10 nhà khoa học trẻ nhận giải thưởng Khoa học công nghệ Quả cầu vàng 2022
Đây là giải thưởng uy tín trong lĩnh vực khoa học công nghệ dành cho các cá nhân xuất sắc không quá 35 tuổi.
Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả Cầu Vàng do Trung ương Đoàn chủ trì phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức nhằm phát hiện, tôn vinh các tài năng trẻ không quá 35 tuổi, có thành tích xuất sắc về khoa học công nghệ. Giải thưởng được tổ chức thường niên từ năm 2003.
Giải thưởng năm 2022 triển khai ở 5 lĩnh vực: công nghệ thông tin, chuyển đổi số và tự động hóa; công nghệ y-dược; công nghệ sinh học; công nghệ môi trường; công nghệ vật liệu mới.
Sau gần 4 tháng phát động, Ban Tổ chức đã nhận được 37 hồ sơ đề cử của 20 cơ quan, đơn vị, các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp trong cả nước và đại sứ quán Việt Nam, hội thanh niên, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài.
Tham gia xét Giải thưởng năm nay có 28 nam, 9 nữ; 29 tiến sĩ, 6 thạc sĩ và 2 cử nhân; ứng viên trẻ tuổi nhất sinh năm 1998 (24 tuổi), lớn tuổi nhất sinh năm 1987 (35 tuổi); 10 ứng viên đang học tập, nghiên cứu và làm việc ở nước ngoài (Hàn Quốc, Nga, Mỹ, Anh).
Số lượng hồ sơ năm nay tập trung ở các lĩnh vực: công nghệ thông tin, chuyển đổi số và tự động hóa; công nghệ y-dược và công nghệ vật liệu mới. Phần lớn các ứng viên tham gia là các nhà khoa học trẻ đang học tập, nghiên cứu ở các cơ sở giáo dục đại học, các trung tâm nghiên cứu trong cả nước và ở nước ngoài.
Danh sách 10 Quả cầu vàng năm 2022
Căn cứ quy chế và đề xuất của Hội đồng bình chọn Giải thưởng, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã quyết định trao Giải thưởng năm 2022 cho 10 tài năng trẻ xuất sắc nhất:
Lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số và tự động hóa
1. Tiến sĩ Lương Văn Thiện, sinh năm 1992, giảng viên Khoa Công nghệ thông tin, Trưởng nhóm nghiên cứu AIoT Lab, Trường Đại học Phenikaa. Đây cũng là người trẻ tuổi nhất đạt Giải thưởng.
2. Tiến sĩ Lê Thanh Long, sinh năm 1988, giảng viên Khoa Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.
3. Tiến sĩ Lê Phạm Tuyên, sinh năm 1990, Trưởng nhóm nghiên cứu giải thuật, Phòng Nghiên cứu và phát triển, Công ty AgileSoDA, Hàn Quốc.
Lĩnh vực công nghệ y-dược
4. Tiến sĩ Trần Ngọc Đăng, sinh năm 1988, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ dự án và đổi mới sáng tạo, Trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh.
5. Tiến sĩ Phan Lê Minh Tú, sinh năm 1989, Phó Trưởng Bộ môn Y học chức năng-xét nghiệm y học, Khoa Y-Dược, Đại học Đà Nẵng.
Lĩnh vực công nghệ sinh học
6. Tiến sĩ Chu Đức Hà, sinh năm 1988, giảng viên Khoa Công nghệ nông nghiệp, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Lĩnh vực công nghệ môi trường
7. Tiến sĩ Trương Lâm Sơn Hải, sinh năm 1987, giảng viên Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.
8. Tiến sĩ Nguyễn Duy Đạt, sinh năm 1988, giảng viên Khoa Công nghệ hóa học và thực phẩm, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh.
Lĩnh vực công nghệ vật liệu mới
9. Tiến sĩ Lê Thị Phương, sinh năm 1988, nghiên cứu viên Viện Khoa học vật liệu ứng dụng, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam.
10. Tiến sĩ Trần Thị Như Hoa, sinh năm 1989, giảng viên Khoa Khoa học và công nghệ vật liệu, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.
Theo Ban Tổ chức, trong số 10 gương mặt đạt giải thưởng, nhiều cá nhân là chủ nhiệm đề tài khoa học công nghệ cấp quốc gia, có đề tài ứng dụng thực tế đem lại hiệu quả cao, có nhiều công trình khoa học chất lượng cao thuộc danh mục Q1, nhiều bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích đã được công nhận, nhiều giải thưởng, huy chương trong nước và quốc tế.
Mỗi cá nhân đoạt giải thưởng được nhận cúp Quả cầu vàng, giấy chứng nhận đoạt giải thưởng và huy hiệu "Tuổi trẻ sáng tạo" của Trung ương Đoàn kèm theo tiền thưởng.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google