Làn sóng giáo viên nghỉ việc: Khi hiệu trưởng là "vua con"
Một trong những nguyên nhân của làn sóng giáo viên nghỉ việc có thể kể đến hiện tượng mất dân chủ, hiệu trưởng lộng quyền, các giáo viên không có cơ hội làm việc trong môi trường của tổ chức học tập, phát triển.
Gõ cụm từ "hiệu trưởng vua con", Google cho ra khoảng 35 triệu kết quả tìm kiếm chỉ trong vòng 0,42 giây. Để thấy rằng, hiện tượng hiệu trưởng trường học lộng quyền, quan hệ giữa ban giám hiệu và giáo viên luôn có mâu thuẫn, bất hòa. Nhiều giáo viên vì không được sống và làm việc trong không khí sư phạm, dân chủ và đề cao chuyên môn, bên cạnh đó lại bị o ép nên nghỉ việc.
Những hiệu trưởng làm hoen ố môi trường sư phạm
Có thể liệt kê một số vụ việc hiệu trưởng vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc dân chủ trong cơ sở giáo dục, nhưng họ vẫn bình thân tại vị khiến dư luận xã hội quan tâm đến ngành giáo dục không khỏi ngao ngán. Nhiều hiệu trưởng không đạt tiêu chuẩn chuyên môn nghề nghiệp cũng như phẩm chất đạo đức, thiếu kinh nghiệm quản lý, làm hoen ố môi trường sư phạm vì tham nhũng, lãng phí, trù dập nhân sự.
Cá biệt có sự việc được lãnh đạo trong ngành giáo dục đánh giá là "vô tiền khoáng hậu" nhưng rồi một số cá nhân lộng quyền vẫn tai qua nạn khỏi.
Năm 2018, tập thể giáo viên Trường Trung học phổ thông Trần Quang Khải (Quận 11) treo băng rôn ngay trong trường, yêu cầu hiệu trưởng Lương Ngọc Duy, kế toán phải công khai tài chính vì họ tình nghi số tiền gần 3,6 tỉ đồng đã bị "bộ sậu" này lấp liếm một cách trắng trợn. Sự việc này nhanh chóng được các phương tiện truyền thông đăng tải.
Sau đó, kết luận thanh tra cho biết, ông Lương Ngọc Duy đã buông lỏng công tác quản lý điều hành tài chính, chi sai các khoản lên đến 524.725.997 đồng và bị đình chỉ công việc cho đến lúc nghỉ hưu. Lẽ ra, với những sai phạm như thế này, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phải chuyển toàn bộ hồ sơ sang cơ quan Công an điều tra, khởi tố mới đúng luật.
Sự việc thứ hai cũng khiến công chúng được một phen rúng động đó là hiệu trưởng Đỗ Đình Đảo, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Diệu (Quận 3), đang trong thời gian bị kỷ luật nhưng vẫn được được bổ nhiệm về làm hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Hữu Thọ (Quận 4) vào năm 2020.
Trước đó, năm 2019, ông Đỗ Đình Đảo bị kỷ luật với mức khiển trách (cả về mặt chính quyền và công tác Đảng) vì có thiếu sót trong quá trình đảm nhận chức vụ hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Diệu. Dư luận đặt câu hỏi, tại sao trường hợp này lại có thể ngồi vào vị trí hiệu trưởng một cách tréo ngoe như thế.
Một vụ việc khác cũng không kém phần li kì đó là bà Nguyễn Thị Nha Trang, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Vĩnh Lộc (quận Bình Tân) bị giáo viên "tố" có nhiều sai phạm trong quản lý, trừ điểm thi đua giáo viên vì không "thả tim" vào thông báo trong Zalo. Bà Nguyễn Thị Nha Trang còn bị "tố" vi phạm một số hoạt động chuyên môn, tài chính tại trường.
Sau khi có kết luận thanh tra, bà Nguyễn Thị Nha Trang buộc phải nộp lại gần nửa tỉ đồng chi sai, cùng với đó hiệu trưởng, hiệu phó nhà trường cũng bị đề nghị kiểm điểm vì không giảng dạy theo đúng số tiết quy định. Hiện, hiệu trưởng này vẫn làm việc bình thường, nhiều giáo viên không biết "vì sao như thế".
Tâm lý nghỉ việc né tránh môi trường làm việc áp lực
Phan Anh - giáo viên công tác trong một trường trung học phổ thông tại Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, nơi anh công tác đã có 10 giáo viên, nhân viên trên tổng số 100 viên chức phải chuyển trường hoặc nghỉ việc vì sự lãnh đạo hà khắc của nữ hiệu trưởng "vua con". Điều đáng nói, thời điểm hàng loạt giáo viên nghỉ việc, hiệu trưởng này được bổ nhiệm chưa đầy một nhiệm kì (5 năm).
Thầy Nguyễn Văn H. (Quận 7) chỉ sau một năm thì nghỉ việc vì hiệu trưởng không ưa. Lí do, trước đó thầy H. và một nhóm thầy cô đã đứng đơn tố cáo về việc khuất tất tài chính của hiệu trưởng ở đơn vị cũ nên hiệu trưởng mới sợ có "dớp". Hiệu trưởng luôn cảnh báo thầy cô trong trường là phải dè chừng thầy H. khiến thầy bị cô lập.
Cô Lê Thị L. (quận Tân Phú) cũng nghỉ việc vì bị hiệu trưởng ghét. Trường tổ chức dạy buổi chiều (ngoài giờ) thu tiền của phụ huynh nhưng hiệu trưởng chi trả cho giáo viên không được bao nhiêu khiến cô L. bức xúc. Khi cô L. có ý kiến cần trả thù lao sòng phẳng, tương xứng với công sức thầy cô bỏ ra thì hiệu trưởng xem như kẻ chống đối.
Tương tự, thầy Hoàng Văn N. (quận Tân Phú) cũng phải nghỉ việc đầy ấm ức khi còn 7 năm nữa là nghỉ hưu theo chế độ. Thầy N. hieru luật, thường có ý kiến khi hiệu trưởng làm không đúng nguyên tắc nên trở thành "cái gai" trong mắt lãnh đạo.
Nhiều giáo viên cho rằng họ có thể làm việc căng thẳng và áp lực, tuy nhiên ám ảnh nhất đối với họ là sự hành xử trịch thượng, trù dập của hiệu trưởng. Có những cuộc họp họ bị hiệu trưởng thẳng tay chỉ mặt, quát tháo, biến môi trường làm việc thành nơi chia bè phái, không dân chủ.
Có ý kiến cho rằng, để chấm dứt tình trạng hiệu trưởng "vua con", ngành giáo dục cần tổ chức thi tuyển công khai lãnh đạo trên phạm vi cả nước. Bởi hiệu trưởng cần phải có kĩ năng lãnh đạo đồng thời có năng lực quản lý, duy trì và xây dựng môi trường văn hóa sư phạm. Chưa kể đối với các cơ sở giáo dục hiện nay, việc xây dựng đội ngũ tập thể giáo viên trở thành tổ chức học tập, đơn vị học tập là yêu cầu của ngành Giáo dục.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/lan-song-giao-vien-nghi-viec-khi-hieu-truong-la-vua-con-179220824113416327.htm