Ấn tượng với sự chuyển biến của ngành Dầu khí

Quang Minh
09:37 - 01/11/2023
Công dân & Khuyến học trên

Trong những năm qua, ngành Dầu khí nói chung với hoạt động hiệu quả của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) nói riêng đã để lại ấn tượng về sự chuyển biến mạnh mẽ, vượt những "cơn gió ngược" để vững chãi tiến lên.

Tại phiên họp chiều 31/10 - Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội bày tỏ sự quan tâm và ấn tượng mạnh mẽ đối với sự quyết liệt, kiên định, kiên trì đổi mới cách nghĩ, cách làm vì nhân dân của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, trung ương; trong năm vừa qua đã tháo gỡ nhiều khó khăn về thể chế chính sách, tháo gỡ cho hạ tầng, công trình, dự án trọng điểm quốc gia. Đặc biệt trong đó có nhiều dự án quan trọng đã được đưa vào vận hành, khởi động sau rất nhiều năm gián đoạn.

Tốc độ hồi phục nền kinh tế tích cực, có sự đóng góp của nhiều ngành kinh tế mũi nhọn như dầu khí

Cụ thể, trong phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, các đại biểu đã cùng nhau đánh giá hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận các nội dung đã nêu trong các tờ trình của Chính phủ, các báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, các gợi ý thảo luận của các cơ quan thẩm tra đã được chuẩn bị, tập trung vào thách thức cần phải vượt qua, bất cập, khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ cho các mục tiêu, chỉ tiêu về kinh tế, xã hội năm 2023 và dự kiến cho năm 2024.

Phát biểu tại hội trường, nhiều đại biểu ghi nhận những kết quả quan trọng của Chính phủ trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong năm vừa qua. Trước nhiều khó khăn, biến đổi khó lường của tình hình quốc tế, nước ta vẫn đạt được những kết quả khả quan về phát triển kinh tế, đây là kết quả của sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân.

Phát biểu ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội tại phiên họp, Đại biểu Huỳnh Thanh Phương - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh nhận định, năm 2023, vượt lên những khó khăn bởi tác động tiêu cực của kinh tế thế giới, nước ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực: Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát; thu ngân sách có khả năng vượt mục tiêu đề ra… Đối ngoại tiếp tục có kết quả tốt, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Đồng quan điểm, Đại biểu Lý Anh Thư - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang cho rằng, trước tình hình khó khăn chung của cả thế giới nhưng với sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo của Đảng, đồng hành và phối hợp chặt của Quốc hội, sự ủng hộ đồng lòng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh nền kinh tế toàn cầu. Với những kết quả nổi bật đã nêu trong các báo cáo, điều này một lần nữa đã tăng niềm tin của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Theo Đại biểu Trần Văn Lâm - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, các cử tri, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp bày tỏ sự ghi nhận Quốc hội và Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; như đã liên tục 4 lần giảm lãi suất điều hành, tăng cường khả năng tiếp cận vốn, thúc đẩy tín dụng tiêu dùng, giảm phí, lệ phí trước bạ, giảm thuế giá trị gia tăng, giảm thuế đất. Qua đó giúp doanh nghiệp và người dân giảm bớt khó khăn và phục hồi sản xuất kinh doanh.

Ấn tượng với sự chuyển biến của ngành Dầu khí - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm, động viên công nhân tại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương cũng cho rằng, qua tiếp xúc cử tri đã thể hiện cử tri và nhân dân đang đặt niềm tin và đánh giá cao sự lãnh đạo, điều quyết liệt, sâu sát của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong giữa nhiệm kỳ vừa qua. Mặc dù tình hình COVID-19 chưa có trong tiền lệ lịch sử, bối cảnh khu vực và thế giới có nhiều biến động phức tạp nhưng đất nước ta đã đoàn kết từng bước vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển, nền tảng kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được đảm bảo; thể hiện rất rõ Quốc hội, Chính phủ năng động, kiến tạo, hành động vì lợi ích quốc gia, dân tộc, được cử tri, nhân dân đồng thuận, tín nhiệm cao.

Đại biểu bày tỏ sự quan tâm và ấn tượng mạnh mẽ đối với sự quyết liệt, kiên định, kiên trì đổi mới cách nghĩ, cách làm vì nhân dân của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, trung ương; trong năm vừa qua đã tháo gỡ nhiều khó khăn về thể chế chính sách, tháo gỡ cho hạ tầng, công trình, dự án trọng điểm quốc gia. Đặc biệt trong đó có nhiều dự án quan trọng đã được đưa vào vận hành, khởi động sau rất nhiều năm gián đoạn, có cả dự án kéo dài đã 20 năm, như Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Vân phong 1, Sông Hậu 1, Kho cảng Khí hóa lỏng LNG Thị Vải, Chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn,… An sinh xã hội được đảm bảo, quốc phòng an ninh được giữ vững, tiếp tục nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.

Ấn tượng với sự chuyển biến của ngành Dầu khí - Ảnh 2.

Đại biểu bày tỏ sự quan tâm và ấn tượng mạnh mẽ của ngành Dầu khí.

Ngành Dầu khí một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, nắm giữ trọng trách phát triển kinh tế đất nước

An ninh năng lượng, bảo đảm cung cấp điện là một trong những nhiệm vụ chính trị, ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta. Để phát triển ngành điện, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước trong đó có Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được Chính phủ giao làm chủ đầu tư thực hiện nhiều dự án nguồn điện. Việc thúc đẩy thành công các dự án trọng điểm của ngành Dầu khí trong lĩnh vực khí - điện trong năm vừa qua mang nhiều ý nghĩa to lớn, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng cho khu vực và trên cả nước…

Dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, ngành điện nước ta đã đạt những thành tựu vượt bậc, quy mô hệ thống điện Việt Nam đã vươn lên đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện. Tính đến cuối năm 2022, tổng công suất đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt xấp xỉ 77.800 MW, tăng gần 1.400 MW so với năm 2021, cơ bản bảo đảm năng lượng cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng trong nước với chất lượng ngày càng được cải thiện, đóng góp quan trọng trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại nhiều địa phương và cả nước.

Các dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Sông Hậu 1, Kho cảng Khí hóa lỏng LNG Thị Vải, Chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn… lần lượt đi vào hoạt động/có những bước chuyển biến mạnh mẽ đã khẳng định được sự đúng đắn, kịp thời về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh năng lượng; giao các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước thực hiện các dự án quan trọng...; cũng như việc xử lý các vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện, dự án đã trải qua nhiều giai đoạn biến động của nền kinh tế trong nước và thế giới, đặc biệt là đại dịch Covid-19; xử lý các vi phạm đã gây ảnh hưởng đến công tác triển khai dự án.

Nguồn: PVN