Sức khoẻ học đường với chất lượng học tập của học sinh phổ thông

09:26 - 24/04/2024

Sức khỏe học đường là sự thoải mái và hài lòng toàn diện về thể chất, tâm thần và xã hội của học sinh, không đơn thuần là tình trạng không có những bệnh và tật do các hoạt động trong khuôn viên nhà trường gây ra.

Ngày 2/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1660/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình "Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025" nhằm hướng đến mô hình "Trường học an toàn, học sinh khỏe mạnh".
Sức khoẻ học đường với chất lượng học tập của học sinh phổ thông- Ảnh 1.

Chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh trong trường học là biện pháp hàng đầu để học sinh có một thể trạng sức khỏe tốt nhằm làm tăng chất lượng và hiệu quả đào tạo học sinh thành những người phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Trường học an toàn, học sinh khoẻ mạnh

Trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ về số lượng trường phổ thông các cấp, mô hình nhà trường trên đây là lý tưởng. Nhưng chỉ còn 8 tháng nữa là chúng ta đón chào năm 2025 mà bóng dáng "nhà trường an toàn, học sinh khỏe mạnh" xem ra còn khá lu mờ. Nếu không có sự nỗ lực tham gia của cả xã hội thì trong ngành giáo dục chỉ có rất ít nhà trường phổ thông tiệm cận với mô hình nhà trường lý tưởng này.

Theo nhận xét của cá nhân, tôi cho rằng phải nhận thức lại đầy đủ khái niệm "Sức khỏe học đường", thao tác hóa khái niệm này một cách chi tiết để có thể lượng hóa việc chăm sóc sức khỏe, nghĩa là thấy được những công việc phải làm một cách khoa học và cụ thể.

Vấn đề đầu tiên hết sức nên làm là quay về khái niệm "Sức khỏe" trong Tuyên ngôn Alma Ata (1978).

Cách đây đã trên 45 năm, trong các ngày 6-9/12/1978 tại Almaty (trước là Alma Ata) của Kazakhstan, Hội nghị quốc tế về chăm sóc sức khỏe ban đầu đã diễn ra. Trước khi bế mạc, Hội nghị đã ra Tuyên bố trước các quốc gia trên thế giới về bảo vệ sức khỏe con người trên toàn cầu. Tuy đã tồn tại gần nửa thế kỷ, bản Tuyên ngôn này vẫn còn nguyên giá trị.

Nội dung tóm tắt của Tuyên ngôn Alma bảo vệ sức khoẻ con người trên toàn cầu

1. Sức khỏe là trạng thái khỏe mạnh hoàn toàn cả về thể chất, tâm thần và xã hội, không chỉ đơn thuần là sự vắng mặt của bệnh tật.

Sức khỏe là quyền cơ bản của con người để họ đạt được sự khỏe mạnh tốt nhất.

Sức khỏe là mục tiêu quan trọng nhất, đòi hỏi các ngành trong nền kinh tế quốc dân phải tham gia, chứ không chỉ là mục tiêu riêng của ngành y tế.

2. Sự bất bình đẳng về tình trạng sức khỏe giữa các nước phát triển và đang phát triển, cũng như giữa các dân tộc trong một nước là không thể chấp nhận cả về chính trị, kinh tế và xã hội.

3. Trên một trật tự kinh tế quốc tế mới, phải rút ngắn khoảng cách về tình trạng sức khỏe của các nước phát triển và đang phát triển. Bảo vệ sức khỏe là điều rất cần thiết để phát triển kinh tế - xã hội, để bảo vệ chất lượng cuộc sống và hòa bình thế giới.

4. Người dân có quyền và nghĩa vụ tham gia với tư cách là cá nhân riêng lẻ và là thành viên của cộng đồng trong việc lập kế hoạch và thực hiện việc chăm sóc sức khỏe của họ.

5. Chính quyền có trách nhiệm cung ứng đầy đủ các biện pháp y tế và xã hội cho sức khỏe người dân. Mục tiêu xã hội chính của chính quyền là đạt được sức khỏe tốt nhất cho người dân vào năm 2000.

Chăm sóc sức khỏe ban đầu là chìa khóa để đạt mục tiêu này, như một phần của sự công bằng xã hội.

6. Chăm sóc sức khỏe ban đầu (Primary Health Care) là chăm sóc sức khỏe thiết yếu dựa trên những phương pháp và công nghệ học thích hợp, khoa học, có thể chấp nhận về mặt xã hội và có thể tiếp cận dễ dàng cho cá nhân và gia đình trong cộng đồng. Chăm sóc sức khỏe ban đầu là chăm sóc toàn diện về phòng bệnh, chữa bệnh, về môi trường và các điều kiện sống.

7. Có 8 nội dung cơ bản của chăm sóc sức khỏe ban đầu là: giáo dục sức khỏe; phương pháp phòng ngừa bệnh tật; phương pháp kiểm soát dịch bệnh; cung cấp thực phẩm dinh dưỡng hợp lý; cung cấp nước sạch; vệ sinh cơ bản; chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em; kế hoạch hóa gia đình.

8. Các chính phủ phải hoạch định chính sách, xây dựng chiến lược và chương trình hành động thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu.

9. Các quốc gia có trách nhiệm hợp tác để tất cả mọi người trên thế giới được hưởng sự chăm sóc sức khỏe ban đầu.

10. Thay vì chi phí cho quân sự và các cuộc vũ trang xung đột, các nguồn lực và tài nguyên trên thế giới cần được giải phóng để phục vụ mục tiêu hòa bình, phát triển kinh tế, bảo vệ sức khỏe.

Các quốc gia tuân thủ quan điểm về sức khỏe trong Tuyên ngôn Alma Ata

Sức khoẻ học đường với chất lượng học tập của học sinh phổ thông- Ảnh 2.

Chăm sóc sức khỏe ban đầu (Primary Health Care) là mô hình lý tưởng để các quốc gia đạt mục tiêu sức khỏe cho tất cả mọi người. Nguồn: WHO

Sức khỏe học đường là sự thoải mái và hài lòng toàn diện về thể chất, tâm thần và xã hội của học sinh, không đơn thuần là tình trạng không có những bệnh và tật do các hoạt động trong khuôn viên nhà trường gây ra.

Chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh trong trường học là biện pháp hàng đầu để học sinh có một thể trạng sức khỏe tốt nhằm làm tăng chất lượng và hiệu quả đào tạo học sinh thành những người phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Tại nhiều quốc gia như Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Pháp, Đức, v.v… chăm sóc sức khỏe trong học đường là một chương trình có tính lâu dài, được tiến hành có sự quản lý chặt chẽ. Mục đích cao cả của chương trình là đào tạo thế hệ trẻ thành những công dân với một "tinh thần minh mẫn trong thân thể tráng kiện".

Để làm được việc này, nhiều nước đã lấy nội dung cải thiện tầm vóc và dinh dưỡng là khâu đột phá.

Nhà trường của Nhật Bản có bữa trưa học đường rất nổi tiếng. Theo một nghiên cứu tại Nhật Bản, những yếu tốt ảnh hưởng đến chiều cao con người như sau:

a. Chế độ dinh dưỡng chiếm 32%

b. Vận động thể dục, thể thao chiếm 20%

c. Môi trường tâm lý và xã hội chiếm 16%

d. Chủng tộc và di truyền chiếm 23%.

Như vậy, có 3 yếu tốt a, b, c ảnh hưởng đến chiều cao là những yếu tốt có thể cải tạo được (Modifiable factors), trong đó, hàng đầu là yếu tố dinh dưỡng. Chính vì vậy, trẻ em ở Nhật Bản đều dùng bữa cơm trưa tại trường. Đây là bữa ăn có các món khá đa dạng và phong phú; cân bằng về dinh dưỡng và thay đổi theo tính toán của các chuyên gia sức khỏe, sao cho trẻ em lớn lên có chiều cao được cải thiện, có một cơ thể không suy dinh dưỡng. Bữa ăn trưa học đường Nhật Bản là một hình mẫu cho thế giới tham khảo để nâng cao sức khỏe cho học sinh.

Ở Pháp, tại thành phố Montpellier, người ta tổ chức một nhà bếp với tên gọi là "Cuisine Central" (Nhà bếp trung tâm) mà nhiệm vụ của nó là cung cấp bữa ăn trưa cho tất cả học sinh phổ thông trong thành phố. Trong một lần tiếp đoàn đại biểu giáo dục Việt Nam đến tham quan, ông giám đốc của Cuisine Central nói rằng, "mọi học sinh trong thành phố, từ con nhà có thu nhập chưa cao đến những nhà giàu sang, hoặc gia đình các quan chức đều bắt buộc phải dùng bữa cơm trưa học đường do chúng tôi cung cấp. Mục tiêu của chúng tôi là sau khi tốt nghiệp phổ thông, tất cả học sinh đều đạt được một chiều cao và cân nặng mà nhà nước kỳ vọng. Bữa trưa học đường này là hoàn toàn miễn phí".

Nhật Bản xưa kia bị coi là một dân tộc lùn. Họ đã quyết tâm cải thiện tầm vóc thế hệ trẻ từ thời Minh Trị, nhưng thực hiện ráo riết từ sau Đại chiến thế giới lần thứ II, thông qua 2 giải pháp cơ bản là cấp dưỡng trong trường học và rèn luyện thân thể.

Từ năm 1950 đến năm 1985, chiều cao trung bình của các em học sinh nam và nữ Nhật Bản ở độ tuổi 12 đã tăng 14cm và 13,6cm; còn học sinh nam và nữ độ tuổi 17 đã có chiều cao trung bình là 170,2cm và 157,6cm. Theo một tài liệu vừa công bố, hiện nay, tính theo chiều cao trung bình, nam giới Nhật Bản cao hơn nam giới Việt Nam là 9cm; còn với nữ giới, kết quả tương ứng là 4,7cm.

Cùng với sự chăm lo sức khỏe học đường bằng dinh dưỡng trong trường học và luyện rèn thân thể là yếu tố tổ chức chương trình học tập trong nhà trường. Những quốc gia có nền giáo dục và chương trình học tập được công nhận tốt nhất thế giới là Phần Lan, Na Uy, Thụy Sĩ, Đan Mạch, Đức, Nga, Nhật Bản, New Zealand.

Học sinh Phần Lan không bị áp lực thi cử, giờ học ngắn, nhà trường không chú trọng về điểm số, thứ hạng trên lớp và thi cử. Suốt 6 năm học đầu tiên ở hệ phổ thông, học sinh không bị xếp hạng. Ở vào lứa tuổi 16, học sinh Phần Lan tham gia kỳ thi xét tuyển đại học. Với đông đảo học sinh, được vào đại học không phải là con đường vào đời tốt nhất, cho nên kỳ thi xét tuyển đại học hoàn toàn bình thường, êm đềm, vui vẻ.

Một đại diện của Bộ Giáo dục Quốc gia Phần Lan phát biểu trong một cuộc họp có đại biểu nước ngoài tham dự: "Chúng tôi không muốn kéo dài số ngày học trong tuần ở trường. Đây không phải là giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục. Học sinh ở Phần Lan không phải thi, mục đích học tập là giúp các em hạnh phúc hơn, biết tôn trọng bản thân và người xung quanh" (Trích The Conversation).

Học sinh Na Uy học ở trường từ thứ Hai đến thứ Sáu. Mấy ngày cuối tuần dành vào việc làm các bài tập tại trường. Kế hoạch học và nội dung sách giáo khoa ở Na Uy tập trung vào việc cá nhân hóa, học sinh học lực yếu không mệt mỏi đuổi theo học sinh khá và giỏi, học sinh khá và giỏi không phải chờ đợi học sinh chậm hiểu hơn mình. Na Uy không có trường chuyên lớp chọn, không có quan niệm môn học này là chính, môn học kia là phụ, môn học nào cũng quan trọng như nhau.

Na Uy chú trọng một hành trang tri thức cho học sinh đi vào cuộc sống, không tập trung đánh giá điểm số.

Ở Đan Mạch, học sinh từ lớp 1 đến lớp 7 không trải qua các bài kiểm tra và xếp loại một cách gắt gao. Sự phân loại và đánh giá chỉ diễn ra một cách kín đáo giữa giáo viên với phụ huynh học sinh.

Ở Đức, nhà trường đặc biệt chú ý bảo đảm sự bình đẳng giữa các em học sinh. Chương trình học tập trung vào tính trải nghiệm thực tế, hướng nghiệp sớm, gắn học tập trong nhà trường với lao động tại các xí nghiệp, sao cho khi ra trường học sinh dễ dàng tìm được việc làm. Có đến gần 50% học sinh học xong trung học đã theo học ở các trường đào tạo nghề mà không chọn trường đại học.

Nền giáo dục và hệ thống trường học ở các quốc gia này đã coi học sinh có được sự hài lòng và trạng thái hạnh phúc khi ngồi trên ghế nhà trường là một mục tiêu quan trọng. Các em học sinh đã không bị nhiều áp lực như:

- Không căng thẳng vì phải chạy theo lối học hướng đến thi cử, đánh giá xếp hạng, học tập với những chương trình quá thừa những kiến thức không cần thiết, thời gian học không kéo dài.

- Không bị áp đặt lối học nhồi sọ, áp đặt và học theo khuôn mẫu. Việc cá nhân hóa học tập đã giúp cho học sinh cảm thấy mình là nhân vật được tôn trọng.

- Hầu như học sinh không phải lo lắng về những chi phí học đường do được nhà nước chu cấp về sách giáo khoa, dụng cụ học tập, bữa ăn trưa và miễn phí việc học.

Các yếu tố ảnh hưởng đến sức khoẻ học đường tại Việt Nam

Trước hết, chúng ta cần phải thống nhất với thế giới về sức khỏe và sức khỏe học đường.

Chúng ta có một nền giáo dục phát triển nhanh, một hệ thống trường học được mở rộng không ngừng, bình đẳng giới trong học đường được thực hiện tốt trong nhiều năm.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, giáo dục đã không theo sát xu thế phát triển của thế giới, nhà trường không được quản lý chặt chẽ, tư duy giáo dục của không ít cán bộ quản lý và giáo viên trở nên lỗi thời… Nền giáo dục của chúng ta đã có những bất cập mà trước kia không hề có.

Có thể điểm ra một số hiện tượng tiêu cực đã ảnh hưởng xấu đến sức khỏe học đường:

Theo thống kê về phòng chống bạo lực học đường của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong 5 năm học từ 2017-2018 đến 2021-2022, đã có 2624 vụ bạo lực học đường với 7209 đối tượng có liên quan.

Tính trung bình, mỗi năm có trên 1600 vụ, mỗi ngày có 5 vụ. Cứ 11.000 học sinh thì có một em buộc phải đuổi học vì đã gây ra những kết quả không thể chấp nhận do hành vi bạo lực của mình.

Bạo lực học đường ở nước ta không chỉ trong nội bộ học sinh, mà còn rất nhiều vụ liên quan đến cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh học sinh. Hiện tượng giáo viên đánh đập học sinh khá nhiều và rất thô bạo. Ngay cả ở giáo dục mầm non, có những cháu nhỏ chưa đầy 2 tuổi cũng bị cô giáo đánh gây hậu quả nghiêm trọng. Giữa các giáo viên với nhau, giữa cán bộ quản lý nhà trường cũng có những vụ ẩu đả tại sân trường. Một số trẻ em gái chưa quá 15 tuổi cũng bị thầy giáo lạm dụng tình dục.

Một hiện tượng về bạo lực hiếm thấy trên thế giới là phụ huynh tấn công thầy giáo, học sinh đánh trả lại thầy cô và ứng xử hết sức vô văn hóa. Truyền thống "tôn sư trọng đạo" bị hoen ố, hình ảnh "Nhà trường thân thiện" bị lu mờ.

Nhưng tai hại đáng lo của bạo lực học đường là nhiều nạn nhân bị thương tật, tâm thần bị sang chấn, không ít học sinh bị trầm cảm, lo âu, không tập trung vào việc học hành. Một số vụ tự tử đã xảy ra rất thương tâm.

Cái yếu kém bộc lộ rõ rệt và đáng sợ về giáo dục phổ thông ở nước ta là sự lạc hậu về quan điểm đào tạo, sự lỗi thời trong cách dạy dỗ, sự quá tải về chương trình và tình trạng biến nhà trường thành thương trường.

Từ khi nền kinh tế chuyển đổi sang kinh tế thị trường thì trong giáo dục, người ta coi nhẹ giáo dục lao động và hướng nghiệp, tập trung vào học vì mục tiêu khoa cử. Nhiều trường học nhồi nhét kiến thức, coi nhẹ hình thành và rèn luyện những kỹ năng, thiếu quan tâm tới giáo dục các thái độ (quan hệ) cần thiết cho học sinh.

Học ở trường cả ngày lại học thêm buổi tối, nên học sinh không còn thì giờ để tiêu hóa kiến thức, không còn lúc nào tham gia rèn luyện thể lực, sinh hoạt văn hóa và văn nghệ. Hơn nữa, lối học nhồi sọ, học theo khuôn mẫu, học thuộc lòng đã làm cho học sinh có lối tư duy giáo điều trong một đầu óc nén chặt những mẫu câu văn, những đoạn học thuộc lòng về nghĩa vụ công dân và lịch sử dân tộc, mà rời giờ kiểm tra và kỳ thi sát hạch là quên hết.

Sợ học, chán học, trầm cảm vì học, sức khỏe bị bào mòn vì học… là đại sự của giáo dục phổ thông hiện nay.

Ngoài 2 hiện tượng có tác động tiêu cực nhất đến sức khỏe học đường, ta còn thấy có một số vấn đề khác.

Điều cần đề cập tới là tật khúc xạ mắt ở học sinh. Theo một tài liệu, học sinh từ 6-15 tuổi ở thành thị có tới 20-40% bị tật này. Còn ở nông thôn là 10-15%.

Suy dinh dưỡng thể thừa cân béo phì ở độ tuổi 15-19 có tới 19%, ở độ tuổi 5-10 là 12,2% và thể thấp còi là 14,8%.

Tật cong vẹo cột sống ở Hà Nội, Yên Bái, Hà Tĩnh, Cần Thơ có tỉ lệ 7,4% vào năm 2019 v.v…

Quyết định 1660/QĐ-TTg đã được ban hành là một lời cảnh báo về sức khỏe học đường ở nước ta đang có quá nhiều điều phải xem xét lại.

Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học phát động cuộc thi viết với chủ đề "Sức khỏe học đường vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước" và tổ chức chuỗi toạ đàm về vấn đề này, tôi có dịp bày tỏ một số quan điểm về chủ đề này và đề xuất một vài ý kiến về nội dung chuỗi hội thảo sắp tới.

1. Sức khỏe học đường cần được quan tâm như một Chương trình chăm lo sức khỏe ban đầu theo tinh thần của Tuyên ngôn Alma Ata, hướng vào mục tiêu tạo ra sự thoải mái ở mọi học sinh về sức khỏe thể chất (Physical Health), sức khỏe tâm thần (Mental Health) và sức khỏe xã hội (Social Health).

Tôi muốn nhấn mạnh về sức khỏe tâm thần chứ không phải sức khỏe tinh thần, muốn nói đến năng lực hòa nhập xã hội của học sinh và trạng thái vui vẻ, thoải mái của các em trong một cấu trúc quan hệ xã hội phức tạp, đan xen giữa trò với trò, thầy với trò, thầy với thầy, thầy với phụ huynh học sinh.

2. Mọi nguồn lực dành cho việc chăm sóc ban đầu đối với sức khỏe học đường cần định hướng chính vào nâng cao tầm vóc của học sinh sau 12 năm học phổ thông và sức khỏe xã hội với những chỉ số đo cơ bản là sự lanh lợi, tháo vát, có những kỹ năng giao tiếp, hỗ trợ bạn bè, tôn trọng mọi người.

3. Muốn có sức khỏe học đường tốt, vấn đề không chỉ là cần trường học an toàn, mà là phải có nhà trường lành mạnh – một nhà trường đề cao vai trò của văn hóa trường học.

Văn hóa trường học bao gồm văn hóa học tập, văn hóa dạy học, văn hóa sư phạm, văn hóa quản lý học đường, văn hóa ứng xử của học sinh v.v…

4. Trong điều kiện phát triển kinh tế như hiện nay, nhà nước nên có chính sách đầu tư cho các Trường phổ thông về các phương diện sau đây:

- Cố gắng tạo nhà trong nhà trường một bếp ăn, bảo đảm cho học sinh một bữa trưa học đường. Các chuyên gia dinh dưỡng ở địa phương có thể giúp nhà trường tổ chức bữa trưa học đường lành mạnh, có khẩu phần hợp lý. Trong điều kiện chưa thể cung ứng bữa ăn miễn phí thì tạo bữa ăn rẻ, an toàn thực phẩm, cân đối dưỡng chất trong tuần. Vận động các tổ chức xã hội tài trợ thêm cho bữa ăn này.

- Cần xóa bỏ các hàng quà bánh vây quanh trường học. Những món ăn ở các hàng quán vỉa hè thường thiếu vệ sinh, họ chọn thức ăn hấp dẫn học sinh hơn là thức ăn an toàn.

Nhà trường nên có căng tin, cung ứng những đồ dùng cần thiết trong học đường để thay những hàng bán ở cổng trường.

- Trong trường cần có bác sĩ học đường, chuyên gia tư vấn sức khỏe, hướng nghiệp, hướng học và khởi nghiệp.

- Chương trình học rất cần tinh giản, học những gì cần thiết, tăng cường hoạt động trải nghiệm. Học sinh sẽ làm bài tập ở trường. Số tiết học trên lớp của tiểu học là 5/ngày, còn ở trung học là 6/ngày. Thời gian còn lại dành cho hoạt động thể dục – thể thao, văn hóa – văn nghệ và lao động công ích.

- Bộ Y tế nên chú trọng công tác chăm sóc sức khoẻ hơn là điều trị, như vậy, việc chăm lo phát triển sức khỏe nhân dân được đề cao, công tác y tế chỉ là một bộ phận của việc chăm lo sức khỏe cho mọi người, trong đó việc phòng bệnh quan trọng hơn chữa bệnh.


Bài dự thi xin gửi về Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học:

Email: toasoan@congdankhuyenhoc.vn

Địa chỉ: Số 29/67 Đỗ Quang, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Sức khoẻ học đường với chất lượng học tập của học sinh phổ thông- Ảnh 4.


Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/suc-khoe-hoc-duong-voi-chat-luong-hoc-tap-cua-hoc-sinh-pho-thong-179240424101312489.htm