Ra đề kiểm tra Ngữ văn phản cảm thể hiện trình độ yếu kém của giáo viên
Đề kiểm tra môn Ngữ văn lớp 8 của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Bình (tỉnh Đồng Tháp) cho ngữ liệu phản cảm khiến giáo viên bức xúc, bày tỏ nhiều ý kiến trên mạng xã hội.
Trên Fanpage Ngữ văn Trung học cơ sở (có gần 400.000 thành viên) đăng tải đề kiểm tra môn Ngữ văn lớp 8 – học kì 1 năm học 2023-2024 – của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Bình (tỉnh Đồng Tháp) nhận được nhiều sự quan tâm bình luận của công dân. Bởi phần đọc hiểu đề kiểm tra này có nội dung như sau:
Đọc ngữ liệu sau và trả lời câu hỏi:
Sao chưa mời tôi ăn
Một người bị đau bụng mà không thể đi đại tiện được, bèn đến gặp thầy lang nhờ chữa trị. Anh ta hứa với thầy lang là khi nào được chữa khỏi sẽ mời ông một bữa thịnh soạn.
Thầy lang tin lời và bốc thuốc cho anh ta. Sau mấy ngày uống thuốc thì anh này khỏi bệnh và đi đại tiện bình thường được, nhưng tính ki bo nên muốn nuốt lời về bữa cơm, nên khi nào ông thầy lang hỏi thì cứ nói là chưa khỏi.
Ông thầy lang cũng đoán được là anh ta nói dối, bực lắm, bèn quyết định rình bắt quả tang. Một lần thấy anh ta lại đi ra đồng đại tiện, ông thầy lang liền bám theo. Khi anh này vừa đi xong đang kéo quần lên thì ngay lập tức ông thầy lang từ trong bụi cây chạy ra, một tay nắm tay anh ta, một tay chỉ vào đống phân mà quát:
– Anh thật là kẻ tham lam tráo trở. Ðã đi được một đống lù lù thế này, sao còn chưa mời tôi ăn hả?
(Theo Trương Chính – Phong Châu, Tiếng cười dân gian Việt Nam)
Câu 1: (2 điểm)
a) Văn bản trên thuộc thể loại nào?
b) Nêu đề tài của văn bản?
c) Xác định bối cảnh của văn bản trên?
Câu 2: (2,5 điểm)
a) Trong văn bản nhân vật nào làm bật lên tiếng cười? Thể hiện qua câu nào?
b) Thủ pháp gây cười của văn bản trên là gì?
c) Em rút ra được bài học gì cho bản thân sau khi đọc câu chuyện trên?
Câu 3: (1,5 điểm)
a) Tìm câu chủ đề trong đoạn văn sau: Một người bị đau bụng mà không thể đi đại tiện được, bèn đến gặp thầy lang nhờ chữa trị. Anh ta hứa với thầy lang là khi nào được chữa khỏi sẽ mời ông một bữa thịnh soạn.
b) Xác định nghĩa hàm ẩn trong câu sau: Ðã đi được một đống lù lù thế này, sao còn chưa mời tôi ăn hả?
Giáo viên Ngữ văn nói gì về đề Ngữ văn phản cảm?
Nhiều giáo viên dạy môn Ngữ văn bậc phổ thông nói rằng, thầy cô cảm thấy như không tin vào mắt mình khi đọc được một đề kiểm tra kì lạ như vậy.
Thứ nhất, về hình thức, đề kiểm tra trình bày lộn xộn. Ví dụ, sau dấu hai chấm mà còn sử dụng dấu ngoặc đơn. Chữ "hết" cuối đề kiểm tra không được tách xuống một dòng. Học sinh có được sử dụng tài liệu khi làm bài hay không, giám thị có được giải thích gì thêm hay không cũng không có ghi chú.
Cùng với đó, nhiều câu không phải là câu hỏi nhưng vẫn sử dụng dấu chấm hỏi. Ví dụ, câu 1b, 1c.
Thứ hai, về nội dung, đề kiểm tra cho ngữ liệu "Sao chưa mời tôi ăn" thiếu nguồn là nhà xuất bản, trang số mấy. Lẽ ra, người cần chú thích một số từ ngữ như: "đại tiện", "thầy lang", "tính ki bo", "tráo trở" thì học sinh lớp 8 (14 tuổi) mới có thể hiểu trọn vẹn được câu chuyện.
Bên cạnh đó, không ít giáo viên khẳng định, nội dung ngữ liệu thiếu tính thẩm mĩ cần có của văn chương. Đoạn văn có những từ ngữ, câu văn gợi hình ảnh như: "đại tiện", "đống phân", "Khi anh này vừa đi xong đang kéo quần lên…", "Ðã đi được một đống lù lù thế này, sao còn chưa mời tôi ăn hả?".
Cùng với đó, câu 2c hỏi: "Em rút ra được bài học gì cho bản thân sau khi đọc câu chuyện trên?". Học sinh trả lời theo các phương án mà các em tư duy, nhưng giáo viên sẽ chấm thế nào. Hơn nữa, việc đại tiện đặt bên cạnh miếng ăn là ý châm biếm của truyện tiếu lâm phê phán, trong khi đề kiểm tra yêu cầu rút ra ý nghĩa sâu sắc mang tính văn học của ngữ liệu.
Nhiều giáo viên còn cho biết, học sinh không thể trả lời câu hỏi 3b: Xác định nghĩa hàm ẩn trong câu sau: "Ðã đi được một đống lù lù thế này, sao còn chưa mời tôi ăn hả?", vì câu này không có nghĩa hàm ẩn nào cả.
Câu nói "Ðã đi được một đống lù lù thế này, sao còn chưa mời tôi ăn hả?" hoàn toàn mang nghĩa tường minh. Bởi vì, "một đống lù lù" đặt trong ngữ cảnh câu chuyện "Sao chưa mời tôi ăn" có nghĩa là đống phân (to, nhìn thấy rõ ràng) và "ăn" có nghĩa là bữa ăn (thịnh soạn như lời bệnh nhân đã hứa).
Liên quan đến đề kiểm tra Ngữ văn lớp 8 có ngữ liệu dung tục, phản cảm, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp khẳng định, đã kiểm điểm người ra đề, phản biện, duyệt đề.
Thế nào là một ngữ liệu ra đề Ngữ văn đạt yêu cầu?
Để chọn được một ngữ liệu đúng và hay cho đề kiểm tra thì đòi hỏi giáo viên phải đầu tư công sức, thời gian để đọc sách, báo và các tài liệu có liên quan đến bộ môn Ngữ văn.
Nhìn chung, ngữ liệu phải có giá trị về mặt thẩm mĩ; giá trị giáo dục; dung lượng phù hợp với thời gian làm bài của học sinh; nguồn trích dẫn có độ tin cậy; nội dung ngữ liệu cần phù hợp với tâm lí lứa tuổi học sinh.
Muốn làm được điều này, mỗi giáo viên cần chọn được một số ngữ liệu hay phù hợp với đặc trưng thể loại, khi được tổ chuyên môn phân công ra đề thì không bị động.
Nếu ngữ liệu dài, khó thì phải lược bớt, chú thích, cung cấp thêm một số thông tin có liên quan để giúp học sinh hiểu được văn bản.
Sau khi kiểm tra, tổ chuyên môn cần tổ chức họp để rút kinh nghiệm về những ưu, khuyết trong việc ra đề để hoàn thiện dần. Giáo viên cần sưu tầm những đề kiểm tra hay của trường bạn, của các địa phương trên cả nước đề có thêm nguồn tài liệu tham khảo dồi dào.
Ngoài ra, giáo viên cần đọc kĩ các bài đăng nói về đề kiểm tra Ngữ văn trên các tờ báo, tạp chí uy tín để có thêm thông tin khách quan, đa chiều. Đề kiểm tra nào hay thì học tập, đề nào còn "sạn" thì phải tránh.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/ra-de-kiem-tra-ngu-van-phan-cam-the-hien-trinh-do-yeu-kem-cua-giao-vien-179240109184853028.htm