"Thuật đắc nhân tâm" vào đề thi thử tốt nghiệp môn Ngữ văn
"Thuật đắc nhân tâm" (Johnson Maxwell) vào đề thi thử tốt nghiệp môn Ngữ văn của Trường Trung học phổ thông Đông Sơn 2, tỉnh Thanh Hoá.
Gợi ý đáp án
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: nghị luận.
Câu 2. Những người không hiểu biết nhiều về con người thường lãng phí cả cuộc đời kiếm tìm hạnh phúc bằng cách thay đổi chính con người mình.
Câu 3. Khi còn trẻ, giáo sĩ người Anh mơ ước thay đổi cả thế giới, rồi thu hẹp ước mơ muốn thay đổi đất nước, rồi hẹp hơn nữa, muốn thay đổi gia đình và người thân. Nhưng đến những giây phút cuối cùng của cuộc đời, ông mới nhận ra điều quan trọng là phải thay đổi bản thân mình.
Câu 4. Theo tác giả, trong các mối quan hệ xã hội, cần xuất phát từ bản thân để lí giải mọi vấn đề, thay đổi các khiếm khuyết của bản thân, thay đổi chính bản thân mình. Từ thay đổi chính bản thân, chúng ta sẽ thay đổi thế giới.
II. LÀM VĂN
Câu 1. Hãy thay đổi bản thân mình trước khi nghĩ đến việc thay đổi mọi thứ ngoài kia.
- Mỗi người phải tự ý thức cá nhân. Tự ý thức giúp ta hoàn thiện bản thân, có khả năng tự thích ứng tốt với cuộc sống trước, sau đó mới tùy theo sức mà nghĩ tới chuyện thay đổi thế giới ngoài kia.
- Khi còn bé chúng ta thường muốn mọi người làm theo ý mình. Nhưng khi lớn lên, chúng ta nhận ra yêu cầu, đòi hỏi người khác phải như ý riêng của chúng ta sẽ khiến chúng ta phiền muộn, mệt mỏi, bế tắc. Đòi hỏi người khác làm ý ta là một đòi hỏi vô lí. Người khác chỉ thực sự thay đổi khi bản thân họ muốn. Muốn mọi sự tốt đẹp bạn phải xem xét và điều chỉnh chính bản thân mình.
- Tuy nhiên, khi chúng ta thay đổi bản thân để sống tốt với người khác có thể chúng ta vẫn bị gặp những điều đau khổ, những chuyện bất công. Nhưng nghĩ đó là thử thách cho khát vọng hướng thiện của bản thân khiến chúng ta bình tâm hơn.
- Chỉ có tự ý thức bản thân thì chúng ta mới xử lí tốt các mối quan hệ xã hội, đánh giá đúng ta và người, định hình những nét tính cách tốt đẹp của bản thân, hoàn thiện bản thân. Khi mỗi chúng ta cố gắng sống tốt thì cuộc sống xã hội cũng dần trở nên tốt đẹp hơn. Và đó chính là lúc chúng ta có cơ hội để thay đổi người thân, gia đình, đất nước mình và thế giới.
Câu 2. Cảm nhận về đoạn thơ trong đoạn trích "Đất Nước" của Nguyễn Khoa Điềm.
* Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, đoạn trích
* Luận điểm 1: Đất Nước có từ bao giờ?
- Lời khẳng định Đất Nước có từ trước khi chúng ta lớn lên, có từ lâu lắm rồi "Đất Nước đã có rồi". Thể hiện niềm tự hào mãnh liệt về sự trường tồn của Đất Nước qua mấy nghìn năm lịch sử.
* Luận điểm 2: Quá trình hình thành đất nước?
- Đất Nước gắn liền với phong tục ăn trầu những câu chuyện cổ tích, ca dao. "Đất Nước bắt đầu… bây giờ": miếng trầu bà ăn đã có từ ngàn đời - phong tục văn hóa đó không chỉ có ở ngày một, ngày hai mà nó có từ ngàn đời. Đất Nước có từ lâu đời, gần gũi và thân thuộc.
- Gợi câu chuyện cổ tích "Sự tích trầu cau" - nét đẹp truyền thống của con người Việt Nam, nhắn nhủ nghĩa tình anh em sâu đậm, tình cảm vợ chồng nhân nghĩa thủy chung.
- Phong tục đẹp "miếng trầu là đầu câu chuyện, miếng trầu nên dâu nhà người". Đất Nước gắn liền với lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc.
- Hình ảnh "cây tre" còn gợi lên hình ảnh của con người Việt Nam, cần cù, siêng năng, chịu thương, chịu khó. Gợi nhớ câu chuyện truyền thuyết "Thánh Gióng" - hình ảnh cậu bé với tình yêu nước, tinh thần chống giặc ngoại xâm.
- Đất Nước gắn liền với, thuần phong mĩ tục, truyền thống văn hóa của người Việt: bới tóc sau đầu để chú tâm làm việc, gợi câu ca dao bình trị dạt dào thương nhớ.
- Nhắc nhở về tình cảm vợ chồng sắt son, sâu nặng, đạo lí ân nghĩa thủy chung qua hình ảnh: "gừng cay", "muối mặn".
- Đất Nước gắn liền với những thứ bình dị, nhỏ bé, gắn bó với cuộc sống trong mỗi gia đình. "Cái kèo, cái cột": tục làm nhà của người Việt. Tục làm nhà sử dụng kèo, cột giằng giữ vào nhau làm cho nhà vững chãi, bền chặt, tránh được mưa gió, thú dữ.
- Truyền thống lao động cần cù, chịu thương, chịu khó "hạt gạo…": gợi nhắc thành ngữ "một nắng hai sương". Để làm ra hạt gạo ta ăn hàng ngày, người nông dân phải trải bao nắng sương vất vả gieo cấy, xay, giã, giần, sàng.
* Luận điểm 3: Lời khẳng định đầy tự hào: "Đất Nước có từ ngày đó…". Dấu ba chấm cuối câu chính là biện pháp tu từ dấu chấm lửng, lời dẫu hết nhưng ý vẫn còn, vẫn nung nấu và sục sôi.
* Luận điểm 4: Bàn luận về nghệ thuật: Đoạn thơ đậm đặc chất liệu văn hóa dân gian. Nhiều hình ảnh giàu sức gợi. Giọng điệu của đoạn thơ là giọng tâm tình thiết tha, trầm lắng, trang nghiêm.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/thuat-dac-nhan-tam-vao-de-thi-thu-tot-nghiep-mon-ngu-van-179240625192122665.htm