"Ám ảnh" chuyện mua sắm trang thiết bị y tế

PV
16:27 - 24/02/2023
Công dân & Khuyến học trên

Mới đây, Bệnh viện Chợ Rẫy - một trong những bệnh viên tuyến đầu tại TP. HCM phải gửi báo cáo đến Bộ Y tế về những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện việc mua sắm trang thiết bị y tế, dẫn tới những khó khăn trong vận hành... chỉ là một điển hình từ nỗi "ám ảnh" mang tên "mua sắm y tế".

Bệnh viện lớn cũng có nguy cơ đóng cửa?

Ngày 24/2, thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM cho biết, TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc bệnh viện đã có báo cáo gửi đến Bộ Y tế về những khó khăn vướng mắc khi thực hiện việc mua sắm trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Theo báo cáo, hiện nay, hầu hết các trang thiết bị y tế kỹ thuật cao như: máy chụp cắt lớp vi tính (CT-scanner), máy chụp cộng hưởng từ (MRI), máy siêu âm doppler màu đều không có đủ 3 báo giá theo quy định để thực hiện đấu thầu mua sắm mới trang thiết bị y tế và sửa chữa, bảo trì.

Thực tế trên đang ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng khám chữa bệnh. Bệnh viện thường xuyên trong trạng thái thiếu trang thiết bị y tế, thiết bị hư hỏng không sửa chữa được, phải chuyển bệnh nhân đến cơ sở khác để thực hiện kỹ thuật, gây rất nhiều khó khăn, phiền toái cho người bệnh.

"Ám ảnh" chuyện mua sắm trang thiết bị y tế - Ảnh 1.

Thiếu trang thiết bị y tế đang gây ảnh hưởng đến việc khám chữa bệnh cho người dân tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: BV.

Không chỉ riêng bệnh viện Chợ Rẫy TP. HCM, trong thời gian vừa qua, nhiều bệnh viện lớn trên cả nước cũng rơi vào tình trạng thiếu thiết bị vật tư y tế. Trong khi đó, nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân, đặc biệt sau thời gian nhịp sống bình thường mới trở lại càng trở nên cấp bách, chưa kể nguy cơ xuất hiện nhiều dịch bệnh, nhiều bệnh nhân nặng sau thời gian ảnh hưởng của dịch COVID-19, khiến cho việc quá tải, thiếu thốn và khó khăn càng chồng chất khó khăn. 

GS. TS. Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cũng cho biết, hiện tại Bệnh viện cũng đang gặp khó khăn trong việc xử lý các gói thầu mua sắm trang thiết bị. 

Hầu hết các quy định mua sắm đều yêu cầu tham khảo giá từ ít nhất 3 đơn vị cung cấp trên thị trường. Để có được một bản chào thầu đầy đủ, các chuyên gia, cán bộ y tế đều phải liệt kê chi tiết các thiết bị, tuy nhiên, thời gian thực hiện có thể trong khoảng 90 ngày trước ngày trình cơ quan thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Việc này có thể dẫn tới sai lệch về giá, hoặc báo giá không chính xác, dẫn tới các vướng mắc tiếp theo trong quá trình lựa chọn, mua sắm, đấu thầu. 

Thực tế, khó khăn lớn nhất hiện nay là các báo giá không đầy đủ từ phía các đơn vị tham gia chào thầu. Để tới khi có thể kết luận sơ bộ đến ngày mua sắm thiết bị là cả một quá trình dài, cần phải vượt qua rất nhiều sai số, gây ra trở ngại cho việc mua sắm. Chưa kể tới khi xử lý xong vấn đề thì các mẫu mã trang thiết bị mua về đã có những seri mới thay thế hiện đại hơn, có thể không còn phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất của bệnh viện và đòi hỏi ngày một cao của công tác khám, chữa bệnh trong ngành Y. 

Bệnh viện "đau đầu" - bệnh nhân tuyệt vọng!

Có thể nói, việc khó khăn trong quá trình mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế đang là vấn đề lớn, gây rất nhiều trở ngại cho điều trị và cấp cứu bệnh nhân.  Chưa kể, dẫn tới nguy cơ "đóng cửa" của nhiều đơn vị trong các bệnh viện khi không có đủ hóa chất để xác định chẩn đoán, không đủ vật tư y tế tiêu hao để điều trị...

Một trong số những nguyên nhân gây "đau đầu" cho các bệnh viện là "độ trễ" trong quá trình xử lý, đồng thời số lưu hành, giấy phép nhập khẩu của trang thiết bị y tế được quy định tại Nghị định 98, hiện hầu hết không còn hiệu lực. Các nhà thầu không thể nhập khẩu được trang thiết bị y tế đúng mẫu đã trúng thầu để cung ứng cho bệnh viện. Từ đó dẫn tới, nhiều mặt hàng đã được ký kết lại không được giao do giấy phép nhập khẩu hết hạn. 

Nhiều bệnh viện cũng phải tìm kiếm các giải pháp xử lý tạm thời như sử dụng thuốc, vật tư thay thế, tuy nhiên kết quả khám, chữa bệnh sẽ không được như mong muốn. Và điều này, sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng thăm khám, chữa trị. Và đối tượng phải chịu những "tuyệt vọng" cuối cùng là bệnh nhân, người dân. 

Từ thực tế trên, các bệnh viện cũng đã có những kiến nghị lãnh đạo Bộ Y tế cùng các vụ cục liên quan khẩn trương thực hiện sửa đổi, bổ sung Nghị định 98/2021/NĐ-CP để giải quyết các vướng mắc, khó khăn hiện nay để các bệnh viện có thể triển khai được công tác đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế.

Ngành Y đang nỗ lực "vượt khó"

Tại tọa đàm "Ngành y vượt khó" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 23/2, thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã chia sẻ những giải pháp trước mắt của ngành Y để tiếp tục "vượt khó" trong thời gian tới. 

Cụ thể, về vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế ở các cơ sở y tế trên cả nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ ngành có liên quan rà soát lại tất cả các văn bản liên quan để hoàn thiện thể chế trước mắt về nội dung này.

"Trong thời gian vừa qua và trước mắt, chúng tôi đã tập trung ưu tiên tham mưu, xây dựng để trình Quốc hội ban hành Nghị quyết 80. Đó là Nghị quyết hết sức quan trọng và đã giải quyết được căn cơ, trước mắt vấn đề cung ứng thuốc trong các cơ sở điều trị. Nghị quyết 80 cho phép gia hạn đăng ký thuốc đến hết năm 2024. Trong khoảng thời gian này, Bộ Y tế đã yêu cầu Cục Quản lý Dược rà soát và ban hành các danh mục thuốc đảm bảo theo đúng quy định của Nghị quyết 80 của Quốc hội. Trước mắt, Cục Quản lý Dược đã ban hành đợt 1 gần 10.000 giấy đăng ký lưu hành thuốc" - Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết.

Đối với trang thiết bị y tế, Bộ Y tế đã dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 98 của Chính phủ và đang trình Chính phủ xem xét ban hành. "Khi Nghị định sửa đổi Nghị định 98 được ban hành, tôi cho rằng giải quyết được căn cơ nội dung liên quan đến việc cung ứng trang thiết bị vật tư y tế" - Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.

Cùng đó, Bộ Y tế đang dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 146 của Chính phủ về việc thực hiện Luật Bảo hiểm y tế. Bộ Y tế cùng với Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT đã rà soát và ban hành các văn bản có liên quan đến đấu thầu, mua sắm vật tư, trang thiết bị.

"Đặc biệt, Bộ Y tế đã ban hành gần 50 thông tư hướng dẫn sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến mua thuốc, trang thiết bị và nội dung khác có liên quan để đảm bảo việc cung ứng thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị trong giai đoạn hiện nay" - Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên thông tin.

Hy vọng trong điều kiện khó khăn, thách thức nhưng ngành y tế sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu để hoàn thành các nhiệm vụ được giao và từng bước làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân trong tình hình mới.