Anh chính thức thử nghiệm mô hình làm việc bốn ngày/tuần

Anh Thư
08:09 - 09/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Cuộc thử nghiệm làm việc bốn ngày một tuần hứa hẹn sẽ mang lại nhiều kết quả thú vị về mối tương quan giữa giờ làm việc, mức độ hài lòng của nhân viên cùng hiệu suất làm việc của doanh nghiệp, đồng thời tạo tiền đề cho một lịch làm việc mới ngắn ngày hơn.

Bắt đầu từ tuần này, hàng nghìn công nhân tại Anh đã chính thức bước vào chương trình thử nghiệm làm việc bốn ngày/tuần. Cuộc thử nghiệm hứa hẹn sẽ mang lại nhiều kết quả thú vị về mối tương quan giữa giờ làm việc, mức độ hài lòng của nhân viên cùng hiệu suất làm việc của doanh nghiệp, đồng thời tạo tiền đề cho một lịch làm việc mới ngắn ngày hơn.

Anh chính thức thử nghiệm mô hình làm việc bốn ngày/tuần - Ảnh 1.

Hàng ngàn nhân viên tại Anh sẽ có thêm một ngày nghỉ trong cuộc thử nghiệm mô hình bốn ngày làm việc/tuần lớn nhất từ trước đến nay/ Ảnh: Euronews

Cuộc thử nghiệm mô hình bốn ngày làm việc lớn nhất

Chương trình do Tổ chức phi lợi nhuận 4 Day Week Global, Tổ chức 4 Day Week UK campaign, Tổ chức nghiên cứu Autonomy cùng các chuyên gia từ Đại học Cambridge, Đại học Oxford và Đại học Boston phối hợp thực hiện.

Cuộc thử nghiệm kéo dài sáu tháng và là "phép thử" có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với sự tham gia của 3.300 công nhân thuộc 70 doanh nghiệp, từ các nhân viên văn phòng của công ty dịch vụ tài chính, ngân hàng, khách sạn, cho đến nhân viên chạy bàn tại các quán ăn nhỏ lẻ.

"Dịch bệnh đã khiến cho chúng ta phải suy nghĩ lại về cách làm việc, cách chúng ta sắp xếp cuộc sống của chính mình".

Theo quy định, nhân viên sẽ được nhận 100% lương, trong khi chỉ phải làm việc 80% thời gian, nhưng đổi lại họ phải cam kết đạt 100% hiệu suất công việc. Trong suốt quá trình triển khai, các nhà nghiên cứu sẽ theo dõi sát sao tác động của mô hình này đối với năng suất, môi trường làm việc cũng như tinh thần của người lao động.

Bà Sienna O'Rourke - Quản lý thương hiệu tại hãng bia Pressure Drop Brewing, có trụ sở tại London, cho biết, công ty tham gia chương trình thử nghiệm này với mục tiêu lớn nhất là nâng cao sức khoẻ tinh thần cùng động lực làm việc cho các nhân viên của mình. Bà cho rằng, "dịch bệnh đã khiến cho chúng ta phải suy nghĩ lại về cách làm việc, cách chúng ta sắp xếp cuộc sống của chính mình. Do đó, thông qua thử nghiệm lần này, Công ty Pressure Drop Brewing mong muốn cải thiện cuộc sống của các nhân viên, và từ đó góp phần thay đổi cả thế giới".

Tiền đề cho cuộc thử nghiệm làm việc bốn ngày một tuần

Trong một vài năm gần đây, đặc biệt là sau khi dịch COVID-19 xảy ra, thế giới ngày càng quan tâm nhiều hơn tới việc thay đổi lịch làm việc. 

Anh chính thức thử nghiệm mô hình làm việc bốn ngày/tuần - Ảnh 2.

Chương trình thử nghiệm làm việc bốn ngày một tuần, nếu thành công, sẽ mở ra cơ hội được hưởng lịch làm việc ngắn hơn cho hàng triệu người lao động. Ảnh: Hollie Adams/Bloomberg

Ông Joe O'Conore, Giám đốc điều hành tổ chức phi lợi nhuận 4 Day Week Global, cho biết, ngày càng nhiều công ty chuyển sang chiến lược tập trung vào kết quả cuối cùng, chứ không quản lý giờ làm việc của nhân viên một cách sát sao như trước nữa. Đặc biệt "khi đại dịch xảy ra, ngày càng nhiều nhà quản lý bắt đầu nhận ra rằng, chính sách giảm giờ làm có thể góp phần nâng cao chất lượng sống của nhân viên, từ đó mang lại lợi thế cạnh tranh cho chính doanh nghiệp.

Trước đó, Iceland cũng đã có các cuộc thử nghiệm tương tự vào khoảng các năm 2015 và 2019, với sự tham gia của 2.500 nhân viên. Kết quả thử nghiệm cho thấy lịch làm việc bốn ngày/tuần không hề làm giảm hiệu suất công việc, mà thậm chí còn nâng cao đáng kể sức khoẻ, tinh thần và năng suất làm việc của nhân viên. 

Năm 2019, hãng công nghệ Microsoft, chi nhánh tại Nhật Bản, cũng đã thử nghiệm mô hình này và nhận thấy hiệu quả công việc tăng đến 40%. Trong khi đó, hãng tiêu dùng Unilever cũng đang thử nghiệm mô hình này tại trụ sở của mình ở New Zealand và đã quyết định kéo dài đợt thử nghiệm tới cuối tháng sáu này.

Ý nghĩa kết quả thử nghiệm

Khắp nơi trên thế giới, nhiều người lao động đều ủng hộ mô hình làm việc ngắn ngày hơn. Một cuộc khảo sát với người trong độ tuổi 22-35 của Công ty tài chính Jefferies tại Mỹ  cho thấy, 80% người tham gia ủng hộ mô hình làm việc này. Còn theo một báo cáo của Trường Kinh doanh Henley, thuộc Đại học Reading (Anh), 63% doanh nghiệp tuyên bố rằng mô hình làm việc bốn ngày/tuần đã giúp họ thu hút và giữ chân được nhiều người tài. 

Lý giải về điều này, ông Joe Ryle, giám đốc điều hành dự án Tổ chức Four day Work Week UK, cho biết, khi nhân viên có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn thì tinh thần thoải mái, cơ thể khoẻ mạnh hơn và mức độ hài lòng với công việc cũng sẽ cao hơn.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn ý kiến nghi ngờ về hiệu quả thực sự của mô hình làm việc này, cũng như cách triển khai và sắp xếp nhân viên như thế nào cho hợp lý, đặc biệt là tại các cửa hàng, quán ăn, nếu mỗi nguời chỉ làm việc bốn ngày mỗi tuần. 

Dữ liệu từ cuộc thử nghiệm này của Anh sẽ giúp trả lời rất nhiều băn khoăn, bao gồm cả việc liệu mô hình này có thực sự giúp cho nhân viên hạnh phúc và khỏe mạnh hơn mà không làm ảnh hưởng đến hoạt động của công ty hay không?; liệu đây có thực sự là một phương án giúp tiết kiệm chi phí, góp phần giảm ô nhiễm môi trường không?…

Cuộc thử nghiệm còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, trong bối cảnh nước Anh đang thực sự gặp vấn đề về hiệu suất lao động. Theo thông tin từ Thư viện của Hạ viện Anh, trong năm 2022, một giờ lao động của một nhân viên Anh chỉ đạt ở mức 52 bảng, thấp hơn hẳn so với các nước như Thuỵ Sĩ (63 bảng/giờ), Na Uy (71 bảng/giờ) hay Ireland (86 bảng/giờ).

Ngoài ra, đây cũng sẽ là động lực để các cuộc thử nghiệm tương tự do Chính phủ hỗ trợ diễn ra tại Tây Ban Nha và Scotland vào cuối năm nay./.