Xây dựng trường học hạnh phúc từ những điều rất nhỏ
Giáo viên yêu thương học trò bằng cả trái tim và lòng nhân ái, luôn lắng nghe để thấu hiểu học sinh, không ngừng thay đổi chính mình… chính là những hành động nhỏ bé nhưng rất thiết thực để góp phần tạo nên một trường học hạnh phúc.
Lắng nghe học sinh từ những điều nhỏ nhất
Thầy giáo Trần Văn Hiếu, giáo viên chủ nhiệm lớp 9A1 Trường liên cấp QTHSCHOOL (Thanh Hoá) cho rằng, để học sinh thực sự cảm thấy mỗi ngày đến trường là một ngày vui thì thầy giáo cô trước hết phải thấu hiểu học trò. Vì chỉ khi thấu hiểu các em thì giáo viên mới biết được điều mình đã, đang và sẽ làm có phù hợp với nguyện vọng, mong muốn hay cá tính của các học sinh hay không.
Không những thế, việc chủ động chia sẻ, hỏi han, trò chuyện cũng là điều hết sức cần thiết. Ban đầu có thể các em học sinh sẽ còn ngại ngùng, nhưng dần dần khi đã có lòng tin, các em sẽ chủ động kể chuyện khi gặp các vấn đề vương mắc.
Đồng quan điểm với thầy giáo Hiếu, cô giáo Nguyễn Thị Bảo Vy, Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) cũng cho rằng sự thấu hiểu và đồng cảm giữa giáo viên với học sinh hay giữa học sinh với nhau cũng là một trong những yếu tố quan trọng để tạo nên trường học hạnh phúc. Cô Vy cho biết cô đã tạo ra "voucher hạnh phúc" – một phần thưởng dành cho những em có nhiều tiến bộ trong nền nếp và học tập.
Cụ thể, trong suốt một tháng cố gắng, học sinh nào tích cực tham gia xây dựng bài, có tiến bộ trong học tập, giữ gìn vệ sinh lớp… sẽ được chọn một voucher hạnh phúc. Nếu muốn được ngồi cạnh bạn thân của mình, các em sẽ chọn voucher vị trí chỗ ngồi; muốn được cô giáo kể cho nghe một câu chuyện vào giờ ngủ trưa thì sẽ chọn voucher kể chuyện em nghe; nếu trong giờ ra chơi hôm đó các em muốn xem một bộ phim hoạt hình thì sẽ chọn voucher điều khiển giờ giải lao… Hoạt động này đã giúp cho học sinh vô cùng tích cực và hứng thú khi đến lớp.
Tổ chức nhiều hoạt động và tạo hứng thú trong tiết học
Vừa là giáo viên chủ nhiệm lại vừa phụ trách bộ môn Ngữ văn của lớp, thầy giáo Hiếu cho biết: "Thời gian gặp gỡ và tiếp xúc với học sinh lớp chủ nhiệm của tôi nhiều hơn so với các lớp khác. Đó vừa là lợi thế, đồng thời lại cũng là điểm cần lưu ý.
Vì gặp học sinh thường xuyên nên tôi có thể nhanh chóng nắm bắt tâm lí của các em, gần gũi và thấu hiểu nhanh hơn. Tuy nhiên, nếu ngày nào cũng lặp đi lặp lại những điều đã nói, những câu chuyện đã kể, những điều cần dặn dò thì học sinh rất dễ có cảm giác nhàm chán."
"Chính vì thế, tôi luôn cố gắng xây dựng tiết dạy của mình với nhiều phương pháp khác nhau. Chẳng hạn như học sinh sẽ được ứng dụng công nghệ thông tin trong việc làm bài thuyết trình, các em có quyền tự do lựa chọn chủ đề cũng như thành viên nhóm. Ở các tiết nói, tôi cho học sinh trình bày quan điểm cá nhân, từ đó các bạn khác trong lớp có ý kiến phản hồi để học sinh có cái nhìn đa chiều về một vấn đề".
Ngoài ra, thầy giáo Hiếu cũng cho rằng việc giáo dục giá trị cho người học cũng rất cần thiết để các em cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc. Chẳng hạn, thông qua các tiết học Ngữ văn hay Hoạt động trải nghiệm, thầy luôn dạy học sinh hài lòng về quá khứ, nuôi dưỡng sự biết ơn và tha thứ trong hiện tại và tương lai. Vì thầy giáo cho rằng lòng biết ơn là một trong những vấn đề quan trọng có thể cải thiện hạnh phúc tổng thể của từng cá nhân.
Giáo viên cần phải thay đổi
Chia sẻ về việc xây dựng trường học hạnh phúc, Tiến sĩ Nguyễn Thị Xuân Yến, Phó trưởng Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng bản thân mỗi thầy giáo cô cũng cần phải thay đổi.
Giáo viên cần lắng nghe nhiều hơn, đôi khi phải đặt mình vào vị trí của học trò để có thể thấu hiểu. Nếu giáo viên hạnh phúc thì học trò cũng sẽ hạnh phúc, vì năng lượng tích cực này sẽ được lan tỏa một cách mạnh mẽ.
Cô giáo Phạm Thị Bích Ngọc, giáo viên tiểu học trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, để tạo dựng trường học hạnh phúc, giáo viên cũng cần điều chỉnh cảm xúc và thái độ trước học sinh rất nhiều.
Cô Ngọc chia sẻ: "Tôi đã thay đổi, kiên nhẫn, lắng nghe các chia sẻ, cảm xúc của các con, dễ dàng bỏ qua các lỗi sai và dịu dàng hơn khi uốn nắn. Tôi nhìn vào mắt các con nhiều hơn, mỉm cười nhiều hơn. Tôi dành những cử chỉ âu yếm cho tất cả bọn trẻ.
Tôi bình tĩnh chờ đợi trẻ thay đổi từng ngày chứ không đặt ra các dấu mốc theo tuần, theo tháng như trước nữa. Từ sự thay đổi của tôi, các con cũng dần thay đổi và trở nên hợp tác hơn trong việc học cũng như thực hiện các nội quy của lớp, trường".
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/xay-dung-truong-hoc-hanh-phuc-tu-nhung-dieu-rat-nho-179240809093959223.htm