Nạn dạy thêm, học thêm biến tướng: Phụ huynh, giáo viên và học sinh đều bất bình
Năm học 2023-2024 chỉ mới bắt đầu được một tháng nhưng phụ huynh, giáo viên, học sinh đều bất bình trước nạn dạy thêm, học thêm biến tướng khắp các tỉnh thành trên cả nước. Trên một diễn đàn của học sinh Quảng Ninh có hơn 55 ngàn thành viên, có em học sinh đã bày tỏ sự bức xúc trước thực trạng này.
Học sinh muốn học thêm ở ngoài phải làm đơn cam kết chất lượng
Học sinh viết như sau: "Em là học sinh cuối cấp 2 - lớp 9, sắp bước vào giai đoạn ôn thi tuyển sinh. Em biết đây là thời điểm nhạy cảm về vấn đề học tập hơn so với các năm học trước. Việc học thêm là điều cần thiết, thế nhưng em khá bất mãn trước những yêu cầu kì quái của trường H. (xin phép giấu tên).
Nhà trường yêu cầu bắt buộc tất cả học sinh khối 9 phải học đầy đủ 3 môn Toán, Văn, Anh. Các môn khác ai muốn học thì đăng ký thêm. Học sinh nào đang học thêm với các thầy cô khác hoặc ở trung tâm thì phải nghỉ để về trường học.
Chuyện sẽ chẳng có gì để nói nếu như cách dạy của giáo viên ở trường này phù hợp với chúng em. Chỉ riêng môn Tiếng Anh đã có 3/4 học sinh trong lớp lớp nói rằng cô dạy rất khó hiểu.
Khi cô giáo chủ nhiệm thông báo với chúng em về việc hoàn thành đơn đăng ký học thêm tại trường và bắt buộc phải đăng kí môn chính, em cũng đã trao đổi với cô về việc này. Thế nhưng cô nói rằng "cô (cô giáo dạy tiếng Anh) là một giáo viên dạy giỏi nhiều năm liền, cũng là người ôn học sinh giỏi cấp tỉnh những năm gần đây, các em mới học nên chắc chưa quen cách dạy của cô".
Em hoàn toàn không phủ nhận việc cô là giáo viên dạy giỏi, nhưng điều quan trọng ở đây là cách dạy của cô hoàn toàn không phù hợp với lớp em. Khi em hỏi cô chủ nhiệm, nếu như chúng em vẫn kiên quyết học ở trung tâm thì sao, cô trả lời bắt buộc phải có đơn cam kết đảm bảo về chất lượng học tập.
Điều em thắc mắc là, nếu như chúng em học thêm bên ngoài phải làm đơn cam kết đảm bảo chất lượng học tập, vậy thì ai là người sẽ đứng ra cam kết với chúng em rằng: học thêm ở trường sẽ chắc chắn mang lại kết quả cao và đỗ vào trường công lập? Liệu có ai dám đứng ra cam kết điều đó với học sinh không?
Em còn được biết thêm, nhà trường yêu cầu tất cả các lớp phải có trên 70% học sinh đỗ trường công lập. Nếu lớp nào không đạt thì giáo viên chủ nhiệm lớp đó sẽ bị cắt khen thưởng và thi đua."
Vì sao học sinh phải đi học thêm?
Bàn về việc học sinh phải đi học thêm, một giáo viên ở Hà Nội đưa ra 4 nhận định:
Thứ nhất, hiện nay đề kiểm tra, đề thi ở phổ thông đa phần cao hơn yêu cầu mà học sinh cần đạt theo quy định của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Với các môn như Toán hay Vật lí, Hoá học, Sinh học thì cái cao hơn này không phải là kiến thức khoa học mà chủ yếu là mẹo giải và độ lắt léo về tính toán (được bao biện là độ thông minh).
Thứ hai, đa phần đề kiểm tra, đề thi là ngữ liệu giả định ít gắn với thực tiễn. Sở dĩ như vậy vì ta quen mô tả các hiện tượng tự nhiên một cách chính xác toán học, khác quá xa hiện tượng thực nên người ra đề cũng ngại ra đề gần gũi với hiện tượng thực vì sẽ bị rất nhiều sự soi mói và hô hoán lên là sai (so với sự chính xác của các tình huống giả định).
Thứ ba, có thể nói rằng nếu không học thêm, luyện thi thì nhiều câu hỏi trong đề thi tốt nghiệp không chỉ học sinh mà ngay cả giáo viên không tham gia luyện thi cũng không giải được trong thời gian quy định. Vì thế mới có chuyện như một thầy giáo ở Hà Tĩnh nói: "chỉ học mấy tiết trong chương trình thì đừng mong tiếp cận điểm 9, 10". Tuy nghe ra có vẻ lạ nhưng nó là sự thật hiện nay.
Thứ tư, muốn thay đổi thì đầu tiên phải từ bỏ quan niệm học để lấy điểm cao trong các kì kiểm tra, kì thi, tiếp theo là thay đổi triệt để đề kiểm tra, đề thi và cách kiểm tra, cách thi.
Làm sao để dẹp bỏ nạn dạy thêm, học thêm trong trường?
Chia sẻ về việc dẹp bỏ vấn nạn dạy thêm, học thêm trong trường, nhà giáo L.T.T. (Thanh Hóa) nói rằng, cách nhanh gọn nhất là bãi bỏ Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm (và cả Thông tư 04/2014/TT-BGDĐT quy định quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa), thay bằng một quy định mới là cấm.
Vì chính Thông tư 17 này đã cho phép dạy thêm, và từ đó sự biến tướng bắt đầu nảy sinh, dẫn đến tình trạng mất kiểm soát như hiện nay. Đây không phải là tư duy "không quản được thì cấm", mà là do chương trình giáo dục đã thay đổi, dẫn đến quy định cũ trở thành rào cản, và mâu thuẫn nặng nề với chương trình mới: từ học mỗi ngày 1 buổi, nay Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hướng đến học 2 buổi. Tức đã "thêm" về mặt thời gian. Vậy học thêm vào lúc nào nữa?
Trước đây học thêm và "hoạt động ngoài giờ chính khóa" là vì chương trình còn đơn điệu, nay hầu hết các môn "dạy thêm" đã được chính thức đưa vào chương trình quốc dân. Tức đã "thêm" về mặt nội dung. Nên nếu vẫn học thêm là gây chồng chéo, dẫm đạp lên nhau.
Mục tiêu thuộc bài (kiến thức) đã được thay bằng phẩm chất và năng lực, tức đã "thêm" về mặt phương pháp và tư tưởng. Nên quan trọng là cách tổ chức hoạt động giáo dục, chứ không phải giam học sinh để nhồi bài.
"Còn nhiều lý do nữa có thể nêu ra, nhưng về mặt chuyên môn, có lẽ chừng ấy đã đủ để phải ban ra một quy định mới, chấm dứt mọi hình thức dạy thêm trong nhà trường mà không cần do dự nữa", nhà giáo L.T.T. nêu ý kiến.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nan-day-them-hoc-them-bien-tuong-phu-huynh-giao-vien-va-hoc-sinh-deu-bat-binh-17923092714333281.htm