Phúc lợi chưa tương xứng với cống hiến của nhà giáo?

16:21 - 08/04/2024

Mặc dù được tăng lương nhưng công việc giáo viên lại tăng gấp 2, 3 lần so với trước đây. Dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo viên phải đọc 3 bộ sách thay vì 1 bộ. Ngoài ra, hồ sơ, sổ sách (thủ công) vẫn là những công việc không tên khiến thầy cô giáo rất vất vả.

Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh vừa tổ chức tọa đàm "Pháp luật về nhà giáo của một số quốc gia và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam". Chia sẻ tại tọa đàm, Tiến sĩ Thái Thị Tuyết Dung, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Thanh tra - Pháp chế (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) phát biểu: "Áp lực từ xã hội kể cả văn hóa Á đông đặt trên vai nhà giáo nhiều sứ mệnh nhưng quyền, phúc lợi họ được hưởng chưa tương xứng, một số nơi chưa đáp ứng được kỳ vọng. Mức thu nhập, mức lương như vậy thì chúng ta cũng không thể đòi hỏi cao quá mức ở nhà giáo".
Phúc lợi chưa tương xứng với cống hiến của nhà giáo?- Ảnh 1.

Tiến sĩ Thái Thị Tuyết Dung: "Áp lực từ xã hội kể cả văn hóa Á đông đặt trên vai nhà giáo nhiều sứ mệnh nhưng quyền, phúc lợi họ được hưởng chưa tương xứng". Ảnh: Phương Lan

Tôi là một giáo viên bậc trung học phổ thông và tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến của Tiến sĩ Thái Thị Tuyết Dung khi bàn về mức lương của nhà giáo các cấp hiện nay.

Tôi dạy học được 15 năm, hệ số lương 3,99 (bậc 6), cộng cả thâm niên và phụ cấp chức vụ, mỗi tháng tôi nhận được khoảng 10 triệu đồng (mức lương tính từ 1/7/2023) sau khi đã trừ chi phí các khoản như bảo hiểm, công đoàn...

Với mức lương này, tôi phải dành một nửa thời gian đi dạy thỉnh giảng ở trường tư thục thì mới tạm đủ chi phí trang trải cuộc sống đắt đỏ ở Thành phố Hồ Chí Minh. Đa số đồng nghiệp của tôi phải dạy thêm (số ít), bán hàng online, kể cả chạy xe "ôm" công nghệ để mưu sinh.

Dạy học ở trường tư thục, lãnh đạo trả lương cho giáo viên chúng tôi theo năng lực. Cùng dạy lớp 12, có người được trả đến 200.000 đồng/tiết (45 phút) nhưng cũng có người chỉ được 150.000 đồng/tiết.

Trường tư thục đánh giá năng lực giáo viên theo bộ tiêu chí riêng. Trước tiên là khâu tuyển dụng nhân sự rất khắt khe, thông qua việc kiểm tra ngoại hình, giọng nói, phỏng vấn về chuyên môn nghiệp vụ và giảng dạy thử một số tiết.

Tiếp đến, trong quá trình dạy học, lãnh đạo tiếp tục đánh giá giáo viên qua điểm số học sinh từ các kì kiểm tra tập trung theo đề riêng. Rồi sự tín nhiệm của học sinh, phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm lớp, kể cả dư luận xã hội ở địa phương.

Điều này trường công lập rất khó làm hoặc không thể làm được vì giáo viên chủ yếu được đánh giá theo Luật Viên chức. Cuối năm học, hầu hết giáo viên đều được đánh giá mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Hiếm có giáo viên nào được đánh giá mức hoàn thành nhiệm vụ, ngoại trừ thầy cô giáo có hành vi vi phạm pháp luật hoặc vi phạm đạo đức nhà giáo. Vậy nên, giáo viên dạy giỏi và giáo viên dạy trung bình, thậm chí dạy yếu vẫn được trả lương theo hệ số.

Cứ sau 3 năm thì giáo viên được tăng 1 bậc lương nhưng cũng chỉ được thêm vài ba trăm ngàn đồng. Giáo viên lập thành tích có thể được xét tăng lương trước thời hạn nhưng cũng chẳng được là bao.

Từ năm 2021, giáo viên nào thăng hạng chức danh nghề nghiệp thì sẽ được chuyển hạng xếp lương. Tuy vậy, giáo viên cùng làm một nhiệm vụ như nhau nhưng hưởng mức lương khác nhau càng khiến thầy cô giáo bức xúc thêm.

Việc trả lương như thế này khiến giáo viên có năng lực bất mãn, làm việc cầm chừng. Còn giáo viên dạy mức trung bình thì cứ tại vị đợi đến tháng nhận lương, đến tuổi thì nghỉ hưu theo chế độ.

Hầu như lãnh đạo nào cũng muốn giáo viên nỗ lực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong việc giảng dạy, giáo dục học sinh. Nhưng ngược lại, cũng không nhiều thầy cô giáo tận tâm với công việc vì đồng lương được trả chưa tương xứng.

Đội ngũ nhà giáo đang hi vọng từ 1/7/2024, thời điểm cải cách tiền lương, thầy cô giáo sẽ được nhận một mức lương đủ sống. Thế nhưng, được biết lương giáo viên tăng trung bình khoảng 30% thì một giáo viên bậc 6 được tăng thêm khoảng 2 triệu đồng/tháng (vì đã cắt thâm niên).

Mặc dù được tăng lương nhưng công việc giáo viên lại tăng gấp 2, 3 lần so với trước đây. Chẳng hạn, dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo viên phải đọc 3 bộ sách thay vì 1 bộ. Ngoài ra, hồ sơ, sổ sách (thủ công) vẫn là những công việc không tên khiến thầy cô giáo rất vất vả và áp lực.

Vừa qua, chia sẻ với truyền thông về lương giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định lương giáo viên "được ưu tiên xếp cao nhất" theo Nghị quyết 29-NQ/TW. Nhưng sau hơn 10 năm ban hành, nghị quyết vẫn chỉ là chủ trương, không thể đi vào đời sống khi Chính phủ không quy định bảng lương riêng đối với nhà giáo.

Vậy nên, Tiến sĩ Thái Thị Tuyết Dung cho rằng "cần có luật Nhà giáo để có những chính sách toàn diện và đồng bộ hơn. Trong bối cảnh tự chủ hiện nay, không chỉ Nhà nước mà các trường cũng cần có trách nhiệm quan tâm tới nhà giáo" là rất đáng suy ngẫm. Hơn ai hết, các trường cần chủ động quan tâm đến đời sống cán bộ, nhà giáo, có động thái khiến họ gắn bó, yêu nghề và phát triển khả năng cống hiến cao hơn nhờ quy chế tự chủ riêng trong mỗi trường học. Đó sẽ là đòn bẩy khiến chất lượng nguồn nhân lực tăng lên, chất lượng dạy và học cũng tăng lên. 

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/phuc-loi-chua-tuong-xung-voi-cong-hien-cua-nha-giao-179240408162141281.htm