GS.TS Nguyễn Thị Doan khảo sát, đánh giá kết quả thực hiện công tác xây dựng xã hội học tập tại Hải Phòng
Ngày 5/7, Đoàn công tác của Hội Khuyến học Việt Nam do GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam làm Trưởng đoàn khảo sát, đánh giá kết quả thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập tại Hải Phòng.
Tại Hải Phòng, các đồng chí Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố; Bùi Văn Kiệm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; Hoàng Duy Đỉnh, Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố và lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan cùng dự buổi làm việc.
Qua 5 năm thực hiện Kết luận 49-KL/TW của Ban Bí thư, Hội Khuyến học thành phố đã chủ động phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các ban, ngành liên quan tham mưu Thành ủy, UBND thành phố ban hành 19 văn bản quan trọng chỉ đạo thực hiện Kết luận 49-KL/TW của Ban Bí thư và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Từ năm 2020 đến nay, Hội Khuyến học ký Chương trình phối hợp với 19 tổ chức có liên quan, nhằm hướng đến chăm lo việc học tập của học sinh, sinh viên, hội viên và người lao động tại cộng đồng và đơn vị.
Đặc biệt, 5 năm qua, Hội Khuyến học thành phố đã tổ chức Chương trình trao học bổng Hoa Phượng đỏ, cùng các loại học bổng khác do một số tổ chức hỗ trợ cho 1.543 học sinh nghèo, vượt khó học giỏi với tổng số tiền gần 2 tỉ đồng.
Hưởng ứng chương trình "Sóng và máy tính cho em" do Thủ tướng Chính phủ phát động, Hội vận động các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố trao 3.757 máy tính cho học sinh, sinh viên. Ngoài ra, Hội vận động các đơn vị ủng hộ nhiều hiện vật có giá trị để trao tặng học sinh nghèo vượt khó trong dịp tổ chức Tháng khuyến học, khai giảng năm học mới, hoặc dịp lễ, Tết hằng năm...
Đến nay, Hội Khuyến học Hải Phòng phát triển được 15 hội khuyến học quận, huyện; 217 hội khuyến học xã, phường, thị trấn; 2.725 chi hội khuyến học thôn, làng, tổ dân phố, khu dân cư; 2.693 ban khuyến học cơ sở với tổng số trên 555.200 hội viên.
Thời gian tới, để công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập hoạt động có hiệu quả, Hội Khuyến học thành phố Hải Phòng tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đó là: Mở rộng hình thức và nội dung tuyên truyền trên hai ấn phẩm của Hội là Bản tin và Trang thông tin điện tử "Giáo dục và Khuyến học Hải Phòng"; duy trì và nâng cao hình thức truyền thông nhanh trên mạng xã hội, các trang "Khuyến học Hải Phòng" và "Khuyến học Việt Nam"; tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng hoạt động cho đội ngũ cán bộ cơ sở, phấn đấu 100% cán bộ hội mới được tập huấn; đa dạng các hình thức hỗ trợ, chăm lo đến việc học tập của học sinh, sinh viên, của công nhân, nông dân và người lao động; quản lý và sử dụng nguồn quỹ đúng mục đích, đúng đối tượng.
Cùng với đó, Hội chú trọng phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính triển khai và hướng dẫn việc thực hiện Nghị quyết số 09/HĐND của HĐND thành phố về "Quy định nội dung, mức chi thực hiện Đề án Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn thành phố Hải Phòng".
Sau khi nghe báo cáo của các đơn vị liên quan và nắm bắt tình hình triển khai công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập thực tế tại Hải Phòng, kết luận cuộc làm việc, GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam ghi nhận và biểu dương những kết quả nổi bật mà Hội Khuyến học Hải Phòng đạt được qua 5 năm thực hiện Kết luận số 49-KL/TW của Ban Bí thư.
GS.TS Nguyễn Thị Doan đề nghị: Thời gian tới, Ban Thường vụ Thành uỷ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Kết luận số 49-KL/TW của Ban Bí thư, qua đó tháo gỡ khó khăn cho Hội Khuyến học thành phố, đặc biệt về cơ chế tài chính; đồng thời tiếp tục các nội dung của Kết luận số 49-KL/TW để cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Cùng với đó, Ban tuyên giáo Thành uỷ nghiên cứu những kết quả Hội Khuyến học thành phố đạt được và một số mặt còn hạn chế để có những giải pháp nâng cao chất lượng Hội; UBND thành phố chú ý hơn công tác kiểm tra, giám sát hoạt động Hội, nhất là trong điều kiện chưa công nhận hội đặc thù, cũng như quan tâm nghiên cứu chế độ chi cho hoạt động Hội.
Đồng thời, đồng chí Nguyễn Thị Doan yêu cầu Sở Nội vụ sớm tham mưu UBND rà soát các văn bản không còn phù hợp về công nhận hội đặc thù, quan tâm phân công cán bộ chuyên trách để củng cố tổ chức Hội; Sở Tài chính tham mưu UBND về chế độ khoán kinh phí thực hiện 2 Quyết định số 677/QĐ-TTg, 387/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Sở Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh phối hợp Hội Khuyến học trong công tác xây dựng xã hội học tập, quản lý các trung tâm học tập cộng đồng, tập huấn kiến thức, kỹ năng công nghệ thông tin cho cán bộ làm việc cho Hội; các cơ quan, tổ chức ký kết phối hợp với Hội Khuyến học thành phố phát huy vai trò, tăng cường phối hợp giữa các lực lượng để đồng tâm, hiệp lực hỗ trợ Hội phát triển vững mạnh, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.