Ăn bánh vẫn ăn - tại sao chết?
Ngày 16/6, bà G.T.L, 54 tuổi, ở Lũng Pù, Mèo Vạc, Hà Giang lấy bột ngô ngào nước thừa để từ 7 ngày trước làm bánh trôi với đường trắng. Bốn người trong nhà và 3 người ở thôn khác sang chơi cùng ăn. Khoảng gần một ngày sau, 7 người ăn bánh hoa mắt, chóng mặt, đau bụng, buồn nôn.
Khoảng gần một ngày sau, 7 người ăn bánh hoa mắt, chóng mặt, đau bụng, buồn nôn. Sau khi bé M.M.P, 9 tuổi (cháu bà L) tử vong thì tối cùng ngày, 6 người phải đi cấp cứu ở bệnh viện tỉnh; 3 người lớn và một bé 20 tháng tuổi bệnh nặng phải chuyển bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.
Ngày 22/6, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc trung tâm chống độc Bạch Mai cho biết, nhiều khả năng các bệnh nhân ngộ độc độc tố Orchratoxin trong bánh do trước đây đã tìm thấy độc tố này trong bánh trôi ngô. Các ca bệnh loại này thường tổn thương gan ồ ạt, suy gan tối cấp tính, tức biểu hiện rất sớm, diễn biến rất nhanh đến nặng, hôn mê gan, tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao…
Các bệnh nhân đang được thay huyết tương thể tích cao, lọc máu liên tục, truyền thuốc giải độc, điều trị tích cực để giành giật mạng sống…
Ochratoxin hay Ochratoxin A là độc tố do một số loại nấm mốc Aspergillus và Penicillum tiết ra, một trong những độc tố nấm mốc làm ô nhiễm thực phẩm rộng rãi, vì các loại nấm mốc này ký sinh phổ biến trong các loại nông sản, thực phẩm.
Ochratoxin tinh chất ở dạng tinh thể không màu, ít tan trong nước, tan trong các dung môi hữu cơ, bền vững với nhiệt và nhiều hóa chất; sản sinh nhiều nhất ở nhiệt độ 20 - 25 độ C.
Theo Phó Giáo sư Phạm Duệ, nguyên Giám đốc trung tâm chống độc Bạch Mai thì chất độc này gây hoại tử tế bào gan rất nhanh, làm men gan tăng gấp trăm lần bình thường. Nếu không can thiệp thật nhanh sẽ dẫn đến hôn mê gan tối cấp, tử vong nhanh chóng tới 80%.
Ochratoxin được cho là thủ phạm gây "bệnh thận vùng Balkan" (viêm mô kẽ (ở khe giữa các tế bào) thận mạn tính: Không biểu hiện triệu chứng cho đến khi rối loạn chức năng thận trầm trọng - suy thận) và ung thư thận; ức chế tăng sinh, gây chết "theo chương trình" các tế bào hình sao (với nhiều chức năng quan trọng cho sinh lý và khi tổn thương) ở não và tủy sống - theo các nhà khoa học Hàn Quốc; tác động đột biến gene nên quá trình sinh sản gây quái thai; nhiễm độc thần kinh gây bệnh Alzheimer và Parkinson; gây tăng huyết áp và độc cho các tế bào lympho miễn dịch.
Tập quán phổ biến dùng bột ngũ cốc thừa để sau nhiều ngày chính là thủ phạm gây họa.
Bột ngô ngào nước làm bánh trôi ngày 16/6 chính là bột bà L làm bánh ngày 9 và 10/6 còn thừa. Hai ngày đó bà L chia bánh cho 4 nhà trong thôn cùng ăn không có ai ngộ độc, nhưng 7 ngày sau là thời gian quá đủ để nấm mốc phát triển mạnh, sinh độc.
Tháng 4/2013, ở thôn Lùng Vái, Cán Tỉ, Quản Bạ, Hà Giang, 7 người trong một nhà còn ăn bánh trôi ngô để từ tết Nguyên Đán (gia đình cho biết), ngộ độc nặng làm 4 người chết gồm 3 trẻ dưới 12 tuổi và một người lớn. Bé C.M.M, 13 tuổi phải đưa về Trung tâm chống độc Bạch Mai. Sau nhập viện vài giờ biểu hiện suy sụp rất nhanh, lờ đờ vì đã tiền hôn mê gan…, may mà qua khỏi do khẩn trương cứu chữa.
Không nên dùng bột ngũ cốc thừa vì đó là môi trường tốt cho nấm mốc phát triển từ các bào tử có rất nhiều trong không khí và dụng cụ. Đó là chưa kể các loại nấm mốc này còn sinh nhiều độc tố khác như Aflatoxin gây ung thư gan, Fumonisin gây ung thư buồng trứng, Zearalenone gây ung thư vú và hệ sinh dục nữ - chương trình nghiên cứu độc chất quốc gia Mỹ xác nhận Zearalenone gây ung thư gan và tuyến yên chuột.
Deoxynivalenol độc tế bào và hệ miễn dịch vì làm rối loạn oxy hóa, ức chế tổng hợp protein, ADN và ARN; gần đây, phát hiện chất này gây biến dạng xương khớp trẻ em nghiêm trong (bệnh Kashin - Beck)…
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google