Vì sao cần điều chỉnh môn tích hợp cấp trung học cơ sở?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xem xét để có thể điều chỉnh dạy học tích hợp cấp trung học cơ sở. Song, điều chỉnh như thế nào để không xáo trộn và không gây sốc là việc cần cân nhắc.
Việc dạy học tích hợp đang bị vướng
Tại buổi gặp gỡ với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 15/8, nhiều giáo viên đã chia sẻ những khó khăn khi dạy học môn tích hợp theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Ghi nhận các ý kiến tâm huyết của các nhà giáo tại sự kiện, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ với những khó khăn mà giáo viên, cơ sở giáo dục đang gặp phải khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó có dạy học tích hợp, liên môn ở cấp trung học cơ sở.
Theo Bộ trưởng, đây là điểm mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Khi thiết kế chương trình, chúng ta mong muốn phát triển năng lực toàn diện cho học sinh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, các địa phương, cơ sở giáo dục, giáo viên đang gặp phải một số khó khăn nhất định.
Qua các cuộc giám sát, qua thu thập ý kiến chuyên gia… thì việc dạy học tích hợp đang bị vướng. Có những nhà giáo đủ năng lực nên đã dạy được tích hợp với đủ hợp phần. Song cũng có giáo viên còn nhiều lúng túng, nhất là với giáo viên vùng khó dù đã được tập huấn, bồi dưỡng nên nó thách thức lớn.
"Căn cứ vào thực tế triển khai, trong thời gian tới, Bộ sẽ quyết định xem xét để có thể điều chỉnh việc dạy học các môn tích hợp cấp trung học cơ sở, có thể sẽ vẫn kiên trì việc dạy tích hợp ở bậc tiểu học. Riêng với bậc trung học cơ sở, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia, cân nhắc kỹ lưỡng và khả năng cao sẽ đưa ra điều chỉnh trong thời gian sắp tới.
Điều chỉnh đối với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở nội dung môn học tích hợp. Tuy nhiên điều chỉnh như thế nào để không xáo trộn và không gây sốc là việc cần cân nhắc. Điều chỉnh để tốt hơn, thuận lợi hơn và phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục" - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Vì sao cần điều chỉnh môn tích hợp càng sớm càng tốt?
Thứ nhất, việc tích hợp môn Khoa học tự nhiên và Lịch sử và Địa lý còn bất cập khi giáo viên chủ yếu được đào tạo để dạy từng môn. Trong khi đó giải pháp tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên dạy tích hợp chưa thực sự hiệu quả.
Hơn nữa, không có giảng viên tích hợp thì làm sao đào tạo ra giáo viên dạy môn tích hợp? Không có sách giáo khoa tích hợp thì giáo viên biết dạy tích hợp thế nào cho học sinh hiểu? Và tệ hại hơn, có những phạm vi kiến thức trò hỏi nhưng thầy không biết thì phải làm sao?
Sách giáo khoa Khoa học tự nhiên bậc trung học cơ sở đều có 3 phân môn Vật lí, Hóa học, Sinh học. Tương tự, sách giáo khoa Lịch sử và Địa lí được chia làm 2 phần riêng biệt Lịch sử, Địa lí – giáo viên chẳng thấy bóng dáng tích hợp ở đâu.
Thứ hai, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở nhiều trường học, nhất là trường ở vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn chưa đáp ứng cho việc dạy tích hợp.
Cụ thể, tiêu chuẩn về diện tích phòng học, phòng chức năng, quy mô học sinh/lớp, quy mô lớp/trường ở nhiều địa phương chưa đạt theo quy định; tỷ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày chưa đạt 100%; phòng học xuống cấp không được cải tạo, sửa chữa.
Nguồn kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học của địa phương hạn hẹp. Chẳng hạn, vào thời điểm năm 2022, trên một số phương tiện truyền thông cho biết tại Hà Tĩnh nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và phổ thông giai đoạn 2017-2025 của Chính phủ chưa được bố trí, trong đó có kinh phí mua sắm trang thiết bị dạy học.
Thứ ba, muốn có giáo viên dạy tích hợp đúng nghĩa thì cần phải có hàng chục ngàn sinh viên theo học chương trình tích hợp. Nhưng thực tiễn đào tạo ở bậc đại học cho thấy, sinh viên giỏi hiếm ai chọn học ngành sư phạm tích hợp để ra dạy học sau này.
Sinh viên giỏi chẳng mấy ai chọn học ngành sư phạm tích hợp bởi vì đồng lương giáo viên hiện nay quá thấp. Một giáo viên mới ra trường có bằng khá, giỏi cũng chỉ nhận lương khoảng 5 triệu đồng/tháng.
Trong khi, sinh viên ngành khác nếu tốt nghiệp loại giỏi thì cơ hội nghề rất lớn, thu nhập cao hơn nhiều lần so với lương giáo viên và cơ hội thăng tiến nghề nghiệp rộng mở. Để đào tạo được đội ngũ giáo viên dạy tích hợp không chỉ vài ba năm, có khi phải mất vài ba chục năm hoặc hơn thế nữa, nếu chính sách tiền lương cho nhà giáo không được cải thiện.
Thứ tư, nếu chậm điều chỉnh môn tích hợp cấp trung học cơ sở thì có khả năng số giáo viên dạy hợp môn Khoa học tự nhiên và Lịch sử và Địa lí nghỉ việc ngày càng nhiều. Lí do, giáo viên lớn tuổi khó có thể bổ túc kiến thức để dạy trái chuyên môn.
Trước đây, giáo viên dạy đơn môn chỉ cần dạy 3 ngày là xong nhiệm vụ (19 tiết/tuần). Giáo viên còn nhiều thời gian làm nhiều nghề "tay trái" để mưu sinh. Từ khi dạy học tích hợp, giáo viên phải dạy cả tuần vì thời khóa biểu thay đổi liên tục, họ không thể làm việc gì khác.
Một giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên cho biết, có tháng nhà trường thay thời khóa biểu đến 4 lần. Kể cả học sinh và phụ huynh các em cũng rối loạn theo thời khóa biểu. Các môn học đảo lộn, thời gian đưa đón con thay đổi xoành xoạch, không biết đâu mà lần.
Phương án đơn giản nhất là tách các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí và Nghệ thuật (Âm nhạc và Mĩ thuật) thành các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Âm nhạc, Mĩ thuật như Chương trình giáo dục phổ thông 2006.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/vi-sao-can-dieu-chinh-mon-tich-hop-cap-trung-hoc-co-so-179230816152220663.htm