Agribank triển khai Thông tư 02 và nhiều chính sách hỗ trợ khách hàng tối đa
Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng nhà nước, Ngân hàng Agribank triển khai nhiều chính sách hỗ trợ khách hàng, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ và các chính sách ưu đãi khác.
Agribank triển khai Thông tư 02 hỗ trợ khách hàng
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, trên tinh thần chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, Tổ soạn thảo của Agribank đã trình bày các nội dung triển khai quy định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hệ thống Agribank.
Tại Hội nghị triển khai Thông tư số 02/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (Thông tư 02) và Quy định số 969/QyĐ-NHNo-TD (Quy định 969) Agribank đã trình bày kế hoạch và đề nghị các chi nhánh trên toàn quốc khẩn trương tiến hành rà soát các khoản nợ đến hạn để đánh giá theo các nội dung hướng dẫn, thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng để kịp thời tháo gỡ khó khăn.
Theo ông Phạm Tiến Trình - Trưởng ban Chính sách tín dụng, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 02 (có hiệu lực từ ngày 24/4/2023), Agribank đã khẩn trương nghiên cứu, ban hành Quy định số 969 ngày 25/4/2023 quy định cụ thể các nội dung liên quan tới việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng, nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng và ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chuyên gia Agribank đánh giá, đây là những nội dung quan trọng tác động đến tài chính của toàn ngành, cần làm rõ những nội dung để các chi nhánh nhanh chóng nắm bắt triển khai đúng đối tượng và đúng quy định.
Theo đó, Quy định số 969/QyĐ-NHNo-TD của Agribank ban hành ngày 25/4/2023 có 3 chương, 12 điều. Theo Quy định này, đối tượng áp dụng bao gồm: Khách hàng của Agribank gồm pháp nhân và cá nhân gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và gặp khó khăn trả nợ vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng.
Các đơn vị, cá nhân có liên quan đến việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; Quy định này không áp dụng với Chi nhánh Agribank ở nước ngoài, khách hàng là các Tổ chức tín dụng khác.
Quy định này cũng nêu cụ thể các nội dung được đề cập trong Thông tư 02, vận dụng phù hợp với các quy chế, quy định của Agriabank trong lĩnh vực tín dụng, bao gồm: Tiêu chí xác định khoản nợ của khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; Cơ cấu lại thời hạn trả nợ; Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ; Giữ nguyên nhóm nợ và phân loại nợ; Trích lập dự phòng rủi ro; Thẩm quyền cơ cấu lại thời hạn trả nợ; Quy trình, thủ tục, hồ sơ, quản lý khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ.
Quy định 969 là căn cứ để các Ban phối hợp triển khai, kiểm tra giám sát, hướng dẫn các Chi nhánh thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro của các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định; báo cáo, thống kê, đánh giá ảnh hưởng đối với tài chính toàn hệ thống, đề xuất phương án tài chính phù hợp…
Ngân hàng cũng đưa ra những lưu ý về phân loại nợ, giữ nguyên nhóm nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo Quy định 969; Bên cạnh đó, Ban Tài chính Kế toán cũng đã hướng dẫn hạch toán về số lãi phải thu của khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ.
Triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi khác nhằm hỗ trợ khách hàng
Chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP
Agribank triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm trên lãi suất vay thực tế từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nhằm hỗ trợ quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Chương trình áp dụng đối với các Thỏa thuận cho vay và giải ngân từ ngày 01/01/2022 đến 31/12/2023 và đối với nghĩa vụ trả nợ lãi tại các kỳ hạn trả nợ lãi mà thời điểm trả nợ phát sinh từ ngày 20/5/2022 đến 31/12/2023.
Chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết 33/NQ-CP
Đối tượng vay vốn theo chương trình là chủ đầu tư dự án và người mua nhà ở tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng công bố theo quy định.
Lãi suất ưu đãi áp dụng đến hết ngày 30/6/2023 đối với chủ đầu tư là 8,7%/năm và đối với người mua nhà là 8,2%/năm. Kể từ ngày 01/7/2023, định kỳ 06 tháng/lần, Agribank sẽ thông báo lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi triển khai chương trình.
Chương trình triển khai từ ngày 03/4/2023 đến khi doanh số giải ngân đạt 30.000 tỷ đồng nhưng không quá ngày 31/12/2030. Thời gian ưu đãi lãi suất đối với chủ đầu tư là 3 năm kể từ ngày giải ngân nhưng không quá thời hạn cho vay tại thỏa thuận cho vay ban đầu, đối với người mua nhà là 5 năm.
Chương trình cho vay tiêu dùng dành cho CBCNV ngành y tế
Nhằm tri ân tới Cán bộ, công nhân viên (CBCNV) ngành y tế và đáp ứng nhu cầu vay tiêu dùng cũng như sử dụng dịch vụ thanh toán, Agribank dành 10.000 tỷ đồng triển khai chương trình cho vay tiêu dùng với lãi suất ưu đãi dành cho CBCNV ngành y tế. Theo đó, lãi suất cho vay ưu đãi thấp hơn đến 1,5%/năm so với lãi suất hiện hành, tùy từng thời hạn vay. Thời gian triển khai áp dụng đối với các khoản giải ngân phát sinh từ ngày 01/12/2022 đến hết ngày 01/12/2023 hoặc đến khi hết quy mô chương trình.
Chương trình tín dụng ưu đãi đối với khách hàng doanh nghiệp
Agribank triển khai chương trình tín dụng ưu đãi đối với khách hàng doanh nghiệp với quy mô lên đến 100.000 tỷ đồng và 500 triệu USD từ ngày 15/3/2023 đến hết ngày 30/6/2023. Đối tượng áp dụng là các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh hiệu quả, mong muốn tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi để bổ sung vốn lưu động nhằm triển khai các phương án sản xuất, kinh doanh hoặc doanh nghiệp cần vay vốn hỗ trợ hoạt động xuất khẩu.
Chương trình triển khai cho các khoản vay ngắn hạn (dưới 12 tháng) phù hợp với điều kiện tài chính và kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Mức lãi suất ưu đãi thấp hơn lên tới 1,5%/năm với khoản vay giải ngân bằng VND và 1%/năm với khoản vay bằng USD so với mức lãi suất hiện hành, tùy theo từng kỳ hạn cho vay, hồ sơ cụ thể của doanh nghiệp đề nghị vay vốn.
Bên cạnh đó, đối với các khoản phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi từ ngày 24/4/2023 đến hết ngày 30/6/2024, Agribank còn thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, khách hàng khó khăn trả nợ vay phục vụ nhu cầu đời sống và tiêu dùng.
Trong năm 2022, Agribank cũng đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả để hỗ trợ khách hàng vay vốn, chủ động tiết giảm 2.000 tỷ đồng để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ gần 2,2 triệu khách hàng cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất quy mô 160.000 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh, vượt qua tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.
Qua đó, Agribank tiếp tục khẳng định vai trò chủ lực trên thị trường tài chính nông nghiệp, nông thôn, triển khai hiệu quả 07 chương trình tín dụng chính sách, các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Được biết, năm 2022, Agribank đã chủ động tiết giảm 2.000 tỷ đồng để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cùng với việc triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất quy mô 160.000 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh, vượt qua tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google