777 điểm liệt môn Toán, hồi chuông cảnh tỉnh cho căn bệnh ngụy thành tích
777 học sinh bị điểm liệt môn Toán trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2025, trong một đề thi được cho là… có đến 12 câu kiến thức ở mức cơ bản để học sinh gỡ điểm.

Có những con số không cần phân tích thêm, chỉ cần đọc lên thôi đã đủ khiến người ta giật mình. 777 học sinh bị điểm liệt môn Toán trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2025. Trong một đề thi được cho là… có đến 12 câu kiến thức ở mức cơ bản để học sinh gỡ điểm.
Để đạt điểm 5 môn Toán thi tốt nghiệp phổ thông 2025 có khó không?
Đề thi môn Toán năm 2025 được thiết kế ba phần rõ ràng: Phần 1 (12 câu trắc nghiệm), kiểm tra kiến thức cơ bản. Phần 2 (4 câu đúng/sai), kiểm tra mức độ vận dụng. Phần 3 (6 câu tự luận) là phân loại học sinh khá giỏi.
Theo nhiều giáo viên giảng dạy môn Toán, học sinh chỉ cần nắm kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa là làm được 12 câu để đạt được điểm trung bình.
Thậm chí, chỉ cần làm đúng vài câu ở phần 1, học sinh đã có thể "thoát điểm liệt". Ấy vậy mà vẫn có gần một ngàn em không qua nổi vạch 1 điểm.
Không thể tiếp tục đổ lỗi cho đề thi. Đây là lúc cần hỏi ngược lại: Chúng ta đã dạy gì, kiểm tra gì, đánh giá học sinh thế nào trong suốt 12 năm học qua?
Sốc vì kết quả đánh giá ở trường học
Những con số sau đây đủ sức khiến bất kỳ ai đọc được cũng phải giật mình sửng sốt, hệt như cảm xúc bàng hoàng và hoang mang của học sinh và phụ huynh khi biết điểm thi tốt nghiệp.
Lớp 12C1 của một trường Trung học phổ thông tại xã Hàm Thuận, tỉnh Lâm Đồng có 38 học sinh, 100% đạt điểm tổng kết môn Toán trên trung bình (thấp nhất 6.6, cao nhất 8.8), nhưng chỉ 5 em (tức 13.2% ) đạt điểm trung bình trong kỳ thi.
Lớp 12D2 có 47 học sinh, 100% đạt điểm tổng kết môn Toán trên trung bình nhưng chỉ 10 em (chiếm 21.3%) đạt điểm thi từ 5 trở lên.
Bất ngờ nhất là lớp 12C2: 41 học sinh đều được xếp loại trung bình trở lên, điểm tổng kết khá cao – thấp nhất 5.9, cao nhất lên tới 9.0, nhiều em đạt từ 8.0 trở lên.
Vậy mà khi bước vào kỳ thi, chỉ có 2 em tức vỏn vẹn 4.9% đạt mức điểm trung bình trở lên.
Và đáng tiếc thay, 12C2 không phải là trường hợp cá biệt. Còn nhiều lớp khác cũng rơi vào tình trạng tương tự: điểm học bạ đẹp như mơ, nhưng điểm thi lại như một gáo nước lạnh dội vào niềm tin.
Phụ huynh bức xúc. Học sinh sốc. Giáo viên… im lặng
Kết quả thi tốt nghiệp khiến nhiều học sinh sốc nặng, còn phụ huynh thì phẫn nộ. Họ cho rằng, nhà trường đã "thổi phồng" kết quả học tập, khiến học sinh tự mãn, không còn nỗ lực; còn phụ huynh thì quá tin vào điểm số mà quên mất việc nhìn vào thực lực của con.
Riêng giáo viên chỉ biết im lặng. Bởi họ biết hậu quả điểm học bạ và điểm thi quá vênh nhau là vì sao. Theo tiết lộ của một số giáo viên trường này, thầy cô đã được nhà trường "nhắc khéo" cũng như gợi ý nới lỏng điểm số bằng cách ra đề kiểm tra khá dễ để học sinh có được kết quả tốt khi đánh giá.
Việc đánh giá "thổi phồng" kết quả học tập của học sinh không chỉ ở những năm cuối cấp, tình trạng này được diễn ra ở ngay cả những lớp dưới.
Thế nên, có những học sinh lớp 6 mà trình độ lớp 3. Có học sinh lớp 9, trình độ kiến thức môn học mới ở tầm lớp 6. Thế mới có chuyện, nhiều địa phương điểm chuẩn vào lớp 10 của cả 3 môn thi chưa đến 10 điểm thậm chí chỉ 5 hoặc 6 điểm đã đỗ.
Từ tiểu học lên trung học với một hành trang kiến thức lủng lỗ chằng chịt. Nhưng không ai muốn nhắc đến. Không ai muốn cho lưu ban. Không ai muốn mất danh hiệu "trường tiên tiến".
Vậy nên hôm nay, điểm liệt không phải là sự cố. Nó là kết quả tất yếu của một quá trình mang tên "bệnh thành tích".
777 học sinh bị điểm liệt môn Toán lần này, con số ấy không phải là một sự cố bất ngờ, càng không thể xem là lỗi kỹ thuật. Nó là một dấu chấm lặng khiến giáo viên phải dừng lại, ngẫm nghĩ và tự hỏi: chúng ta đang đưa học trò đi đâu, trên con đường học tập này?
Suốt nhiều năm qua, chúng ta đã quá quen với những bảng điểm đẹp, những lời khen nhẹ tênh, những thành tích nhìn đâu cũng sáng. Nhưng sâu bên trong, có bao nhiêu em thực sự hiểu bài? Bao nhiêu em vững kiến thức khi bước vào kỳ thi thật sự?
Chúng ta đã chọn sự yên ổn trước mắt để rồi đánh đổi bằng những lỗ hổng kiến thức ngày càng lớn dần theo từng năm học.
Trước thực tế điểm thi và điểm học bạ quá vênh nhau, không ít giáo viên vẫn chưa nhận ra rằng chính mình cũng đã vô tình tiếp tay cho căn bệnh ngụy thành tích.
Một số thầy cô biện minh: Nới rộng con điểm là do "Lãnh đạo bật đèn xanh", "trường gợi ý", "trên ép xuống"… Nhưng sâu thẳm trong lòng, ai cũng hiểu, phần nhiều là vì chính bản thân mình muốn yên thân, muốn được khen, muốn được vinh danh.
Học sinh không có lỗi. Đề thi cũng không có lỗi. Nó chỉ phản ánh đúng năng lực thật vốn có của học sinh mà không tô hồng hay không che chắn.
Đã đến lúc, chúng ta cần một cái nhìn trung thực hơn. Không phải để đổ lỗi, mà để bắt đầu lại một cách nghiêm túc, công bằng và nhân văn cho các thế hệ học trò sau này được học thật và thi thật.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google