50 học sinh Thanh Hóa đứng ngoài Lễ Khai giảng: Cái nhìn công bằng cho nhà trường và học sinh
Ngày Lễ khai giảng năm học 2022-2023 đã đi qua nhưng việc có gần 50 học sinh của Trường Trung học phổ thông Tô Hiến Thành (phường Đông Sơn, thành phố Thanh Hóa) phải đứng ngoài cổng trường và sau đó ra về vì lý do đi trễ vẫn gây xôn xao dư luận.
Đã có nhiều ý kiến cho rằng Ban giám hiệu nhà trường quá cứng nhắc, máy móc khi không cho học sinh vào dự Lễ khai giảng vì đây là ngày thiêng liêng, đặc biệt của học sinh trong một năm học.
Nhưng cũng có thể nói, việc nhà trường từ chối học sinh đi trễ dự Lễ Khai giảng là bài học về tính kỷ luật cho các em ngay từ khi ngồi ghế nhà trường. Chỉ có kỷ luật mới làm nên tập thể tốt, vững mạnh và các em mới không còn đi trễ khi thi cử, khi tham gia vào hoạt động chung.
Nếu học sinh xem Lễ Khai giảng năm học là ngày đặc biệt
Trước sự việc học sinh Trường Trung học phổ thông Tô Hiến Thành phải đứng ngoài cổng trường và sau đó ra về trong ngày Lễ khai giảng phải thẳng thắn nhìn nhận đây là một sự cố buồn, đáng tiếc. Chính vì thế, sự việc này đã thu hút nhiều ý kiến trái chiều của dư luận cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, cách hành xử của Ban giám hiệu Trường Trung học phổ thông Tô Hiến Thành dù chưa thực sự nhân văn nhưng có lẽ nó sẽ nhận được sự đồng thuận của nhiều người trong môi trường học đường.
Thứ nhất: nếu học sinh thực sự xem ngày Khai giảng năm học quan trọng đối với bản thân mình thì không có chuyện gần 50 học sinh phải đứng ở ngoài cổng trường khi phía trong cổng trường đang diễn ra buổi lễ. Bởi, nếu những em này thực sự thấy ngày Khai giảng năm học là thiêng liêng thì các em đã không đến sau giờ quy định của nhà trường. Địa bàn phường Đông Sơn, thành phố Thanh Hóa không phải là nơi quá đông phương tiện di chuyển và dẫn đến tắc đường như Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh - nhất là thời điểm trước 7h sáng.
Thứ hai: các em học sinh Trung học phổ thông thì ít nhất là đã 15 tuổi nên không còn như học sinh Tiểu học hay Mầm non nên các em phải ý thức được trách nhiệm của mình khi bước vào môi trường tập thể. Hơn nữa, nhìn những bức hình học sinh đứng ngoài cổng trường thì mọi người dễ dàng nhận thấy các em đều đến trường bằng phương tiện xe máy và đa phần không phải là học sinh lớp 10 vì khuôn mặt ấy phải là học sinh lớp 11, lớp 12 nên những bao biện lý do khó thuyết phục được dư luận.
Thứ ba: trường học có nội quy rất rõ dàng và ngay ở tuần tựu trường, giáo viên chủ nhiệm cũng đã sinh hoạt rất kĩ về nội quy của nhà trường và đặc biệt là giờ giấc học tập. Chính vì thế, ngày Khai giảng năm học thì thầy cô thường căn dặn rất kĩ thời điểm học sinh vào trường để ổn định chỗ ngồi trước khi các quan khách đến dự Lễ khai giảng. Vậy nên, khi học sinh đã nắm, đã hiểu nội quy của nhà trường, giờ giấc tập trung tại trường mà vào trễ là điều khó có thể chấp nhận được.
Nếu như, chỉ một vài em vào trễ thì chúng ta còn có thể bênh vực với những lý do khách quan khác nhau nhưng có tới gần 50 học sinh thì mọi lý do không thực sự thuyết phục trong ngày Khai giảng của một trường Trung học phổ thông.
Thứ tư: ngày Lễ khai giảng không đơn thuần chỉ là thầy trò trong nhà trường mà bao giờ cũng có đại diện chính quyền địa phương, lãnh đạo Sở, đại diện phụ huynh trong trường đến dự. Nếu khi buổi lễ đang diễn ra mà có hàng mấy chục học sinh lao nhao chạy hoặc dắt xe máy đi ngang sân lễ sẽ là hình ảnh không đẹp chút nào. Các vị quan khách sẽ nghĩ sao về nội quy nhà trường? Những phụ huynh ngồi dự lễ sẽ đánh giá sao về nền nếp của nhà trường?
Thứ năm: trước ngày Lễ khai giảng diễn ra, chắc chắn nhà trường đã thông báo lịch cụ thể đến các lớp và tất nhiên nhà trường đã có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt. Vì thế, trong ngày Khai giảng năm học thì học sinh phải có trách nhiệm với nhà trường chứ không phải lề mề trang điểm hay la cà ăn sáng nơi quán xá rồi đến giờ mới vội vàng chạy vào trường nhằm tạo ra một tiền lệ không đẹp nơi trường học.
Chính vì thế, dù có nhiều ý kiến trách móc nhà trường nhưng cũng không ít những ý kiến của dư luận đồng tình với việc nhà trường không cho học sinh đi trễ vào dự Lễ khai giảng. Nếu như, nhà trường không tạo cho học sinh một thói quen tốt về trách nhiệm cộng đồng, về văn hóa ứng xử với mọi người thì sau này sẽ tiềm ẩn nhiều thói quen xấu khi các em trưởng thành.
Hãy có cái nhìn công bằng với trường học
Để giáo dục cho mỗi học sinh hoàn thiện về tri thức, nhân cách, văn hóa ứng xử thì điều cốt yếu là sự kết hợp tốt giữa nhà trường và gia đình, cũng như ý thức của mỗi học trò. Bên cạnh đó là sự vào cuộc, nhìn nhận, đánh giá vấn đề, sự việc một cách công tâm không bao biện, bênh vực cho những việc làm chưa đẹp.
Sự việc gần 50 học sinh Trường Trung học phổ thông Tô Hiến Thành ở Thanh Hóa là một sự cố đáng tiếc trong ngày đầu năm học được tổ chức đồng loạt vào ngày 5/9 vừa qua của toàn ngành Giáo dục. Song, từ sự việc này cũng giúp cho học sinh Trường Trung học phổ thông Tô Hiến Thành nói riêng và học sinh cả nước nói chung một bài học sâu sắc và ý thức hơn về nội quy trường học để không để xảy ra những sự cố đáng tiếc như thế này nữa.
Khi đã học tập trong một môi trường tập thể thì mọi người, mọi học trò phải tuân thủ theo nội quy của đơn vị. Chúng ta không nên bênh vực cho học trò mà lên án, phản bác cách làm của Ban giám hiệu Trường Trung học phổ thông Tô Hiến Thành. Nếu nhà trường không tạo cho học trò những thói quen tốt mới đáng trách, còn khi mà có tới gần 50 học sinh cùng đi trễ thì chúng ta cần nhìn nhận đến ý thức và trách nhiệm của học trò đối với trường lớp - nơi mình đang học tập.
Ngày Khai giảng là ngày quan trọng nhất trong một năm học, ngày mà có rất nhiều khách mời, trong đó có cả những đại diện phụ huynh của các lớp, ngày mà tập thể sư phạm nhà trường và rất nhiều học sinh đã có sự chuẩn bị chu đáo, trách nhiệm để có một buổi lễ thành công nhưng lại có gần 50 học sinh đi trễ, phá vỡ đi những công sức của thầy cô và bạn bè mình. Đồng cảm của một số người cũng đồng nghĩa với những thói quen không tốt của học trò!
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google