Nhà trường và nhà giáo - cách tiếp cận tư duy tăng trưởng
Nhà trường và Nhà giáo cần một lối tư duy tăng trưởng về nhiệm vụ giáo dục trước xu thế toàn cầu hóa trong điều kiện Cách mạng công nghiệp 4.0
Nhìn về phía trước để đổi mới căn bản và toàn diện
Cuộc đời con người là một hành trình. Chất lượng cuộc sống và sự khỏe mạnh về tinh thần và thể chất của họ phụ thuộc hướng đi của hành trình đó. Thực chất hành trình cuộc đời là tiếp cận với tri thức mới (New Knowledge). Vì thế, hành trình theo dọc cuộc đời là Hành trình hướng tới tri thức (The Journey to get Knowledge), kết nối liền sau đó là Hành trình sáng tạo tri thức (The Journey for Creating Knowledge). Hai hành trình này gắn chặt hữu cơ với nhau.
Cứ sau một quãng đường đời thì hành trình khác sẽ tiếp nối, sao cho bất kỳ của thời kỳ lứa tuổi nào, con người cũng đi tìm tri thức và sáng tạo tri thức, tức là đưa điều hiểu biết từ tri thức thành kinh nghiệm của mình.
Cuộc sống và sức khỏe của giáo dục cũng theo quy luật đanh thép này. Một nền giáo dục của một thời đại phải là một nền giáo dục được xây dựng bằng chính những tri thức mới nhất của thời đại. Hành trình của giáo dục không ngoài việc tiếp cận với những tư tưởng, quan điểm, học thuật tiên tiến và từ đó sáng tạo ra những tri thức của chính mình.
Hành trình của giáo dục phụ thuộc hướng đi mà giáo dục lựa chọn. Giáo dục sẽ đứng trước nhiều con đường, nhưng hãy chọn con đường có tên gọi "Những xu hướng vĩ mô 2050" (Megatrends 2050), đừng đi vào những con đường mà người ta đã đi, bởi theo vết chân đã in dấu trên những con đường đó, giáo dục chỉ lẽo đẽo chạy theo họ mà không bao giờ đuổi kịp.
Đi theo các megatrends, đừng quay đầu nhìn lại quá khứ. Quá khứ chỉ bao gồm những kinh nghiệm của một thời dĩ vãng, dù nó có hay, có quý đến đâu thì cũng không thể bê nguyên xi vào dùng trong nền giáo dục hiện đại.
Đúng là như vậy, giáo dục truyền thống luôn đòi hỏi các tri thức đưa vào chương trình đào tạo phải tuân thủ nguyên tắc thứ tự, trong khi hành trình tri thức ngày nay lại thâu tóm tri thức theo nguyên tắc kết nối.
Để hiểu điều này, hãy suy ngẫm một chủ đề mà nhà tương lai học, ông John Naisbitt – tác giả best-seller của Megatrends and Megatrends 2000, đã viết: "Thứ tự là kẻ thù của kết nối".
Ông viết một đoạn khá thú vị: "Các thầy cô giáo chúng ta dạy môn lịch sử theo trình tự thời gian. Quá khứ được xếp theo năm tháng và quốc gia. Chúng ta có thể đọc vanh vách những ngày tháng, sự kiện nhưng không nhìn thấy chúng kết nối và ảnh hưởng lẫn nhau như thế nào. Chúng ta chỉ biết một cuộc diễu hành lịch sử lùi dần về quá khứ. Các nhà sử học và các nhà bình luận thường dùng một chuỗi ngăn nắp các sự kiện, bước này theo sau bước kia để lý giải quá khứ. Nhưng, quá khứ, hiện tại và tương lai là một bụi rậm đung đưa, đan xen vào nhau. Chúng ta phải bước qua cuộc sống trong một thế giới giống như Salman Rushdie nói: "Giờ đây ăn quá sâu vào nhau", "muốn giải thích một vụ giết người ở California, bạn phải hiểu lịch sử của Kashmir (Vùng đất phía Bắc của Nam Á, phía Nam của Trung Á). Chỉ có các thống kê là có thể ngoại suy – chứ tương lai thì không – và ta biết rõ chúng có thể được làm để bóp méo bức tranh như thế nào. Kết nối mang tính trực giác hơn là sự tính toán.
Mỗi đột phá lại phá vỡ các lối tư duy. Đó là đặc tính của thay đổi. Khám phá là vượt lên những gì sẵn có. Táo chín lúc nào cũng rụng xuống đất, nhưng Isaac Newton lại nhìn thấy "tầng ý nghĩa sâu hơn": Lực hấp dẫn của Trái Đất.
Đi theo các megatrends, chớ đứng liếc ngang khi hai bên đường đang có những điểm sáng lấp lánh. Đừng bị mê hoặc về những gì người ta đang làm và làm rất tốt. Bằng lối tư duy của chính mình, và cũng bằng cách làm của chính mình, ta tạo ra sản phẩm có nét riêng, không lặp lại cái người khác đã có.
André Dazin, thành viên của Câu lạc bộ Roma đã nói: Chớ đừng bị các nước khác thôi miên về những gì họ đã làm, và đừng ăn cắp mô hình của người ta. Cần phải làm ra mô hình theo ý ta và bằng những nhân cách do ta đào tạo.
Tôi tâm đắc với ý kiến này. Cái lối học mót, ăn cắp để biện minh cho ý đồ thiếu trong sáng có không ít trong ngôi nhà giáo dục của chúng ta. Khi tăng học phí, tăng giá sách giáo khoa quá khả năng túi tiền của người lao động thu nhập thấp bị dân phản ánh thì người ta bảo rằng, ở Mỹ, ở Canada… học phí rất cao, so với ta thì học phí của Việt Nam hiện thấp hơn. Mới nghe, có vẻ hợp lý, song nghĩ lại, hình như không phải vậy. Học phí ở Mỹ cao, nhưng nó không làm khó túi tiền của cha mẹ học sinh, còn học phí ở Việt Nam cao đang làm giảm hoặc làm mất đi khoản chi phí của gia đình nghèo cho sinh hoạt văn hóa hoặc làm cho họ rơi vào Human Poverty Index – HPI (Chỉ số nghèo tổng hợp).
Các quốc gia giàu có in sách giáo khoa phổ thông, và họ dặn trẻ em dùng sách cẩn thận để sau năm học đem bán đi, lấy tiền mua sách giáo khoa mới. Chúng ta là quốc gia chưa giàu, in sách giáo khoa chỉ dùng một năm. Cách xài sang này hình như các quốc gia giàu có không học tập, mà chê là chính.
Trong một phiên họp Hội đồng Quốc gia giáo dục (Cách đây dăm bảy năm), thành viên Hội đồng – giáo sư Nguyễn Xuân Hãn đưa ra số liệu: Tiền phụ huynh học sinh bỏ ra mua sách giáo khoa cho con xấp xỉ tiền thuế nông nghiệp mà nông dân ta đóng trong một năm! Trong khi đó, ở bìa lót cuối của các sách giáo khoa phổ thông của Nhật Bản đều in mấy dòng chữ: "Các bạn hãy giữ gìn cẩn thận cuốn sách giáo khoa này vì nó được in bằng tiền thuế của nhân dân."
Bối cảnh của việc đổi mới mô hình Nhà trường và mô hình Nhà giáo trong giai đoạn 2025-2035
Sự phát triển công nghệ thông tin và sự sáng tạo ra Internet đã khiến nền giáo dục truyền thống và hệ thống trường học của nền giáo dục đó phải lui vào quá khứ.
Ngày 29/10/1969, mạng truyền tải dữ liệu và âm thanh đầu tiên trên thế giới hoạt động. Người đưa ra ý tưởng này chính là Joseph Carl Robnett Licklider, người được nhân loại coi là "cha đẻ" của Internet. Và rồi Internet kết nối vạn vật (Internet of Things – IoT) trở thành yếu tố kỹ thuật then chốt, cùng với Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI), In đắp dần hay còn gọi là In 3D, Dữ liệu khổng lồ (Big Data) đã thúc đẩy cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (Industry 4.0) xuất hiện, thay thế Cách mạng công nghiệp 3.0, đưa kinh tế tri thức lên ngôi thay kinh tế công nghiệp.
Trong điều kiện ấy, nền giáo dục truyền thống và hệ thống trường lớp của nó đứng trước một bối cảnh phát triển chưa từng có trong phạm vi toàn cầu.
Sự bùng nổ thông tin và tri thức
Khi Internet lên ngôi, nó đã dẫn đến sự bùng nổ thông tin (Information Explosion) như một hiện tượng kỳ thú đặc biệt trong xã hội loài người.
"Bùng nổ thông tin" là thuật ngữ đặc trưng cho sự gia tăng mạnh mẽ các sản phẩm thông tin, tư liệu và các tạp chí khoa học trên thế giới trong mấy chục năm gần đây.
Gia tốc phát triển và tăng trưởng các tạp chí trên thế giới làm loài người ngạc nhiên bởi sự sản xuất ra những tri thức mới đã quá sức tưởng tượng của bất cứ ai. Từ đầu thế kỷ XX đến năm 1972 đã có tới 170.000 ấn phẩm định kỳ. Trong năm 1970, trung bình mỗi ngày có 600 tài liệu khoa học được công bố (cả năm có khoảng 2.000.000 tài liệu/ năm). Đến năm 1985, số tài liệu khoa học được in đã tăng lên 5 lần. Hiện tượng này không có trạng thái bão hòa. Nó cứ tiếp tục tăng lên. Đến khi Internet và các mạng xã hội xuất hiện thì tốc độ gia tăng tri thức đạt tới mức độ chóng mặt.
Tổ chức Liên hiệp giáo dục Quốc gia Mỹ nhận xét: "Từ Thiên Chúa giáng sinh đến năm 1750, tri thức loài người mới tăng gấp đôi. Việc tăng gấp đôi lần thứ hai được thực hiện trong 150 năm sau đó (1900). Việc tăng gấp đôi lần thứ ba chỉ cần đến 50 năm (1950). Và việc tăng gấp đôi lần thứ tư chỉ mất đúng 10 năm (1960). Tính trung bình, cứ 50 năm thì tri thức khoa học tăng lên 10 lần.
Cùng với sự phát triển nhanh chóng của các tri thức khoa học, tốc độ ứng dụng các tri thức vào đời sống cũng được rút ngắn. Thời gian tính từ khi hình thành một ý tưởng đến khi ra đời một công nghệ ngày càng co lại. Chẳng hạn, để áp dụng nguyên tắc chụp ảnh phải mất hơn 100 năm (1724-1839); Để thực hiện ý tưởng liên lạc bằng điện thoại phải mất hơn 50 năm (1820-1876); thời gian đưa ý tưởng khoa học vào ứng dụng vào đời sống trong lĩnh vực kỹ thuật vô tuyến là 35 năm (1867-1902); Ra-đa: 15 năm (1925-1940); Vô tuyến truyền hình: 12 năm (1922-1934); Kỹ thuật bán dẫn: 5 năm (1948-1953); Vi mạch điện tử: 3 năm (1958-1961); và chu kỳ này vẫn có xu hướng rút ngắn nữa.
Trong xã hội bùng nổ thông tin, tri thức được đưa vào các chương trình đào tạo tại các bậc học, cấp học rất mau chóng bị lão hóa. Những kiến thức mà sinh viên tiếp nhận ở năm thứ nhất đại học sẽ có thể lạc hậu khi anh sinh viên đó tốt nghiệp và ra trường. Có nhiều trường hợp một tác phẩm khoa học vừa in ra đã thấy có trong ấn phẩm một số nội dung nào đó đã lỗi thời.
Nhưng, xin đừng vin vào điều này mà mỗi năm lại in sách giáo khoa trước mỗi năm mới. Đã có những quốc gia chỉ biên soạn Chương trình đào tạo, còn thiết kế bài học thì giáo viên phải đảm nhiệm trên cơ sở tìm kiếm nội dung trên Internet hoặc trong tài nguyên giáo dục mở (Open educational Resources).
Trong khi giáo dục phải lo cho mình năng lực thích ứng với hiện tượng bùng nổ thông tin thì lại phải đối mặt với thế giới VUCA đang gia tăng áp lực trước cuộc sống mỗi con người.
VUCA là tên của một thế giới có những biến động nhanh chóng và khó lường với 4 đặc điểm:
Sự biến động - Volatility
Trong những thập kỷ gần đây, thế giới đầy những biến động của môi trường tự nhiên và xã hội. Những biến động này thể hiện cả ở chiều rộng lẫn chiều sâu. Người ta đón chào thế kỷ XXI với bao ước vọng về một thế giới hòa bình và chung sống trong ngôi nhà toàn cầu.
Song giờ đây, nhân loại nín thở trước nguy cơ thế chiến III mà cuộc chiến đẫm máu Nga – Ucraina, Israel – Hamas… đã ở bờ vực chiến tranh hạt nhân. Hậu quả sẽ không dừng lại ở hủy diệt, mà là tuyệt diệt đối với nhân loại. Đây chỉ là một trong những biến động của thế giới hiện đại.
Sự bất định - Uncertainty
Trong một môi trường biến động liên tục, việc dự đoán về tương lai là vô cùng khó khăn. Các doanh nghiệp khó mà lường hết được những khó khăn nào sẽ bùng phát để có kế hoạch đối phó và để bảo vệ sự tồn tại bền vững của mình.
Ngay trường học cũng vậy, hôm qua trời đẹp, hứa hẹn việc trang bị cơ sở vật chất sẽ mỹ mãn, nhưng hôm nay một trận mưa lớn đã tạo ra lũ quét, biến khu trường thành đống gạch đổ nát. Tất cả quay lại vạch xuất phát ban đầu.
Sự phức tạp - Complexity
Trong một thế giới biến đổi khó lường và đầy sự bất định, đời sống con người phải chịu những sự tác động đa dạng, đa chiều, tích cực có nhưng tiêu cực không kém, hỗ trợ nhiều nhưng loại trừ cũng lắm. Nhìn vào sự bùng phát đại dịch COVID-19 là đủ thấy sự phức tạp này.
Dịch bệnh SARS-COV-2 gây chết chóc hàng vạn người trong vài ngày nhưng không có hi vọng gì có một môi trường Zero COVID. Dịch bệnh vừa được dẹp ở mức độ tạm ổn thì hàng vạn doanh nghiệp bị xóa sổ, nền kinh tế suy giảm. Không ít trường học vô cùng vất vả để vực lại chất lượng đào tạo về mức trước đại dịch.
Sự mơ hồ - Ambiguity
Trong thế giới biến động, bất định và phức tạp, con người tiến hành sản xuất, kinh doanh hay dịch vụ rất ít khi thấy những yếu tố nào sẽ cản trở hoạt động của mình bởi nó đứng ngoài tầm kiểm soát. Một doanh nghiệp muốn nâng cao năng lực lãnh đạo và quản trị tổ chức của mình, nhưng không thấy rõ được khởi đầu từ đâu.
Một trường học muốn số hóa nhưng không nhìn thấy được những công nghệ học tập nào cần ưu tiên và nguồn lực để thực hiện từ đâu và có chắc chắn không… Những rủi ro trong công việc không lường trước được là mối lo ngại mà con người từ đó không quyết đoán được hành động của mình.
Để mau chóng thích ứng với thế giới VUCA, nhiều nhà khoa học giáo dục và sư phạm khuyến cáo rằng, trong các chương trình đào tạo của trường phổ thông các cấp, cần có những nội dung và phương pháp để hình thành và phát triển những kỹ năng sau đây:
Kỹ năng hợp tác (Collaboration);
Kỹ năng giao tiếp (Communication);
Kỹ năng tư duy phản biện (Critical Thinking);
Kỹ năng sáng tạo (Creativity);
Kỹ năng học tập suốt đời (Lifelong Learning).
Đối tượng học trong hệ thống giáo dục phổ thông đã có những đặc điểm tâm lý và sinh lý khác nhiều so với những lớp học sinh trước đây. Hầu như học sinh học Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông hiện nay là những nhi đồng, thiếu niên và thanh niên thuộc 2 thế hệ Z và thế hệ Alpha.
Theo sự phân loại các thế hệ người của những nhà nhân khẩu học trên thế giới hiện nay thì thế hệ trẻ nhất là Thế hệ Alpha (Generation Alpha – Gen A), sinh ra trong khoảng thời gian 2013-2027. Thế hệ trước liền kề là Thế hệ Z (Generation Z-Gen Z), sinh ra trong khoảng thời gian 1997-2012.
Gen A có nhiều tên gọi khác nhau như thế hệ màn hình (Screen Generation), thế hệ kính (Glass Generation), thế hệ màn hình tương tác (Interactive Screen Generation). Đặc trưng cơ bản nhất của Gen này là ngay từ khi sinh ra đã được sống giữa những sản phẩm của công nghệ thông tin hiện đại như các loại hình điện thoại di động thông minh (Smartphone), máy tính bảng, iPad, máy tính bàn, TV thông minh v.v… Đây là thế hệ có kỹ năng số (Digital Skills) rất sớm, gần như là người có kỹ năng số bẩm sinh (Digital Native).
Gen Z có nhiều tên gọi khác nhau như thế hệ của thời đại kỹ thuật số (Homeland Generation), thế hệ điện tử (iGeneration), thế hệ mạng (Net Generation), thế hệ mạng thông tin toàn cầu (Internet Generation), thế hệ của thế kỷ (Centennial Generation), thế hệ đa nguyên (Pluralist Generation) v.v… Đây là thế hệ "tạo ra nhiều xu hướng mới" trong cuộc sống, làm cho cuộc sống đa sắc màu hơn thế hệ cha anh, phát triển nhanh những kỹ năng số và có khả năng nắm bắt, sử dụng ngoại ngữ. Chính vì vậy, thế hệ này lớn lên không bị những rào cản về ngôn ngữ khi họ tiếp xúc với người nước ngoài.
Gen Z và Gen A đang là đối tượng đang được nuôi dạy, giáo dục và đào tạo từ nhà trẻ, mẫu giáo đến các cấp học phổ thông và giáo dục đại học.
Bảng: Các thế hệ học sinh, sinh viên năm học 2024-2025
Loại hình trường | Lớp | Năm sinh | Thế hệ |
Nhà trẻ | Nhóm trẻ từ 6 tháng đến 1 năm | 2024 | Alpha |
Nhóm trẻ 2 tuổi | 2023 | ||
Mẫu giáo | Mẫu giáo nhỏ | 2022 | Alpha |
Mẫu giáo nhỡ | 2021 | ||
Mẫu giáo lớn | 2020 | ||
Tiểu học | Lớp 1 | 2019 | Alpha |
Lớp 2 | 2018 | ||
Lớp 3 | 2017 | ||
Lớp 4 | 2016 | ||
Lớp 5 | 2015 | ||
Trung học cơ sở | Lớp 6 | 2014 | Alpha |
Lớp 7 | 2013 | ||
Lớp 8 | 2012 | Z | |
Lớp 9 | 2011 | ||
Trung học phổ thông | Lớp 10 | 2010 | Z |
Lớp 11 | 2009 | ||
Lớp 12 | 2008 | ||
Đại học | Năm thứ nhất | 2007 | Z |
Năm thứ hai | 2006 | ||
Năm thứ ba | 2005 | ||
Năm thứ tư | 2004 |
Một hệ thống Nhà trường vẫn đào tạo các lớp học trò hiện nay theo các sách giáo khoa hoặc các giáo trình đã dùng cho thế hệ học sinh, sinh viên mà lúc này đã là cha mẹ hay anh chị của Gen A và Gen Z; một hệ thống Nhà giáo đã dạy các lứa học trò hiện đã là phụ huynh của Gen A và Gen Z nay vẫn mang lý luận dạy học được học từ mươi, mười lăm năm trước để áp dụng vào lũ trẻ này thì e là không được.
Hãy nghe John Deway cảnh báo: "Nếu chúng ta dạy học sinh hôm nay như chúng ta dạy ngày hôm qua thì chúng ta sẽ cướp đi ngày mai của chúng".
Trong giai đoạn 2021-2030, cả nước đang triển khai Quyết định số 1373/QĐ-TTg (30/7/2021) của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030".
Xã hội học tập (Learning Society) là một mô hình giáo dục mở (Open Education), trong đó mọi công dân, không phân biệt tuổi tác, giới tính, trình độ học vấn, cương vị xã hội, dân tộc và tôn giáo đều phải thực hiện nghĩa vụ học tập suốt đời để thích ứng với sự phát triển của nền kinh tế tri thức (Knowledge Economy). Trong giai đoạn hiện nay ở nước ta, hệ thống trường học và toàn bộ các hoạt động của Nhà trường phải thực hiện chương trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
Đặc trưng của xã hội học tập thể hiện ở 6 điểm sau:
- Toàn dân học tập từ giáo dục cơ sở đến giáo dục đại học. Nhà nước khuyến khích mọi người dân tự học và tạo điều kiện cũng như cơ hội để việc tự học đó tiếp cận với học vấn đại học.
- Đưa việc học tập suốt đời vào từng gia đình và từng cộng đồng.
- Việc học tập của từng người phải đạt hiệu quả vì công việc tại nơi làm việc.
- Mọi người đều phải có năng lực sử dụng những công nghệ học tập hiện đại để học tập dưới các hình thức offline và online, thực hiện học mọi lúc mọi nơi (Ubiquitous Learning), học kịp thời khi có nhu cầu (By day Learning).
- Nâng cao chất lượng của việc học tập, sao cho mỗi người đều có năng lực thực sự để khởi nghiệp, lập nghiệp, phát triển sản xuất tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống văn hóa…
- Xây dựng văn hóa học tập suốt đời.
Tất cả công dân trong xã hội học tập phải phấn đấu để trở thành công dân học tập (Learning Citizen), công dân số (Digital Citizen) trong thời đại số. Nhà nước khuyến khích mỗi công dân học tập để có đủ năng lực và phẩm chất của công dân toàn cầu (Global Citizen).
Trong xã hội học tập, mọi tổ chức của Chính phủ cũng như của các lực lượng xã hội, doanh nghiệp, trường học, lực lượng quân đội và công an… đều phải phấn đấu đưa học tập suốt đời tới các thành viên của mình. Người ta gọi đó là những tổ chức học tập (Learning Organization), và trong Quyết định 1373/QĐ-TTg thì gọi đó là Đơn vị học tập.
Đến đây có một câu hỏi đặt ra.
Nhà trường của chúng ta có phấn đấu để trở thành Đơn vị học tập không? Nhà giáo chúng ta có phấn đấu để trở thành công dân học tập không?
Có lẽ kết quả đổi mới giáo dục triệt để nhất, cơ bản nhất là ở việc trả lời câu hỏi trên, bởi khước từ danh hiệu này thì "Nhà trường" và "Nhà giáo" làm sao có thể đào tạo thế hệ A và Z trở thành công dân học tập, công dân số hay công dân toàn cầu!
Nhà trường và Nhà giáo cần một lối tư duy tăng trưởng về nhiệm vụ giáo dục trước xu thế toàn cầu hóa trong điều kiện Cách mạng công nghiệp 4.0
Những thách thức và những căng thẳng mà Nhà trường, Nhà giáo sẽ phải giải quyết trong quá trình giáo dục, giảng dạy, đào tạo thế hệ trẻ
Trong Báo cáo với tiêu đề "Học tập – Một kho báu tiềm ẩn" của Ủy ban Quốc tế về phát triển giáo dục thế kỷ XXI trình lên UNESCO có nói tới những căng thẳng diễn ra trong giáo dục.
Căng thẳng giữa toàn cầu và cục bộ: Toàn cầu hóa đòi hỏi con người phải trở thành công dân toàn cầu, nhưng các quốc gia đều không muốn công dân của mình không mất gốc. Để giải quyết vấn đề này, một mặt phải làm cho thế hệ trẻ hiểu sâu sắc lịch sử của dân tộc mình, nền văn hóa của dân tộc mình, đồng thời hiểu lịch sử của các dân tộc khác, tôn trọng các nền văn hóa khác, tôn trọng sự khác biệt, sự đa dạng của loài người.
Đã đến lúc, đứng trước sự khác biệt, mọi người không chỉ nói: "Tôi khoan dung" (I'm tolerant), mà còn phải nói: "Tôi tôn trọng" (I respect).
Căng thẳng giữa kiến thức có hạn trong tài liệu học tập và sự gia tăng tri thức dường như vô hạn trong xã hội hiện đại. Thời gian dành cho giáo dục phổ thông không thể kéo dài tùy ý, kiến thức phổ thông chỉ là giọt nước trong biển cả kiến thức nhân loại. Trước sự căng thẳng này, vấn đề đầu tiên là cả thầy và trò đều phải thực sự thấu hiểu câu nói của Isaac Newton:
"What we know is a drop/What we don't know is an ocean."
(Điều ta biết là một giọt nước/Điều ta chưa biết là một đại dương).
Đừng bao giờ dạy cho học sinh rằng sách giáo khoa và các giáo trình là duy nhất đúng và đủ để làm người, từ đó coi thường chân lý đích thực đang nằm ngoài khuôn viên nhà trường, đang ở trong kho tàng tri thức của nhân loại.
Trong thời đại ngày nay, học vấn phổ thông chỉ là giấy thông hành vào đời. Trong tay học trò tốt nghiệp trung học phổ thông là một mảnh bằng. Đó chỉ là giấy chứng nhận để học sinh nộp đơn vào trường đại học hoặc trường đào tạo nghề.
Trước căng thẳng này, cả thầy lẫn trò đều phải học liên tục, học thường xuyên, học trong suốt cuộc đời.
Nhà trường phổ thông phải dạy cho học trò của mình "Học cách học (Learning how to learn) và lấy tự học làm cốt.
Căng thẳng giữa phổ biến và riêng lẻ
Cho tới thời điểm hiện tại, việc dạy học vẫn theo cách tổ chức học sinh thành từng lớp, học cùng một bộ sách giáo khoa, nhưng nền giáo dục dân chủ lại yêu cầu mỗi học sinh luôn là một nhân cách độc lập, có cá tính riêng, được phát huy đầy đủ những năng lực tiềm ẩn trong nó. Mỗi học sinh cần được thể hiện tiếng nói của nó, thiên hướng của nó trong việc lựa chọn tương lai của nó. Nhà giáo là người giúp học sinh tự kiến tạo học vấn của nó, kiến tạo lối đi vào tương lai bằng năng lực khởi nghiệp của chính nó. Nhà giáo giống như một nhạc trưởng đứng chỉ huy hàng chục nhạc công khi trình bày một tác phẩm âm nhạc. Sự thành công của bài trình diễn là kết quả hòa hợp âm thanh của nhiều loại kèn đồng như Trumpet, Trombone, Saxophone, Clarinet… các bộ gõ, các loại đàn Accordion, Violon, Guitar điện, Organ…
Dạy học cho nhóm, nhưng lại cá nhân hóa mới là lối dạy học hiện đại. Một lớp học tạo ra một lứa học sinh nghĩ như nhau, nói giống nhau, thuộc lòng sách giáo khoa và mỗi lời nói của thầy là một tín điều là một lớp học thất bại.
Căng thẳng giữa truyền thống và hiện đại
Nhà trường truyền thống của chúng ta đã từng làm cho nền giáo dục trở thành một vườn hoa tươi đẹp của Chủ nghĩa xã hội. Nhưng, nếu chỉ vì thế mà ta níu kéo sự tồn tại của Nhà trường khi nó cần hòa vào dòng chảy hiện đại hóa thì nó nhanh chóng lỗi thời.
Trong khi giáo dục cần phải nhanh chóng trở thành một hệ thống MỞ thì nhiều nhà trường vẫn cố giữ tính khép kín; trong khi thế giới đang muốn đánh giá kết quả học tập của học sinh bằng năng lực thực sự của nó thì Nhà trường của ta vẫn chạy theo thi cử để đánh giá trí nhớ theo số lượng các năm học; Trong khi chương trình học tuyên bố cấp Trung học phổ thông là cấp hướng nghiệp thì hầu như trong nhà trường không hề có tư liệu nói về những nghề mới nào sẽ xuất hiện vào cuối thập niên 2021 – 2030, đồng thời sẽ có bao nhiêu nghề và việc làm sẽ biến mất khỏi thế giới trong giai đoạn này, sẽ có bao nhiêu việc làm mà người lao động bị robot thông minh thay thế và muốn có chân trong việc làm cũ, anh ta cần trang bị những kỹ năng nào…
Nhiều nhà trường vẫn giữ nguyên mẫu của trường học truyền thống, trường Sư phạm chậm chạp xây dựng mô hình nhân cách nhà giáo thời kỳ chuyển đổi số… Mọi việc cứ từ từ, không vội vàng.
Nhà trường và nhà giáo hình như không nghe thấy lời cảnh tỉnh của Klaus Schwat:
"In the New World, it is not the big fish which eats the small fish, it's the fast fish which eats the slow fish". (Trong thế giới mới, không còn là cá lớn nuốt cá bé, mà là cá nhanh nuốt cá chậm).
Một số việc Nhà trường và Nhà giáo nên làm sớm
Để giải quyết những căng thẳng trên đây (thực ra, còn nhiều căng thẳng hơn thế), cần phải có lối tư duy tăng trưởng (Growth Mindset) để nhìn nhận tình hình và xác định các giải pháp cần thiết.
Nhà trường và Nhà giáo phải giúp học sinh có ý thức học tập suốt đời ngay từ khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, có kỹ năng tự học và xác định hướng đích của việc học như sau:
- Học tập để có năng lực làm tốt những công việc được giao, nhất là những công việc trong nghề nghiệp tương lai của mình.
- Học tập để thích nghi với môi trường luôn luôn thay đổi nhanh chóng và bất thường.
- Học tập để đổi mới, sáng tạo, tìm ra cho mình một lối đi riêng, không đi theo vết chân trên đường mòn của người khác.
- Học để đi tiên phong, đi nhanh, đi trước trong sự nghiệp.
- Học để tạo ra sự khác biệt, không lặp lại bất kỳ ai.
Đó là cách học tập vì sự phát triển, là kết quả cần thiết của lối tư duy phát triển (hay còn gọi là tư duy tăng trưởng).
Trên hành trình đổi mới triệt để, Nhà trường và Nhà giáo phải bảo đảm tính dân chủ của giáo dục. Chí ít nhà trường và nhà giáo phải làm được việc dưới đây:
- Tôn trọng tiếng nói và quyết định việc học tập, nghề nghiệp tương lai và khát vọng sống của từng học sinh.
- Nội dung dạy học và giáo dục phải phát triển năng lực "đa trí tuệ", nghĩa là làm nảy nở ở chúng những tổ hợp trí tuệ khác nhau, nuôi dưỡng sự cân bằng của nhiều trí tuệ để phát triển hài hòa năng lực và đức độ trong nhân cách học sinh.
- Giáo dục học sinh nên được hiểu là học tập tự do, có chủ đích, có tổ chức, có cơ hội và điều kiện phát triển mọi năng lực sẵn có.
Trong nửa sau của thập niên 2021-2030 này, nhà trường phải thực sự và nhanh chóng thực hiện mấy việc sau:
- Thực hiện có hiệu quả chiến dịch toàn cầu #ENDviolence của UNICEF về chống bạo lực học đường. Nhà trường phải cương quyết nói "Không" với nạn bạo lực này đang khá trầm trọng ở nhiều nơi.
- Làm "xanh hóa" trường học, thực hiện tốt khẩu hiệu Net Zero, xây dựng nhà trường sống thân thiện với môi trường, giáo dục học sinh có tư duy xanh và lối sống xanh với một chương trình phù hợp.
- Xây dựng Chương trình "Sức khỏe học đường" chăm lo cho đời sống vật chất và tinh thần của học sinh, nhà giáo và cán bộ, nhân viên trong trường. Mục tiêu nâng cao tầm vóc cho học sinh phải được coi trọng như một yêu cầu của một chiến lược lâu dài.
- Nhà trường phải đi nhanh trong chuyển đổi số, trên nền tảng số, xây dựng các mô hình trường học khác nhau tùy vào yêu cầu cụ thể ở mỗi địa phương như trường học số, trường học xanh, trường học thông minh, trường học hạnh phúc.
Nhà trường và Nhà giáo phải cương quyết phản đối và tránh xa những cách làm chệch hướng khá phổ biến trong giáo dục hiện nay:
- Thương mại hóa giáo dục, biến nhà trường thành nơi mua bán tri thức, bằng cấp, tạo nên nhiều tiêu cực làm mất lòng dân.
- Không ít nơi, cả thầy lẫn trò đều bằng lòng với vốn kiến thức có sẵn, ngại học thêm, đứng ngoài cuộc vận động xây dựng mỗi người dân thành một công dân học tập, mỗi tập thể thầy, cô giáo thành một đơn vị học tập, mỗi gia đình thầy giáo, cô giáo và học sinh là một gia đình học tập.
- Trong phong trào khuyến học, nhiều thầy cô giáo không quan tâm đến việc học tập thường xuyên của người lớn. Các lớp học của Trung tâm học tập cộng đồng, các sinh hoạt để chia sẻ tri thức cho người lớn do thư viện, nhà văn hóa, câu lạc bộ… tổ chức với mục đích nâng cao trình độ học vấn cho cán bộ, công chức, viên chức ở địa bàn cơ sở thường thiếu sự tham gia, đóng góp của Nhà trường và Nhà giáo. Chức năng xã hội của Nhà trường chưa được phát huy.
Nhà trường vẫn khép cánh cửa trước việc học tập của dân chúng.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nha-truong-va-nha-giao-cach-tiep-can-tu-duy-tang-truong-179241213162035476.htm