Nghìn năm khuyến học của người Việt. Bài 1: Khuyến học của người Việt từ góc nhìn Nho học

07:46 - 15/07/2022

Bàn về khuyến học của người xưa, bài viết này chỉ giới hạn thời gian lịch sử bắt đầu từ khi cha ông ta xây dựng Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho đến khi nền giáo dục Nho học chính thức kết thúc.

Từ nghìn năm trước, các triều đại phong kiến Việt Nam đã lập ra trường học với nhiều cấp học khác nhau. Từ khi là đứa trẻ đã được khai sáng bằng sách "Tam tự kinh", có câu: "Ngọc bất trác bất thành khí/Nhân bất học bất tri lý". Tạm dịch: Ngọc mà không được mài dũa thì không thành vật phẩm có giá trị; người mà không được học tập thì chẳng hiểu biết đạo lý ở đời.

Người dân tâm niệm phải cho con đến trường, cắp sách theo thầy, xin thầy "dăm ba chữ để thành người". Đạo lý đó được dân tộc trải nghiệm cả nghìn năm và hình thành nên một triết lý hằng đúng: "Học để làm người".

Cách đây 1022 năm, vào năm Thuận Thiên thứ 1 (1010), Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) thấy kinh đô của nhà Đinh ở Hoa Lư chật hẹp nên có ý định dời đô ra thành Đại La (Hà Nội ngày nay). 

Trong những lo toan dời đô, Lý Thái Tổ đã tính đến xây dựng một nền giáo dục và phát triển những tri thức Nho học và hoạt động của Nho giáo, nhất là việc đào tạo được những nhân tài phục vụ vương triều.

Năm Thần Vũ thứ hai (1070), Lý Thánh Tông (Lý Nhật Tông), hoàng đế thứ ba của triều Lý, đã cho xây Văn Miếu để thờ các bậc Tiên thánh, Tiên sư của đạo Nho và đồng thời còn coi đây là trường học Hoàng gia. Học trò đầu tiên là Lý Càn Đức, con trai Lý Thánh Tông. Sau này Lý Càn Đức lên ngôi vua (1072), trở thành vua Lý Nhân Tông.

Năm Anh Vũ Chiêu Thắng thứ nhất (1076), Lý Nhân Tông cho xây Quốc Tử Giám bên cạnh Văn Miếu. Có thể coi Quốc Tử Giám là trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Ban đầu, trường chỉ thu nhận con cái nhà vua và các bậc quyền quý vào học (vì thế mới gọi là Quốc Tử). Đến năm Nguyên Phong thứ ba (1253), vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh) - vị hoàng đế đầu tiên của Hoàng triều Trần nước Đại Việt, đổi Quốc Tử Giám thành Quốc Học Viện, cho mở rộng và thu nhận con cái nhà thường dân có sức học xuất sắc vào học. 

Đến đây có thể coi, chính sách khuyến học bắt đầu quan tâm đến việc học của dân chúng, tạo điều kiện để dân chúng đến với giáo dục bậc cao. Sự kiện này đã khích lệ người dân ngày càng quan tâm đến việc học hành.

Chính sách khuyến học qua các triều đại phong kiến sau khi xây dựng Quốc Tử Giám

Triều Lý, tuy triều đình chưa có những quy định chính thức về việc dạy Nho học và dùng chữ Hán, nhưng trong Hoàng tộc và gia đình của những đại thần vẫn chú ý việc dạy chữ Hán cho con cháu và coi trọng đạo Phật. 

Năm 1075, sau khi nhà vua xuống Chiếu tuyển Minh Kinh bác học và thi Nho học tam trường thì giáo dục nước ta có những chính sách lớn: Chính thức hóa vai trò và địa vị Nho giáo trong hệ thống đào tạo của Nhà nước; Dùng tri thức Nho giáo để đào tạo những vị vua sẽ tiếp nối sự việc; Lấy Nho giáo làm phương tiện để tuyển chọn đội ngũ quan lại.

Thật ra, đến đời Lý Công Uẩn (Thế kỷ XI), Nho học không còn điều là mới mẻ với nước ta, bởi trước đó, trong 1.000 năm Bắc thuộc, Nho giáo và Nho học đã ảnh hưởng không ít đến vùng đất Giao Châu rồi.

Vào Triều Trần, năm 1227, nhà Trần tổ chức thi Tam giáo (chọn người giỏi cả Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo) nhưng không xếp khoa thi này vào khoa thi Nho học. Triều đình đã đặt ra danh hiệu "Tam Khôi" trong thi cử, chọn người đứng đầu khoa thi làm Trạng Nguyên, người thứ nhì là Bảng Nhãn và người thứ ba là Thám Hoa. Việc học hành ở địa phương được mở rộng, số thí sinh các khoa thi tăng lên. Số trí thức Nho học thời đó lên tới hàng nghìn.

Một đặc điểm của những trí thức Phật giáo thời đó là họ không "lánh đời", ngược lại, khi đất nước lâm nguy, họ đã sẵn sàng nhập thế. Những người được đào tạo đã có được tư tưởng đại hiếu với dân, với nước.

Triều Lê Sơ dài gần 100 năm (1428-1526) có giáo dục phát triển mạnh. Nho giáo và Nho học được coi trọng, trở thành độc tôn. Chính sách độc tôn Nho giáo thể hiện rất rõ ở Sắc chỉ năm 1461 của vua Lê Thánh Tôn: "Chùa quán nào không có gạch cũ thì không được xây mới".

Năm 1463, nhà vua đích thân ra đề thi văn sách cho thí sinh thi Đình như sau:

"Các bậc đế vương thánh nhân thời thượng cổ thay Trời trị đời, đạo đó rất là thuần phác. Cho đến đời sau, thuyết Phật, Lão dấy lên mới bắt đầu có chuyện bàn về tam giáo, mà lòng người thật không còn như xưa. Giáo lý đạo Phật, đạo Lão hết thảy đều mê đời, lừa dân, che lấp nhân nghĩa, cái hại của nó không thể kể xiết mà lòng người vẫn rất ham, rất tin. Đạo của thánh nhân lớn là tam cương, ngũ thường, nhỏ thì thiết tiết văn độ số, trong cuộc sống hàng ngày đều có công dụng thiết thực nhưng tại sao lòng người lại không ham chuộng bằng đạo Phật, đạo Lão".

Thời Lê Sơ, giáo dục thể hiện ở mấy nét tích cực sau: Định ra những quy chế và thiết chế đào tạo rất chặt chẽ; Quy định rõ ràng về tài liệu học tập và về sự học, người thi các cấp quốc gia; Sử dụng Nho học để cân nhắc anh tài, sáng lập chế độ, mở mang bờ cõi, đào tạo khá đông đội ngũ Nho sinh. Nhiều thầy giáo và thầy thuốc xuất thân từ học sinh Nho học, hình thành nhiều gia đình và dòng họ khoa bảng.

Triều Mạc, Lê - Trịnh, Tây Sơn kéo dài trên 270 năm, kể từ khi Mạc Đăng Dung lên ngôi vua đến khi nhà Tây Sơn bị tập đoàn Nguyễn Ánh tiêu diệt. Đây là giai đoạn rất phức tạp về chính trị: Từ đời Mạc Đăng Dung đến Mạc Mậu Hợp có 5 vương triều, từ năm 1527 đến năm 1592. Các triều Hậu Lê từ Lê Trung Hưng đến Lê Chiêu Thống từ năm 1553 đến năm 1789 có 16 đời vua. Từ năm 1778 đến năm 1802 là triều Tây Sơn. Như vậy, các triều vua thời Hậu Lê đã song song tồn tại với nhà Mạc từ năm 1533 đến năm 1592 và với triều Trịnh - Nguyễn từ năm 1592 đến năm 1798.

Trong 270 năm này, Nho học vẫn được duy trì kể cả khi xảy ra nội chiến dài hơn 200 năm giữa tập đoàn họ Trịnh (Đàng ngoài, từ Bắc Quảng Bình ra phía Bắc) với tập đoàn họ Nguyễn (Đàng trong) vốn được xây dựng từ năm 1558.

Tuy chiến tranh liên miên nhưng ở phía Bắc, vương triều Lê - Trịnh vẫn mở ra 13 trường thi. Còn ở phía Nam, chúa Nguyễn cũng mở rộng Nho học và thi cử, song không mở trường công, mà để dân mở trường tư. Ban đầu, chúa Nguyễn không tổ chức thi mà dùng lối tiến cử. Về sau, chúa Nguyễn chủ trương duyệt tuyển, cho gọi học trò các huyện lên trấn dinh khảo thí để làm một số bài như thơ, văn sách. Đến năm 1646 thì mới tổ chức thi Chính đồ và Hoa văn.

Người đỗ Chính đồ sẽ tùy theo cách xếp hạng mà bổ vào các chức Tri phủ, Tri huyện, Huấn đạo…

Người đỗ Hoa văn thì bổ vào các Ty Xá sai, Lệnh sử hoặc Tướng thần (các ty chuyên làm ký lục, thu thuế).

Thời Tây Sơn rất ngắn hạn. Vua Quang Trung tuy rất chú ý chấn chỉnh giáo dục Nho học, song ông vì cuộc chiến liên miên, vào Nam ra Bắc để giải quyết mọi việc của đất nước, lại chủ trương không ở lại Bắc Hà nên việc cai quản đất Bắc phải nhờ vào các trí thức như Ninh Tốn, Ngô Thời Nhậm, Phan Huy Ích…, còn về giáo dục thì ủy quyền cho La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp.

Vì thế, trong 25 năm của triều đại Tây Sơn, Nguyễn Huệ chưa kịp làm gì cho giáo dục.

Triều Nguyễn, năm 1802, sau khi dẹp xong nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh và các triều vua kế tiếp đã gặp những bài toán rất khó để thống nhất đất nước. Các quốc gia lân cận như Xiêm (Thái Lan), Cao Miên (Campuchia)… thì bộc lộ sự khủng hoảng. Trong khi đó, các nước phương Tây nhòm ngó Trung Hoa như một miếng mồi béo bở và các giáo sĩ Bồ Đào Nha, Ý, Pháp cũng đã đặt chân đến đàng Trong, theo sau các nhà truyền đạo còn có những người đi tìm thuộc địa.

Nhà Nguyễn mở rộng sự học. Ngoài Quốc Tử Giám ở Trung ương còn có hệ thống trường công ở các tỉnh dưới sự chỉ đạo của Bộ Lễ. Đề cao Nho học, nhà Nguyễn mở Quốc học đường ở Kinh đô Huế (1821), sau đổi là Quốc Tử Giám. Năm 1847 và 1860, Quốc Tử Giám ở Huế được mở rộng và sửa chữa lớn.

Thời Minh Mạng, nhà vua công bố Huấn địch thập điều – một Thánh dụ, ban bố vào năm 1834, bao gồm 10 nội dung sau đây:

Đôn nhân luân: Đề cao luân thường

Chính tâm thuật: Giữ gìn lòng dạ ngay thẳng

Vụ bản nghiệp: Chăm lo nghề gốc

Thượng tiết kiệm: Thực hành đề cao tiết kiệm

Hậu phong tục: Làm cho phong tục tốt đẹp

Huấn tử đệ: Dạy bảo con em

Sùng chính học: Tôn trọng đạo Nho

Giới dâm thắc: Răn tránh gian tà, dâm dục

Thân pháp thủ: Chú tâm tuân thủ pháp luật

Quảng thiện hành: Làm nhiều điều thiện

Theo chỉ dụ của Minh Mạng, Bộ Lễ đã biên soạn và chú giải 10 điều trên đây, in thành nhiều bản để phát xuống tận xã, thôn. Chánh tổng và lý trưởng có nhiệm vụ tuyên đọc và giảng giải cho dân về nội dung của Huấn địch thập điều.

Đến triều Tự Đức, nhà vua đưa ra 4 danh hiệu để khuyến khích dân học tập mà thực hành. Đó là:

Hiếu tử: Làm con thì phải có hiếu

Thuận tôn: Cháu phải biết nghe lời ông bà

Nghĩa phụ: Làm chồng phải có nghĩa với vợ

Tiết phụ: Làm vợ phải giữ trinh tiết thờ chồng.

Cuối thế kỷ XIX, các trí thức đề nghị triều đình cải cách giáo dục

Một cố đạo người Pháp – Gauthier – dạy Nguyễn Trường Tộ tiếng Pháp rồi cho ông đi Singapore, Hương Cảng, Roma (Ý) và Paris (Pháp) để học các môn khoa học thường thức và thực nghiệm. Về nước, ông viết 30 điều trần dâng vua, trong đó có nhiều nội dung cải cách giáo dục:

Chấn hưng quốc gia bằng cải cách giáo dục

"Học để mà biết, biết để mà làm, làm những công việc thực tế trong đất nước hiện nay và để lại việc làm hữu dụng cho đời sau".

"Học thực dụng thì kết quả được thực dụng; học hư hèn thì rút cục sẽ phải hư hèn".

Chống lại tính chất lạc hậu và bảo thủ của Nho học

"Nền Nho học hư hèn và ngược đời vì học toàn chuyện xưa để sống và làm việc ở đời nay, học một thứ của Trung Quốc xưa để làm quan, làm dân nước Nam ngày nay".

"Nước ta trên cũng có trời che, cũng là một nước đàng hoàng, không phải là thuộc địa của Trung Quốc... Nước ta cũng có tổ tiên, cũng có vua quan lớp trước, những sự tích lưu truyền lại, ta có thể tìm những duyên cớ tại sao có được, có mất? Ta có thể nghiên cứu tại sao có trị, có loạn. Đó là những cái mà ta cần phải biết rõ nguồn gốc, lai lịch".

Phải học thực dụng, bỏ lối học tầm chương trích cú của Nho học

"Học là gì? Học tức là học cái chưa biết để mà biết, biết để mà làm. Nước ta chưa giàu mạnh sao không giảng võ cho mạnh? Dân ta chưa khôn sao không giáo dục cho khôn? Dân ta còn nghèo khổ sao không bày kế mưu sinh để cứu giúp họ hết nghèo khổ? Giặc ngoài hòng bắt dân ta làm nô lệ, cướp giật của cải của ta, sao không nhắc nhở nhau bày mưu tính kế để ngăn ngừa? Trong dân gian không biết luật lệ nên có nhiều người lỡ phạm, sao không lo cho họ biết để tránh cho đỡ phạm?"

Phát huy cái hay của mình, tiếp thu cái hay của thiên hạ

Có 6 nội dung cần học: Học lịch sử văn hóa dân tộc. Học kiến thức khoa học tự nhiên của thế giới hiện thời: Công nghiệp, nông nghiệp, địa chất, pháp lý..., đưa những kiến thức này vào chương trình giảng dạy trong nhà trường. Học chữ quốc âm. Học tiếng Pháp. Cử người đi học nước ngoài. Mở rộng hệ thống các trường học.

Triều đình Nguyễn bỏ ngoài tai những điều trần của Nguyễn Trường Tộ ngoài 2 việc sau: Cho 8 người đi Pháp học chế tạo tàu biển. 

Cử Nguyễn Trường Tộ đi cùng Giám mục Gauthier qua Pháp mua một số dụng cụ in, phong vũ biểu, máy phát điện, điện thoại, kính thiên văn, các loại acid sulfuric, một số sách về thuật đi biển và kỹ thuật điện.

Nhìn lại triều Nguyễn, giai đoạn 1802-1919 có 39 khoa thi, số lượng thí sinh rất đông, mặc dù những học sinh đi thi hầu hết là học trường tư ở làng, xã. Vì đông người dự thi nên triều đình phải hạn chế bằng cách quy định các xã chọn số người đi thi. Tuy vậy, có khoa thi Hội đã đông tới trên 6.000 người. Con số đó cho thấy các triều vua đã có chính sách khuyến học, nhưng cũng phải nói rõ hơn là, tinh thần hiếu học của dân Việt rất đáng nể phục.

                (Đón đọc Bài 2:  Góc nhìn khuyến học từ khi có chữ quốc ngữ)


Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nghin-nam-khuyen-hoc-cua-nguoi-viet-tu-goc-nhin-nho-hoc-1792207131727109.htm