Bộ Tài chính: Rời ghế từ 1-2 năm mới được mở doanh nghiệp
Quyết định mới của Bộ Tài chính được nhiều người quan tâm và ủng hộ. Chính sách này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nhà nước đang quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên mọi mặt trận.
Quy định là cần thiết
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 60/2022/TT-BTC ngày 3/10/2022 quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực trước đây mình có trách nhiệm quản lý sau khi thôi giữ chức vụ trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ.
Cụ thể, từ ngày 17/11/2022 các thành viên đã từng giữ chức vụ quản lý trong 11 lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính sẽ phải trải qua thời gian đủ quy định từ 1 - 2 năm mới được phép tham gia điều hành doanh nghiệp tư nhân liên quan nếu có.
Thông tư này quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã thuộc lĩnh vực trước đây mình có trách nhiệm quản lý.
Danh mục 11 lĩnh vực bao gồm:
1. Quản lý nhà nước về kế toán, kiểm toán;
2. Quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán;
3. Quản lý nhà nước về bảo hiểm;
4. Quản lý nhà nước về hải quan;
5. Quản lý nhà nước về giá;
6. Quản lý nhà nước về thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước;
7. Quản lý nhà nước về tài chính doanh nghiệp và quản lý vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp;
8. Quản lý nhà nước về dự trữ quốc gia;
9. Quản lý vay nợ, trả nợ trong nước, ngoài nước của Chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia và nguồn viện trợ quốc tế cho Việt Nam và nguồn cho vay, viện trợ của Việt Nam cho nước ngoài;
10. Quản lý nhà nước về ngân sách nhà nước;
11. Quản lý nhà nước về tài sản công.
Như vậy, trong thời hạn đủ 24 tháng kể từ ngày thôi giữ chức vụ theo quyết định của cấp có thẩm quyền, người có chức vụ, quyền hạn công tác trong 9 lĩnh vực từ 1 đến 9 sẽ không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc lĩnh vực trước đây mình có trách nhiệm quản lý.
Các trường hợp còn lại trong thời hạn đủ 12 tháng kể từ ngày thôi giữ chức vụ không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp.
Tránh trục lợi cá nhân, phá vỡ thế trận công bằng
Thực tế, nhiều cơ quan nhà nước hiện nay đang không có lực hút lâu bền với nhiều nhân sự, kể cả nhân sự cao cấp. Xuất hiện một dòng chảy chất xám khá mạnh từ các cơ quan nhà nước ra khối tư nhân. Chưa kể, đặc thù của khối tư nhân là khá năng động và có tốc độ phát triển rất nhanh, mạnh. Khi sở hữu các nhân sự giỏi, có "quyền lực" là cựu các cán bộ quản lý cao cấp hiểu rõ - biết rõ từng đường đi nước bước, thì mọi việc sẽ thuận lợi hơn so với những doanh nghiệp khác cùng ngành.
Đối với các lĩnh vực đặc thù về chuyên môn nghiệp vụ như quản lý nhà nước về vốn, tài sản công, dự trữ quốc gia hay nắm bắt các thông tin, dự án quan trọng trong công tác điều hành. Do vậy, chính sách quy định thời hạn tối thiểu 12 - 24 tháng, các cán bộ cao cấp mới được dịch chuyển hẳn sang khối tư nhân mở doanh nghiệp riêng là điều kiện tiên quyết, phù hợp với định hướng phát triển lâu dài của một nền kinh tế cạnh tranh lành mạnh.
Hiện nay, việc kinh doanh rất đơn giản, chỉ cần bạn có vốn, mối quan hệ, hiểu biết và kinh nghiệm đã có thể thành lập công ty kinh doanh riêng. Tuy nhiên, đối với những "key person" - những người giữ chức vụ cao trong các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, sẽ có nhiều lợi thế về quan hệ và hiểu biết.
Việc mở công ty sẽ đem lại những lợi ích lớn cho chủ sở hữu, bởi với những kinh nghiệm và mối quan hệ tích lũy được trong quá trình "đương chức" sẽ giúp họ tiến bước nhanh hơn, với đối thủ. Hoặc thậm chí, họ trở thành kênh "độc quyền", phá vỡ thế cân bằng trong kinh doanh và cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp tư nhân.
Bên cạnh đó, khi có lợi ích lớn, nhiều doanh nghiệp được lập ra như một "sân sau" cho các cán bộ đương chức. Các cơ hội, hợp đồng, thương vụ lớn sẽ không tìm tới các công ty, doanh nghiệp nhỏ lẻ. Ngược lại, sẽ chảy về những "nơi nó thuộc về", là các công ty vệ tinh có mối quan hệ bền chặt và lợi ích lâu dài với người đứng đầu, hoặc sở hữu doanh nghiệp.
Rất nhiều công ty trong lĩnh vực tài chính chỉ sống nhờ vào các hợp đồng lớn với các tổ chức mà không cần xây dựng thương hiệu, cạnh tranh hay phải nỗ lực tìm kiếm khách hàng, xây dựng mạng lưới đối tác tin tưởng và ủng hộ, bởi chính các công ty này khi sinh ra đã ở sẵn vạch đích!
Điều 7 Luật doanh nghiệp 2020 quy định về Quyền của doanh nghiệp như sau:
1. Tự do kinh doanh ngành, nghề mà luật không cấm.
2. Tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh.
3. Lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn.
4. Tự do tìm kiếm thị trường, khách hàng và ký kết hợp đồng.
5. Kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu.
6. Tuyển dụng, thuê và sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
7. Chủ động ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh; được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
8. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của doanh nghiệp.
9. Từ chối yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân về cung cấp nguồn lực không theo quy định của pháp luật.
10. Khiếu nại, tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.
11. Quyền khác theo quy định của pháp luật.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/bo-tai-chinh-nghi-tu-1-2-nam-moi-duoc-mo-doanh-nghiep-179221027163708429.htm