Nhận diện chương trình giáo dục phổ thông mới - nặng hay nhẹ?
Chương trình giáo dục phổ thông mới với mục tiêu giảm tải cho giáo viên và học sinh, giảm áp lực học hành, tuy nhiên, thực tế cần nhận diện: chương trình giáo dục phổ thông mới - nặng hay nhẹ?
Năm học 2022-2023, ngành giáo dục đã triển khai giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông 2018 được một nửa chặng đường. Các lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10 đang dạy bằng chương trình, sách giáo khoa mới. Nếu chỉ nghe những thầy cô là tác giả chương trình, tác giả sách giáo khoa nói thì mọi người sẽ nghĩ đến chuyện chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được giảm tải nhiều hơn chương trình hiện hành.
Tuy nhiên, từ thực tế, những giáo viên giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông mới như chúng tôi không cho là nặng hay nhẹ. Vấn đề đặt ra là có hợp lý và phù hợp với các cấp học hay không?
Bởi chương trình mới vẫn nặng ở một số môn, giáo viên và học sinh đều chưa tải hết. Một số môn tích hợp ở cấp trung học cơ sở thực ra là gộp môn nên lại dẫn tới việc học thêm, chuyện quá tải khi giảng dạy và học tập vẫn diễn ra.
Hàng ngàn trang sách giáo khoa cho học sinh lớp 1
Trong số các lớp học phổ thông, học sinh lớp 1 là lớp đầu tiên và các em đang còn rất nhiều bỡ ngỡ vì các em vừa bước qua cấp học mầm non, chưa được học chữ, học số và bắt đầu phải làm quen với hàng chục cuốn sách giáo khoa khác nhau. Thế nhưng, sách giáo khoa lớp 1 của chương trình giáo dục phổ thông mới vẫn có đến 9-10 cuốn sách.
Nhìn vào 2 cuốn sách giáo khoa Toán và Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều và lật số trang thấy tập 1 có 172 trang, sách giáo khoa tập 2 có 167 trang khổ 19 x 26.5 cm với một lượng kiến thức đồ sộ.
Sách giáo khoa môn Toán 1 có số lượng 172 trang khổ 19 x 26.5 cm. Như vậy, chỉ có 2 môn học chính của lớp 1 thì đã có 511 trang sách giáo khoa mà lớp học này có tới 9 môn học bắt buộc và tự chọn khác nhau. Một số môn ít tiết hơn nhưng cuốn sách giáo khoa ít nhất cũng trên 70 trang giấy nên bộ sách giáo khoa lớp 1 hiện nay đã lên đến trên một ngàn trang sách. Đó là chưa kể môn học nào cũng có sách bài tập, bổ trợ đi kèm với số trang tương đương với số lượng trang của sách giáo khoa.
Cũng chính vì thế, thời gian qua thì dư luận đã nhiều lần lên tiếng khi giá sách giáo khoa của chương trình mới cao gấp 4 lần sách giáo khoa hiện hành - đây thực sự là áp lực cho phụ huynh học chương trình mới. Bởi vì, ai cũng biết giá sách giáo khoa cũng chỉ là một phần ít so với những loại sách vở bổ trợ đi kèm- những cuốn sách luôn luôn có giá cao hơn mà các Nhà xuất bản, các nhà trường luôn biết cách "lồng ghép", nâng cao vị thế, vai trò để phụ huynh học sinh phải mua. Cho dù, danh mục mua sách có chữ "sách không bắt buộc".
Đối với cấp trung học cơ sở nhìn vào số môn của chương trình mới thì có vẻ ít hơn nhưng thực tế là nhiều hơn chương trình hiện hành. Các môn Lịch sử; Địa lý; Vật lý; Hóa học; Sinh học; Âm nhạc; Mĩ thuật là 7 môn ở chương trình 2006 thì bây giờ gộp vào 3 môn là Lịch sử và Địa lý; Khoa học tự nhiên; Nghệ thuật. Nên về cơ bản các môn này không có gì thay đổi về số tiết nhưng phức tạp thì nhiều hơn. Ngoài ra, cấp học này còn thêm 2 môn học mới là Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và Nội dung giáo dục địa phương.
Cấp trung học phổ thông thì có tới 8 môn học, hoạt động bắt buộc và còn thêm các môn tổ hợp, chuyên đề. Thành ra, số môn cũng tương đương với trước đây.
Áp lực học tập liệu có giảm?
Theo biên chế số tiết của chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1, lớp 2 là 1.015 tiết học, bình quân mỗi tuần là 29 tiết. Lớp 3 mỗi năm có 1.085 tiết học, mỗi tuần bình quân là 31 tiết. Như vậy, mỗi đứa trẻ 6- 8 tuổi phải học mỗi năm hàng ngàn trang sách và 1.015- 1.085 tiết học chính khóa.
Ngoài chương trình mới vẫn nặng về số môn, số tiết học thì chúng ta thất chương trình mới sẽ tăng thêm số buổi học so với hiện nay. Khác với chương trình hiện hành, học sinh tiểu học trong những năm tới đây khi mà thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới là sẽ học 2 buổi/ngày. Dù số tiết mỗi buổi học có ít hơn hiện hành nhưng việc học 2 buổi cũng sẽ tạo nên một áp lực cho học trò, nhất là những giai đoạn thời tiết không thuận lợi ở miền Trung và miền Bắc.
Cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông thiết kế học 1 buổi nhưng mỗi tuần cũng tương đương 29,5 và 29 tiết, tương đương với 5 buổi 5 tiết và 1 buổi 4 tiết học. Ngoài ra, học sinh còn phải tham gia các hoạt động giáo dục, các phong trào của nhà trường nên lịch học, tham gia các hoạt động cũng kín tuần.
Chính vì thế, dù rất hy vọng khi chương trình mới thì học sinh và giáo viên sẽ được giảm tải về chương trình, không còn cảnh phụ huynh phải đưa con đi học thêm hàng ngày…
Nhưng, cứ nhìn vào thực tế thì có lẽ chưa nói được điều gì vào lúc này, chương trình, sách giáo khoa mới - mọi thứ còn rất mông lung. Các môn học cũ gộp và thêm môn học mới . Tất nhiên chuyện dạy thêm, học thêm của cả thầy và trò rất khó để giảm bớt so với tình hình hiện nay.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nhan-dien-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-nang-hay-nhe-179230104103049342.htm