Từ bài viết "Giáo viên sẽ không còn được nghỉ hè 8 tuần", nhiều nỗi niềm được bày tỏ

Phan Huyền
06:00 - 23/07/2025

Tạp chí Công dân và Khuyến học có đăng bài viết "Giáo viên sẽ không còn được nghỉ hè 8 tuần?" của tác giả Phan Huyền. Bài viết đã đặt vấn đề về việc: Nếu Luật Giáo dục không quy định cụ thể thời gian nghỉ hè của giáo viên, thì kỳ nghỉ ấy sẽ trở thành một… đặc quyền, chứ không còn là quyền lợi.

Từ bài viết "Giáo viên sẽ không còn được nghỉ hè 8 tuần", nhiều nỗi niềm được bày tỏ - Ảnh 1.

Sau khi đăng tải, lập tức bài viết đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ đông đảo bạn đọc. Hàng loạt bình luận đã được gửi về không phải là lời than vãn, mà là những chia sẻ chân thực từ chính người trong cuộc.

Những trăn trở từ bạn đọc

Mỗi bình luận của độc giả là một mảnh ghép chân thật, từ bức xúc đến trăn trở, từ mệt mỏi đến hy vọng. Nhiều giáo viên thẳng thắn cho rằng: quy định giáo viên được nghỉ hè 8 tuần trước đây nhưng thực tế thì chưa bao giờ được nghỉ đủ.

Nhiều người khác lo lắng: nếu bỏ quy định nghỉ 8 tuần, kỳ nghỉ hè sẽ bị biến tướng, trở thành cuộc chạy đua với lịch trực, lịch huy động không có hồi kết.

Bạn đọc Trang Nông viết: "Nếu nghỉ hè mà không quy định rõ ràng thì giáo viên mầm non gần như sẽ đi làm quanh năm."

Bạn Xuân Ngô trăn trở: "Phải quy định rõ ràng giáo viên được làm gì và không được giao làm gì trong hè, chứ không thể lấy lý do 'nhà trường nhờ' để giao việc vô tội vạ."

Còn bạn Kim Nguyên lo ngại: "Nếu bỏ quy định cụ thể, kỳ nghỉ hè sẽ vô hình trung trở thành kỳ nghỉ trong lo lắng."

Từ những bình luận ấy, một điều hiện ra rõ ràng: sự thiếu minh bạch trong quy định nghỉ hè đang khiến giáo viên lo lắng và dễ bị tổn thương, bị lạm dụng thời gian, và mất đi quyền được nghỉ ngơi một cách chính đáng.

Bài viết này xin tiếp tục là một góc nhìn nối dài như một cách giải đáp những băn khoăn chính đáng từ bạn đọc, và cùng nhau đặt lại câu hỏi: Làm thế nào để kỳ nghỉ hè của giáo viên không còn là một vùng xám của luật?

Đừng để kỳ nghỉ hè thành… phép thử sự công tâm

"Nếu kỳ nghỉ hè của giáo viên không được quy định rõ ràng, thì nghỉ ngơi sẽ trở thành một… đặc quyền, chứ không còn là quyền lợi."

Theo quy định, giáo viên được nghỉ hè 8 tuần mỗi năm, bao gồm cả nghỉ phép. Nhưng thực tế từ phản ánh của rất nhiều thầy cô cho thấy: kỳ nghỉ ấy, với họ, chưa bao giờ trọn vẹn.

Bạn đọc Chung Giáp chia sẻ: "Luật quy định một đằng, thực hiện một nẻo. Giáo viên vẫn phải trực hè, điều tra độ tuổi, tập văn nghệ… mà nhà trường không có một chế độ nào."

Bạn Newmain Le thì nói cụ thể hơn: "Tháng 6 không được rời khỏi tỉnh vì phải sẵn sàng tham gia kỳ thi. Tháng 7 có chính trị hè. 1/8 phải trả phép. Vậy lấy đâu ra 8 tuần nghỉ?"

Câu hỏi đặt ra là: Nếu thời gian nghỉ bị chiếm dụng cho các công việc không tên, thì việc "được nghỉ hè" có ý nghĩa gì?

Khi "tùy sự linh hoạt" trở thành kẽ hở để lạm quyền

Không ít hiệu trưởng, khi không có quy định cụ thể, đã nhân danh "sự linh hoạt" để sắp xếp công việc theo cách riêng. Bạn đọc Trang Nông thẳng thắn: "Giáo viên mầm non làm việc từ 6 giờ 45 sáng đến 7 giờ tối. Nếu không có quy định rõ ràng, họ sẽ đi làm suốt cả năm mà không được nghỉ ngơi."

Trà Phạm phản ánh trường hợp bị yêu cầu trực hè để "bù" lại ngày nghỉ trong năm học, dù đó là nghỉ có phép. Và như bạn Phương Phương lo lắng: "Không quy định cụ thể thì Ban giám hiệu sẽ vin vào đó bắt giáo viên đi làm liên tục."

Nếu không có giới hạn rõ ràng về số ngày được huy động trong hè, giáo viên sẽ mãi là người "bị nhờ", "bị gọi", nhưng không được từ chối.

Mỗi cấp học, một kiểu thiệt

Kỳ nghỉ hè vốn đã mong manh, nhưng với giáo viên mầm non, nó còn mong manh hơn gấp bội.

Kim Nguyên một cô giáo mầm non, chia sẻ đầy lo lắng: "Tháng 8 với chúng tôi đã là vào năm học mới. Nếu không có quy định cụ thể, kỳ nghỉ hè sẽ trở thành kỳ nghỉ trong lo lắng."

Dương Linh giáo viên Trung học phổ thông phản ánh: "Giáo viên chấm thi đến 10/7. Trong khi 1/8 đã phải trả phép. Vậy nghỉ hè ở đâu?"

Giáo viên tiểu học thì được nghỉ dài hơn, nhưng không ít người phải… quay lại trường sớm để tổng vệ sinh, trang trí lớp, "chào năm học mới" từ giữa tháng 7.

Giáo viên không đòi hỏi nhiều, chỉ mong rõ ràng

Bạn đọc Xuân Ngô đã nói thay tiếng lòng của rất nhiều người trong ngành:

"Ngoài việc giảng dạy, cần quy định rõ giáo viên được phân công làm gì, và không được phân công làm gì để không còn chuyện giao việc vô tội vạ dưới danh nghĩa 'nhà trường nhờ'."

Giáo viên không mong kỳ nghỉ dài hơn người khác. Họ chỉ mong một kỳ nghỉ được tôn trọng đúng nghĩa, không bị "linh hoạt" đến mức... mất luôn quyền nghỉ.

Chúng ta không thể kêu gọi thầy cô đổi mới sáng tạo, truyền cảm hứng, yêu nghề nếu không cho họ một khoảng lặng đủ dài để hồi phục năng lượng. Một kỳ nghỉ thiếu rõ ràng không chỉ khiến giáo viên thiệt thòi, mà còn khiến nghề giáo mất đi những người đủ tâm và đủ sức để gắn bó lâu dài.

Khi lắng nghe những bình luận gửi về sau một bài báo, tôi chợt nhận ra rằng: Điều mà thầy cô đang cần, không phải là thêm sự ưu đãi mà là được thực thi đúng những gì luật pháp đã quy định.

Nếu không bảo vệ được kỳ nghỉ hè, chúng ta sẽ mất dần một thế hệ nhà giáo nhiệt huyết những người từng sẵn sàng hi sinh lợi ích cá nhân để đồng hành với học trò.

Kỳ nghỉ hè suy cho cùng không phải là phần thưởng. Đó là quyền lợi. Và quyền lợi ấy cần được tôn trọng bằng sự minh bạch, không thể "linh hoạt" một cách tùy tiện.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/tu-bai-viet-giao-vien-se-khong-con-duoc-nghi-he-8-tuan-nhieu-noi-niem-duoc-bay-to-17925072222111371.htm