Giáo viên vẫn rối với hướng dẫn dạy học tích hợp
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn hướng dẫn dạy tích hợp nhưng các nhà trường trung học cơ sở hiện nay vẫn lúng túng và xuất hiện nhiều phương pháp tình thế để đối phó với cách dạy và học mới này.
Những "điểm nghẽn" trong dạy học tích hợp
Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về dạy học tích hợp, đối với môn Khoa học tự nhiên, các trường phân công giáo viên bảo đảm sự phù hợp về chuyên môn được đào tạo với nội dung dạy học được phân công theo các mạch nội dung.
Khi bố trí giáo viên dạy học từ 2 mạch nội dung hoặc toàn bộ chương trình môn học, phải thực hiện từng bước, bảo đảm yêu cầu về chuyên môn của giáo viên để bảo đảm chất lượng dạy học.
Đối với môn Lịch sử và Địa lý, theo hướng dẫn mới, các trường phân công giáo viên bảo đảm sự phù hợp giữa chuyên môn được đào tạo với nội dung dạy học được phân công (theo phân môn Lịch sử, phân môn Địa lý và các chủ đề liên môn).
Một số giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên ở Thành phố Hồ Chí Minh nêu băn khoăn, giáo viên đơn môn được phân công dạy đa môn liệu có đảm bảo chất lượng hay không? Giáo viên có thể dạy học tích hợp đối với lớp 6, lớp 7, còn lớp 8, lớp 9 không phải thầy cô nào cũng dạy được, vì kiến thức mang tính chuyên ngành, chuyên sâu.
Cùng với đó, hiện nay nhiều trường chưa đảm bảo về cơ sở vật chất, hạ tầng để phục vụ cho việc dạy học tích hợp. Mặc dù Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được triển khai 3 năm nhưng ở nhiều địa phương học sinh vẫn học "chay", nghĩa là không có phòng thí nghiệm, thực hành, thiết bị phục vụ cho bài học chưa được trang bị đầy đủ.
Bàn về việc dạy học tích hợp Lịch sử và Địa lý, một tổ trưởng chuyên môn ở tỉnh Quảng Trị nêu cho biết, theo tinh thần của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì 1 giáo viên có thể đảm nhiệm 2, 3 môn nhưng điều đó khó có thể làm với tình hình đội ngũ nhà giáo như hiện nay.
Giáo viên này nêu quan điểm "quý hồ tinh, bất quý hồ đa", "một nghề cho chín còn hơn chín nghề". Cho nên, dạy học tích hợp được cho là không có sự chuyên môn hóa. Giáo viên lo 1 môn có khi còn trầy trật, nói gì đến 2, 3 môn.
"Bản thân tôi được đào tạo cao đẳng sư phạm Lịch sử - Địa lý nhưng cũng không muốn dạy học tích hợp 2 môn vì không có thời gian nghiên cứu bài vở. Đã có trường đại học đào tạo sư phạm tích hợp, nhưng với tình hình lương giáo viên quá thấp như hiện nay, để thu hút học sinh giỏi vào nghề giáo là rất khó khăn", giáo viên thẳng thắn nhìn nhận.
Ngoài ra, trong quá trình triển khai dạy học tích hợp, các nhà trường thường xuyên phải thay đổi thời khóa biểu. Theo Chương trình 2006, mỗi năm học sinh chỉ thay đổi thời khóa biểu 2, 3 lần. Nhưng khi học Chương trình mới, có khi thời khóa biểu thay đổi 4-5 lần trong học kì khiến giờ giấc của giáo viên và học sinh bị đảo lộn.
Còn rất nhiều khó khăn phía trước
Đáng nói, khi ghi điểm học bạ môn tích hợp, ở học kì 1, học kì 2 và cuối năm học, chỉ một giáo viên vào điểm (trong khi môn học có 2, 3 giáo viên dạy). Học bạ là hồ sơ pháp lí trong suốt quá trình học tập của học sinh, kể cả sau này các em ra trường, thì làm sao một giáo viên có thể đại diện kí cho các đồng nghiệp?
Và điều băn khoăn nhất là, mặc dù dạy học tích hợp nhưng việc kiểm tra đánh giá vẫn chưa thiết kế được các dạng bài tập tích hợp. Năm học 2024-2025, lứa học sinh đầu tiên của bậc trung học cơ sở sẽ thi tuyển sinh vào lớp 10 theo Chương trình mới, vậy đề thi sẽ thế nào?
Cũng có những giáo viên mong muốn, đối với môn Khoa học tự nhiên thì tách thành 3 môn độc lập Vật lý, Hóa học, Sinh học; môn Lịch sử và Địa lý tách làm Lịch sử và môn Địa lý; môn Nghệ thuật tách thành Âm nhạc và Mĩ thuật; Nội dung giáo dục địa phương nên lồng ghép vào các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Âm nhạc, Mĩ thuật.
"Việc để các môn tích hợp đứng độc lập – nhất là môn Khoa học tự nhiên, cần được thực hiện càng sớm càng tốt. Bởi vì, học sinh lớp 9 còn phải thi tuyển sinh cuối cấp và khi lên bậc trung học phổ thông các em không còn học tích hợp nữa mà được lựa chọn môn học theo quy định", một giáo viên ở Thành phố Hồ Chí Minh nêu ý kiến.
Hoặc đối với nhiều trường hiện nay, họ duy trì tình trạng "rượu cũ, bình mới", tức là vẫn duy trì cách dạy học cũ, giáo viên chuyên môn nào dạy môn đó, tự tách môn để phù hợp chuyên môn, sau đó ghi học bạ và thi chung. Ở tình trạng này, khi có văn bản chỉ đạo từ cấp trên, họ càng "rối như tơ vò" vì không biết phải triển khai như thế nào.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/giao-vien-van-roi-voi-huong-dan-day-hoc-tich-hop-179231104105522576.htm