Hợp thức hóa dạy thêm: Bài 5 - Học sinh nước ngoài có mệt mỏi vì học thêm?
Hoạt động dạy thêm trong giáo dục ở nước ta rất dễ biến tướng tiêu cực và ảnh hưởng tâm lý học trò. Đối với các nước trên thế giới, việc dạy thêm ngoài chính khóa diễn ra như thế nào?
Trong tuyến bài về hợp thức hóa dạy thêm, Tạp chí Công dân và Khuyến học đã khảo sát lấy ý kiến của các chuyên gia giáo dục về việc dạy thêm tại Việt Nam. Theo đó, các chuyên gia giáo dục đều cho rằng việc dạy thêm phải tuân thủ pháp luật - nghiêm minh sư phạm.
Tạp chí Công dân và Khuyến học tiếp tục đưa ra các chính sách về hoạt động dạy thêm ở một số quốc gia trên thế giới để bạn đọc có cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề này.
Trung Quốc hợp thức hóa dạy thêm bằng cách ban hành các chính sách giảm kép
Tháng 7/2021, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã hợp thức hóa dạy thêm bằng cách ban hành chính sách "giảm kép". Chính sách này nhằm giảm bớt gánh nặng học tập cho học sinh cũng như tình trạng cạnh tranh không công bằng trong giáo dục. Chính sách này đã được chính thức áp dụng từ năm học 2021, theo Sixth Tone.
Theo chính sách "giảm kép", học sinh lớp 1 và lớp 2 không cần làm bài tập về nhà bằng hình thức viết, chỉ đọc bài và tự ôn lại bài cũ. Đối với học sinh từ lớp 3 đến lớp 6, giáo viên chỉ được phép giao lượng bài tập vừa phải, làm sao cho các em hoàn thành trong vòng 1 giờ đồng hồ.
Nội dung của chính sách này cũng nhắm vào các cá nhân, tổ chức dạy thêm ngoài trường học. Cụ thể, họ sẽ không được dạy thêm ngoài trường học vào cuối tuần, các ngày lễ lớn, hoặc trong các kỳ nghỉ hè, nghỉ đông.
Bộ Giáo dục Trung Quốc yêu cầu các cơ sở dạy thêm phải soạn chương trình dựa trên kiến thức chính khóa và phải đăng ký giấy phép hoạt động dưới danh nghĩa là tổ chức phi lợi nhuận. Mọi hoạt động huy động vốn hoặc nhận đầu tư từ nước ngoài của các trung tâm dạy thêm sẽ bị cấm.
Nhiều phụ huynh ở Trung Quốc vẫn cho con học thêm bất chấp giá cả và quy định của pháp luật
Kể từ khi Bộ Giáo dục Trung Quốc cấm dạy thêm vào cuối tuần, các ngày lễ lớn, hoặc trong các kỳ nghỉ hè, nghỉ đông, phụ huynh nước này vẫn gửi con đi học thêm "chui" với mức giá trên trời.
Trong một cuộc khảo sát với nhiều phụ huynh ở Thượng Hải và Bắc Kinh (Trung Quốc) cho thấy, hơn 90% phụ huynh muốn con họ tiếp tục được học thêm sau khi tan trường.
Có phụ huynh cho rằng, họ muốn cho con mình đi học thêm bởi muốn con trở thành một học sinh giỏi. Đa số phụ huynh không có khả năng sư phạm, không thể tự dạy thêm cho con ở nhà cũng là lý do khiến nhiều phụ huynh muốn con đi học thêm.
Nhiều giáo viên Trung Quốc dạy thêm bất chấp rủi ro
Nhu cầu học thêm của học sinh vẫn còn cao đã dẫn tới nhiều trung tâm dạy thêm không được cấp phép nổi lên. Các trung tâm đó có thể được tổ chức, "núp bóng" tại các quán cà phê, trong các căn hộ chung cư... Đồng thời, nhiều giáo viên dạy thêm vẫn tiếp tục hành nghề bất chấp rủi ro.
Giáo viên Jennie Shi (24 tuổi) dạy tiếng Anh cấp tiểu học tại một trung tâm dạy thêm ở Bắc Kinh khoảng 2 năm. Tuy nhiên, cô Jennie Shi mất việc khi trung tâm dạy thêm đóng cửa. Jennie Shi cho biết, hiện cô tự mở một cơ sở dạy thêm và không được cấp phép.
"Nhiều phụ huynh đang xin tôi tiếp tục dạy học vì họ không tìm được giáo viên khác quen với thói quen học tập của con họ", cô Jennie Shi chia sẻ. Giáo viên Jennie Shi thu học phí tới 30 USD/giờ, so với mức phí 12 USD/giờ từ các trung tâm. Nhưng giáo viên này khẳng định "phụ huynh không bao giờ than phiền về mức giá đó".
Nhật Bản hợp thức hóa dạy thêm bằng quy định chỉ tổ chức học thêm ở cơ sở giảng dạy tư nhân
Tại Nhật Bản, việc dạy thêm, học thêm diễn ra rất phổ biến, tập trung vào lứa tuổi tiểu học, trung học cơ sở với mục đích hỗ trợ, bổ sung kiến thức và hướng dẫn cách học cho học sinh, theo Washington Post.
Khi học tiểu học, học sinh Nhật Bản đã phải tham gia những khóa học bổ túc, tăng cường, phụ đạo nhằm trang bị kiến thức tốt nhất cho những kỳ thi quan trọng trong cuộc đời.
Vì trung bình một ngày học tại trường kéo dài từ 6 đến 8 giờ đồng hồ, nên các lớp học thêm Nhật Bản thường được tổ chức vào buổi tối, chủ nhật hoặc ngày lễ.
Học thêm ở các trường luyện thi
Ở Nhật Bản, việc học thêm không được tổ chức tại các trường công lập, dân lập. Thay vào đó, học thêm sẽ được tổ chức tại các trường học dự bị hoạt động kinh doanh trong việc dạy học các môn học theo yêu cầu của học sinh và phụ huynh. Trường học tổ chức dạy thêm đó được gọi là Juku (hay còn gọi là trường luyện thi).
Bên cạnh đó, giáo viên ở các trường chính quy không được tham gia giảng dạy ở trung tâm luyện thi. Nếu giáo viên vi phạm sẽ bị sa thải, đồng thời hiệu trưởng trường đó phải từ chức.
Các trường luyện thi rất phổ biến tại Nhật Bản. Đa phần học viên đều đến từ các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông. Các em học tập tại đây để chuẩn bị cho những kỳ thi trọng đại của mình. Các lớp học tại trường luyện thi thường được tổ chức từ 3 đến 4 lần/tuần.
Có hai dạng trường luyện thi ở Nhật Bản. Thứ nhất là trường học thuật - đây là nơi giáo viên sẽ ôn luyện cho học viên tất cả kiến thức được dạy ở trường phổ thông hoặc cung cấp tài liệu nâng cao.
Thứ hai là trường phi học thuật - nơi phát triển và bộc lộ tài năng cho học sinh. Tại đây, học sinh có thể lựa chọn chương trình học dựa theo khả năng hoặc sở thích cá nhân bao gồm: nghệ thuật cắm hoa Ikebana, trà đạo, biểu diễn sân khấu, các trò chơi cờ bàn, ca hát,...
Tại các trường luyện thi, thời gian có thể quy định từ 2 giờ 30 chiều đến 20 giờ tối. Theo đó, học sinh có thể đến học bất cứ lúc nào trong khung giờ đó, tùy theo giờ kết thúc trên lớp hoặc hoạt động của mình. Giờ học cũng không cố định thời gian phải là 1 tiếng hay 2 tiếng. Bởi thời gian học thêm tùy thuộc vào kết thúc phần kiến thức mà thầy, cô quy định cho buổi học hôm đó.
Học sinh Na Uy không cần học thêm, không "thiên vị" môn học
Tại Na Uy không có trường chuyên, lớp chọn. Giáo dục của đất nước này cũng rất ít áp lực về thi cử cho học sinh. Cả năm học tại Na Uy gần như chỉ có 1 kỳ thi vào cuối năm. Các cuộc thi hay bảng xếp hạng chỉ để học sinh tự đánh giá năng lực của mình, chứ không nhằm so sánh các học sinh với nhau, theo Kevmrc.
Điều đặc biệt là giáo dục Na Uy không xảy ra chuyện "thiên vị" môn học, coi trọng môn nào hơn môn nào. Các lớp học được tổ chức để học sinh và giáo viên khám phá ra thiên hướng của chúng và mọi khả năng đều được công nhận.
Nếu ngay từ đầu, học sinh làm được bài ở mức độ khó, hôm sau sẽ được giao và hướng dẫn bài tập với mức độ khó hơn. Nếu học sinh không làm được cũng không thành vấn đề. Học sinh có thể quay trở lại làm những bài tập đơn giản. Mọi vấn đề vướng mắc, chưa hiểu trong quá trình học tập, học sinh có thể trực tiếp hỏi giáo viên ở trường. Và các thầy cô đều tự nguyện giúp học sinh bổ sung, luyện tập những kiến thức còn yếu.
Mỹ chỉ tổ chức dạy thêm trong trường học
Ở Mỹ, khi đến trường học, học sinh sẽ được giáo viên hỗ trợ giảng dạy rất nhiều và kỹ lưỡng. Do đó, chỉ học sinh có học lực quá yếu kém mới phải đi học thêm.
Hình thức dạy thêm để hỗ trợ cho học sinh kém đó là: kèm riêng trong giờ học, thường khoảng 15 phút/lần và 3 đến 4 lần/tuần hoặc giao thêm bài tập.
Tuy nhiên, tháng 9/2022, một cuộc đánh giá quốc gia về tiến bộ giáo dục được công bố được coi là "hồi chuông báo động" cho ngành giáo dục Mỹ, theo The New York Times.
Bài kiểm tra được thực hiện bởi học sinh 9 tuổi trên toàn quốc. Bài kiểm tra cho thấy, ở môn Toán, điểm trung bình giảm 7 điểm so với mức trước đại dịch COVID-19. Còn môn Đọc, điểm trung bình giảm 5 điểm. Những kết quả này được cho là đã "phủ nhận" những tiến bộ trong giáo dục mà nước Mỹ đạt được trong suốt 20 năm qua.
Nhiều chuyên gia nhận định các trường học Mỹ phải đối mặt với tình trạng học sinh hổng kiến thức một cách trầm trọng. Do đó, hoạt động dạy thêm trong trường có thể là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm đưa học sinh trở lại đúng hướng.
Theo đó, các trường phổ thông ở Mỹ đã liên kết với tổ chức phi lợi nhuận xây dựng chương trình dạy thêm tại trường học nhằm cải thiện kết quả học của học sinh sau 2 năm học trực tuyến vì COVID-19.
Bà Tracey-Mooney, trợ lý về chính sách giáo dục nhận định rằng, chương trình dạy thêm là dự án cần thiết cho học sinh sau 2 năm gián đoạn học tập vì dịch COVID-19.
Saga Education – một tổ chức phi lợi nhuận cung cấp dịch vụ dạy thêm cho trường học đã triển khai dự án hỗ trợ học sinh bị gián đoạn học tập do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Các dự án này sẽ thuê gia sư là những người có chứng chỉ sư phạm hoặc là chuyên gia trong một lĩnh vực học tập nào đó đến trường và dạy thêm cho học sinh Mỹ theo từng nhóm.
Cạnh đó, Giám đốc điều hành dự án Saga Education Alan Safran cho biết, việc dạy thêm phải được tổ chức ngay trong ngày học, không phải sau khi học sinh đã tan học và ra về. Lớp dạy thêm cần một gia sư nhất quán với tần suất học là 2 - 3 lần/tuần.
Nghiên cứu từ Trường Đại học Chicago về mô hình của Saga Education chỉ ra rằng, việc dạy thêm giúp thu hẹp khoảng cách học tập môn Toán trong 2 năm dịch COVID-19 khiến học sinh học trực tuyến trong một năm học.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của việc tổ chức chương trình dạy thêm là chi phí. Việc dạy thêm trong trường rất tốn kém, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa lớp học và nguồn gia sư dồi dào. Vì vậy, dự án Saga Education đã được Chính phủ Mỹ và các trường đại học tài trợ nên phù hợp với học sinh có hoàn cảnh khác nhau, đặc biệt là học sinh xuất thân từ gia đình thu nhập thấp.
Ước tính, việc triển khai chương trình dạy thêm cho các trường phổ thông công lập tại Mỹ sẽ cần khoảng 50 tỉ USD/năm.
Dạy thêm, học thêm ở Đức - học sinh tự lựa chọn học hay không học thêm
Nhu cầu học thêm của học sinh Đức
Một nghiên cứu về học thêm, dạy thêm của nhà nghiên cứu giáo dục Đức, Giáo sư Klaus Klemm cho thấy: 61% học sinh học thêm môn Toán, 46% học sinh học thêm môn Tiếng Anh và 31% học sinh học thêm môn Tiếng Đức, theo Bild.
Ngoài ra, các trung tâm dạy thêm cũng cung cấp khóa học nâng cao các môn như: Vật lý, Hóa học hoặc Kế toán.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, học sinh trung học cơ sở có nhu cầu học thêm đặc biệt rõ rệt và học sinh trung học phổ thông thì có nhu cầu học thêm nhiều nhất. Cụ thể, khoảng 18,7% học sinh trung học phổ thông lựa chọn đi học thêm.
Điều đáng nói là, tại Đức, nhu cầu học thêm là xuất phát từ sự tự nguyện và là nguyện vọng của học sinh. Phụ huynh hay giáo viên không có quyền áp đặt hay ép buộc học sinh đi học thêm.
Học thêm là phương pháp giáo dục hữu ích cho học sinh Đức
Trong một cuộc khảo sát về học thêm với 186 gia sư dạy thêm và các bậc phụ huynh cho thấy, 80% học sinh học thêm đã cải thiện kết quả học tập. Cuộc khảo sát cũng chỉ ra rằng, dạy thêm không chỉ giúp nâng cao điểm số mà còn giúp học sinh vạch ra kế hoạch học tập rõ ràng để từ đó tạo động lực cho việc học.
Bên cạnh đó, học thêm giúp ích ở mọi lứa tuổi học sinh. Các bài học ở lớp học thêm không chỉ bù đắp kiến thức bị hổng mà còn dạy dỗ những thanh thiếu niên ở độ tuổi tâm lý chưa ổn định biết nhận thức đúng đắn và trở nên có ích cho xã hội.
Ở Đức, chi phí học thêm của học sinh là 87 Euro/tháng
Theo nghiên cứu về học thêm, dạy thêm thì hằng tháng phụ huynh phải trả cho mỗi học sinh tiền học thêm trung bình là 87 Euro. Điều này có nghĩa là ở Đức, việc học thêm được chi gần 879 triệu Euro/năm.
Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, hầu hết học sinh học thêm là con em của người Đức có thu nhập tốt. Chỉ có 12 đến 15% học sinh Đức xuất thân từ gia đình có thu nhập thấp được tham gia học thêm.
Hoạt động dạy thêm ở Đức độc lập với hoạt động giảng dạy chính khóa
Có 2 hình thức học thêm phổ biến ở Đức. Một là đăng ký học thêm tại các trung tâm gia sư, luyện thi. Theo đó, mỗi lớp có khoảng từ 5 đến 8 học sinh. Thời gian học thêm là 1 đến 2 buổi/tuần.
Hai là dạy thêm ở nhà riêng của học sinh. Với hình thức dạy thêm này, giáo viên sẽ đến nhà học sinh có nhu cầu học thêm và cũng dạy 1 đến 2 buổi/tuần. Mỗi buổi học thêm là 45 phút. Giáo viên đến nhà dạy thêm chủ yếu là sinh viên các trường đại học sư phạm và tổng hợp.
Việc học thêm tại trung tâm hay học gia sư kèm riêng tại nhà đều do học sinh lựa chọn. Đồng thời, hai hình thức dạy thêm này độc lập với hoạt động giảng dạy tại trường học.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/hop-thuc-hoa-day-them-bai-5-hoc-sinh-nuoc-ngoai-co-met-moi-vi-hoc-them-179230516121616201.htm