêu từng mái nhà quê, từng con sông, từng trang lịch sử 3000 năm hào hùng của dân tộc, của đất nước Việt Nam. Cháu đã ghi lại cảnh cũ người xưa với câu từ mộc mạc, giản dị, đầy cảm xúc. Thật đáng trân trọng.

Chạnh lòng lại thấy tiếc cho facebooker. Nếu cứ áp đặt,ném gạch đá bằng cách phê phán như vậy, thì đã khoác lên vai hàng chục nghìn du học sinh Việt Nam, có du học tự túc và du học bổng do Nhà nước tài trợ, cử đi, đã và đang du học tại Mỹ, sẽ là …phản động hôm nay và trong tương lai hay sao! Còn nữa, nhận thức và qui kết đồng đô la Mỹ là "dơ bẩn", là "tanh tưởi", là "không nên sử dụng" thì quả là nhận xét của người ngoài… hành tinh!

Tôi thiết nghĩ, chính quan điểm của facebooker này mới là nguy hiểm, mới là cần xem lại,  bởi sự phản biện này sẽ gây hệ luỵ khôn lường cho các thế hệ tương lai sống trong thế giới phẳng, thế giới của 4.0 và internet băng thông rộng.

Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã và đang rất cố gắng vươn ra biển lớn, cố gắng kêu gọi các nhà đầu tư lớn từ Mỹ, Nhật, Châu Âu… vào Việt Nam, cùng với đó là sự nỗ lực nội tại để từ đó góp phần đưa đất nước phát triển, sánh vai với cường quốc năm châu như Chủ tịch  Hồ Chí Minh- vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, hằng mong muốn. Các vị lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam khi thăm và làm việc với lãnh đạo cấp cao nhất của Hoa Kỳ đều mong muốn Chính phủ Hoa kỳ tiếp nhận nhiều hơn du học sinh Việt Nam bằng con đường tự túc và học bổng.

Còn đối với cháu gái? Tôi chỉ là người qua đường trên facebook, nhưng đã đọc cả bài luận tiếng Việt và tiếng Anh của cháu. Tôi ủng hộ cháu, ủng hộ cách viết và cách nghĩ của cháu. Những câu chữ, hay thuật ngữ sử dụng thông dụng trên thế giới thì nên sử dụng một cách bình thường, đừng vì ai đó áp đặt cách nghĩ của họ mà  phải cố uốn lượn ngôn từ. Cháu không cần quan tâm đến quan điểm, cách xảo biện của những người mang nặng tư tưởng cực đoan, ngáng trở sự phát triển.

Cháu sử dụng câu từ được thế giới công nhận bằng các trang sách, tài liệu được dùng chung cho cả tỷ người trên thế giới thì chẳng có gì là sai. Cháu là một học sinh đầy tiềm năng, là học sinh yêu quê hương và chiến thắng chính mình để được các trường đại học danh tiếng của Hoa Kỳ chấp nhận. Đó là niềm tự hào của gia đình cháu, của các thầy cô giáo của cháu.

Chúc mừng cháu, chúc cháu thành công trên con đường học tập. Cố gắng là người tử tế để cống hiến, phụng sự cho quốc gia, dân tộc khi cháu thành tài và có thể.

Bình luận của bạn

Bình luận