35 công trình sai phạm của ông Thích Chân Quang có thể bị xử lý như thế nào?
Năm 2018, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ban hành thông báo Kết luận số 349A/TB-UBND ngày 09/7/2018 thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai và xây dựng tại chùa Phật Quang, trong tổng số 36 công trình thì chỉ 1 công trình có phép.
Sai phạm xảy ra tại chùa Phật Quang của ông Thích Chân Quang
Cơ quan quản lý tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thanh tra các công trình xây dựng tại chùa Phật Quang do ông Thích Chân Quang trụ trì và đã có kết luận về các sai phạm. Năm 2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành thông báo Kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai và xây dựng tại chùa Phật Quang huyện Tân Thành (nay là thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Theo Kết luận thanh tra, chùa Phật Quang xây dựng 36 công trình, thì có 35 công trình không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép xây dựng, trong đó có nhiều công trình lớn, kiên cố như là đường giao thông trải nhựa, diện tích khoảng 3.500m2, xây dựng trên đất rừng phòng hộ do nhà nước quản lý.
Riêng công trình duy nhất có cấp phép là Chánh điện của chùa, được Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp Giấy phép xây dựng số 23/GPXD ngày 20/9/2001. Có điều, công trình được cấp phép này cũng xây dựng vượt phép. Theo giấy phép, diện tích xây dựng sửa chữa là 228m, nhưng trên thực tế chùa xây dựng Chánh điện trên diện tích 445,4m.
Điều đáng nói là các cơ quan quản lý đã lập đã tiến hành lập 33 biên bản vi phạm, ban hành 11 quyết định xử phạt vi phạm hành chính và các quyết định đình chỉ thi công, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, yêu cầu khôi phục lại hiện trạng ban đầu, nhưng từ đó cho đến nay những công trình sai phạm vẫn ngang nhiên tồn tại.
Chùa Phật Quang xây dựng công trình không phép, sai phép, bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ Khoản 7, Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định các trường hợp xây dựng công trình không phép, sai phép, sai thiết kế xây dựng mà đang thi công bị xử phạt như sau:
"7. Xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng như sau:
a) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ;
b) Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc công trình xây dựng khác;
c) Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng."
Như vậy, với 35 công trình không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép xây dựng thì tùy theo tính chất, mức độ của từng công trình đã xây dựng chùa Phật Quang sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình chùa Phật Quang xây dựng các công trình không phép trên đất, các cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tiến hành lập biên bản vi phạm, ban hành 11 quyết định xử phạt vi phạm hành chính và các quyết định đình chỉ thi công, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, yêu cầu khôi phục lại hiện trạng ban đầu. Tuy nhiên, từ đó đến nay, những hạng mục này vẫn tiếp tục được tồn tại, không bị phá dỡ theo đúng quy định của pháp luật. Không rõ là do thái độ "ngang nhiên, thách thức, coi thường" pháp luật của tăng ni phật tử chùa Phật Quang hay sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mà khi đã ra từng ấy các quyết định xử phạt vi phạm hành chính, các quyết định đình chỉ thi công... vẫn không được chùa Phật Quang ngó tới thực hiện.
Mọi cá nhân, tổ chức đều bình đẳng trước pháp luật, không ai đứng ngoài pháp luật. Là cơ sở tôn giáo, lại càng phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Vậy tại sao một cơ sở tôn giáo trên địa bàn ngang nhiên xây dựng tới 35 công trình sai phạm mà không một cơ quan chức năng nào của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát hiện tiến hành dừng thi công hoặc cưỡng chế, tháo dỡ vi phạm. Phải chăng, nếu công trình đầu tiên đã sai phạm và bị xử lý nghiêm minh mang tính răn đe thì có lẽ đã không dẫn tới 34 công trình tiếp theo sai phạm.
Riêng công trình duy nhất được cấp phép là Chánh điện của chùa, được Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp Giấy phép xây dựng số 23/GPXD ngày 20/9/2001. Nhưng, công trình được cấp phép này tưởng chừng sẽ đúng quy định thì nhà chùa cũng ngang nhiên xây dựng vượt phép. Theo giấy phép, diện tích xây dựng sửa chữa là 228m, nhưng trên thực tế chùa xây dựng Chánh điện trên diện tích gần gấp đôi diện tích được cấp phép là 445,4m.
Kết luận thanh tra nêu rõ: "Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp Giấy phép xây dựng này không đảm bảo quy hoạch tại khu vực núi Dinh vào thời điểm đó đúng theo quy định tại điểm 4.1 mục 4 phần I Thông tư liên tịch số 09/1999/TTLTBXD-TCĐC ngày 10/12/1999 của Bộ Xây dựng, Tổng Cục Địa chính về hướng dẫn cấp giấy phép xây dựng có quy định về căn cứ để cấp giấy phép xây dựng, do vậy việc Sở Xây dựng cấp Giấy phép xây dựng này là có sai sót”. Sau khi được cấp phép xây dựng, tại sao không có một cán bộ nào của Sở này tiến hành thanh, kiểm tra quá trình xây dựng Chánh điện của chùa để dẫn đến sai phạm xây dựng vượt phép. Đề nghị cần làm rõ trách nhiệm và kiểm điểm đúng mức đối với các khuyết điểm, vi phạm của các cá nhân tại đơn vị liên quan đến các vi phạm của chùa.
Căn cứ Khoản 4 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xây dựng vượt phép với Giấy phép xây dựng được cấp như sau:
Vi phạm quy định về trật tự xây dựng
"4. Xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp đối với trường hợp cấp phép sửa chữa, cải tạo, di dời công trình và giấy phép xây dựng có thời hạn như sau:
a) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ;
b) Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc công trình xây dựng khác;
c) Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 90.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng."
Theo đó, tùy thuộc vào tính chất, mức độ của Chánh điện mà chùa Phật Quang có thể bị xử phạt về hành vi vi phạm xây dựng vượt phép theo quy định của pháp luật.
Công trình xây dựng sai với Giấy phép xây dựng đã bị lập biên bản xử phạt nhưng tiếp tục sai phạm thì xử lý ra sao?
Căn cứ khoản 12 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định về trường hợp tiếp tục sai phạm sau khi đã bị lập biên bản yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm như sau:
Vi phạm quy định về trật tự xây dựng
"12. Xử phạt hành vi tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm sau khi đã bị lập biên bản vi phạm hành chính (trước khi ban hành quyết định xử phạt) dù người có thẩm quyền đã yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm đối với các hành vi vi phạm hành chính được quy định tại khoản 4, khoản 6, khoản 7, khoản 8, khoản 9 và khoản 10 Điều này thì mức phạt cụ thể như sau:
a) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ;
b) Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc công trình xây dựng khác;
c) Phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng."
Theo đó, chùa Phật Quang đã bị cơ quan có thẩm quyền tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lập biên bản xử phạt hành chính yêu cầu chấm dứt hành vi thi công công trình xây dựng sai với Giấy phép xây dựng (trước khi ban hành quyết định xử phạt) mà tiếp tục thực hiện hành vi sai phạm của mình thì cơ quan thẩm quyền ra quyết định xử phạt như sau:
- Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ;
- Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc công trình xây dựng khác;
- Phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng.
Theo nội dung mà Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã thanh, kiểm tra thì ông Vương Tấn Việt (tức Thượng tọa Thích Chân Quang) đã xây dựng chùa và nhiều công trình trái phép trên đất rừng phòng hộ do Nhà nước quản lý.
Đã đến lúc, các cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ra "tối hậu thư" cho chùa Phật Quang, chủ động tháo dỡ các công trình sai phạm, khôi phục hiện trạng ban đầu. Nếu không thực hiện trong thời hạn đặt ra thì sẽ tiến hành các biện pháp cưỡng chế.
Bên cạnh việc cưỡng chế tháo dỡ các công trình sai phạm tại chùa Phật Quang, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phải xử lý trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan liên quan đến sai phạm trong xây dựng tại chùa.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google